Khi người giúp việc "hoá" trộm, cướp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Từng được coi như người thân trong nhà khi tới giúp việc, song lòng tham nổi lên, nhiều đối tượng đã gây án với gia chủ bằng việc trộm cắp, thậm chí sát hại nạn nhân.

Bị can Vũ Thị Thuý, giúp việc cho một gia đình ở quận Ba Đình, song nhiều lần trộm tổng cộng 5.000 USD của gia chủ. Ảnh minh hoạ.
Bị can Vũ Thị Thuý, giúp việc cho một gia đình ở quận Ba Đình, song nhiều lần trộm tổng cộng 5.000 USD của gia chủ. Ảnh minh hoạ.


Khi người giúp việc gây án

Một ngày giữa tháng 3.2017, Đặng Thị Kim C. (khi đó 23 tuổi, ở quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) bị đưa ra xét xử về tội "Cướp tài sản".

Hồ sơ thể hiện, C. được ông chủ người Hàn Quốc thuê giúp việc gia đình, với mức lương 3 triệu đồng/tháng. Khoản tiền không lớn nhưng với công việc của C. chỉ sáng sáng đến lau dọn, chợ búa, giặt giữ, lo cơm nước hai bữa tươm tất.

Chỉ giúp việc được khoảng 2 tháng, C. đã chiếm được cảm tình của ông chủ. Song, cô gái này đã nảy lòng tham, khi thấy ông chủ người Hàn Quốc có nhiều tài sản. Thế nên, cô ta đã quyết định gây án.

Chiều 25.10.2016, C. đến hiệu thuốc tây mua 4 viên thuốc ngủ giấu sẵn trong người rồi đến sáng hôm sau lại đến nhà ông chủ làm việc như thường lệ. Khi thấy ông chủ tập thể dục, C. pha một ly nước cam có bỏ 4 viên thuốc ngủ đưa cho ông chủ uống. Uống xong, ông chủ ngấm thuốc, ngủ li bì.

Lập tức lục túi quần của ông chủ lấy được 3.700 USD rồi bỏ đi. Sau đó, C. đến một hiệu vàng trên đường Ông Ích Đường (Đà Nẵng) đổi 1.000 USD được 22 triệu đồng rồi đến tiệm cầm đồ trên đường Ông Ích Khiêm (Đà Nẵng) chuộc lại chiếc nhẫn và dây chuyền vàng đã “cắm” trước đó hết gần 6 triệu đồng.

Có tiền, C. còn cùng bạn trai đi du lịch ở Vĩnh Long. Song chỉ 4 ngày gây án, C. đã bị công an bắt giữ. Với cáo buộc "Cướp tài sản", C. bị TAND TP Đà Nẵng tuyên phạt 5 năm tù giam.

Còn nhớ Trần Thị V., khi bị đưa ra xét xử tại TAND TP Hà Nội về tội danh Giết người, Cướp tài sản, một ngày cuối tháng 12.2009, người tham dự không khỏi bàng hoàng vì hành vi của bị cáo lúc đó mới 16 tuổi.

V. từ Vĩnh Lộc, Thanh Hoá ra Hà Nội giúp việc cho một gia đình ở quận Hoàn Kiếm. Thấy V. trẻ người non dạ, có chút thật thà nên thời gian đầu, gia chủ coi nữ giúp việc này như người nhà, quan tâm chăm sóc chu đáo.

Tuy nhiên, trong những phút nổi lòng tham, khi thấy chiếc két sắt của gia chủ có tiền, vàng, V. đã gây án. Trong khi có một mình mẹ của bà chủ ở nhà, V. đã sát hại bà lão 67 tuổi, rồi lấy tiền vàng.

Tội ác của V. gây mất mát lớn cho gia đình nạn nhân, song khi gây án cô gái này mới 16 tuổi, nên TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt 18 năm tù, tổng cộng cho cả 2 tội danh (mức án cao nhất dành cho bị cáo dưới 18 tuổi).

Phòng và chống ra sao với người giúp việc tham lam?

Phân tích về đặc điểm tâm lý và thủ đoạn phổ biến của thủ phạm các vụ án trên, Trung tá Đào Trung Hiếu, Chuyên gia tội phạm Bộ Công an cho hay, khi một người giúp việc, người làm công trong các gia đình đi đến quyết định gây án với người chủ của mình, bên cạnh sự thúc đẩy của lòng tham, mong muốn chiếm đoạt bằng được tài sản, thì chúng cũng đã dự liệu sẵn tình huống bị gia chủ phát hiện và nhận diện.

Chúng thường không do dự khi xuống tay sát hại chủ nhà, bởi chúng biết nếu để chủ nhà còn sống, hành vi phạm tội sẽ bị tố giác. Đây là đặc điểm tâm lý phổ biến của đối tượng cướp quen.

Các vụ án trộm, cướp do "Ôsin" thực hiện thường xảy ra vào ban đêm, khi cả nhà chủ đã đi ngủ, hoặc vào các thời điểm trong nhà chỉ có phụ nữ, trẻ em, người già... không có khả năng tự vệ.

Hành vi phạm tội có thể là lục lọi, phá tủ mở két trộm cắp tài sản, dắt trộm xe máy… hoặc bạo liệt hơn là giết chủ nhà để cướp tài sản".

Trước việc trên, chuyên gia Đào Trung Hiếu cho rằng, khi thuê người, cần tìm hiểu thật kỹ về nhân thân của họ, như giấy tờ tùy thân, hồ sơ xin việc làm có xác nhận của địa phương. Trong đó, chú ý xem xét lý lịch, hoàn cảnh gia đình, hoạt động quá khứ và hiện hành của họ.

Không nên tuyển người giúp việc theo cảm tính, hoặc khi họ không xuất trình được giấy tờ tùy thân như CMND hay hồ sơ xin việc. Cần cảnh giác với người giúp việc được giới thiệu bởi một người thứ ba, mà mình chưa có thời gian tìm hiểu kỹ về thân nhân của họ.

Nếu cho người giúp việc lưu lại nhà mình, nhất thiết phải khai báo tạm trú với cơ quan chức năng, đồng thời nên giữ giấy tờ tùy thân của họ trong suốt thời gian làm việc (như một vật bảo đảm).

Trường hợp không thể bố trí nơi ở khác cho người giúp việc, thì cần thiết phải cách ly không gian giữa chỗ ngủ của người trong gia đình với người làm thuê. Buổi tối trước khi đi ngủ, cẩn thận khóa cửa các phòng ngủ một cách chắc chắn.

Trung tá Hiếu nhấn mạnh: Tuyệt đối không để trẻ em, người già, phụ nữ ở cùng người giúp việc mà không có phương án đảm bảo an ninh. Không để người làm công, giúp việc là nam giới, mới đến nhận việc, được ngủ lại trong nhà.

Trong sinh hoạt hàng ngày, không nên để người giúp việc tiếp cận những thông tin về tiền bạc, hay biết nơi cất giấu tài sản có giá trị lớn như vàng bạc, tiền mặt. Cũng không nên để nhiều tài sản có giá trị trong nhà, nếu có thì nên để phân tán…

Trong đêm, khi người giúp việc báo tin có chuyện bất thường hay đưa ra các tình huống nhạy cảm về sức khỏe, như bị cảm, đau bụng cần thuốc men, cần hết sức cảnh giác.

Trong tình huống người giúp việc đã “lộ nguyên hình” là cướp, gia chủ cần xác định ưu tiên số 1 là phải bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe chứ không phải là tài sản.

 

https://laodong.vn/phap-luat/khi-nguoi-giup-viec-hoa-trom-cuop-877706.ldo

Theo Việt Dũng (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.