Kiểm soát dịch bệnh trên đàn gia súc

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Nhờ áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp nên dịch bệnh trên đàn gia súc ở tỉnh Gia Lai cơ bản đã được kiểm soát, ngăn chặn.
Báo cáo mới nhất của Chi cục Chăn nuôi-Thú y (Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Gia Lai) cho biết: Đến ngày 3-10, toàn tỉnh có 20.603 con bò của 12.341 hộ ở 14 huyện, thị xã, thành phố mắc bệnh viêm da nổi cục (VDNC), trong đó có 2.301 con chết, tiêu hủy; 17.967 con khỏi bệnh.
Huyện Krông Pa có 4.383 con bò mắc bệnh VDNC, trong đó, bị chết và đã tiêu hủy 546 con; khỏi bệnh 3.757 con, còn 80 con đang chữa trị. Huyện Mang Yang đứng thứ 2 với 1.963 con bò mắc bệnh, trong đó có 218 con chết, tiêu hủy; 1.745 con khỏi bệnh. Ở các địa phương khác, số bò mắc bệnh và được chữa trị khỏi cũng không hề nhỏ như huyện Đak Đoa có 1.591 con bò mắc bệnh (chết, tiêu hủy 105 con; khỏi bệnh 1.486 con); huyện Kông Chro mắc bệnh 1.435 con (chết, tiêu hủy 109 con; khỏi bệnh 1.326 con); huyện Kbang mắc bệnh 1.560 con (chết, tiêu hủy 161 con; khỏi bệnh 1.396 con, đang chữa trị 3 con); thị xã An Khê có 1.428 con bị bệnh (chết, tiêu hủy 206 con; khỏi bệnh 1.214 con; đang chữa trị 8 con). Riêng thị xã Ayun Pa là một trong những địa phương có số ca mắc bệnh VDNC ít của tỉnh với 845 con bò bị bệnh (chết, tiêu hủy 85 con; khỏi bệnh 720 con, đang chữa trị 40 con)...
Cũng theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi-Thú y, toàn tỉnh có 123 xã của 14 huyện, thị xã, thành phố không còn trâu bò mắc bệnh VDNC, trong đó có 23 xã của các địa phương đã ban hành quyết định công bố hết dịch theo quy định, gồm 7 huyện: Đak Đoa, Kbang, Phú Thiện, Chư Sê, Ia Pa, thị xã Ayun Pa và TP. Pleiku.
Đối với dịch tả heo châu Phi, tính đến ngày 3-10, toàn tỉnh có 525 con heo mắc bệnh tại 73 hộ của 19 thôn thuộc 5 xã ở huyện Ia Pa. Toàn bộ số heo mắc bệnh đã tổ chức tiêu hủy theo quy định với tổng trọng lượng 35.904 kg.

Nhân viên thú y Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đak Đoa tiêm phòng bệnh viêm da nổi cục cho đàn bò của người dân. Ảnh: Nguyễn Diệp
Nhân viên thú y Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đak Đoa tiêm phòng bệnh viêm da nổi cục cho đàn bò của người dân. Ảnh: Nguyễn Diệp
Trước diễn biến dịch bệnh trên đàn gia súc, ngành Nông nghiệp và PTNT đã áp dụng triệt để các biện pháp nhằm dập dịch trong thời gian ngắn nhất. Ngành đã phối hợp, hướng dẫn các địa phương giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh; trực tiếp kiểm tra, làm việc với các huyện, thị xã, thành phố để hướng dẫn, hỗ trợ, đôn đốc địa phương chống dịch theo đúng quy định, phù hợp với từng loại dịch bệnh; thông báo đến các địa phương khác trong tỉnh để tăng cường công tác giám sát, phòng-chống bệnh VDNC trên đàn trâu, bò, dịch tả heo châu Phi và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác trên đàn vật nuôi. Đồng thời, Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành văn bản hướng dẫn, đôn đốc các địa phương về tập trung triển khai các biện pháp phòng-chống dịch bệnh.
Bên cạnh đó, các địa phương đã tuyên truyền, vận động người chăn nuôi tổ chức tốt khâu vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại hàng ngày, nhất là trong vùng có dịch; định kỳ tiêu độc tại các vùng bị dịch uy hiếp, vùng đệm. Tính đến ngày 3-10, các địa phương trong tỉnh đã sử dụng hơn 7.350 lít hóa chất, trên 130 tấn vôi bột để tổ chức chống dịch; khoảng 1.290 lít hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh.
Cùng với đó, để chủ động phòng dịch bệnh, đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức tiêm được 223.848 liều vắc xin phòng bệnh VDNC cho đàn bò, đạt tỷ lệ 52,4% tổng đàn. Chi cục Chăn nuôi-Thú y tỉnh đã tổ chức thẩm định điều kiện công bố hết dịch VDNC đối với các địa phương đã qua 21 ngày không phát sinh vật nuôi mắc bệnh mới kể từ khi vật nuôi cuối cùng khỏi bệnh hoặc bị tiêu hủy, đồng thời đề nghị các phòng chuyên môn cấp huyện tham mưu UBND các địa phương ban hành quyết định công bố hết dịch tại các xã, phường, thị trấn.
Nhờ tích cực trong công tác phòng-chống, áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật, đặc biệt là thực hiện tốt khâu tiêm phòng, vệ sinh khử khuẩn nên tình hình dịch bệnh VDNC đang có chiều hướng giảm dần số con bệnh phát sinh, số gia súc khỏi bệnh tăng cao (khoảng 87,1% tổng gia súc mắc bệnh), số xã không còn gia súc mắc bệnh tăng (chiếm 74,5% so với tổng số xã có gia súc mắc bệnh).
Ông Thái Văn Dũng-Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi-Thú y-cho biết: Để tiếp tục kiểm soát dịch bệnh trong thời gian tới, ngành sẽ tăng cường giám sát, kịp thời phát hiện gia súc mắc bệnh, nghi mắc bệnh để triển khai ngay các biện pháp phòng-chống dịch theo quy định. Cảnh báo tình hình dịch bệnh, hướng dẫn cách ly, chăm sóc gia súc bị bệnh, chăn nuôi theo quy trình, tiêu độc khử trùng, phun thuốc diệt côn trùng truyền bệnh; tiêu hủy gia súc chết. Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi, đặc biệt là trong vùng dịch; vận động, tuyên truyền người dân chú trọng tiêu độc khử trùng chuồng nuôi định kỳ. Đồng thời, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương bám sát địa bàn, kiểm tra, hướng dẫn tổ chức phòng-chống dịch; kịp thời tham mưu Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo, hướng dẫn công tác phòng-chống dịch trên địa bàn tỉnh.
TRẦN BÌNH ĐỊNH

Có thể bạn quan tâm

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

(GLO)- Vụ Đông Xuân 2024-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) sẽ gieo trồng 2.988 ha cây trồng các loại, trong đó có hơn 2.000 ha lúa. Để đảm bảo vụ sản xuất đạt hiệu quả, ngành Nông nghiệp huyện đang phối hợp với các địa phương hướng dẫn người dân gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ.

Kbang: Khắc phục diện tích hoa màu ngã đổ do ảnh hưởng mưa gió. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang: Khắc phục diện tích cây trồng ngã đổ do mưa gió

(GLO)- Vừa qua, trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) xảy ra mưa gió cục bộ đã làm nhiều diện tích lúa, mía bị đổ ngã. Chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.