(GLO)- “Đảng ta là đạo đức, là văn minh/Là thống nhất, độc lập, là hòa bình, ấm no...” (Hồ Chí Minh). Mùa xuân này, chúng ta long trọng kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Đảng (3-2). Và như nhiều Tết đã qua, “sinh nhật” Đảng năm nay tròn trặn lòng xuân, trong niềm vui năm mới. Đặc biệt, xuân này là xuân thành công, xuân thắng lợi: khống chế, đẩy lùi dịch bệnh, duy trì sự ổn định và phát triển đất nước.
1. Tổng kết năm 2021, tại hội nghị Chính phủ với các địa phương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu: “Trong bối cảnh khó khăn chồng chất, Chính phủ, chính quyền các địa phương và toàn hệ thống chính trị đã cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nỗ lực phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu nhiệm vụ đã đề ra, đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực. Chúng ta đã nỗ lực duy trì, phục hồi và thúc đẩy phát triển kinh tế với nhiều điểm sáng tích cực”. Còn Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhìn nhận: “Chúng ta đã cơ bản hoàn thành nhiều mục tiêu các cấp giao Chính phủ và chính quyền địa phương với 10 điểm sáng”. Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh những điểm sáng về kinh tế như: tăng trưởng GRDP, ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng tín dụng, thu hút đầu tư nước ngoài, xuất khẩu và chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam tham dự Hội nghị Chính phủ với các địa phương đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022 được tổ chức vào ngày 5-1 vừa qua. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Với Gia Lai, kết thúc năm 2021, tốc độ tăng GRDP đạt 9,71%, GRDP bình quân đầu người đạt 56,31 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm 2%, thêm 13 xã và 86 thôn, làng đạt chuẩn nông thôn mới, tổng thu ngân sách nhà nước 7.592 tỷ đồng... Tại Kết luận 06/TB-UBND của UBND tỉnh tổng kết năm 2021 cho thấy: UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai các mặt công tác, Gia Lai đã thích ứng an toàn linh hoạt, kiểm soát dịch Covid-19 để vừa chống dịch hiệu quả vừa phục hồi phát triển kinh tế-xã hội. Tốc độ tăng trưởng kinh tế, một số dự án lớn được đầu tư, trong đó có các dự án điện gió; công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư chuyển biến tích cực; các giá trị lịch sử, văn hóa, tự nhiên như Cao nguyên Kon Hà Nừng được UNESCO công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới, Quần thể Tây Sơn Thượng đạo được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt; quan tâm quyết liệt trong chỉ đạo đầu tư kết cấu hạ tầng; bộ máy chính quyền các cấp được củng cố...
Ngày 18-1, Quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt . Ảnh: Ngọc Minh |
Cũng từ kết quả đó, điều để chúng ta trân trọng, gìn giữ và phát huy là sự tiến bộ trông thấy trong đời sống người dân. Từ nhà ở, đất sản xuất, đi lại, học hành, khám-chữa bệnh, giao lưu văn hóa, thông tin báo chí..., tất cả đều được các cấp, các ngành quan tâm thông qua các chính sách, chương trình, dự án, ưu đãi kịp thời thiết thực. Người dân đã mạnh dạn, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, phát triển ngành nghề, dịch vụ... để tăng thu nhập, tích lũy và làm giàu; đặc biệt là bà con khu vực có các doanh nghiệp vệ tinh đứng chân trên địa bàn. Các xã như: Ia Nan, Ia Dom (huyện Đức Cơ), Sơ Ró, Chư Krêy (huyện Kông Chro), Ia Lâu, Ia Mơr (huyện Chư Prông), Lơ Ku, Kon Pne (huyện Kbang), Pờ Tó, Kim Tân (huyện Ia Pa)... những nơi từng nổi tiếng khắc nghiệt, nghèo khó thì giờ đây, đời sống của người dân đã đổi thay, khởi sắc khiến ta không thể không vui mừng, phấn khởi.
2. Mới đây, chúng tôi có dịp trở lại xã Lơ Ku (huyện Kbang). Vẫn con suối Tờ Kân nước trong leo lẻo. Vẫn những bếp nhà lưng chừng núi nhưng vững chãi, chắc chắn. Vẫn khung cảnh núi đồi bát úp... thân thương nhưng những đổi thay mới mẻ ở xã vùng sâu này làm chúng tôi không khỏi ngạc nhiên xen lẫn bồi hồi. Trong kháng chiến, nếu Krong là căn cứ Tỉnh ủy thì Lơ Ku là “đầu não” Huyện ủy Huyện 2 (chủ yếu địa bàn Kbang bây giờ). Ngay trong những ngày tháng chiến tranh ác liệt, đói cơm lạt muối, người Bahnar ở Lơ Ku vẫn một lòng theo Đảng, Bác Hồ, ra sức tăng gia sản xuất, ủng hộ cách mạng gùi thóc, chiếc khố cuối cùng để đánh giặc đến ngày thắng lợi. Đó là những trang vàng của thế hệ cha anh, mà con cháu hôm nay tự hào mỗi khi nhắc tới.
Các đại biểu cắt băng khánh thành công trình Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Lơ Ku (xã Lơ Ku, huyện Kbang) vào ngày 29-8-2020. Ảnh: Ngọc Minh |
Người trẻ hôm nay chỉ có thể nghe kể những năm 80 thế kỷ trước, Lơ Ku không có lúa nước, chỉ toàn rừng, le mọc dày ven các con suối Tờ Kân, Lơ Vi... Biết bao mồ hôi công sức đã đổ ra để có những cánh đồng lúa nước có diện tích từ 5-7 đến hàng chục ha. Cánh đồng Lơ Vi rộng 40 ha là một ví dụ như thế, là cứu cánh để xóa đói giáp hạt, góp phần cân đối lương thực địa phương. Quan trọng hơn là giúp hình thành tập quán sản xuất lúa nước cho người bản địa, cùng nhiều tiến bộ khác trong sản xuất nông nghiệp.
Cơ sở hạ tầng ấn tượng: điện, đường, trường, trạm là những biểu hiện đầu tiên của sự đổi thay. Cả 2 tuyến đường dẫn đến trung tâm xã, đường Đông Trường Sơn đều rộng rãi, bằng phẳng, ô tô bon bon, khác xa với cảnh luồn rừng le rậm rạp với những “ruồi vàng, bọ chét, vắt kim cương”, vắt vẻo cầu treo, vượt ngầm. Đưa mắt nhìn qua cửa ô tô, từng đàn bò béo tốt nhởn nhơ gặm cỏ. Bò lai phát triển lên đến con số ngàn, tỷ lệ lai vào hàng cao nhất các xã trong tỉnh; cùng với cây mì, mía, bắp lai, đậu đỗ các loại, cây lúa nước hiện diện tươi tốt khắp nơi.
3. Trên bình diện toàn tỉnh, tất cả các lĩnh vực đều có bước phát triển mạnh mẽ, từ chính trị, kinh tế, văn hóa-xã hội đến quốc phòng-an ninh. Hạ tầng kinh tế-xã hội tiếp tục phát triển, bộ mặt đô thị, nông thôn có nhiều khởi sắc. Dù tình hình còn nhiều khó khăn nhưng tốc độ tăng các sản phẩm trong tỉnh năm qua vẫn đạt cao; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng. Những “trụ cột”: nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, công nghiệp tái tạo và du lịch dịch vụ tiếp tục được chú trọng và đẩy mạnh phát triển. Nổi bật là thành tích thu ngân sách, tổng vốn đầu tư toàn xã hội, thu nhập bình quân đầu người, xây dựng nông thôn mới.
Một dự án điện gió được triển khai đầu tư ở huyện Đak Đoa. Ảnh: Hùng Hoa Lư |
Cùng với thành tựu về mặt kinh tế, lĩnh vực văn hóa-xã hội cũng thu được nhiều thắng lợi. Tỷ lệ hộ nghèo giảm thấp. Đời sống văn hóa tinh thần của người dân được chú trọng gắn với bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị truyền thống, đồng thời tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị không ngừng được chú trọng. Trình độ năng lực, tính tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng, nhất là ở cơ sở không ngừng được phát huy, tăng cường. Không ngừng lớn mạnh và mài sắc cảnh giác, chúng ta đã làm thất bại âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch cố tình chống phá, gây rối...
Nhìn lại chặng đường đã qua với những thành quả to lớn, toàn diện, chúng ta càng có thêm động lực tin tưởng vào những thắng lợi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng. Có lẽ vẫn còn đó khó khăn, vất vả nhưng lối mở đã rõ ràng, không thế lực nào có thể ngăn cản hay làm chệch hướng. Với niềm tin quyết thắng, cùng với cả nước, Gia Lai tự tin, quyết liệt đổi mới, hòa nhập và phát triển đi lên, góp phần tô thắm trang sử vẻ vang của Đảng.
THẤT SƠN