Khởi nghiệp từ cây sả

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Dù gia đình không ủng hộ song anh Đào Duy Hiệp (tổ 5, thị trấn Chư Sê, Gia Lai) vẫn quyết tâm từ bỏ công việc đáng mơ ước ở một cơ quan nhà nước để trở về làm nông. Và cây sả được anh lựa chọn để khởi nghiệp với khát vọng làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Bỏ phố về quê trồng sả
Anh Đào Duy Hiệp sinh năm 1989 trong một gia đình nông dân có 4 anh chị em. Từ nhỏ, anh Hiệp đã có ý thức phụ giúp bố mẹ chăm nom vườn tược và đặc biệt yêu thích nghề nông. Niềm đam mê ấy đã thôi thúc anh chọn ngành Công nghệ sinh học-Nông nghiệp của Trường Đại học Bình Dương để thi. Năm 2011, sau 4 năm miệt mài đèn sách, anh ra trường và được nhận vào làm việc tại Viện Sinh học Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh. Năm 2012, anh quay trở lại Trường Đại học Bình Dương tham gia quản lý học sinh, sinh viên và phòng thí nghiệm theo lời mời gọi của nhà trường. Trong thời gian làm việc ở đây, nhằm củng cố và nâng cao kiến thức, anh tiếp tục học lên Thạc sĩ Khoa học cây trồng tại Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh.
 Anh Đào Duy Hiệp thu hoạch lá sả để chiết xuất tinh dầu. Ảnh: H.T
Anh Đào Duy Hiệp thu hoạch lá sả để chiết xuất tinh dầu. Ảnh: H.T
Khi chuẩn bị lựa chọn đề tài cho luận văn thạc sĩ, anh Hiệp luôn đau đáu muốn thực hiện điều gì đó trên quê hương Gia Lai và đã được một giảng viên trong trường gợi ý nghiên cứu về cây sả. “Trong quá trình thực hiện đề tài tại Binh đoàn 15, tôi nhận thấy sả là cây trồng có thể giúp bà con quê mình thoát nghèo nhanh với thu nhập ổn định hàng tháng chứ không phải chờ cả năm mới thu như cà phê, hồ tiêu. Hơn nữa, sả khá dễ trồng, chỉ đầu tư một lần, ít tốn công chăm sóc, có thể trồng thâm canh hoặc xen canh với nhiều loại cây. Đặc biệt, sản phẩm tinh dầu sả ngày càng được khách hàng trong và ngoài nước tin dùng bởi có nhiều công dụng hữu ích. Tôi nghĩ, cây sả nhất định sẽ giúp mình làm nên chuyện”-anh Hiệp chia sẻ.
Cuối năm 2016, anh Hiệp từ bỏ công việc ở TP. Hồ Chí Minh để trở về nhận công tác tại Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pưh. Gắn bó với công việc ở đây hơn 1 năm, anh xin nghỉ để theo đuổi đam mê của mình, dù bố mẹ không ủng hộ. “Gia đình không muốn tôi đi học bao nhiêu năm, có công việc ổn định lại từ bỏ để về trồng sả, sản xuất tinh dầu. Dẫu buồn nhưng tôi vẫn quyết tâm chứng minh cho bố mẹ thấy sự lựa chọn của mình là đúng đắn khi đem kiến thức tích lũy được về làm giàu trên chính quê hương”-anh Hiệp cho biết.
Với số vốn tích lũy ít ỏi, anh Hiệp vay ngân hàng thêm 100 triệu đồng để đầu tư nhà xưởng và mua cây giống. Các giống sả Java, sả Ấn Độ, sả chanh… được anh trồng thâm canh và xen canh trong vườn cà phê, hồ tiêu. Đây đều là các giống sả có đặc tính sinh trưởng, phát triển nhanh, cho hàm lượng tinh dầu cao, mùi thơm đậm, khả năng khử mùi và xua đuổi côn trùng tốt; thời gian trung bình cho thu hoạch lá từ 40 đến 50 ngày. Riêng giống sả Ấn Độ được anh mua với giá gần 200.000 đồng/kg, có mùi thơm ban đầu giống sả Java nhưng khi để lâu hương dịu hơn và tỏa ra hương cam tươi mát. Anh cũng đang trồng thử nghiệm thêm các loại sả có mùi quế, xá xị nhằm đa dạng hóa sản phẩm tinh dầu của mình trong tương lai. Đến nay, anh Hiệp trồng được gần 3 ha sả trên địa bàn huyện Chư Sê và Chư Pưh.
Điều đáng nói là anh Hiệp tự nghiên cứu tạo ra hệ thống máy móc chiết xuất tinh dầu sả bằng kiến thức của bản thân và đúc rút kinh nghiệm từ những mô hình sản xuất tại Gia Lai, Đak Lak. Anh cho hay: “Ở Binh đoàn 15, họ vận hành hệ thống bằng điện nên chi phí khá cao, rơi vào tầm 700.000 đồng/tấn sả ép. Còn tại huyện Ea HLeo (tỉnh Đak Lak), họ lại sản xuất bằng cách đốt củi trực tiếp khiến tinh dầu tạo ra không đảm bảo chất lượng về màu sắc và mùi hương. Vì thế, tôi đã bỏ ra gần 80 triệu đồng để làm hệ thống riêng của mình, vừa tiết kiệm chi phí nhưng vẫn đảm bảo chất lượng sản phẩm”.
Xây dựng sản phẩm đặc trưng địa phương
Những ngày đầu tiến hành chiết xuất tinh dầu sả, anh Hiệp liên tục thất bại vì lượng tinh dầu sả chiết xuất ra không đạt yêu cầu. Tuy nhiên, anh không hề nản chí. Vừa làm vừa nghiên cứu, rút kinh nghiệm, cuối cùng việc sản xuất cũng đi vào ổn định. Đó cũng là lúc anh tích cực tìm kiếm thị trường tiêu thụ, tranh thủ mối quan hệ của mình trước đây ở Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh để đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá sản phẩm tại các hệ thống spa, khách sạn lớn nhỏ. Sau 2 tháng nỗ lực, đầu ra cho sản phẩm tinh dầu sả của anh Hiệp đã dần ổn định với đơn đặt hàng trung bình tầm 15 lít/tháng. Để đáp ứng nguồn cung, mỗi ngày anh sản xuất 1-2 mẻ tinh dầu; mỗi mẻ khoảng 3 tạ lá sả, ép chừng 8 giờ đồng hồ sẽ cho 1,7 lít tinh dầu. Với giá bán 1,1-1,4 triệu đồng/lít, trừ chi phí, anh thu về hơn 10 triệu đồng/tháng. Tính đến nay, anh đã xuất bán gần 200 lít tinh dầu sả. Ngoài bán theo lít, để khách hàng dễ dàng tiếp cận với sản phẩm và có nhiều sự lựa chọn hơn, anh Hiệp còn chiết tinh dầu sả vào những chai thủy tinh có kích cỡ 10-30 ml ở dạng chai serum, dạng xịt, bi lăn và treo, giá bán dao động từ 80.000 đồng đến 110.000 đồng/chai.
Tinh dầu sả được anh Hiệp chiết vào các chai có kích cỡ khác nhau tùy theo mục đích sử dụng của khách hàng. Ảnh: Hồng Thi
Tinh dầu sả được anh Hiệp chiết vào các chai có kích cỡ khác nhau tùy theo mục đích sử dụng của khách hàng. Ảnh: Hồng Thi
Bà Bùi Thị Đào (thị trấn Chư Sê)-một trong những khách hàng thân thiết của anh Hiệp tại địa phương-nhận xét: “Cách đây 2 năm, lúc Hiệp mới chế biến tinh dầu sả có mời tôi dùng thử. Tôi thấy tinh dầu khá thơm, mùi hương khác với sả mình vẫn hay dùng chế biến ăn uống hàng ngày. Không chỉ giúp thư giãn khi xông hơi, gội đầu, tinh dầu sả này còn xoa dịu vết cắn và xua đuổi được côn trùng như kiến, ruồi, muỗi… Biết được nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, sản phẩm lại chất lượng nên tôi thường xuyên mua dùng và tặng bạn bè, bà con ngoài quê”.
Không chỉ dừng lại ở tinh dầu sả, tháng 4-2018, anh Hiệp cùng 7 thành viên khác đồng tâm thành lập Hợp tác xã Hạt giấy từ thiện Chư Pưh có trụ sở tại làng Tao Kó, xã Ia Rong, huyện Chư Pưh với vốn điều lệ là 310 triệu đồng. Với vai trò là Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc điều hành Hợp tác xã, anh Hiệp đã tập trung hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật cho thành viên để đẩy mạnh phát triển các sản phẩm đặc trưng của địa phương như: tinh dầu sả, tinh bột nghệ, bột đậu đen xanh lòng giống bản địa, mủ trôm, mật ong hoa cà phê, chuối trồng tự nhiên dưới tán rừng…; đồng thời tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm giới thiệu sản phẩm ở huyện, tỉnh và TP. Hồ Chí Minh. “Tôi nghĩ, muốn cạnh tranh trên thị trường thì mình phải sở hữu cái riêng có, đảm bảo chất lượng, nguồn gốc. Và khi đầu tư phát triển những sản phẩm đặc thù địa phương, chúng tôi cũng hướng đến việc hỗ trợ, liên kết với người dân để mở rộng quy mô, tạo điều kiện cho bà con phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Cái khó bây giờ là nguồn lực của chúng tôi chưa đủ lớn để đầu tư nhà xưởng, hệ thống sản xuất quy mô hơn nhằm đáp ứng toàn bộ đơn đặt hàng”-anh Hiệp bày tỏ.

Bà Nguyễn Thị Thu Hương-Phó Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Chư Pưh: Trên địa bàn huyện hiện có nhiều mô hình, hợp tác xã khởi nghiệp của thanh niên hoạt động hiệu quả, trong đó có Hợp tác xã Hạt giấy từ thiện Chư Pưh. Là đầu tàu, anh Hiệp khá năng động và sáng tạo trong việc phát triển các mặt hàng đặc trưng của địa phương. Vừa qua, tinh dầu sả của Hiệp cũng được xét công nhận là sản phẩm đặc trưng của xã Ia Rong theo chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Tuy nhiên, việc sản xuất, kinh doanh này còn khá nhỏ lẻ, chưa tham gia được vào các hệ thống bán lẻ lớn trên cả nước. Nếu thị trường đầu ra được mở rộng hơn nữa thì sẽ rất có tiềm năng.
 HỒNG THI

Có thể bạn quan tâm

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

(GLO)- Vụ Đông Xuân 2024-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) sẽ gieo trồng 2.988 ha cây trồng các loại, trong đó có hơn 2.000 ha lúa. Để đảm bảo vụ sản xuất đạt hiệu quả, ngành Nông nghiệp huyện đang phối hợp với các địa phương hướng dẫn người dân gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ.

Kbang: Khắc phục diện tích hoa màu ngã đổ do ảnh hưởng mưa gió. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang: Khắc phục diện tích cây trồng ngã đổ do mưa gió

(GLO)- Vừa qua, trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) xảy ra mưa gió cục bộ đã làm nhiều diện tích lúa, mía bị đổ ngã. Chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.