Kông Chro: Ổn định đời sống nhờ vốn vay ưu đãi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trên 80% số hộ vay vốn tại Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) huyện Kông Chro là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Nhờ dòng vốn tín dụng ưu đãi mà nhiều hộ đồng bào DTTS tạo sinh kế ổn định để từng bước vươn lên trong cuộc sống.
Nguồn vốn tín dụng ưu đãi được bà con dân tộc thiểu số đầu tư phát triển chăn nuôi, tạo sinh kế bền vững. Ảnh: S.C

Nguồn vốn tín dụng ưu đãi được bà con dân tộc thiểu số đầu tư phát triển chăn nuôi, tạo sinh kế bền vững. Ảnh: S.C

Tại làng Tnung-Măng (xã Ya Ma), ông Đinh Bônh là nhân tố điển hình trong phát triển kinh tế gia đình. Thông qua nguồn vốn tín dụng ưu đãi, từ cho vay hộ cận nghèo đến cho vay phát triển sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, cộng thêm tinh thần tự lực vươn lên, cuộc sống gia đình ông Bônh ngày càng khởi sắc.

Chia sẻ về kinh nghiệm sử dụng vốn tín dụng tạo sinh kế bền vững, ông Bônh cho hay: “Tôi dùng vốn vay Ngân hàng CSXH để đầu tư chăn nuôi bò và trồng bạch đàn. Để có tiền trang trải cuộc sống hàng ngày, tôi chịu khó tìm hiểu, học cách trồng bắp, dưa leo, bầu, bí. Các loại cây trồng này vài tháng là cho thu hoạch. Nhờ đa dạng nguồn thu nhập mà đời sống gia đình được cải thiện. Khi có tiền tích lũy, tôi tiếp tục đầu tư cho sản xuất”.

Tương tự, gia đình anh Đinh Dich (cùng làng) đã trở thành một trong những hộ có thu nhập khá, dựng được ngôi nhà sàn khang trang sau nhiều năm chăm chỉ lao động. Anh kể: “Năm 2013, tôi lập gia đình ra ở riêng. Tôi được chính quyền địa phương và các hội, đoàn thể tạo điều kiện vay vốn Ngân hàng CSXH. Nhờ nguồn vốn hỗ trợ, tôi đầu tư chăn nuôi bò, dê, gà. Ngoài ra, tôi trồng bắp, mì để có thêm nguồn thu nhập. Hiện nay, đời sống của gia đình đã dần ổn định, xây được nhà, vốn vay ngân hàng cũng đã trả bớt một khoản”.

Xã Ya Ma có 426 hộ, trong đó có 266 hộ nghèo, 68 hộ cận nghèo. 100% hộ nghèo, cận nghèo là người DTTS. Từ việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân mạnh dạn vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới, số hộ dân được tiếp cận vốn tín dụng ngày càng tăng. Trong 10 tháng qua, doanh số cho vay các chương trình đạt 3,577 tỷ đồng, tổng dư nợ toàn xã đạt 12,933 tỷ đồng/387 hộ vay.

Đánh giá về hiệu quả của nguồn vốn tín dụng chính sách đối với đời sống người dân, Phó Chủ tịch UBND xã Văn Thành Mẫn nhấn mạnh: “Ủy ban nhân dân xã chú trọng công tác tuyên truyền, phối hợp triển khai thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi để nguồn vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng. Đến nay, nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước là điểm tựa vững chắc, là nguồn lực quan trọng đối với hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất. Nhiều hộ tích cực thay đổi phương thức đầu tư sản xuất để vươn lên thành hộ khá”.

Huyện Kông Chro có 8.403 hộ đồng bào DTTS, chiếm 66,27%. Thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi dành cho người DTTS, số hộ vay là đồng bào DTTS tại Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện là 6.195 hộ/7.683 hộ vay còn dư nợ, chiếm 80,63%. Tỷ lệ hộ được tiếp cận vốn tín dụng chính sách đạt 60,06%/tổng số hộ dân toàn huyện.

Trong việc thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025, Phòng Dân tộc huyện phối hợp với UBND các xã, thị trấn và Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách đối với đồng bào DTTS, khơi dậy ý thức tự lực vươn lên của bà con. Việc thực hiện chính sách tín dụng đã hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, giải quyết các nhu cầu căn bản về nhà ở, đất ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề, nước sạch vệ sinh môi trường, giải quyết việc làm, góp phần giảm nghèo trong vùng đồng bào DTTS.

Nhờ đa dạng nguồn sinh kế, một số hộ DTTS tại xã Ya Ma đã vươn lên cải thiện cuộc sống. Ảnh: Sơn Ca

Nhờ đa dạng nguồn sinh kế, một số hộ DTTS tại xã Ya Ma đã vươn lên cải thiện cuộc sống. Ảnh: Sơn Ca

Tính đến đầu tháng 11-2023, tổng dư nợ tín dụng chính sách tại huyện Kông Chro đạt hơn 294 tỷ đồng, tăng gần 20 tỷ đồng so với đầu năm. Ông Nguyễn Xuân Nhân-Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện-thông tin: “Căn cứ vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, Phòng Giao dịch đã tham mưu Trưởng ban Đại diện Hội đồng Quản trị phân bổ vốn kịp thời, điều hành linh hoạt giữa 3 chương trình hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Trong hoạt động tín dụng, chúng tôi bám sát vào số liệu điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo giai đoạn 2021-2025 để đáp ứng nhu cầu vốn và cho vay hiệu quả. Đồng thời, rà soát nâng mức vay bình quân để hộ vay mở rộng sản xuất kinh doanh, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai cho vay tối đa lên 100 triệu đồng/hộ theo Quyết định số 17/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn. Mục tiêu phấn đấu đến cuối năm tăng trưởng tín dụng đạt 8-10% trên tổng dư nợ”.

Có thể bạn quan tâm

Khai trương MB Smartbank Đak Đoa

Khai trương MB Smartbank Đak Đoa

(GLO)- Sáng 9-1, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB Bank) Chi nhánh Gia Lai khai trương hoạt động ngân hàng tự động (Smartbank) Đak Đoa tại số 289 Nguyễn Huệ (thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa).