Khai thác 'kho báu' để nông dân làm giàu

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Việt Nam có kinh nghiệm sản xuất của ông cha để lại, hệ sinh thái đa dạng, phong phú, từ cây trồng, vật nuôi… Đây có thể là một "kho báu" để khai thác từng bước phát triển nông nghiệp, đặc biệt nhóm nông nghiệp hữu cơ.
Xin làm nông nghiệp hữu cơ
Dẫn chúng tôi đi thăm rẫy tiêu vài trăm gốc cộng với rẫy cà phê 2ha, bà Nguyễn Thị Duyên ở thôn Ea Chiêu 1 (xã Ea Tân, Krông Năng, Đắk Lắk) hồ hởi cho biết, toàn bộ diện tích cà phê và hồ tiêu của bà đều được trồng theo hướng hữu cơ. Cây xanh tốt, vào vườn tiêu thấy không khí trong lành, năng suất cao gần gấp đôi so với tiêu thường.
Bà tiết lộ, năm 2018 bà thu được 11 tấn cà phê, 1 tấn hồ tiêu. Dù giá thị trường xuống thấp, bà vẫn lãi tới 300 triệu đồng.
“Tết vừa rồi sung túc vì lãi to từ rẫy cà phê và hồ tiêu”, bà nói và cho biết, bà trồng cà phê đã được 24 năm, tiêu được khoảng 5 năm. Thế nhưng 3 năm trở lại đây bà mới chuyển sang làm theo hướng hữu cơ, còn trước kia cứ thấy cây sâu bệnh thì phun thuốc, thấy cây còi cọc thì bón phân. Có những mùa vụ bón phân, phun thuốc cả chục lần.
Thế nhưng, khi ấy năng suất cũng không cao, 2ha chỉ thu được 6-7 tấn hạt. Giờ làm theo hướng hữu cơ chỉ bón phân tưới nước, chi phí giảm, năng suất lại tăng lên 11-12 tấn/2ha. 
Theo bà Duyên, giá cà phê và tiêu phụ thuộc theo thị trường, lúc cao lúc thấp. Nhưng sản phẩm hữu cơ của bà làm ra được ưa chuộng hơn, giá cũng cao hơn loại thường. Nhờ đó, thu nhập của gia đình bà 3 năm gần đây ổn định.
Thích nhất là sức khỏe hơn 3 năm nay của bà được cải thiện nhiều, không bị đau ốm như trước bởi không còn phải tiếp xúc với thuốc bảo vệ thực vật.
Lúc mới nghe đến sản xuất theo hướng hữu cơ, bà con ở đây lắc đầu, không ai muốn làm theo. Bà là một trong số ít những hộ dân tại địa phương mạnh dạn chuyển đổi. Giờ mô hình thành công, đạt kết quả tốt, bà con xếp hàng đăng ký liên kết với doanh nghiệp làm hữu cơ.
 
Nhiều mô hình hữu cơ đã được hình thành và đem lại hiệu quả cao
“Nhà tôi năm nay đăng ký mở rộng thêm 2ha cà phê hữu cơ, hồ tiêu năm vừa rồi đã mở rộng lên tới 1.700 gốc”, bà khoe.
Ông Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, người nông dân ở địa phương đang khát khao làm nông nghiệp hữu cơ.
Như ở một số HTX, cách đây 2 năm họ nhất quyết không làm theo hướng hữu cơ dù cán bộ khuyến nông đến tận nhà vận động tham gia, bảo đảm năng suất và thu nhập. Giờ đây, chính những người nông dân này lại xin được tham gia.
Trong khi đó, ông Phạm Văn Xuyên, Phó chủ tịch tỉnh Thái Bình cho hay, tiềm năng sản xuất nông nghiệp hữu cơ của tỉnh cực kỳ lớn, trong đó có diện tích sản xuất ngao, cá vược, tôm, cá rô phi, rau, khoai tây… Dân cũng canh tác theo hướng hữu cơ nhưng đa phần là làm tự phát, sản phẩm làm ra không được chứng nhận.
Gần đây, có mô hình rau hữu cơ liên kết với doanh nghiệp của Nhật, lúa hữu cơ liên kết với doanh nghiệp phân bón hữu cơ ở Vũng Tàu. Những mô hình này đều đem lại thu nhập ổn định, thậm chí khá cao cho người nông dân. Bởi sản phẩm làm ra được doanh nghiệp bao tiêu, có thương hiệu, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được người tiêu dùng tin tưởng.
Thấy được hiệu quả, người nông dân thích làm hơn. Tỉnh cũng dự định trong những năm tới sẽ tăng diện tích sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ lên khoảng 10.000ha, ông cho hay.
Câu hỏi đầu tiên: Có nông sản hữu cơ không?
Tại hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm tái cơ cấu ngành nông nghiệp cuối năm 2018, một chuyên gia trong ngành nông nghiệp khẳng định, nông nghiệp hữu cơ không phải là viển vông, nó là con đường của sự sống mới. Phát triển nông nghiệp hữu cơ sẽ có lợi cho môi trường, đất đai, cây trồng, gia súc, con người và cả cộng đồng, làm cho hệ sinh thái được bền vững.
Trên thế giới, nhu cầu sử dụng sản phẩm hữu cơ hiện cực kỳ cao. Như ông, lần nào tham gia hội chợ nông sản quốc tế, gặp các bạn hàng nước ngoài, sau khi tham quan gian hàng của các doanh nghiệp Việt Nam, câu đầu tiên họ hỏi bao giờ cũng là: Có nông sản hữu cơ không?
“Khi ấy chúng tôi đành lắc đầu, bởi sản phẩm nông sản hữu cơ còn khá khiêm tốn”, vị chuyên gia này nói.
 
Nhiều nơi nông dân đã làm giàu được nhờ mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ
Cũng theo vị chuyên gia này, nếu sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ thì đầu ra sẽ được đảm bảo, thị trường rộng mở, hạn chế được tình trạng được mùa mất giá và nông dân cũng có thể làm giàu.
Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường chia sẻ, Việt Nam là nước có sức sản xuất nông nghiệp không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu. Hiện nay nông sản Việt được xuất khẩu đến 180 nước, giá trị xuất khẩu 2017 khả năng sẽ đạt trên 36 tỷ USD, năm 2018 đạt trên 40 tỷ USD.
Tuy nhiên, hướng đến một nền nông nghiệp bền vững, chuỗi giá trị cao, đặc biệt đưa ra nhiều nông sản sạch, an toàn, nông sản bổ dưỡng cho người tiêu dùng là một đòi hỏi khắt khe, đồng thời cũng đang là một xu thế và nông nghiệp hữu cơ là một dạng sản xuất như vậy, Bộ trưởng Cường khẳng định.
Theo ông, Việt Nam có kinh nghiệm sản xuất của ông cha để lại, hệ sinh thái đa dạng, phong phú, từ cây trồng, vật nuôi, vi sinh vật, nấm, nguồn nước sạch… Đây có thể là một kho báu để khai thác từng bước phát triển nền nông nghiệp nói chung, đặc biệt nhóm nông nghiệp hữu cơ.
Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam đã phát triển tới trên 76.000ha, 33/63 tỉnh, thành phố đã có những mô hình phát triển nông nghiệp hữu cơ. Đã có một số doanh nghiệp, những HTX, đi tiên phong trong vấn đề này và đem lại hiệu quả rất cao. Tuy nhiên, chúng ta cũng gặp phải khó khăn do đất đai manh mún. Trong khi làm nông nghiệp hữu cơ đòi hỏi rất khắt khe, quản lý chặt chẽ từ nguồn giống, quy trình sản xuất, yêu cầu tài nguyên ban đầu đất, nước phải sạch.
Phát triển nông nghiệp hữu cơ đang là xu hướng của thế giới và Việt Nam sẽ đón đầu xu hướng đó. Trong các biện pháp thúc đẩy nông nghiệp hữu cơ phát triển, biện pháp hàng đầu phải hoàn thiện thể chế, các cơ chế, chính sách.
Thực tế, những năm gần đây, Bộ NN&PTNT cũng đã tạo điều kiện, thậm chí mời doanh nghiệp tham gia liên kết với người nông dân làm các chuỗi nông nghiệp hữu cơ, Bộ trưởng Cường chia sẻ.
Ngày 15/10/2018 vừa qua, Nghị định số 109/2018/NĐ-CP quy định về sản xuất, chứng nhận, ghi nhãn, lôgô, truy xuất nguồn gốc, kinh doanh, kiểm tra nhà nước sản phẩm nông nghiệp hữu cơ trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản và chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ cũng chính thức có hiệu lực. Điều này cũng mở ra hướng phát triển cho ngành nông nghiệp hữu cơ. 
Tâm An-Trùng Dương (Vietnamnet)

Có thể bạn quan tâm

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

(GLO)- Vụ Đông Xuân 2024-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) sẽ gieo trồng 2.988 ha cây trồng các loại, trong đó có hơn 2.000 ha lúa. Để đảm bảo vụ sản xuất đạt hiệu quả, ngành Nông nghiệp huyện đang phối hợp với các địa phương hướng dẫn người dân gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ.

Kbang: Khắc phục diện tích hoa màu ngã đổ do ảnh hưởng mưa gió. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang: Khắc phục diện tích cây trồng ngã đổ do mưa gió

(GLO)- Vừa qua, trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) xảy ra mưa gió cục bộ đã làm nhiều diện tích lúa, mía bị đổ ngã. Chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.