Kiểm điểm người đứng đầu để tai nạn giao thông liên quan đến học sinh tăng cao

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Chiều 2-11, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang-Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về chuyên đề bảo đảm ATGT đối với học sinh cùng các địa phương.

Dự tại điểm cầu tỉnh Gia Lai có các đồng chí: Nguyễn Hữu Quế-Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Đoàn Hữu Dũng-Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải, Phó Trưởng ban Thường trực Ban ATGT tỉnh; Trung tá Ksor H’Bơ Khắp-Phó Giám đốc Công an tỉnh, Phó Trưởng ban ATGT tỉnh cùng thành viên Ban ATGT tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành và địa phương.

Quang cảnh hội nghị trực tuyến toàn quốc về chuyên đề đảm bảo an toàn giao thông đối với học sinh tại điểm cầu tỉnh Gia Lai. Ảnh: Minh Phương

Quang cảnh hội nghị trực tuyến toàn quốc về chuyên đề đảm bảo an toàn giao thông đối với học sinh tại điểm cầu tỉnh Gia Lai. Ảnh: Minh Phương

Theo báo cáo của Bộ Công an, từ 15-12-2022 đến ngày 14-10-2023, toàn quốc xảy ra 881 vụ tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến học sinh (độ tuổi từ 6-18 tuổi), làm chết 490 người, bị thương 827 người. So với cùng kỳ năm 2022, tăng 8 vụ, giảm 33 người chết, giảm 34 người bị thương. Trong đó, có 737 vụ do thiếu niên, học sinh dưới 18 tuổi đi bộ, trực tiếp điều khiển phương tiện liên quan trong vụ TNGT, làm chết 378 người, bị thương 658 người.

Đáng chú ý là, 10 tháng năm 2023, lực lượng Cảnh sát giao thông cả nước đã phát hiện, xử lý 64.446 trường hợp học sinh vi phạm trật tự ATGT, phạt tiền hơn 39,2 tỷ đồng; tạm giữ 61.356 xe mô tô. Liên quan đến trật tự ATGT có 3 vụ đua xe trái phép, tạm giữ 57 đối tượng trong lứa tuổi học sinh, 51 xe mô tô; 201 vụ tụ tập chạy xe phóng nhanh, lạng lách, đánh võng gây mất trật tự công cộng, tạm giữ 395 đối tượng trong lứa tuổi học sinh, 537 mô tô; bắt giữ 16 đối tượng trong lứa tuổi học sinh bàn giao cho cơ quan điều tra xử lý liên quan đến việc chống người thi hành công vụ. Qua số liệu cho thấy lỗi vi phạm học sinh chưa đủ tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy chiếm 47,59% và hệ quả là TNGT liên quan điều khiển xe trên 50 phân khối chiếm 71,31%.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế cho biết: Từ năm 2018 đến 2023, tỉnh phối hợp với Quỹ Phòng-chống thương vong Châu Á triển khai thí điểm mô hình “Giảm tốc độ-Trường học an toàn” cải tạo an toàn khu vực trường học tại 33 trường học trên địa bàn TP. Pleiku với kinh phí 23 tỷ đồng. Thông qua việc cải tạo hạ tầng đường bộ khu vực trường học như: lắp đặt vạch sang đường, gờ giảm tốc, áp dụng tốc độ quy định tối đa qua khu vực trường học (30-40 km/giờ vào các khung giờ cao điểm) đã giúp lái xe giảm tốc độ, xử lý các tình huống đảm bảo an toàn khi qua trường học. Do vậy, trong số 44 học sinh tử vong do TNGT thì TP. Pleiku chỉ có 2 học sinh; đồng thời trong số 33 trường thí điểm mô hình trên không xảy ra vụ TNGT nào; tình trạng va chạm giao thông từ 19% giảm còn 2 %.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế phát biểu tại Hội nghị về tình hình tai nạn giao thông liên quan đến học sinh trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Minh Phương

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế phát biểu tại Hội nghị về tình hình tai nạn giao thông liên quan đến học sinh trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Minh Phương

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai phân tích: Số vụ TNGT trong học sinh chủ yếu liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện của tỉnh. Nguyên nhân là do địa bàn rộng, trường học xa nhà nên các em tự túc đến trường bằng những phương tiện không đảm bảo ATGT. Trong khi đó, tỉnh cũng đã có giải pháp huy động xe buýt, xe hợp đồng đưa đón học sinh nhưng tập trung chủ yếu ở TP. Pleiku; ở cấp huyện không có khả năng đầu tư phương tiện đưa đón tốt, sử dụng xe cũ dẫn đến chất lượng xe đưa đón không đảm bảo an toàn. Do vậy để việc phát triển buýt đưa đón học thì Chính phủ cần có cơ chế chính sách đặc thù, miễn giảm các các loại thuế đối với loại phương tiện này.

Tại hội nghị Ban ATGT các địa phương tập trung phân tích nguyên nhân và đề xuất nhiều giải pháp kéo giảm TNGT liên quan đến học sinh như: Sử dụng phương tiện công cộng đưa đón học sinh; xây dựng mô hình “Cổng trường ATGT”, “Xếp hàng đón con”; xây dựng phương án chủ động ngăn ngừa tình trạng tụ tập, đua xe trái phép; xử lý nghiêm trường hợp học sinh vi phạm; tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về ATGT đối với học sinh; xử lý các cơ sở độ chế xe máy, các hành vi lệch chuẩn của những người nổi tiếng trên không gian mạng gây tác động tiêu cực đến xã hội.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT cho lứa tuổi học sinh đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn, bảo đảm đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật. Mặt khác, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm để răn đe đối với các trường hợp học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Tiếp tục đổi mới về nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ATGT, nâng cao trách nhiệm gia đình, nhà trường và xã hội trong việc phòng tránh TNGT liên quan đến học sinh.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cũng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương phát động và xây dựng phong trào quần chúng nhân dân tích cực tham gia bảo đảm trật tự ATGT, vận động từng gia đình chấp hành nghiêm quy định của pháp luật, không giao xe cho học sinh khi chưa đủ điều kiện điều khiển phương tiện. Đặc biệt không chủ quan, lơ là, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu; đưa vào kiểm điểm trách nhiệm cuối năm đối với 1 số cơ quan đơn vị, bộ phận và địa phương để xảy ra số vụ TNGT liên quan đến học sinh tăng cao.

Có thể bạn quan tâm

Chư Sê: Hội viên nông dân tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông

Nông dân Chư Sê tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông

(GLO)- Cùng với việc nâng cao ý thức chấp hành các quy định về an toàn giao thông (ATGT), các cấp Hội Nông dân huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) còn tích cực phối hợp với các ngành, địa phương trong việc đảm bảo trật tự ATGT ở cơ sở nhằm góp phần kéo giảm tai nạn giao thông.