(GLO)- Chiều 21-9, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Thị Thanh Lịch đã làm việc với đoàn công tác Viện Kinh tế-Văn hóa (Liên hiệp các Hội Khoa học-Kỹ thuật Việt Nam) do Tiến sĩ Trần Văn Túy-nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Trưởng ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV làm Trưởng đoàn xung quanh vấn đề liên kết phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh.
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Đức Hoàng-Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch-cho biết: Trên cơ sở đánh giá thực trạng hoạt động du lịch của tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình số 43-CTr/TU ngày 26-6-2017 về thực hiện Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với nhiều nhóm giải pháp đổi mới, chương trình hành động, chính sách đột phá; cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng du lịch…
|
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch mong muốn đoàn công tác của Viện Kinh tế-Văn hóa thông qua việc khảo sát có những đề xuất hỗ trợ tỉnh phát triển du lịch. Ảnh: Minh Nguyễn |
Nhờ đó, tốc độ phát triển ngành du lịch có sự chuyển biến rõ nét, doanh thu và lượng khách du lịch tăng nhanh, ổn định qua từng năm, cơ sở vật chất du lịch từng bước được đầu tư nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch của tỉnh, công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư được tăng cường. Đến nay, toàn tỉnh có 139 cơ sở lưu trú, tăng 58 cơ sở so với năm 2017; trong đó có 1 khách sạn 4 sao, 4 khách sạn 3 sao, 11 khách sạn 2 sao, 32 khách sạn 1 sao, 91 khách sạn, nhà nghỉ, nhà khách.
Giai đoạn 2017-2022, tổng vốn ngân sách nhà nước đầu tư cho hạ tầng du lịch hơn 375 tỷ đồng, tập trung vào những điểm du lịch trọng yếu, có khả năng thu hút, kêu gọi đầu tư ở các địa bàn trọng điểm của TP. Pleiku, thị xã An Khê, huyện Kbang, Chư Păh gồm: Biển Hồ, Quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo, di tích sơ kỳ Đá cũ Rộc Tưng, Khu di tích lịch sử cách mạng của tỉnh tại xã Krong, Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, núi lửa Chư Đang Ya, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh; dự án hạ tầng du lịch tỉnh Gia Lai.
Đặc biệt trong giai đoạn này, tỉnh đã thu hút, kêu gọi đầu tư 29 dự án (tổng vốn đăng ký 9.407 tỷ đồng) trên lĩnh vực du lịch. Đáng chú ý, mới đây Gia Lai tổ chức thành công hội nghị xúc tiến đầu tư và đã ký kết 3 biên bản ghi nhớ với tổng vốn 26.700 tỷ đồng thuộc lĩnh vực du lịch. Một số dự án đã có nhà đầu tư đăng ký khảo sát như: Dự án khu đô thị sinh thái khu vực miệng núi lửa cũ (phường Hoa Lư, TP. Pleiku); Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Ia Ly; Khu nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái Thác Công chúa; Khu du lịch sinh thái hồ Ia Băng; Dự án lòng hồ thuỷ điện Sê San 4-thác Mơ (huyện Ia Grai)…
|
Tiến sĩ Trần Văn Túy đề nghị tỉnh Gia Lai cần có cơ chế chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển du lịch trong thời gian tới. Ảnh: Minh Nguyễn |
Tại buổi làm việc, các thành viên đoàn công tác đã trao đổi, tìm hiểu thêm về định hướng, giải pháp phát triển du lịch của tỉnh như: công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch; công tác tuyên truyền, quảng bá, xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng và liên kết, hợp tác phát triển du lịch. Theo đó, Tiến sĩ Trần Văn Túy đề nghị tỉnh cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển du lịch trong thời gian tới; chú trọng khôi phục và bảo tồn các giá trị văn hóa. Bên cạnh đó, cần có cơ chế đặc thù thu hút nhà đầu tư để tạo ra giá trị du lịch ngày càng hiệu quả, định vị được các sản phẩm du lịch đặc trưng, riêng biệt so với các tỉnh khác trong khu vực.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch mong muốn thông qua thông qua kết quả khảo sát thực tế về liên kết phát triển du lịch tại tỉnh, Viện Kinh tế-Văn hóa đưa ra những khuyến cáo, kiến nghị, đề xuất cho tỉnh để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của tỉnh gắn với khu vực Tây Nguyên; đồng thời, hỗ trợ, tạo điều kiện giúp tỉnh xây dựng các đề án đầu tư phát triển du lịch. Đặc biệt là các chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa Gia Lai với các tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế; hỗ trợ chính sách phát triển du lịch đặc thù cho từng vùng nhằm tạo đòn bẩy góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
MINH NGUYỄN