Krông Pa: Bệnh khảm lá mì lan nhanh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thiếu hom mì giống, nông dân huyện Krông Pa, Gia Lai phải mua từ các địa phương khác về trồng trong điều kiện không kiểm soát được dịch bệnh. Đây là một trong những nguyên nhân khiến nhiều diện tích mì trên địa bàn huyện bị nhiễm bệnh khảm lá vi rút.
1.591 ha mì nhiễm bệnh
Mì là cây trồng chủ lực của huyện Krông Pa. Theo thống kê, năm nay, toàn huyện có khoảng 20.000 ha mì, tăng 1.000 ha so với năm 2018, vượt 3 lần so với quy hoạch. Diện tích mì tăng mạnh do những năm gần đây loại cây trồng này liên tiếp được mùa, được giá. Tuy nhiên, do thời tiết khô hạn kéo dài hồi đầu vụ khiến một số diện tích mì mới trồng bị chết, buộc phải trồng lại đã gây nên tình trạng thiếu hom mì giống. Vì thế, nông dân phải nhập hom mì giống từ các tỉnh: Phú Yên, Tây Ninh về trồng. Phần lớn diện tích mì nhiễm bệnh khảm lá vi rút xảy ra trong vụ mùa năm nay đều sử dụng nguồn giống mua từ các địa phương khác.
Xã Ia Mlah hiện có 1.503 ha mì, trong đó 35,5 ha bị nhiễm bệnh khảm lá vi rút. Bà Phạm Thị Vân-Chủ tịch Hội Nông dân xã-cho biết: “Bệnh khảm lá mì đã xuất hiện ở cả 5 buôn của xã. Qua theo dõi, năm 2017, trên địa bàn có một số hộ mua mì giống do các thương lái đưa từ tỉnh Tây Ninh về bán. Đến năm 2018, bệnh khảm lá mì bắt đầu xuất hiện với diện tích 10 ha”.
 Cán bộ Hội Nông dân xã Ia Mlah hướng dẫn nông dân cách xử lý mì bị bệnh khảm lá vi rút. Ảnh: L.H
Cán bộ Hội Nông dân xã Ia Mlah hướng dẫn nông dân cách xử lý mì bị bệnh khảm lá vi rút. Ảnh: L.H
Tương tự, tại xã Krông Năng, đến thời điểm này cũng có 48,5 ha mì bị nhiễm bệnh khảm lá vi rút. Ông Nông Đức Công-Phó Chủ tịch UBND xã-cho biết: Năm 2018, trên địa bàn xã xuất hiện rải rác một số diện tích mì nhiễm bệnh khảm lá. Xã đã khuyến cáo nông dân nhổ bỏ, tiêu hủy sớm. Số diện tích mì nhiễm bệnh năm nay phần lớn do người dân sử dụng giống từ các diện tích từng nhiễm bệnh năm trước hoặc mua giống trôi nổi từ các địa phương khác về trồng, chủ yếu là các giống KM94, HL-S11...
Theo ông Đinh Xuân Duyên-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Pa, năm 2018, lần đầu tiên tại địa phương ghi nhận bệnh khảm lá mì với tổng diện tích hơn 13 ha tại các xã: Ia Mlah, Phú Cần, Chư Gu… Vụ mì năm nay, bệnh khảm lá xuất hiện đầu tiên tại các xã: Chư Drăng, Ia Hdreh, Krông Năng rồi lan rộng ra toàn huyện. Toàn huyện đã có 1.591 ha mì nhiễm bệnh khảm lá vi rút, hầu hết là nhiễm nhẹ. Trong đó, xã Chư Ngọc có diện tích mì nhiễm bệnh nhiều nhất với 854 ha. “Bệnh khảm lá mì do vi rút gây hại làm hư bộ phận lá, cây không phát triển được. Đến nay, bệnh vẫn chưa có thuốc đặc trị. Hiện tại, hầu hết các diện tích mì đều còn nhỏ nên chúng tôi khuyến cáo nông dân nên nhổ bỏ, tiêu hủy sớm để tránh lây lan dịch bệnh. Tuy nhiên, hầu hết các hộ có diện tích mì bị nhiễm bệnh đều có tâm lý “còn nước, còn tát”, không muốn nhổ bỏ, tiêu hủy”-ông Duyên cho biết.
Nông dân không chịu xử lý theo khuyến cáo
Vừa qua, UBND huyện Krông Pa đã tổ chức 3 đợt tập huấn về cách phòng trừ bệnh khảm lá mì cho cán bộ nông nghiệp, chính quyền các xã, thị trấn để về hướng dẫn, phổ biến cho nông dân. Đồng thời, huyện đã phát tờ rơi tuyên truyền dấu hiệu nhận biết, cách xử lý khi mì bị nhiễm bệnh khảm lá vi rút cho tất cả các xã có 50% trở lên số hộ tham gia sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên trong thực tế, số hộ có mì nhiễm bệnh chấp hành đúng khuyến cáo chưa nhiều. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho bệnh nhanh chóng lan rộng.
Tại xã Ia Mlah, mặc dù bệnh khảm lá mì xuất hiện rải rác từ tháng 6 tới nay nhưng vẫn chưa có hộ dân nào chấp nhận nhổ bỏ, xử lý theo khuyến cáo của ngành chuyên môn. “Người dân một phần có tâm lý tiếc của, phần vì đã qua mùa vụ trồng mới nên nhổ bỏ cũng không biết trồng cây gì thay thế nên đành phó mặc”-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Mlah cho hay.
Hộ bà Kpah Jal (buôn Prông, xã Ia Mlah) có 1 ha mì, trong đó, khoảng 60-70% diện tích bị nhiễm bệnh khảm lá vi rút nhưng bà không nhổ bỏ, tiêu hủy theo khuyến cáo. “Mình để đó tới cuối vụ thu được bao nhiêu hay bấy nhiêu”-bà Jal nói. Tương tự, hộ anh Kpah Bling (cùng buôn) có tới 2,5 ha mì nhiễm bệnh khảm lá vi rút, tỷ lệ nhiễm 60-70% nhưng cũng để mặc với suy nghĩ “còn nước, còn tát”. Anh Bling cho hay: “Mình trồng mì từ tháng 4. Ruộng mì phát triển tốt nhưng đến tháng 6, khi nắng nóng gay gắt thì mì bắt đầu có dấu hiệu nhiễm bệnh. Ban đầu, lá xuất hiện các đốm trắng, vàng, sau đó xoăn lại. Mình mua thuốc về phun, bệnh có đỡ chút nhưng chỉ được thời gian ngắn lại phát triển tiếp. Nhổ bỏ đi thì tiếc, mình cũng không biết trồng cây gì thay thế nên đành để vậy chờ cuối vụ thu được gì thì thu”.
Nông dân không sớm nhổ bỏ, xử lý tiêu hủy diện tích mì nhiễm bệnh khiến bệnh khảm lá vi rút lây lan nhanh sang các diện tích khác. Ông Trịnh Thanh Khiết-Chủ tịch Hội Nông dân huyện Krông Pa-cho rằng: “Cái khó là bệnh khảm lá mì không có trong danh mục các loại dịch bệnh được Nhà nước hỗ trợ. Do vậy, chúng tôi hy vọng các cấp chính quyền quan tâm đề xuất phương án hỗ trợ phù hợp để nông dân giảm bớt thiệt hại, có kinh phí đầu tư tái sản xuất”.
 LÊ HÒA

Có thể bạn quan tâm

“Làng yến” trên cao nguyên

“Làng yến” trên cao nguyên

(GLO)- Năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Phố Yến (thôn Thắng Lợi 3, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) bắt đầu triển khai xây dựng mô hình “làng yến” với nhiều nhà nuôi yến được quy hoạch bài bản, khoa học. Mô hình mới này bước đầu đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhờ ứng dụng công nghệ trong chế biến, sản phẩm yến sào của Công ty TNHH một thành viên Sản xuất-thương mại-xuất nhập khẩu yến sào Win Nest Alpha được người tiêu dùng đánh giá cao. Ảnh: V.C

Yến sào Đông Nam tỉnh Gia Lai khẳng định vị thế

(GLO)- Khu vực Đông Nam tỉnh Gia Lai có số lượng nhà nuôi yến lớn với chất lượng tổ yến rất tốt. Khai thác lợi thế này, cùng với quy hoạch vùng nuôi, nhiều cơ sở sản xuất yến sào đã chủ động đăng ký thương hiệu, đa dạng hóa sản phẩm nhằm khẳng định vị thế trên thị trường.

Ông Nguyễn Văn Thuận (thôn 2, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh) chặt bỏ gần 40 cây cà phê để hiến đất mở rộng mặt đường. Ảnh: N.D

Đòn bẩy phát triển vùng nguyên liệu cà phê bền vững

(GLO)- Sau 2 năm triển khai hợp phần 5 của Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông-lâm-thủy sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025, nhiều tuyến đường nội đồng ra vùng nguyên liệu sản xuất cà phê được đầu tư xây dựng.