Làng săn dơi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Có một ngôi làng kỳ lạ, họ ăn một thứ thịt của Giàng ban cho, họ cất giữ làm thức ăn quý cho cả năm. Đó là thịt dơi ở ngôi làng Nước Chạch.

Chúng tôi đến làng Nước Chạch khi ở đây đang diễn ra một “ngày hội” lớn của người H're. Đó là săn dơi. Không khí ấy vẫn còn và kéo dài đến hết mùa mưa. Họ đang quây quần bên ché rượu uống thâu đêm với một món mồi duy nhất là thịt dơi.

Kỳ tích hang dơi


 

Lưới dùng để săn dơi. Ở làng nhà nào cũng có. Ảnh: Trường Đăng
Lưới dùng để săn dơi. Ở làng nhà nào cũng có. Ảnh: Trường Đăng

Ngôi làng ẩn mình dưới chân núi Brăng (thuộc xã Ba Xa, huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi), nơi có một hang động lớn, hằng năm vào mùa mưa dơi tập trung về hang trú ngụ. Lúc dơi về đông nhất, già làng cúng làm lễ rồi già trẻ, gái trai, gần như cả làng mang gùi vào hang săn dơi về làm thức ăn. Họ đi đông như ngày hội khi mùa đã gặt xong.

Cách làng nửa ngày đường đi bộ, trở năm lần rựa là tới hang động dơi. Già làng kể lại, trước kia, thời ông nội của ông có một người miền xuôi đi lạc vào rừng. Thời ấy cọp, beo nhiều người này tìm nơi để ẩn nấp thì lạc vào một hang động. Hang này rất kỳ lạ, cứ như một đường hầm thông suốt, đông đảo loài thú về đây sinh sống, trú ngụ. Đặc biệt nhất là dơi núi, hang như một thiên đường để loài dơi về đây quần tụ, chúng bám dày đặc trên vách hang. Vì đói, ông bắt dơi nướng ăn. Không ngờ thịt dơi ăn rất ngon, ông bắt mang theo làm lương thực tìm đường về.

Người miền xuôi này gặp dân trong làng đi làm nương trên núi Brăng, họ chỉ cho ông đường về sau một thời gian dài sống quanh quẩn hang dơi. Để cảm ơn, ông dẫn họ chỉ hang và chỉ họ hưởng nguồn lương thực vô tận trong hang động. Từ đó, năm nào làng cũng tổ chức vào hang bắt dơi và coi đó là món ăn đặc biệt của làng.


 

Ông Phạm Văn Carốc chuẩn bị dụng cụ cùng làng đi săn dơi. Ảnh: Trường Đăng
Ông Phạm Văn Carốc chuẩn bị dụng cụ cùng làng đi săn dơi. Ảnh: Trường Đăng

Hang dài khoảng một km, rộng bằng dãy nhà rông chạy thông từ núi Ba Bò đến đỉnh Brăng. Trong hang rất tối, chỉ có hai cửa ở hai đầu, thỉnh thoảng có vài cái giếng sâu thăm thẳm thông với dòng sông Re. Nếu lỡ chân rơi xuống giếng ấy thì thân xác sẽ được đưa xuống làng trước khi đi bộ về kịp. Đây là nơi dơi núi trú ngụ rất đông, mùa nào mưa nhiều chúng về chật cả hang.

Người dân cho biết, trong đàn dơi có hai con dơi chúa, to bằng con gà, lông màu trắng, ở chân có đeo vòng (có thể bằng vàng hoặc bằng đồng). Từ thời ông cha mình đến nay, ai bắt được con dơi này thì phải thả, không được giết thịt. Đó là ông tổ của đàn dơi, rất linh thiêng.

Để đi được tới hang dơi phải băng qua hai ngọn đồi, nhiều con suối, sông và thác. Đi bắt dơi phải đi vào lúc mưa to nhất, khi nước các con suối lên cao. Có những dòng suối muốn qua được phải giăng dây làm cầu hay cả làng nắm tay nhau cùng lội. Băng qua những con nước dữ, đu mình qua vực thẳm, những người H're đi bắt dơi như những người dơi vắt mình qua vách núi.

Món ăn của làng


 

Sau khi thui xong, thịt dơi được trộn với cơm nóng cùng với muối bỏ vào ché làm mắm. Ảnh: Trường Đăng
Sau khi thui xong, thịt dơi được trộn với cơm nóng cùng với muối bỏ vào ché làm mắm. Ảnh: Trường Đăng

Mỗi năm duy nhất có một lần, làng tổ chức vào hang săn dơi. Phạm Văn Trót, mới 22 tuổi nhưng đã thâm niên 8 lần đi săn dơi tâm sự: “Thích lắm, ngày đi bắt dơi là vui nhất. Bọn con trai, con gái ai cũng thích, cái bụng nó rạo rực mấy ngày khi già làng chuẩn bị cúng thân”.

Cúng thân là nghi lễ bắt buộc phải có trước khi làng đi bắt dơi. Già làng rước thầy về cúng giữa làng trước ngày đi. Nhà nào đi bắt dơi thì tập trung lại nghe dặn dò và cầu nguyện để tránh gặp nạn, bắt được nhiều dơi. Sau lễ cúng, họ kiêng cữ để giữ sạch mình như không đi ra ngoài, không uống rượu, vợ chồng phải ngủ riêng…Sự linh thiêng và hiểm trở của hang dơi đã tạo cho người dân một thói quen cẩn trọng nên việc cúng tế là nghi lễ không thể thiếu.

Ngày đi được định trong ngày cúng. Tờ mờ sáng, gần như cả làng, già trẻ gái trai ai có sức đều đi, cả trăm người mang gùi, lưới, vác rựa kéo nhau băng suối, trèo thác đến hang dơi. “Có mùa nào Trót hoặc thanh niên ở đây không đi không?”, “Không có đâu, ai cũng đi hết, có sức là đi. Mình không đi thì bị làng chê “cái bụng mày chỉ biết ăn mà không biết đi, bị chê là lười mọi người không cho ăn dơi đâu”.

Không ai nói, nhưng đi săn dơi là biểu thị sức mạnh của làng, của từng nhà, từng cá nhân, nhất là trai tráng. Chặng đường đến hang là sự thử thách. Những chàng trai lấy chuyến đi săn dơi đầu tiên để đánh dấu sự trưởng thành như con gà mới mọc cựa; người thì lấy chuyến đi cuối cùng để biết sự già nua như heo rừng đã rụng răng nanh. Năm nào làng đi đông, bắt được nhiều dơi thì năm đó được mùa, ít đau ốm.

Đến hang dơi, một số người khỏe mạnh vác đá dội, chắn một cửa hang. Âm thanh trong hang vang, dội đi dội lại cùng tiếng hò reo vang lên náo động cả núi rừng. Đàn dơi thả cánh bay ra cửa. Ở đó lưới đã giăng. Khi những gùi đầy, mặt trời đã ngả bóng, họ làm thịt một vài con dơi to nhất cúng giàng (trời), cúng tổ dơi rồi mới ra về.

 

Mắm dơi là món ăn độc đáo của làng Nước Chạch. Dơi bắt về làm thịt, nướng nhẹ rồi trộn với cơm hoặc bắp vừa nấu xong còn nóng với một ít muối rồi bỏ vào ché đậy kín. Cách muối mắm này có thể để dành thịt được khoảng 3 tháng. Khi ăn chỉ cần lấy dơi ra rồi xào nấu hoặc nướng, mùi thịt dơi vẫn còn giữ nguyên: thơm, ngon.

Dơi bắt về nhiều, làm thịt ăn trong mấy ngày, phần còn lại ăn không hết đem phơi khô hoặc làm mắm để giành ăn lâu hơn. Ông Phạm Văn Carốc vừa nướng thui xong rổ thịt dơi, cho biết: “Cái này làm mắm để giành được vài tháng. Khi nào đến mùa gặt là lấy ra ăn”. Ông chỉ tay về phía cánh đồng bậc thang trèo lên các chân núi, lúa non vừa mới nảy lá mầm. Họ sạ lúa xong là đi bắt dơi và ăn hết một mùa gặt.

Những ngày này làng như ngày hội. Tụm năm tụm bảy, họ mang ché rượu cần ra uống cùng món thịt mà theo họ là ngon nhất. Nhà nào già yếu không có người đi săn thì họ đem tới chia sẻ, người gói lại làm quà gởi cho khách quí. Miếng thịt này ngon còn ở cái nghĩa tình làng xóm, họ quân quần kể những chiến tích cho trẻ con nghe, để chúng lớn lên cứ thế nối bước vào hang dơi.

Một năm chỉ có một mùa: mùa săn dơi, mùa ăn dơi. Lủng lẳng trên những bếp lửa trong nhà rông là những xâu dơi còn nguyên, họ lấy lạt xiên những con dơi đã thui vàng treo lên giàn bếp làm thịt hun khói; bên cạnh là những ché rượu cần xen lẫn ché thịt dơi làm mắm để dành. Người làng Nước Chạch lấy bếp biểu thị sự giàu có, sự hưng thịnh. Người giàu nhất là người có nhiều thịt dơi nhất.

Một cán bộ văn hóa xã Ba Xa cho biết: “Săn dơi là một hoạt động săn bắt đặc biệt lâu dần trở thành nét văn hóa đặc trưng của làng. Ngoài việc tìm kiếm lương thực ăn trong mùa mưa khi làm rẫy, họ còn thể hiện gắn kết, sức mạnh cộng đồng và tình yêu thương”.

Trong tiếng đàn BaRoát du dương dưới mái nhà sàn, vọng tận những vách rừng sâu, những bài hát cầu nguyện được mùa thấu tới giàng; những câu chuyện kéo dài đến mùa gặt tới cứ rộn ràng, cứ ngân nga. Một cuộc sống yên bình, trù phú dưới chân núi Brăng. Tôi cũng gõ nhịp, vít cần, nhấm thịt dơi. Một cảm giác lạ lâng lâng như được hòa quyện với làng, với người H're.

Trường Đăng

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.