Làng và những cái tên… xứ Hàn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Bế đứa con thứ 2 mới vài tháng tuổi, từ trong căn bếp ấm, chị Chănh (thôn Broch 1, xã A Dơk, huyện Đak Đoa, Gia Lai) í ới kêu thằng con trai đầu: “Cha-ri, Cha-ri!” khi chúng tôi đến tìm. Cha-ri chính là tên của nhân vật Moon Chae Ri-một trong 4 nhân vật chính của bộ phim Hàn Quốc “Khi mùa xuân về”.
Cậu bé Cha-ri 6 tuổi, áo quần xộc xệch nhưng có gương mặt sáng sủa nhanh chóng chạy vào bếp khi nghe mẹ gọi. Chị Chănh chỉ cười giòn khi chúng tôi hỏi vì sao chị lại đặt tên con là Cha-ri; hẳn chị đã lấy cái tên này từ phim đặt cho con (chỉ có điều, Chae Ri trong phim lại là một… cô gái!). Ngược lại, đứa con thứ hai còn đang ẵm ngửa của chị thì lại có một cái tên rất Âu-Mỹ: Ra-chel.
Không chỉ có gia đình chị mà nhiều người khác trong làng cũng đang theo phong trào (không biết do ai khởi xướng): Đặt tên con theo tên nhân vật trong các bộ phim, chủ yếu là phim Hàn Quốc vốn đang “lấn sóng” trên các kênh truyền hình.
Bà Angla cùng 2 đứa cháu ngoại (từ trái sang): Hy-chơng và Cha-ri, những cái tên được đặt theo tên nhân vật trong phim Hàn Quốc. Ảnh: Phương Duyên
Bà Angla cùng 2 đứa cháu ngoại (từ trái sang): Hy-chơng và Cha-ri, những cái tên được đặt theo tên nhân vật trong phim Hàn Quốc. Ảnh: P.D
Người Bahnar, tên… Hàn Quốc
Xã A Dơk có 10 thôn với dân tộc Bahnar chiếm đa số, nhưng những đứa trẻ từ vài ba tuổi cho đến đứa sắp vào lớp 1 đều mang những cái tên rất… điện ảnh. “Đặc biệt, trong vòng 2 năm trở lại đây, rất nhiều người dân trong xã thi nhau đặt tên con theo kiểu Hàn Quốc”-vừa lật giở cuốn sổ đăng ký khai sinh của xã, chị Nguyễn Thị Hoài Thu-cán bộ Tư pháp-Hộ tịch xã A Dơk, vừa chỉ rành rành những cái tên rặt... phim Hàn: Cha-ri, Chun-sơk, U-ri, Sin-chê, Si-chun, Xi-a, Su-ny, The-man, Tha-ri…, trong đó 2 thôn có số trẻ được đặt tên theo tên nhân vật trong… phim nhiều nhất là thôn Broch 1 và Djrông.
Rõ ràng, cũng như các bà nội trợ thị thành, những chị phụ nữ ở A Dơk say phim Hàn còn hơn men rượu cần. Khi chúng tôi đang chuyện trò cùng chị Chănh ở thôn Broch 1 thì tình cờ gặp bà Angla-mẹ chị, vui vẻ bế cháu sang chơi. Đứa cháu gái gần 2 tuổi này cũng được bố mẹ đặt cho cái tên đáng yêu không kém anh chị họ: Hy-chơng. Hỏi Hy-chơng là tên nhân vật trong phim nào, bà chỉ lắc đầu cười: “Ưh kơbăt!” (không biết-P.V). Quả thật khó mà nhớ nổi tên những nhân vật này khi mà hàng chục, hàng trăm bộ phim của Hàn Quốc  thi nhau xuất hiện trên truyền hình trong những năm gần đây. Thế nhưng, dựa theo kỳ vọng của gia đình khi đặt tên cho con thì có thể đoán chắc đây đều là những nhân vật xinh đẹp (hoặc điển trai), có tư chất thông minh, sáng láng, bản lĩnh, đáng yêu, tốt bụng… và hẳn là đã lấy không ít nước mắt của khán giả.
Ở thôn Djrông, chúng tôi cũng may mắn gặp được Chun-sơk. Trong khi chàng diễn viên Hàn Quốc từng thủ vai Chun-sơk chắc hẳn đang vi vu ở một phim trường nào đó và ghi hình cho những bộ phim tiếp theo thì chàng Chun-sơk tại đây, 6 tuổi, chẳng có chút gốc gác gì ở xứ Kim chi, đang mồ hôi mồ kê đầm đìa vì mải mê chơi bóng đá với bạn bè cùng xóm. Chàng vừa chơi vừa tò mò liếc nhìn chúng tôi, thỉnh thoảng khoe một nụ cười nghịch ngợm.
Tuy nhiên, cũng tại Djrông, lại có một số gia đình thích đặt tên con theo tên… cầu thủ nổi tiếng thế giới: Ka-phu, sinh năm 2009 (tên cầu thủ Marcos Cafu của đội tuyển Brazil) và Mes-si, sinh năm 2010 (cầu thủ Messi của đội tuyển Argentina). Anh Krưp, bố của Mes-si, hào hứng cho hay, anh rất mê cầu thủ Messi, thời điểm vợ anh có mang là lúc Messi đang đá cho Câu lạc bộ Barcelona tại Cup C1, châu Âu (Champions League) và đang nổi như cồn với những bàn thắng tuyệt đẹp. “Mình mong muốn sau này nó sẽ là cầu thủ giỏi”-anh Krưp không giấu vẻ hài lòng với tên gọi mà anh đã đặt cho cậu con trai cưng.
Hòa nhập và “hòa tan”
Có thể thấy, đời sống vật chất, tinh thần ngày càng được nâng cao, điện về từng thôn, từng nhà, hầu như nhà ai cũng có ti vi… là những đổi thay hết sức đáng mừng trong những năm gần đây ở A Dơk, một xã “điểm nóng” trước kia của huyện Đak Đoa. Theo đó, có thể thấy bản sắc của xã vùng II này cũng hòa nhập (và cả “hòa tan”) vào đời sống văn hóa-xã hội một cách nhanh chóng, trong đó có thực trạng đặt tên theo phim chứ không theo truyền thống. “Người dân ở đây khi đến làm khai sinh đều ghi rất rõ tên con mình muốn đặt ra giấy, cán bộ Tư pháp-Hộ tịch chỉ ghi theo đúng cái tên đó chứ không được hỏi sâu. Nếu có thắc mắc sao giống tên Hàn Quốc vậy, họ chỉ cười”-chị Hoài Thu nói. Khó trách, bởi pháp luật cũng không cấm đoán khắt khe việc đặt tên con (trừ tên lãnh tụ). Song, một số gia đình ở A Dơk cũng đặt tên con theo phim với một “cái lý” riêng. Chẳng hạn, chị Chănh giải thích: Cha-ri có gốc từ âm ghép “Ch” trong tên chị; hoặc như anh Anu, bố của Chun-sơk thì cho biết “Chun” lấy gốc từ âm ghép “Ch” trong tên của… ông bác tên là Chut!
Không thể phủ nhận rằng phim ảnh đã thay đổi nếp sống của người dân A Dơk rất nhiều. Chị Thu cho biết, trước đây, khi ở xã có bất cứ một chương trình văn nghệ nào thì người dân cũng đến xem đông nghịt, nhưng nay nếu chương trình chẳng may diễn ra đúng vào giờ phát sóng một bộ phim hay thì y như rằng buổi biểu diễn chỉ lác đác người xem. Kết cục: Thời phim Hàn, những đứa trẻ Bahnar ùn ùn mang tên Hàn, rồi không biết đến thời phim Mỹ, Pháp, Đức… thì thế nào? Khổ nhất và bối rối nhất có lẽ sẽ là các thầy-cô giáo mỗi lần xướng tên và ghi sổ điểm.
Dễ dàng suy đoán rằng đây sẽ không chỉ là thực tế tại A Dơk, bởi xã này nằm rất gần với các xã Ia Băng, Glar… Trong khi đó, hiện tượng văn hóa-tích cực lẫn tiêu cực-thường lan rất nhanh. Nghe câu chuyện này, một đồng nghiệp lớn tuổi có nhiều năm gắn bó với Tây Nguyên lắc đầu: “Xưa chỉ có dân tộc Vân Kiều đổi họ theo Bác Hồ. Nay thì đặt tên loạn xạ, mất gốc hết…”. Có lẽ, nhiều người cũng sẽ đồng tình rằng, cái tên chính là văn hóa. Chạy theo những cái tên ngoại quốc xa lạ cũng chính là đang đánh mất dần gốc rễ văn hóa…
Phương Duyên

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.