(GLO)- Dư luận thở phào nhẹ nhõm khi Thủ tướng Chính phủ quyết định tạm dừng thu phí dự án BOT Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) để rà soát, đưa ra phương án xử lý thỏa đáng. Dù kết quả cuối cùng phải đợi sau vài tháng nữa nhưng dường như điểm nóng Cai Lậy đã hạ nhiệt. Những đồng tiền lẻ đã nói hộ nỗi lòng của người dân về những mảng tối trong mối quan hệ không sòng phẳng giữa người mua-kẻ bán trong các dự án BOT cuối cùng đã được người đứng đầu Chính phủ lắng nghe.
Gần 1 tuần từ khi BOT Cai Lậy tiến hành thu phí trở lại, dư luận xã hội như lên cơn sốt với cuộc đối đầu giữa lái xe và ông chủ trạm thu phí. Lái xe dùng tiền lẻ để tìm cách kéo dài thời gian qua trạm, thể hiện thái độ phản ứng của mình khi cho rằng việc thu phí ở đây là vô lý. Còn ông chủ trạm thì cố đấm ăn xôi, quyết thu tiền cho bằng được. Dù rằng, điệp khúc: Thu tiền-xả trạm lặp đi lặp lại càng lúc càng dày đặc hơn.
Ảnh internet |
Trong khi ông chủ trạm thu phí, với tiềm lực tài chính và quan hệ của mình, đã huy động được nhiều nhân lực và phương tiện hỗ trợ để thực hiện kế hoạch thu tiền thì cánh lái xe chỉ biết dùng tiền lẻ để đối phó. Chỉ có điều là đồng tiền càng nhỏ thì dường như hiệu lực do nó gây ra cho ông chủ trạm thu phí lại càng lớn. Những đồng tiền 100 đồng, 200 đồng ấy đã biết cất lên tiếng nói đúng lúc trong cuộc giằng co với cái dự án ngàn tỷ của ông chủ BOT vốn đã được nhiều cơ quan, bộ ngành bảo chứng! Bởi lẽ, đó là tiếng nói của sự thật, tiếng nói của lòng dân. Và tiếng nói ấy đã đến tai Thủ tướng Chính phủ.
Chỉ tiếc rằng, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng tại phiên họp Chính phủ thường kỳ mấy ngày trước đã không được cấp dưới nghiêm túc chấp hành. Sau phát biểu của Thứ trưởng Nguyễn Nhật tại cuộc họp báo ở Hà Nội cùng báo cáo của Bộ Giao thông-Vận tải cố tình né tránh sự thật, quyết cho rằng vị trí đặt trạm thu phí trên quốc lộ 1A là đúng, vì đã xin phép HĐND, Đoàn đại biểu Quốc hội… thì những thùng tiền lẻ vẫn tiếp tục đổ về Cai Lậy.
Mâu thuẫn giữa người dân và chủ dự án BOT Cai Lậy có nguy cơ trở thành điểm nóng gây bất ổn xã hội, thách thức sự nghiêm minh của nền công pháp. Người đứng đầu ngành Giao thông-Vận tải vì một lý do nào đó mà im hơi lặng tiếng suốt những ngày qua. Tuy nhiên, Thủ tướng thì không thể im lặng! Bởi là người đứng đầu Chính phủ, ông hiểu rằng, sẽ không ai được gì nếu không lắng nghe dân, nguy hơn nữa là làm mất lòng dân!
Có lẽ vì vậy mà ông đã quyết định tạm dừng thu phí từ 1 đến 2 tháng để tìm hướng xử lý triệt để. Ngay lập tức, điểm nóng BOT Cai Lậy đã hạ nhiệt. Không chỉ vì khỏi phải mất tiền qua trạm mà là người dân cảm thấy tiếng nói của mình đã được Chính phủ lắng nghe. Nhìn cảnh người dân reo hò mừng vui trước quyết định này trên báo chí và mạng xã hội, có thể hiểu rằng, người dân đã trông đợi một tiếng nói khách quan, thấu tình đạt lý ở Chính phủ như thế nào!
Dân không kêu ca về mức phí là đắt hay rẻ mà chỉ muốn được đối xử sòng phẳng, dùng cái gì, trả tiền cái ấy. Làm đường một nơi, đặt trạm thu tiền một nẻo, mà cứ bảo là đúng thì thật khó chấp nhận.
Việc có di dời trạm thu phí BOT Cai Lậy vào tuyến đường tránh hay không, phải chờ vài tháng nữa, sau khi Bộ Giao thông-Vận tải và các ngành chức năng làm rõ mọi vấn đề, đồng thời đề xuất phương án trên cơ sở khoa học và phù hợp thực tiễn. Tuy nhiên, Thủ tướng đã khẳng định: “Có những vấn đề đúng pháp luật, đúng quy trình nhưng không phù hợp thực tiễn, không hợp lòng dân thì chúng ta vẫn phải nghiêm túc lắng nghe, cầu thị tiếp thu để sửa chữa… Kiên quyết không được để vấn đề kinh tế phát sinh thành các bất ổn xã hội”.
Thủ tướng không nói chơi! Đó là mệnh lệnh, là lòng dân! Là những biểu hiện cụ thể của Chính phủ liêm chính-kiến tạo và vì dân!
Không chỉ các dự án BOT mà bất cứ bài toán kinh tế nào cũng luôn chất chứa, phát sinh những mâu thuẫn về lợi ích. Nhưng nếu chỉ đặt lợi ích của cá nhân, doanh nghiệp, phe nhóm lên trên lợi ích cộng đồng thì chuyện cộng đồng phản ứng cũng là điều dễ hiểu. BOT Cai Lậy hay bất cứ BOT nào khác, nếu ngay từ đầu tuân thủ nguyên tắc: xây ở đâu đặt trạm thu phí ở đó thì chắc đã không xảy ra những câu chuyện đáng buồn như vừa rồi.
Nguyễn Vân