Lão nông gần 10 năm làm cầu bắc qua sông Ba

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)-Sinh ra và lớn lên bên dòng sông Ba, chứng kiến nguy hiểm rình rập mỗi lần người dân lội sông qua lại 2 bên bờ, gần 10 năm qua, ông Ksor Yan (thôn Plei Kđăm, xã Ia Kđăm, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) đã tự bỏ kinh phí làm cầu qua sông, giúp người dân đôi bờ đi lại thuận tiện.
Ông Ksor Yan (bìa phải) đã có gần 10 năm làm cầu bắc qua sông Ba giúp bà con đi lại thuận tiện hơn. Ảnh: Vũ Chi

Ông Ksor Yan (bìa phải) đã có gần 10 năm làm cầu bắc qua sông Ba giúp bà con đi lại thuận tiện hơn. Ảnh: Vũ Chi

30 năm theo cha mẹ chèo đò chở khách qua sông Ba, ông Yan thấu hiểu nỗi vất vả của người dân nơi đây vì giao thông cách trở đôi bờ. Năm 2010, khi Nhà nước đầu tư xây dựng cây cầu nối xã Ia Kđăm với trung tâm hành chính của huyện, nghề chèo đò của gia đình ông Yan dần trôi vào dĩ vãng. 3 chiếc đò được cất cẩn thận làm kỉ vật một thời cả gia đình chở khách sang sông. Tuy nhiên, vì khoảng cách từ trung tâm xã Ia Kđăm sang xã Ia Ma Rơn nếu đi theo đường chính sẽ kéo dài hơn 10 km nên để thuận tiện cho việc giao thương hàng hóa, làm nương rẫy, nhiều người dân các xã Chư Mố, Ia Kđăm, Ia Ma Rơn vẫn bất chấp nguy hiểm chọn cách lội qua sông Ba sang bờ bên kia.

Nhận thấy mối nguy hiểm rình rập khi lội sông, từ năm 2016, ông Yan bàn với gia đình đầu tư làm cầu tạm qua sông Ba đoạn từ thôn Plei Kđăm (xã Ia Kđăm) sang thôn Plei Rngol (xã Ia Ma Rơn). Ông Yan trầm ngâm: Các xã phía Đông sông Ba chưa có chợ nên đều tập trung sang chợ Ia Ma Rơn để lấy hàng hóa. Trong khi đó, người dân xã Ia Ma Rơn có nhiều diện tích đất canh tác nằm ở phía bờ Đông sông Ba. Như vậy, kể cả đi trao đổi hàng hóa hay đi làm rẫy, nếu đi đường chính, bà con phải đi vòng đoạn đường dài hơn 10 km từ xã lên trung tâm huyện, qua cầu rồi vòng xuống. Trong khi đó, nếu có cầu tạm qua đoạn sông này thì đoạn đường chỉ dài gần 1 km, giúp bà con tiết kiệm được thời gian.

Mỗi ngày có khoảng 60 lượt người qua lại cây cầu tạm. Ảnh: Vũ Chi

Mỗi ngày có khoảng 60 lượt người qua lại cây cầu tạm. Ảnh: Vũ Chi

Nói rồi làm, ông xin phép chính quyền địa phương làm cầu tạm qua sông. Cầu dài hơn 300 m, được làm từ những tấm ván ghép lại với nhau. Chân cầu là những cây gỗ lớn đóng sâu xuống lòng sông. Tuy đã cố gắng giằng buộc chắc chắn song mỗi năm một lần, cứ mùa nước lên, cầu lại bị nước lũ cuốn trôi. Ông Yan kể: Khoảng tháng 6 hàng năm, nước lũ thường dâng cao đột ngột về đêm nên không ai trở tay kịp. Mới hôm trước cầu vẫn còn đó nhưng sáng hôm sau, mặt nước trắng băng, cầu bị cuốn trôi về phía hạ nguồn. Có người đi đánh cá thấy bè gỗ trôi, báo cho gia đình ra vớt được tấm nào hay tấm ấy. Còn lại thì hầu như trôi mất tích. Trôi mất rồi thì làm lại, đầu năm sau nước sông cạn, ông lại cùng bà con dựng lại cầu.

“Cầu này được dựng lại ngày 3-1 vừa qua. Cả làng cùng chung tay giúp sức, tôi đốt 2 con heo cúng Yàng và thiết đãi bà con. Ván, gỗ do gia đình chuẩn bị từ trước với tổng kinh phí khoảng 15 triệu đồng. Vì phải làm lại hàng năm, nên để có kinh phí duy trì, mỗi phương tiện xe mô tô chạy qua, tôi thu phí 5.000 đồng/lượt. Với xe đạp, người đi bộ, các cháu học sinh, tôi không thu tiền. Nói là thu phí vậy thôi, chứ mình tạo điều kiện cho bà con là chính, ai khó khăn mình cho qua cầu miễn phí, nhiều người để dồn, lâu lâu gửi tôi một lần. Mỗi ngày có khoảng 60 lượt người, phương tiện qua sông. Tôi cũng vì vậy mà túc trực ở đầu cầu từ 5 giờ sáng đến 17 giờ”-ông Yan trải lòng.

Cứ như vậy, hình ảnh ông lão trong chiếc lán căng tạm bên sông đã trở nên quen thuộc với người dân 2 bên bờ sông gần 10 năm qua. Nóng bức ông xuống sông Ba tắm mát. Buồn buồn ông giăng lưới kiếm cá ăn. Ông bảo cái mạng mình gắn với sông nước rồi, không rời đi được. Được trời thương, từ ngày làm cầu đến nay, chưa có trường hợp bất trắc xảy ra với người đi cầu. Chỉ có vài người uống rượu không làm chủ được tay lái té cả người cả xe xuống sông. Thấy vậy, ông vội vàng bơi xuống giúp, rất may thần nước, thần sông đỡ, người chỉ bị xây xước nhẹ. Ánh mắt đượm buồn nhìn về xa xăm, ông Yang ngậm ngùi: “Chắc mình chỉ làm cầu được năm nay nữa thôi. Già rồi, đau nhức khắp người, sang năm không làm nổi nữa. Chỉ mong Nhà nước đầu tư thêm cây cầu kiên cố cho bà con đỡ vất vả”.

Ngày ngày 2 lượt qua sông, chị Lê Thị Kiều (buôn Plei Kđăm, xã Ia Kđăm) chia sẻ: “Xã không có chợ cũng như tạp hóa lớn nên hàng ngày tôi đều phải sang xã Ia Ma Rơn lấy hàng khô và rau, củ, quả về bán lại cho bà con. Đi đường chính xa quá nên tôi đi qua cầu tạm cho nhanh. Ban đầu đi cũng run lắm nhưng đi miết thành quen. Dù vậy, 6 tháng trong năm tôi cũng phải đi đường chính vì nước sông dâng cao, cuốn cầu trôi mất. Bà con ai cũng mong có cây cầu kiên cố tại vị trí này để không bị cách trở trong mùa mưa”.

Ông Ksor Yan luôn dõi theo mỗi lượt người, phương tiện qua sông để đảm bảo an toàn. Ảnh: Vũ Chi

Ông Ksor Yan luôn dõi theo mỗi lượt người, phương tiện qua sông để đảm bảo an toàn. Ảnh: Vũ Chi

Còn anh Siu Biên (thôn Ma Rin 2, xã Ia Ma Rơn) bộc bạch: “Gia đình có 2 ha mì ở bên xã Ia Kđăm nên phải qua sông thường xuyên để chăm bón. Nếu chở phân bón thì bắt buộc đi đường chính còn lại tôi đi qua cầu tạm để tiết kiệm thời gian. Dân làng 2 bên bờ biết ơn ông Yang nhiều lắm. Sắp tới nếu ông nghỉ, bà con chắc lại phải lội sông”.

Trao đổi với P.V, ông Ksor Miên-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Kđăm-cho biết: Mặc dù đã có cây cầu kiên cố nối liền xã với trung tâm hành chính huyện nhưng để thuận tiện cho việc giao dịch hàng hóa và làm rẫy, nhiều người dân vẫn chọn đi cầu tạm để tiết kiệm thời gian. Cây cầu được làm bằng gỗ, do gia đình ông Ksor Yan đầu tư kinh phí. Trước khi dựng cầu, gia đình đều xin phép chính quyền địa phương, cam kết đảm bảo an toàn và gỗ dựng cầu được tận dụng từ vật liệu có sẵn, không chặt phá rừng. Mùa mưa lũ, chính quyền địa phương cùng lực lượng Công an xã cử người túc trực, cắm biển tại 2 bên đầu cầu khuyến cáo người dân không qua lại để đảm bảo an toàn. Trong các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân kiến nghị Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng thêm cây cầu kiên cố tại khu vực này nhưng do nguồn kinh phí quá lớn nên các ban, ngành ghi nhận để đề xuất lên cấp có thẩm quyền.

Có thể bạn quan tâm

Năm 2025 là cao điểm 350 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát

Năm 2025 là cao điểm 350 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát

(GLO)- Đó là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp trực tuyến toàn quốc lần thứ hai của Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước vào chiều 12-1 để đánh giá tình hình, kết quả thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát.