Không gian văn hóa Bahnar giữa lòng Hà Nội

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam (Khu Du lịch Đồng Mô, thị xã Sơn Tây) cách trung tâm Hà Nội khoảng 40 km, được xây dựng trên một ngọn đồi nhỏ với nhiều thung lũng vây quanh. Đây là nơi tái hiện, gìn giữ và khai thác các di sản văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc trên khắp đất nước, trong đó có Gia Lai.
Trong tổng thể khu vực tham quan, khu các làng dân tộc được xem là linh hồn, là trái tim của Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam với 13 dân tộc cùng sinh sống gồm: Tày, Dao, Mông, Thái, Mường, Khơ Mú, Tà Ôi, Bahnar, Xê Đăng, Cơ Tu, Raglai, Ê Đê, Khmer. Đến đây, chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh những nếp nhà sàn xinh xắn, mái nhà rông vững chãi giữa làng hay tiếng cười nói giòn giã của gia chủ mỗi khi có khách đến thăm.
 Du khách chụp hình lưu niệm cùng ông Đinh Jrang tại nhà sàn Bahnar. Ảnh: V.T.T
Du khách chụp hình lưu niệm cùng ông Đinh Jrang tại nhà sàn Bahnar. Ảnh: V.T.T
Về phương tiện tham quan, khách có thể đi bằng xe điện hoặc tự đi xe máy. Sau khi tham quan các cụm làng phía Bắc, cụm làng Nam bộ và cụm làng văn hóa các vùng miền, chúng tôi dừng chân nơi cụm làng Tây Nguyên để khám phá, tìm hiểu về đời sống của đồng bào dân tộc Bahnar đến từ huyện Kbang. Hình ảnh đầu tiên thu vào tầm mắt là một khoảng không gian rộng mở rộng khoảng 0,9 ha, xa xa là mái nhà rông cao vút cùng 2 ngôi nhà sàn. Đây là nơi sinh sống và diễn ra mọi hoạt động thường nhật của người dân. Đi về phía cuối làng là nơi tái hiện khu nhà mồ với nhiều tượng gỗ dân gian đặc trưng.

Bên cạnh những sự kiện điểm nhấn trong năm như “Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc”, “Sắc màu văn hóa các dân tộc Việt Nam”, “Tuần đại đoàn kết-di sản văn hóa Việt Nam”… Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam còn có hoạt động hàng ngày, cuối tuần, các chuyên đề về ẩm thực, âm nhạc, trang phục, trò chơi dân gian do đồng bào các dân tộc đại diện nhiều vùng miền về sinh sống tái hiện, qua đó giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán tại “ngôi nhà chung” độc đáo.

Cả khu làng Bahnar này có 7 người sinh sống, tất cả đều đến từ làng Leng, xã Tơ Tung, huyện Kbang. Ông Đinh Niêm, 67 tuổi, vui vẻ cho biết: Vợ chồng ông lần đầu tiên được hợp đồng đến ngôi làng đặc biệt này sinh sống cách đây 3 năm. Đây là lần thứ 2 họ trở lại mái nhà chung này, đến nay cũng đã gần 4 tháng. Ông Niêm chia sẻ: “Khi được vận động rời làng ra đây sinh sống, thời gian đầu mình rất nhớ làng, nhớ con cháu, nhưng được một thời gian cũng quen dần với môi trường nơi đây bởi được sinh hoạt, gặp gỡ nhiều dân tộc khác nhau đến từ khắp nơi hội tụ về, lâu dần cũng có tình cảm và quý mến nhau”. Công việc hàng ngày của ông là đan gùi để bán cho du khách, trang trí không gian làng, rảnh rỗi thì trồng rau, trồng mì, nuôi gà… Khi có đoàn khách đến thăm thì các gia đình Bahnar tại đây sẽ tổ chức đánh cồng chiêng, biểu diễn nhạc cụ dân tộc, tái hiện các lễ hội truyền thống vào những ngày hội nhằm phục vụ nhu cầu thưởng lãm, tìm hiểu của du khách. Nếu khách có nhu cầu thưởng thức ẩm thực đặc trưng thì mọi người lại tất bật chuẩn bị các món ăn bản địa như gà nướng, lá mì xào, thịt nướng xiên…
Trong khi chúng tôi trò chuyện cùng nhau thì vợ ông-bà Lem (51 tuổi) đang thoăn thoắt bên khung cửi để tranh thủ dệt cho xong một chiếc váy. Bà bảo, đây là công việc chính của mình mỗi ngày, bên cạnh đó là giới thiệu cho du khách về cách dệt để tạo ra những chiếc váy, khố, túi… xinh xắn. Đây cũng là nghề tăng thêm thu nhập cho gia đình, bởi du khách đến đây thường rất thích thú với những sản phẩm thủ công này và mua về làm quà cho người thân. Bà Lem cho hay: “Hôm trước, mình vừa bán bộ váy áo cho khách nước ngoài, họ thích lắm. Dệt chăm chỉ cả ngày nhưng không đủ bán, bởi việc này mất khá nhiều thời gian, công sức”.
Vừa tham gia tái hiện Lễ trỉa hạt vào giữa tháng 3-2019 cùng các dân tộc khác, ông Đinh Jrang (70 tuổi) cho biết: Đây là một trong những hoạt động phục dựng lại các lễ hội truyền thống được tổ chức thường xuyên, luân phiên nhau giữa các dân tộc nhằm truyền tải những giá trị văn hóa truyền thống có từ ngàn đời đến với du khách. Lễ trỉa hạt có ý nghĩa cầu mong mùa vụ mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Cũng theo ông Jrang, thời điểm này mọi người đang tất bật trang trí lại làng, làm cây nêu, trồng thêm nhiều rau, hoa lá… để chuẩn bị cho các hoạt động của Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19-4) sắp tới, dự kiến sẽ thu hút nhiều du khách đến tham quan.
Một điểm đến ấn tượng nữa tại cụm làng Tây Nguyên là vườn tượng nhà mồ. Vườn tượng hiện có 100 tác phẩm điêu khắc gỗ do bàn tay tài hoa của các nghệ nhân Tây Nguyên sáng tạo ra với chủ đề đa dạng gắn với đời sống tâm linh, tín ngưỡng của người dân bản địa.
Một lần đến để được trải nghiệm những điều thi vị nhất từ những con người sinh ra từ làng, ở mọi miền đất nước hội tụ về đây làm nên “vườn hoa văn hóa” đa sắc màu đã mang đến cho chúng tôi những kỷ niệm thật đáng nhớ.
 VÕ THANH THẢO

Có thể bạn quan tâm

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

(GLO)- Cách đây gần 18 năm, trong một số công trình điều tra văn hóa các làng đồng bào dân tộc thiểu số ở TP. Pleiku thì người ta xếp một số buôn làng trong khu vực, trong đó có làng Wâu và Ktu (xã Chư Á) là làng tương đối có giá trị, đưa vào diện bảo tồn và phát triển.

Sân trường rộn tiếng cồng chiêng

Sân trường rộn tiếng cồng chiêng

(GLO)- Cứ mỗi buổi sinh hoạt, khuôn viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Lơ Pang (xã Lơ Pang, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) lại rộn ràng tiếng cồng chiêng. Âm thanh quen thuộc ấy đến từ đôi tay nhỏ bé của các em học sinh thuộc Câu lạc bộ (CLB) Cồng chiêng của trường.

Ngân vang giai điệu cồng chiêng

Ngân vang giai điệu cồng chiêng

(GLO)- Suốt 1 tháng qua, sau khi hoàn tất công việc gia đình, những người nông dân Jrai chân chất, mộc mạc ở tổ 6 (phường Sông Bờ, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) lại say sưa luyện tập đánh cồng chiêng.

Bảo tồn bản sắc văn hóa ở TP. Pleiku dưới góc nhìn mới - Kỳ cuối: Giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa

Bảo tồn bản sắc văn hóa ở TP. Pleiku dưới góc nhìn mới - Kỳ cuối: Giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa

(GLO)- Chính quyền TP. Pleiku đã dành nguồn lực đầu tư để Plei Ốp thành điểm đến của du khách trải nghiệm văn hóa truyền thống và bản sắc dân tộc Jrai thông qua phục dựng một số lễ hội cộng đồng như: cúng giọt nước, pơ thi…

Là gốm nhưng không phải... gốm

Là gốm nhưng không phải... gốm

Sau thời gian dài thực nghiệm, nghệ nhân Đỗ Hữu Triết (51 tuổi, ngụ 66 Chi Lăng, TP.Huế, Thừa Thiên-Huế) sáng tạo thành công chất liệu mới có tên Việt kim diêu có thể đáp ứng nhu cầu sáng tạo nghệ thuật với nhiều đặc tính ưu việt.

Rơ Châm Nguyên nặng tình với dân ca Jrai

Rơ Châm Nguyên nặng tình với dân ca Jrai

(GLO)-Nhiều năm qua, người dân làng Kte (xã Ia Phí, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) luôn dành sự yêu mến và kính trọng đối với bà Rơ Châm Nguyên bởi bà biết hát và lưu giữ nhiều bài dân ca của dân tộc Jrai.

Bảo tồn và phát huy di sản

Bảo tồn và phát huy di sản

Câu chuyện biệt thự “nhà lầu ông Phủ” (ven sông Đồng Nai, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) xôn xao dư luận những ngày qua như một tín hiệu vừa mừng vừa đáng suy ngẫm. Mừng khi cộng đồng ngày càng quan tâm thiết thực đến các giá trị di sản văn hóa.

"Báu vật sống" ở làng Kon Kơ Tu

"Báu vật sống" ở làng Kon Kơ Tu

Nghệ nhân Y Yin (72 tuổi) ở làng Kon Kơ Tu (xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum) cả đời gắn bó với khung dệt. Bà được xem là “báu vật sống” của làng khi sở hữu kỹ năng dệt điêu luyện và năng khiếu “kể chuyện” trên thổ cẩm.