Kỳ họp thứ 10 HĐND TP. Pleiku khóa XII: Thông qua 33 nghị quyết quan trọng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau 1,5 ngày diễn ra với tinh thần dân chủ, nghiêm túc và trách nhiệm, kỳ họp thứ 10-HĐND TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) khóa XII (nhiệm kỳ 2021-2026) đã bế mạc vào trưa 11-7. Kỳ họp nhất trí thông qua 33 nghị quyết quan trọng, làm tiền đề cho việc xây dựng và thúc đẩy kinh tế-xã hội thành phố phát triển trong thời gian tới.

Chủ trì kỳ họp có các ông: Trịnh Duy Thuân-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Pleiku; Nguyễn Đức Chín-Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP. Pleiku.

Kinh tế-xã hội tiếp tục phát triển

Tại kỳ họp, HĐND TP. Pleiku đã tập trung thảo luận, cho ý kiến đối với 48 báo cáo, tờ trình. Trong đó, trọng tâm là thảo luận, đánh giá kết quả triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm 2023.

Ông Trịnh Duy Thuân-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Pleiku phát biểu tại kỳ họp. Ảnh: Mộc Trà
Ông Trịnh Duy Thuân-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Pleiku phát biểu tại kỳ họp. Ảnh: Mộc Trà

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Pleiku Võ Phúc Ánh cho hay: Trong 6 tháng đầu năm, UBND thành phố đã tập trung chỉ đạo, cụ thể hóa các nghị quyết, chương trình, kế hoạch của UBND tỉnh, của Thành ủy, HĐND thành phố và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội. Các chỉ tiêu chủ yếu đều đạt kế hoạch đề ra và tăng so với cùng kỳ năm 2022. Đơn cử như: tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 20,77%; chỉ số giá tiêu dùng tăng 3,9%; hoạt động vận chuyển hành khách tăng 18,75%; hoạt động vận chuyển hàng hóa tăng 6,47%; doanh thu vận tải tăng 13,58%; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 11,94%...

Về sản xuất nông-lâm nghiệp, toàn thành phố gieo trồng được 2.200 ha cây trồng vụ Đông Xuân (đạt 100% kế hoạch, tăng 0,3%). Hiện nay, người dân đã thu hoạch trên 98% diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ Đông Xuân và tiếp tục xuống giống vụ mùa. Tình hình chăn nuôi gia súc, gia cầm ổn định. Công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng-chống cháy rừng mùa khô; xây dựng nông thôn mới; chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” tiếp tục được chú trọng.

Các lĩnh vực văn hóa-xã hội tiếp tục có chuyển biến tích cực. Chính sách đối với người có công, đối tượng bảo trợ xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Thành phố cũng tổ chức thành công nhiều hoạt động văn hóa-thể thao, tạo sự lan tỏa trên địa bàn. Trong 6 tháng đầu năm, Pleiku đón 465.000 lượt khách tham quan (tăng 31,9% so với cùng kỳ năm 2022); trong đó, khách quốc tế đạt 2.550 lượt. Tổng thu du lịch ước đạt khoảng 335,75 tỷ đồng (tăng 36,2%).

Quang cảnh kỳ họp. Ảnh: Mộc Trà
Quang cảnh kỳ họp. Ảnh: Mộc Trà

Cùng với đó, công tác quốc phòng, quân sự địa phương được thành phố triển khai đồng bộ, hiệu quả; tổ chức giao nhận quân đạt kế hoạch tỉnh giao; hoàn thành tốt công tác diễn tập khu vực phòng thủ trên địa bàn. Tình hình an ninh chính, trật tự an toàn xã hội được giữ vững ổn định. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và vận động quần chúng nhân dân tham gia phòng-chống tội phạm, bài trừ tệ nạn xã hội đã được triển khai sâu rộng. Số vụ phạm pháp hình sự giảm so với cùng kỳ…

Kỳ họp cũng dành thời gian xem xét báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm của các cơ quan liên quan; các báo cáo về tài chính, đầu tư, quốc phòng-an ninh, thực hành tiết kiệm-chống lãng phí, phòng-chống tội phạm...; báo cáo giám sát, khảo sát chuyên đề của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND thành phố; nghe Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố thông báo về công tác tham gia xây dựng chính quyền 6 tháng đầu năm 2023; cho ý kiến về các tờ trình, dự thảo nghị quyết do Thường trực HĐND, UBND thành phố trình tại kỳ họp. Đa số đại biểu thống nhất với các báo cáo và đánh giá cao sự nỗ lực, chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND, 2 ban HĐND, UBND và các ngành của thành phố trong 6 tháng đầu năm 2023.

Gỡ “nút thắt” cho 6 tháng cuối năm

Bên cạnh phấn khởi trước những kết quả đạt được, các đại biểu tham dự kỳ họp cũng thẳng thắn nhìn nhận, chỉ rõ những tồn tại, hạn chế và đề ra giải pháp để tháo gỡ những “nút thắt” trong phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh của thành phố trong 6 tháng cuối năm.

Các đại biểu tích cực tham gia ý kiến trong phiên thảo luận tổ. Ảnh: Mộc Trà
Các đại biểu tích cực tham gia ý kiến trong phiên thảo luận tổ. Ảnh: Mộc Trà

Theo Chủ tịch HĐND thành phố Trịnh Duy Thuân, công tác tham mưu triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2023 của thành phố có lúc còn chậm so với yêu cầu. Công tác cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính vẫn còn có mặt chưa làm hài lòng người dân và doanh nghiệp. Số vụ phạm pháp ma túy, môi trường, vi phạm pháp luật về trật tự quản lý kinh tế, tham nhũng và chức vụ, tai nạn giao thông, cháy nổ… tăng so với cùng kỳ. “Đó cũng chính là những vấn đề mà hiện nay dư luận xã hội đang quan tâm. Vì vậy, tôi đề nghị các cấp, ngành cần thấy rõ trách nhiệm của mình trước những hạn chế, tồn tại đó để quyết tâm, quyết liệt hơn trong thực hiện nhiệm vụ thời gian tới”-Chủ tịch HĐND TP. Pleiku nhấn mạnh.

Trong phiên thảo luận tổ, các đại biểu đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, đóng góp nhiều ý kiến đối với dự thảo các báo cáo cũng như nêu lên một số vấn đề mà dư luận xã hội quan tâm. Hầu hết đề xuất, kiến nghị tập trung vào tiến độ thi công các dự án, thu ngân sách, chỉnh trang đô thị, xây dựng cơ bản, quản lý đất đai, tài nguyên môi trường, thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, an ninh trật tự…

Bà Nguyễn Thị Hiền Chi-Phó Trưởng ban Kinh tế-Xã hội HĐND TP. Pleiku cho hay: “Trong số các tờ trình của UBND thành phố trình tại kỳ họp liên quan đến việc xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư, có 6 danh mục dự án có quy mô xây dựng phòng y tế trường học. Trước thực trạng nhiều trường học trên địa bàn còn thiếu nhân viên y tế như hiện nay (chủ yếu đang hợp đồng với trạm Y tế xã, phường), tôi đề nghị Phòng Giáo dục và Đào tạo phải có giải pháp, chỉ đạo các trường quản lý, sử dụng phòng y tế để đảm bảo việc đầu tư có hiệu quả, tránh tình trạng xây dựng xong thì bỏ trống hoặc không có người quản lý”.

Bà Trần Thị Hồng Nguyệt-Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Diên Hồng nêu ý kiến về việc kiểm soát chất lượng các dự án do UBND xã, phường làm chủ đầu tư. Ảnh: Mộc Trà
Bà Trần Thị Hồng Nguyệt-Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Diên Hồng nêu ý kiến về việc kiểm soát chất lượng các dự án do UBND xã, phường làm chủ đầu tư. Ảnh: Mộc Trà
Các nghị quyết thông qua tại kỳ họp thứ 10-HĐND TP. Pleiku: Nghị quyết về việc phê chuẩn quyết toán ngân sách thành phố năm 2022; Nghị quyết về tình hình triển khai kế hoạch kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm và biện pháp thực hiện 6 tháng cuối năm 2023; Nghị quyết về việc điều chỉnh, bổ sung vốn đầu tư phát triển thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023; Nghị quyết vềChương trình hoạt động giám sát của HĐND thành phố năm 2024; Nghị quyết về việc thông qua dự kiến kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách thành phố năm 2024; Nghị quyết về việc điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 vốn ngân sách thành phố.

Các nghị quyết về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án: điện trang trí đường Lý Thái Tổ; bổ sung hệ thống điện chiếu sáng một số tuyến đường; cải tạo hệ thống lưới điện, bóng điện chiếu sáng công cộng; cải tạo bãi đậu xe đường Nguyễn Văn Linh thành chợ tạm; cải tạo Trung tâm chính trị TP.Pleiku; nâng cấp và duy trì hoạt động của Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh TP. Pleiku; dự án Trường THCS Ngô Gia Tự, Trường Trường Tiểu học Lê Hồng Phong, Trường Trường Tiểu học Trần Đại Nghĩa, Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai, Trường THCS Lý Tự Trọng, Trường THCS Tôn Đức Thắng, Trường THCS Nguyễn Viết Xuân, Trường Mầm non Sao Khuê; dự án vỉa hè (một số đoạn) của đường Phạm Văn Đồng, Nguyễn Hữu Huân, Cù Chính Lan, Trần Khánh Dư, Nguyễn Viết Xuân, Võ Thị Sáu, Phạm Văn Đồng, Lê Lợi; dự án đường Quyết Tiến, Trần Nhật Duật, Lạc Long Quân.

Tương tự, bà Trần Thị Hồng Nguyệt-Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Diên Hồng cũng cho rằng, trong quá trình triển khai thực hiện các dự án, nhất là đối với các dự án do UBND xã, phường làm chủ đầu tư, UBND thành phố cần quan tâm chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp, hướng dẫn triển khai; đồng thời, chỉ đạo các chủ đầu tư kiểm soát chất lượng các công trình.

Liên quan đến vấn đề thoát nước đô thị, ông Nguyễn Tuấn Quang-Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Phù Đổng-nêu thực trạng: Tuyến đường Lý Nam Đế có tổng chiều dài khoảng 1.500 m, chỉ giới xây dựng 30 m. Trong đó, đoạn đi qua địa bàn phường Phù Đổng dài xấp xỉ 500 m. Tuyến đường này đã được thành phố đầu tư hoàn thiện mặt đường bê tông nhựa, tuy nhiên, hệ thống thoát nước và vỉa hè chưa được đầu tư đồng bộ do vướng chỉ giới xây dựng của các hộ dân. Vì vậy, thời gian qua, mỗi khi có mưa lớn, toàn bộ lượng nước kèm theo đất đá đã chảy tràn xuống ngã ba Lý Nam Đế-Lê Duẩn, gây ngập nặng tại khu vực này, trong khi đây là nơi có lượng phương tiện lưu thông ra vào Bến xe Đức Long rất lớn.

“Phường đã chủ động vận động các hộ dân trên tuyến đường tự nguyện di dời hàng rào, vật kiến trúc vào đúng địa giới xây dựng. Nội dung này, cử tri đã kiến nghị từ năm 2016 đến nay. Vì vậy, tôi đề nghị thành phố quan tâm đầu tư hệ thống mương thoát nước, vỉa hè của tuyến đường Lý Nam Đế; đồng thời, xử lý thoát nước cục bộ tại khu vực ngã ba Lý Nam Đế-Lê Duẩn để vừa đảm bảo an toàn giao thông vừa tạo mỹ quan đô thị”-ông Quang đề xuất.

Trong 6 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn TP. Pleiku chỉ đạt hơn 586,3 tỷ đồng (bằng 37,88% kế hoạch tỉnh giao, 33,42% kế hoạch thành phố giao và giảm 21,45% so với cùng kỳ năm trước). Với kết quả chưa khả quan này, nhiều đại biểu đã kiến nghị UBND thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan phải có giải pháp cụ thể, quyết liệt hơn nữa trong triển khai thực hiện nhiệm vụ. Bên cạnh đó, các đội chống thất thu và đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế ở xã, phường phải phát huy hết vai trò của mình trong thu hồi các khoản nợ đọng thuế để góp phần hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách năm 2023.

Trên cơ sở ý kiến cử tri trước kỳ họp thứ 10 và các ý kiến thảo luận tại kỳ họp, UBND thành phố và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị cũng lần lượt giải trình các vấn đề có liên quan thuộc thẩm quyền quản lý.

Các đại biểu HĐND TP. Pleiku biểu quyết thông qua 33 nghị quyết tại kỳ họp thứ 10. Ảnh: Mộc Trà
Các đại biểu HĐND TP. Pleiku biểu quyết thông qua 33 nghị quyết tại kỳ họp thứ 10. Ảnh: Mộc Trà

Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND TP. Pleiku Trịnh Duy Thuân thông tin: Tại kỳ họp này, HĐND thành phố đã quyết định thông qua 33 Nghị quyết về phát triển kinh tế-xã hội năm 2023, điều chỉnh về kế hoạch đầu tư phát triển giai đoạn 2021-2025, dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2024… Các nghị quyết này có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh của thành phố; tạo đà để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XII (nhiệm kỳ 2020-2025) và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2021-2025). Do vậy, khi triển khai cần có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, quyết liệt và phải tăng cường hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, 2 ban HĐND, Tổ đại biểu HĐND để đảm bảo thực hiện đạt kết quả tốt nhất, tạo được sự đồng thuận trong Nhân dân và góp phần đưa nghị quyết sớm đi vào cuộc sống.

Chủ tịch HĐND TP. Pleiku yêu cầu các cơ quan, đơn vị, xã, phường tiếp tục rà soát, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XII của Đảng bộ thành phố, kết quả thực hiện nhiệm vụ của đơn vị, địa phương mình và các nghị quyết đã được HĐND thành phố thông qua để đề ra các nhiệm vụ, giải pháp, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2023. Đồng thời, tập trung cao nhất cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả 3 nghị quyết, 1 chương trình của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XII và 3 chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn thành phố.

Có thể bạn quan tâm

Thông qua 40 nghị quyết quan trọng

Thông qua 40 nghị quyết quan trọng

(GLO)- Sáng 11-12, kỳ họp thứ 24 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII (nhiệm kỳ 2021-2026) bước vào ngày làm việc cuối cùng với phần chất vấn và trả lời chất vấn; đồng thời, các đại biểu đã biểu quyết thông qua 40 nghị quyết quan trọng.

Lực lượng nổi dậy Myanmar chiếm căn cứ quân sự, bắt giữ một chuẩn tướng

Lực lượng nổi dậy Myanmar chiếm căn cứ quân sự, bắt giữ một chuẩn tướng

(GLO)- Khuya 9/12, người phát ngôn lực lượng nổi dậy Quân đội Arakan (Myanmar) Khaing Thukha, tuyên bố tổ chức này đã chiếm được căn cứ quân sự lớn ở thị trấn Maungdaw (bang Rakhine), theo trang tin Mint. Chuẩn tướng quân đội Thurein Tun, chỉ huy căn cứ đã bị bắt khi đang tìm cách chạy thoát.