Kỹ thuật thay khớp nhiều lợi điểm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ở nước ta, tình trạng bị thoái hóa khớp rơi vào 30% số người trên 35 tuổi, 60% trên 65 tuổi và 85% trên 80 tuổi.

Thoái hóa khớp là hậu quả của quá trình cơ học và sinh học làm mất cân bằng giữa tổng hợp và hủy hoại sụn, xương dưới sụn. Lâu nay, việc điều trị thay khớp gối, khớp háng thường phải thay toàn phần. Gần đây, một phương pháp mới được áp dụng với nhiều lợi điểm hơn.

Bảo tồn chức năng tự nhiên

Bà M.T.S (45 tuổi, ở tỉnh Tiền Giang) chẳng may bị thoái hóa khớp sớm. Mỗi khi di chuyển, bà cảm thấy rất đau, co duỗi gối phát ra tiếng kêu lụp cụp. Cách đây 1 năm, bà đã thay khớp gối toàn phần chân bên trái với vết mổ đến 15 cm nhưng 7 tuần sau mổ mới gấp duỗi gối 110 độ.

Gần đây nhất, khớp gối chân phải của bà cũng đã "lên tiếng", cần phải phẫu thuật thay. Tại Bệnh viện (BV) Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, các bác sĩ không thay khớp gối toàn phần mà áp dụng thay bán phần. Ca mổ lần này nhẹ nhàng hơn lần trước, bà ít đau, ít mất máu, vết mổ ở chân phải khoảng 10 cm, chỉ sau 3-4 tuần, chân đã gập duỗi gối 110 độ. Hiện khả năng vận động của bà đã được cải thiện nhiều, có thể tiếp tục công việc hằng ngày.

PGS-TS-BS Bùi Hồng Thiên Khanh, Trưởng Khoa Chấn thương Chỉnh hình BV Đại học Y Dược, cho biết phương pháp điều trị thoái hóa khớp gối bao gồm điều trị nội khoa và điều trị ngoại khoa khi bảo tồn không còn hiệu quả. Thay khớp gối là phẫu thuật cắt đi lớp sụn đầu xương đã bị hư, thay vào đó là lớp mỏng kim loại bao bọc đầu xương, tránh cho xương tiếp xúc trực tiếp với xương gây đau. Khớp gối nhân tạo được chỉ định thay trong những trường hợp thoái hóa khớp nặng, chân bị lệch trục, điều trị nội khoa không hiệu quả nhằm mục đích giảm đau, cải thiện khả năng vận động và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Khớp gối nhân tạo khi thay được chia làm 2 nhóm, bao gồm thay khớp gối toàn phần và bán phần (chỉ thay một bên tổn thương chứ không phải toàn bộ mặt khớp). Trước đây, khi chưa có phương pháp thay khớp gối bán phần, những người bị thoái hóa khớp gối thường phải chịu đựng cơn đau dai dẳng cho đến lúc không thể đi được mới có chỉ định thay khớp gối toàn phần. Khi thực hiện kỹ thuật này, những bộ phận không bị tổn thương như dây chằng chéo, khớp lành và một số phần mềm khác đều bị cắt bỏ. Đối với người bệnh còn trẻ, kỹ thuật này ảnh hưởng nhiều đến sự phục hồi vận động sau này. Hiện nay, phương pháp mới là thay khớp gối bán phần giúp ít mất máu, bảo tồn xương nhiều hơn, phục hồi chức năng tốt hơn.

 
Một ca phẫu thuật thay khớp bán phần
Một ca phẫu thuật thay khớp bán phần



Tuyến huyện cũng làm được

Theo các chuyên gia, có nhiều kỹ thuật ngoại khoa được ứng dụng trong điều trị thoái hóa khớp gối như nội soi, ghép sụn xương tự thân, ghép sụn xương đồng loại, cắt xương sửa trục, liệu pháp tế bào gốc và thay khớp (thay khớp gối bán phần và toàn phần). Trong đó, sự ra đời của khớp gối nhân tạo và tay nghề của phẫu thuật viên chấn thương chỉnh hình đã tạo ra cuộc cách mạng trong việc điều trị bệnh thoái hóa khớp gối.

Tại TP. HCM, ngoài một số BV lớn và các cơ sở chuyên khoa như Nhân Dân 115, Chấn thương Chỉnh hình, Sài Gòn-ITO…, BV huyện Củ Chi cũng đã thực hiện được kỹ thuật mới này. Ca đầu tiên được BV xử lý là bệnh nhân L.V.P, (69 tuổi, ngụ huyện Củ Chi). Ca mổ do ê-kíp phẫu thuật đứng đầu là bác sĩ Trần Chánh Xuân, Phó Giám đốc BV huyện Củ Chi, thực hiện. Các bác sĩ đã thay khớp háng bán phần bằng chỏm 2 đầu hay còn gọi là chỏm bipolar (Duocore). Bệnh nhân được gây tê tủy sống và gây tê ngoài màng cứng, chỉ sau 45 phút, ca mổ kết thúc thành công.

Người bệnh đến từ nước ngoài

Trong khi nhiều người trong nước chưa biết đến kỹ thuật này thì các bệnh nhân ở nước ngoài đã tìm đến Việt Nam để được chữa trị. Trường hợp mới nhất được BV Pháp Việt (FV, TP HCM) tiếp nhận là bà H.E.A (75 tuổi, đến từ Cộng hòa Niger). Bà A. bị thoái hóa 2 khớp, đã vượt hàng chục ngàn km đến Việt Nam để nhờ các bác sĩ can thiệp. Ca mổ do TS-BS Lê Trọng Phát, Trưởng Khoa Chấn thương Chỉnh hình BV FV, thực hiện cũng bằng phương pháp thay khớp bán phần.

BS Phát cho rằng kỹ thuật này cải thiện tình trạng đau và biến dạng chi, từ đó giúp cho việc đi lại của bệnh nhân được dễ dàng và không còn những cơn đau khớp. Tuy vậy, loại phẫu thuật này đòi hỏi độ chính xác cao, những phẫu thuật viên có kinh nghiệm cùng với sự hỗ trợ của các thiết bị, máy móc.

Thay khớp gối bán phần thường được chỉ định cho những người bị thoái hóa chỉ một khoang khớp gối. Gần đây, kỹ thuật thay khớp gối bán phần ngày càng được chỉ định nhiều hơn đối với những bệnh nhân trẻ bị thoái hóa khớp với mục đích phục hồi vận động nhanh hơn sau phẫu thuật.

Theo nld

Bệnh nhân ngày càng trẻ

Theo thống kê, ở Mỹ có đến 85% số người trên 55 tuổi mắc bệnh thoái hóa khớp. Tại Việt Nam, tỉ lệ này là: 30% số người trên 35 tuổi; 60% trên 65 tuổi và 85% trên 80 tuổi. Đáng lưu ý, bệnh này đang ngày càng gia tăng và người mắc bệnh ngày càng trẻ. Tỉ lệ tàn tật của bệnh nhân thoái hóa khớp gối ngang với bệnh phổi và bệnh tim mạn tính.

Có thể bạn quan tâm

An Khê: Nỗ lực tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế

An Khê: Nỗ lực tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế

(GLO)- Xác định công tác bảo hiểm y tế (BHYT) là nhiệm vụ trọng tâm nhằm đảm bảo an sinh xã hội, các cấp, các ngành thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) đã tăng cường phối hợp triển khai nhiều biện pháp, nâng cao tỷ lệ bao phủ BHYT. Nhờ đó đến nay, toàn thị xã có 91,24% người dân tham gia BHYT, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Nguy cơ đến năm 2030, 12 triệu người cao tuổi ở Việt Nam không có lương hưu

Nguy cơ đến năm 2030, 12 triệu người cao tuổi ở Việt Nam không có lương hưu

(GLO)- Theo tính toán của Tổ chức Lao động quốc (ILO), với tốc độ già hóa như hiện nay, nếu không tăng tốc bao phủ bảo hiểm xã hội (BHXH) thì đến năm 2030, 12 triệu người cao tuổi của Việt Nam đứng trước nguy cơ không có lương hưu. Đây sẽ là gánh nặng lớn đối với hệ thống an sinh xã hội trong tương lai.