Krông Pa nỗ lực khống chế bệnh khảm lá mì

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chính quyền địa phương, ngành chức năng và bà con nông dân huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) đang nỗ lực phòng-chống bệnh khảm lá mì nhằm giảm thiệt hại.

Diễn biến phức tạp

Huyện Krông Pa có diện tích mì lớn nhất tỉnh với trên 22.800 ha. Tuy nhiên, một diện tích lớn cây mì ở đây đang đứng trước nguy cơ mất mùa do mắc bệnh khảm lá. Thống kê mới nhất từ Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho thấy, có gần 3.500 ha mì trên địa bàn bị mắc bệnh khảm lá, tập trung tại các xã: Ia Mlah, Chư Ngọc, Krông Năng, Chư Drăng, Ia Rsai, Phú Cần, Chư Gu, Ia Hdreh, Đất Bằng, Uar, Ia Rmok, Ia Rsươm.

Sắp đến ngày thu hoạch nhưng rẫy mì của người dân Krông Pa chỉ lèo tèo vài củ nhỏ ở mỗi gốc. Ảnh: Trần Bình Định
Sắp đến ngày thu hoạch nhưng rẫy mì của người dân Krông Pa chỉ lèo tèo vài củ nhỏ ở mỗi gốc. Ảnh: Trần Bình Định


Ông Siu Pin (buôn Prông, xã Ia Mlah) trồng 2 ha mì giống HL-S12. Vườn mì của ông ban đầu bị vàng loang lổ trên lá, sau đó lá bị xoăn, nhăn nhúm. Ông than vãn: “Năm nay mất trắng vụ mì rồi. May mà tôi kịp chuyển đổi sang trồng 2 ha bắp sinh khối, vớt vát được chút ít”.

Bệnh khảm lá trên cây mì đã có từ nhiều năm nay. Triệu chứng đặc trưng dễ nhận biết của bệnh là khảm vàng loang lổ trên lá. Mức độ hại nhẹ là không bị biến dạng hoặc biến dạng nhẹ, mức độ hại nặng làm cho lá mì xoăn, cong queo, nhăn nhúm. Hom giống lấy từ cây mì bị bệnh khi mọc mầm sẽ có biểu hiện bệnh ngay và không cho thu hoạch; cây mì đã lớn mới nhiễm vi rút vẫn biểu hiện bệnh nhưng nhẹ hơn, làm năng suất, chất lượng giảm. Triệu chứng bệnh xuất hiện ở tất cả các giai đoạn sinh trưởng của cây mì.

Nói về nguyên nhân gây bệnh, ông Võ Ngọc Châu-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Pa-cho biết: Bệnh khảm lá mì là do vi rút có tên Sri Lanka Cassava Mosaic gây ra. Môi giới truyền bệnh là bọ phấn trắng gây hại. Vi rút hại mì lây lan qua 2 đường là hom giống và môi giới truyền bệnh.

Nỗ lực phòng-chống

Ông Châu cho hay: Thời gian qua, huyện đã tăng cường tuyên truyền về tác hại và biện pháp phòng-chống của bệnh khảm lá mì. Cùng với đó, khuyến cáo người dân mua hom giống tại các địa điểm bán có uy tín, rõ nguồn gốc xuất xứ; không mua hom giống có nguồn gốc từ các tỉnh đang bị bệnh khảm lá gây hại nặng. Không sử dụng hom giống ở khu vực đã nhiễm bệnh cho vụ sau và vệ sinh đồng ruộng sau thu hoạch.

Lá sắn bị vàng và xoăn tít do mắc bệnh khảm lá. Ảnh: Trần Bình Định
Lá cây mì bị vàng và xoăn tít do mắc bệnh khảm lá. Ảnh: Trần Bình Định
Ủy ban nhân dân huyện Krông Pa đã thành lập đoàn kiểm tra nhằm kiểm soát việc mua bán, vận chuyển giống mì từ địa phương khác đến nhằm kiểm soát lượng giống không đảm bảo chất lượng đưa tới tay người dân. Qua kiểm tra thực tế đối chứng với các giống mì HL-S11, KM140, KM419 thì giống KM94 hoàn toàn không bị bệnh khảm lá. Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã tìm hiểu các giống kháng bệnh như HN3, HN5 và trồng thí nghiệm 0,3 ha. Hiện nay, 2 giống mì này sinh trưởng phát triển tốt và không bị bệnh khảm lá, hướng tới vụ mùa năm 2022 sẽ nhân rộng mô hình.

Cũng theo ông Châu, người dân không nên trồng giống HL-S11 do đã bị cấm mua bán cũng như trồng; hạn chế trồng các giống bị nhiễm nặng với bệnh khảm lá như: HL-S12, KM419, KM140; khuyến cáo người dân sử dụng các giống kháng bệnh, ít bị bệnh để trồng như giống KM94. Bên cạnh đó, cần tăng cường kiểm dịch, không cho vận chuyển, trao đổi hom giống và các bộ phận khác của cây mì từ vùng bị nhiễm sang vùng chưa nhiễm. Sử dụng các loại thuốc trừ sâu rầy có nhiều đặc tính nổi trội và ít kháng thuốc vào các giai đoạn 25 ngày, 50 ngày và 75 ngày sau khi xuống giống.

Song song với đó, huyện cũng đã triển khai một số giống mới kháng bệnh, cho năng suất và tỷ lệ tinh bột cao. Cụ thể, từ nguồn kinh phí hỗ trợ hạn hán, UBND huyện chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT mua giống mì KM94 để hỗ trợ cho người dân với số lượng 88.126 bó tương đương 881 ha. “Từ nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp, năm 2021, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã xây dựng mô hình 10 ha, trong đó sử dụng giống kháng bệnh KM94 và lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt cho cây mì với kinh phí gần 260 triệu đồng”-ông Châu thông tin.

TRẦN BÌNH ĐỊNH

Có thể bạn quan tâm

“Làng yến” trên cao nguyên

“Làng yến” trên cao nguyên

(GLO)- Năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Phố Yến (thôn Thắng Lợi 3, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) bắt đầu triển khai xây dựng mô hình “làng yến” với nhiều nhà nuôi yến được quy hoạch bài bản, khoa học. Mô hình mới này bước đầu đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhờ ứng dụng công nghệ trong chế biến, sản phẩm yến sào của Công ty TNHH một thành viên Sản xuất-thương mại-xuất nhập khẩu yến sào Win Nest Alpha được người tiêu dùng đánh giá cao. Ảnh: V.C

Yến sào Đông Nam tỉnh Gia Lai khẳng định vị thế

(GLO)- Khu vực Đông Nam tỉnh Gia Lai có số lượng nhà nuôi yến lớn với chất lượng tổ yến rất tốt. Khai thác lợi thế này, cùng với quy hoạch vùng nuôi, nhiều cơ sở sản xuất yến sào đã chủ động đăng ký thương hiệu, đa dạng hóa sản phẩm nhằm khẳng định vị thế trên thị trường.

Ông Nguyễn Văn Thuận (thôn 2, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh) chặt bỏ gần 40 cây cà phê để hiến đất mở rộng mặt đường. Ảnh: N.D

Đòn bẩy phát triển vùng nguyên liệu cà phê bền vững

(GLO)- Sau 2 năm triển khai hợp phần 5 của Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông-lâm-thủy sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025, nhiều tuyến đường nội đồng ra vùng nguyên liệu sản xuất cà phê được đầu tư xây dựng.