Khôi phục niềm tin, ổn định thị trường chứng khoán

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Sau nhiều biến động, cuối tuần qua, thị trường chứng khoán (TTCK) đã tăng mạnh trở lại. Tuy nhiên, nhằm khôi phục niềm tin để tăng nguồn lực hồi phục kinh tế sau đại dịch, cần có cuộc “đại phẫu” TTCK hướng đến mục tiêu như thông điệp của Thủ tướng Chính phủ vừa nêu là quyết tâm làm cho thị trường lành mạnh, ổn định, phát triển bền vững, bảo vệ nhà đầu tư chân chính.  

Một công ty tư vấn chứng khoán đang theo dõi và kiểm soát hoạt động thị trường. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Một công ty tư vấn chứng khoán đang theo dõi và kiểm soát hoạt động thị trường. Ảnh: HOÀNG HÙNG


Hơn 20 tỷ USD vốn hóa “bốc hơi”

Với việc VN-Index giảm 9% chỉ trong vòng 2 tuần qua đã khiến cho vốn hóa trên thị trường giao dịch chứng khoán TPHCM mất khoảng 20 tỷ USD. Mặc dù chỉ số giảm 9% nhưng tài khoản của nhiều nhà đầu tư, đặc biệt các nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu đầu cơ, bất động sản thì giá trị tài khoản có thể đã giảm 30-50%. Đó là chưa kể, nếu nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy (vay margin) cao thì có thể mất gấp đôi, gấp ba, tùy theo tỷ lệ vay.

Anh Hồng Minh (ngụ quận 3) - nhà đầu tư có thâm niên 6 năm trên TTCK cho biết, 2 tuần trước, tài khoản của anh có lãi gần 20% nhưng đến nay đã lỗ ngược gần 20%, tức đã giảm khoảng 40% chỉ trong 2 tuần. “Mặc dù đã cắt lỗ cổ phiếu đầu cơ sau 4 phiên giảm sàn nhưng các cổ phiếu trong danh mục là chứng khoán và bất động sản cũng giảm mạnh. Tôi có vay margin để bắt đáy sau khi thị trường giảm liên tiếp phiên thứ 5, nhưng sau đó thị trường tiếp tục giảm nên tài khoản tôi đang lỗ nặng” - anh Minh thất vọng.

Tâm trạng như anh Minh cũng phổ biến với các nhà đầu tư trên TTCK thời gian gần đây. Đối với các cổ phiếu sau khi cơ quan điều tra vào cuộc: cổ phiếu trong “hệ sinh thái” FLC như ROS, HAI, FLC… nối dài chuỗi giảm sàn, mất thanh khoản; nhóm cổ phiếu “họ Louis” TGG, APG, AGM, SMT, BII, VKC, DDV đồng loạt giảm sàn 3 phiên liên tục. Ngoài ra, nhóm cổ phiếu bất động sản, ngân hàng và chứng khoán - 3 ngành liên quan nhiều đến trái phiếu, đã bị các nhà đầu tư bán mạnh. Trong đó, ngân hàng và bất động sản là 2 nhóm ngành chiếm đến 60-70% vốn hóa trên thị trường nên đã khiến VN-Index lao dốc.  

Hiệu ứng “hòn tuyết tan” đã diễn ra khi hàng loạt cổ phiếu đầu cơ tăng nóng từ giữa năm 2021 trong khi kết quả kinh doanh không có chuyển biến tích cực, bị bán tháo và giảm mạnh. Từ đó dẫn đến việc các công ty chứng khoán phải bán giải chấp các cổ phiếu có trong tài khoản của nhà đầu tư vay margin, kể cả những cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt để thu hồi nợ vay nên giá cổ phiếu giảm mạnh. Điều này dẫn đến nhiều nhà đầu tư trên TTCK bị vạ lây, thậm chí “cháy” tài khoản khi ôm các cổ phiếu  “nóng” và sử dụng đòn bẩy cao.  

Trước cú giảm sốc của TTCK, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán SSI nhận định, việc cơ quan chức năng kiểm soát việc giao dịch của một số nhóm thao túng thị trường, cũng như chấn chỉnh việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã ảnh hưởng đến thanh khoản và giá cổ phiếu trên thị trường. Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc TTCK Việt Nam giảm điểm là do lãi suất tăng khiến giá vốn không còn rẻ. Xu thế này không chỉ diễn ra ở TTCK Việt Nam mà cả trên TTCK thế giới, nhất là khi nguồn cung tiền đang được kiểm soát. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, TTCK Mỹ giảm 6,4%, Hàn Quốc giảm 9%, Hồng Công giảm 9,7%, Trung Quốc giảm 16,5%… “Thống kê trong quá khứ cũng cho thấy, việc tăng lãi suất thường chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến giá cổ phiếu trong 1-2 tháng, sau đó giá cổ phiếu hầu như đạt mức cao hơn thời điểm trước khi tăng lãi suất”-ông Hưng cho hay.  

Cơ hội tốt

Theo ông Huỳnh Minh Tuấn, nhà sáng lập Công ty Tư vấn quản lý tài sản FIDT, đây là lần đầu tiên trên TTCK Việt Nam diễn ra cuộc thanh lọc về mặt pháp lý. Hiện dòng tiền đang bị suy giảm nên TTCK đối mặt với giai đoạn tương đối khó khăn, như một cuộc "đại phẫu” để thanh lọc thị trường. Do đó, nhà đầu tư nên chấp nhận câu chuyện hiện tại, không nên hoảng loạn dẫn đến việc bán tháo cổ phiếu bằng mọi giá mà cần rà soát danh mục, điều chỉnh kỳ vọng đầu tư dài hạn sẽ có kết quả tốt hơn, có thể từ 6 tháng trở lên. Bà Nguyễn Hoài Thu, Giám đốc Điều hành Khối đầu tư chứng khoán và trái phiếu VinaCapital cũng cho rằng, việc điều tra, xử lý những vi phạm trên TTCK, trước mắt có ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư, nhưng là dấu hiệu tích cực cho sự phát triển của TTCK về lâu dài. Việc xử phạt nghiêm minh sẽ làm tăng niềm tin của nhà đầu tư đối với thị trường, bằng chứng là các nhà đầu tư nước ngoài đang nhắm đến triển vọng nâng hạng chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi. “Nhìn lại những năm qua, mỗi năm có vài sự kiện tiêu cực tác động lên TTCK, nhưng với triển vọng tích cực của kinh tế Việt Nam và của doanh nghiệp niêm yết, thị trường luôn vượt qua khó khăn để tăng lên mức cao mới” - bà Thu nhận định.

Cùng chung nhận định, ông Nguyễn Duy Hưng cung cấp thông tin, theo Bloomberg, chỉ số P/E (tỷ suất lợi nhuận/cổ phiếu) dự báo của thị trường Việt Nam năm 2022 ở mức 13.5, được cho là khá thấp, trong khi đó có nhiều ngành nghề sẽ hưởng lợi trước tình hình hiện tại của thế giới. “Theo tôi, TTCK Việt Nam đang mang lại nhiều cơ hội hơn là rủi ro cho nhà đầu tư so với lúc thị trường tăng nóng trước đây. Tất nhiên, khi thị trường giảm, bất kể vì lý do gì thì nhà đầu tư đang giữ danh mục cổ phiếu đều thấy mất tiền và có cảm giác bi quan nhưng qua cơn mưa trời lại sáng, việc lành mạnh hóa TTCK luôn là yếu tố tích cực nhằm bảo vệ nhà đầu tư và cả nền kinh tế", ông Nguyễn Duy Hưng đánh giá.

Mới đây, tại Hội nghị phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, thời gian qua thị trường vốn và thị trường tiền tệ đã có sự phát triển mạnh mẽ cả về quy mô, năng lực tài chính, quản trị, công nghệ. Tuy nhiên, cá biệt còn một số tổ chức, cá nhân vi phạm quy định pháp luật khi tham gia thị trường và những sai phạm chỉ là thiểu số. Thủ tướng nhấn mạnh, việc xử lý là cần thiết vì nếu không làm quyết liệt sẽ xảy ra tình trạng "con sâu làm rầu nồi canh". Đây cũng là bước đi cần thiết làm trong sạch thị trường, để thị trường phát triển tốt hơn, lành mạnh hơn, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đại đa số nhà đầu tư, doanh nghiệp chân chính.

Bộ trưởng Bộ Tài chính HỒ ĐỨC PHỚC: Tăng cường quản lý, giám sát, thanh tra


Bộ Tài chính đã và đang có rất nhiều động thái quyết liệt trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tăng cường quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động thị trường và liên tiếp đưa ra cảnh báo đối với các nhà đầu tư nhằm giúp TTCK và thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển an toàn, bền vững. Với nỗ lực đó, cộng đồng nhà đầu tư nước ngoài tỏ ra rất lạc quan về TTCK Việt Nam, thể hiện qua nhiều phiên mua ròng gần đây. Cụ thể, trong 5 tuần qua, khối ngoại đã mua ròng 3.589 tỷ đồng cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, chứng tỏ TTCK Việt Nam rất hấp dẫn.
Luật sư TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA, đại biểu Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TPHCM: Xử lý cá biệt không nên dẫn đến đổ vỡ


Thị trường tài chính và cả thị trường bất động sản phát triển nóng, lơi lỏng kiểm soát trong một thời gian dài, nên cần các cơ quan quản lý nhà nước can thiệp. Nhà nước phải làm tốt vai trò trọng tài: phải cảnh báo sớm, cảnh cáo kịp thời và xử phạt nghiêm minh. Việc cơ quan chức năng xử lý vụ Tân Hoàng Minh, FLC và các vụ vi phạm khác trên thị trường là chính đáng và rất cần thiết. Tuy nhiên, những doanh nghiệp này không đại diện cho tất cả doanh nghiệp trên thị trường. Do đó, việc thắt chặt huy động vốn và tín dụng thông qua thị trường cổ phiếu và trái phiếu chưa cần thiết về mặt chính sách. Việc xử lý các trường hợp cá biệt không nên dẫn đến đổ vỡ trên thị trường, thị trường sẽ tự điều chỉnh dần. Không nên thay đổi đột ngột hoặc đảo chiều về chính sách để tránh các tác động tiêu cực lớn hơn tới sự phát triển của thị trường. Quan hệ trên thị trường vốn có sự đan xen giữa quan hệ dân sự, hành chính và hình sự. Không hình sự hóa cũng không dân sự hóa các vi phạm.

Theo kinh nghiệm của nhiều nước, xử lý hình sự các hành vi gian lận, thao túng thị trường vốn luôn là một biện pháp cần thiết. Tuy nhiên, khi xử lý hình sự phải theo đúng pháp luật tố tụng hình sự. Xử lý vi phạm hình sự trong kinh tế, kinh doanh khác với tội phạm cướp của, giết người, ma túy, không cần bắt giam thì không bắt giam; có khả năng khắc phục hậu quả thì tạo điều kiện cho khắc phục.


Theo NHUNG NGUYỄN (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai quy định mức tỷ lệ % để tính đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, đất có mặt nước

Gia Lai quy định mức tỷ lệ % để tính đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, đất có mặt nước

(GLO)- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Hữu Quế vừa ký ban hành Quyết định số 61/2004/QĐ-UBND quy định mức tỷ lệ phần trăm (%) để tính đơn giá thuê đất, mức đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, mức đơn giá thuê đất đối với đất có mặt nước trên địa bàn tỉnh.