Ít bữa nữa rồi tính

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đám tang chú Sáu đâu đó xong xuôi, chị Thùy mới nhìn thấy Vực, thấy nghĩa là nhận ra người đàn ông râu ria mắt vằn đỏ này là Vực - thằng nhỏ ngày xưa từng hay lẽo đẽo theo chị ra đồng.

Gần mười năm chị không gặp lại Vực. Ngày chị theo chồng, Vực đâu bà con gì nhưng lại ôm cột tu tu khóc, người ta đùa, chị hàng xóm mà nó thương hơn chị ruột nữa. Rồi người ta nạt chị.

- Đi đi, đừng ngoái lại, nó con nít, mai quên ngay thôi.

Chị không biết Vực có quên chị không, nhưng chị thì vẫn nhớ. Mỗi chiều ngồi trong bếp nhà chồng, nhìn bầu trời qua khung cửa hẹp lảng bảng khói, chị lại nhớ những chiều quê mình, mây sà xuống thấp tưởng với tới. Chị nhớ cha mẹ, không biết cha mẹ nấu cơm chưa. Nhà có hai con gái, giờ đi lấy chồng xa hết, mẹ liệu có nấu những món cha thích hay không?

Chị rặt quê, toàn ưng những dưa những mắm, chị hai không có tay muối dưa cà. Chị rửa rau, pha nước, chỉ nhờ chị hai thả mớ rau vào nước và đậy hũ, vậy mà hũ dưa cũng khú. Chị muối trộn gì cũng ngon, lại hợp ý cha, nhưng mẹ lại thở dài, muối dưa cà ngon sau này khổ. Không biết mẹ nói chơi vậy hay kinh nghiệm ông bà truyền lại mà giờ chị hai sướng như tiên, còn chị lận đận. Nhớ cha mẹ xong, chị nhớ qua thằng nhỏ hàng xóm. Thằng nhỏ lanh lợi mà sao đám trẻ trong xóm không ưng chơi với nó, nên ngày ngày nó đi theo chị, giờ còn một mình, nó hẳn buồn lắm.

Mẹ mất, chị về được ba ngày rồi lại vội vàng đi, con Tí - con chị chưa được nửa tuổi lại khó gần, má chồng ngày nào cũng giục, chồng nói nhanh mà về, chị dạ dạ rồi cáu, nhanh là nhanh làm sao, là nhanh đưa mẹ tôi đi nhanh cho khuất mắt hay gì gì...

Hạt mầm chán ghét khi ấy nứt vỏ, hay từ trước đó? Chị thấy tủi thân, cứ cho là má chồng không thương, chồng đầu ấp tay gối, biết rõ bên vợ neo người vậy đó mà còn hối còn giục, sao anh không nghĩ mấy năm nay chị ở bên nhà anh chăm sóc ba má anh, còn cả bà cố, tết cũng không về. Giá khi đó anh nói má chồng: “Má ráng trông con nhỏ chớ bên này còn nhiều việc”, có thể chị sẽ tha thứ khi biết anh và người khác có tổ ấm riêng.

Chị dắt con đi, không nói gì với cha và chị hai. Sau khi mẹ mất, sức khỏe cha xuống thấy rõ, chị không muốn làm cha buồn thêm. Rồi cha cũng biết khi vợ chồng chị hai đi qua, ghé vào tính thăm em, nghe người ta nói mới biết em gái mình đã không còn ở đó, anh chị hai bỏ ngang chuyến đi, tức tốc đi tìm. Cha nói, sao dại vậy con. Cha có buồn có nản hay mắng chửi thì cha cũng là cha mà, thiên hạ có cười cũng cười một ngày một tháng, đâu ai cười một năm. Nhà cửa đó không ở đi ở nhà mướn, nhìn hai đứa nhỏ coi, chân cẳng toàn vết muỗi cắn.

Chị lại quay về ngôi nhà cũ, đám trẻ con chơi cùng chị ngày xưa mỗi đứa một hướng, đứa lên thành phố làm công nhân, đứa lấy chồng. Chị tính gửi hai đứa nhỏ lại đi công nhân nhưng cha không cho, nói con nít vắng cha đã buồn lắm rồi, vắng mẹ nữa sao được.

Nói vậy, khi ba đám nhỏ đến đòi quay lại, cha lại không đồng ý. Cha nói, anh là ba của đám cháu tui, anh đến nhìn chúng, tui không nói câu nào, nhưng muốn làm chồng của con gái tui thì anh không còn cửa.

Nghe nói má chồng cũng đi cưới người kia về thay thế chị, nhưng chưa đầy ba tháng, cô ấy đã xách giỏ đi, còn nói: “Bà Thùy ngu mới chịu, chớ tui thì đừng hòng!”.

Chị nói với chồng cũ:

- Tám năm nay tui chưa nấu cho cha mẹ tui bữa cơm nào, tám năm đó tui ở nhà anh, nhà trên bếp dưới, tui có lười nhác ngày nào, nhưng anh không thấy. Nếu anh muốn quay lại thì ở đây báo hiếu cha tui tám năm rồi tính tiếp.

Từ ngày chị về, cha như khỏe hơn, cha đóng bàn cho cháu ngoại học bài, vườn tược có chị xanh hơn, chú thím Sáu cũng còn hai ông bà, chiều chiều thím lại mang đồ ăn sang cho hai đứa nhỏ. Chú thím có hai con, chị Hải lấy chồng ở tận miền ngoài, tết mới về mấy ngày, còn Vực thì giục tới giục lui cứ trơ ra, nói nhiều còn không nghe điện thoại. Chị cười, cậu nhóc ngày bé đã lì lợm, giờ càng lớn càng lì hơn. Chị lại nhớ ngày mình theo chồng, cậu khóc tu tu.

Chú Sáu bệnh rồi mất, vợ chồng con gái chú về nhưng lóng ngóng không biết làm gì. Chị ở luôn bên nhà chú cùng mọi người xếp đặt này kia. Chị nghe nói Vực về, mải khi lo việc cho chú xong xuôi, mọi người ngồi lại, chị mới ngỡ ngàng khi người ta nói Vực kìa. Cậu trai nhỏ ngày nào nay rắn rỏi và có phần lôi thôi với mái tóc dài và nước da ngăm đen. Cậu nhìn chị rất lâu không nói một lời. Sáng ra nghe đêm qua Vực đi, công việc trên thành phố không bỏ được.

Bên nhà chỉ còn thím Sáu, chị chạy qua lại hai nhà coi ngó. Chị Hải lâu lâu gọi điện về nhờ chị để ý thím, còn ghẹo: “Mình em chạy hai nhà cũng đuối ha, hay để ông bà về cùng nhà cho vui”. Chị nói chuyện với cha, cha nạt: “Con nhỏ ăn nói táo tợn, chú Sáu mà nghe chú cho ăn đòn nát mông”.

***

Dì Tư giới thiệu cho chị người đàn ông ở làng dưới, vợ mất cũng có hai đứa con. Dì nói, hai người cùng hoàn cảnh, đều có con riêng sẽ hiểu nhau hơn. Nhưng người đàn ông lại không chịu, đòi chị phải để hai đứa nhỏ ở lại nhà ngoại. Nghe tin, chiều đó Vực đột nhiên về, cứ đứng giữa sân không biết nhìn gì. Vực đã cạo râu cắt tóc nên chị có thể nhìn thấy cậu em ngày trước, Vực cau có:

- Chị muốn lấy chồng tới mức đó hay sao? Chị mở mắt to lên được không, thứ đó mà chị cũng định gả? Chị vừa quê vừa bực mình. Vực khoanh tay tự biến mình thành đòn bánh tét cứng ngắc. Thấy chị không đáp, Vực cũng ngại bèn quay qua “mắng” dì Tư:

- Từ giờ dì còn mai mối tào lao tui không nhịn nữa đâu.

Dì Tư ngoe nguẩy về. Chị hai cười cười:

- Thế nào là tào lao, hay cậu làm em rể tui he!

Chị đờ người, Vực cũng đờ người, ngày bé, chị với Vực là hai chị em, thân còn hơn với chị ruột, lớn lên không còn thân nhưng ít ra cũng là người nhà. Chưa bao giờ chị có ý nghĩ với Vực, nghĩ làm sao khi chị luôn xem Vực là cậu em nhỏ thường theo đuôi. Chị hai phá lên cười.

- Trời ơi đỏ mặt kìa, cậu yên tâm, làm sao nhà tui dám bắt trai tân như cậu làm rể.

Biết chị hai đùa mà chị nhột nhạt những khi thấy Vực. Giờ Vực chững chạc, cao lớn và rắn rỏi dư sức gánh đá vá trời. Chị hơn Vực tới sáu tuổi, lại hai nách hai đứa con. Vực đâu có khùng mà đâm đầu vào bà mẹ đơn thân như chị.

Sáng sớm, thím Sáu qua nói Vực đi rồi. Tối qua Vực về nói mẹ ở nhà ngó chừng, Vực đi làm kiếm tiền, có tiền mới lo được cho những người mình thương. Thím Sáu hỏi “ngó cái gì, nhà có gì phải ngó”, nhưng Vực không trả lời. Thím còn chưa hiểu gì, sáng ra không thấy người đâu, quần áo cũng không còn. Chị an ủi thím:

- Ra ngoài kiếm tiền dễ hơn, kiểu này chắc Vực muốn lấy vợ rồi, thím yên tâm chờ đón dâu thôi.

Nói vậy, chị bỗng nghe thảng thốt khi nghĩ ngày Vực rước một cô gái xinh đẹp về nhà, ngày ngày cùng nhau vào ra. Có khi cô ấy không cho Vực sang nhà chị, sẽ canh chừng Vực…, lại nghĩ như vậy tốt hơn.

Vực gọi về:

- Công trình có việc gấp nên tui phải ở trên này ít bữa, để ý má giùm.

Chị ừ, dặn Vực cứ yên tâm ở trên đó, thím Sáu có chị lo; Vực không còn nhỏ nữa, cũng lo tính chuyện lớn đi, ưng ai thì đưa về để nhà có thêm người thêm tiếng. Vực ừ, chị nghĩ bụng ừ vậy chứ có nghe không. Cậu nhóc lủn đủn theo chị ra đồng ngày nào đã khác rất nhiều, đến nỗi chị không chắc mình còn hiểu gì về Vực không.

- Không có coi mắt coi mũi gì nữa đâu đó!

- Vực đột nhiên nhấn giọng, rồi lại nói: Ở yên đó, đợi ít bữa nữa tui về rồi tính! ...

Có thể bạn quan tâm

Dốc xưa

Dốc xưa

(GLO)- Nhìn từ trên cao xuống, bạn sẽ thấy đèo dốc như những dải lụa mềm mại. Ấy vậy mà khi đặt chân đến đó, bạn sẽ thấy nó như một thách thức lớn khiến ta phải ngẫm nghĩ thật nhiều. Nhưng, không phải lúc nào chênh vênh cũng làm ta ngã mà lại bồi đắp nên nghị lực và ý chí vượt khó.

Ra Bắc, vào Nam

Ra Bắc, vào Nam

(GLO)- Hơn nửa đời người, tôi loay hoay đi về giữa 2 miền Nam-Bắc. Miền Bắc là quê hương, là nơi tôi cất tiếng khóc chào đời. Còn miền Nam là nơi tôi học tập và trưởng thành.

Ảnh minh họa: Phùng Tuấn Ngọc

Mùi Tết

(GLO)- Có một ngày, tôi bỗng ngồi nhớ nhung mùi Tết, để rồi tự hỏi mùi của Tết là gì? Phải chăng đó là mùi của nồi bánh chưng đang sôi lục bục ở góc sân đêm 29 Tết hay là mùi thơm nồng của dưa hành dưa kiệu mới ngấu?

“Mùa đi cùng tháng năm”

“Mùa đi cùng tháng năm”

(GLO)- Rồi thời gian cũng sớm vẫy mùa xuân trở lại. Tôi đoán thế khi đang đứng ở hành lang một dãy phòng học nhìn ra buổi sáng mà mọi vật như còn bỡ ngỡ với “cơn nắng se ngang trời đông”. Như thể ngày hôm qua và cả hôm kia nữa, chưa hề gió lạnh.

Hoa rù rì bên dòng Pô Cô

Hoa rù rì bên dòng Pô Cô

(GLO)- Dòng Pô Cô huyền thoại uốn lượn qua miền biên giới Ia Grai trước khi chảy qua Campuchia hợp lưu với sông Mê Kông. Mỗi độ cuối đông đầu xuân, ven bờ sông và trên cồn bãi xuất hiện một loài hoa rất đẹp, người Jrai gọi là bra tang hay còn gọi là hoa rù rì.

Công nhân Công ty 74 vận hành máy băm trộn cỏ làm thức ăn cho bò. Ảnh: T.S

Tình ca du mục miền Ia Kla

“Thảo nguyên bát ngát mênh mông tận chân trời/Cỏ cây hoa lá hương thơm tỏa ngát đồng”. Giai điệu ca khúc lãng mạn của những năm tuổi trẻ cứ nhẹ nhàng lẩn quất trong tâm trí khi tôi đến thăm trại bò siêu thịt của Công ty TNHH một thành viên 74 (Binh đoàn 15) trên địa bàn xã Ia Kla, huyện Đức Cơ.

Cầu Bến Mộng. Ảnh: Phạm Quý

Bên kia bờ sông Ba

(GLO)- Nhà tôi ở bên hữu ngạn sông Ba, nơi phố thị tấp nập, náo nhiệt. Ở nơi đông vui, thuận tiện cho sinh hoạt, nhưng đôi khi tôi lại cảm thấy ngột ngạt, tù túng bởi sự chật chội, ồn ào.

Đèo An Khê. Ảnh: Phan Nguyên

Bâng khuâng chiều An Khê

(GLO)- Tôi trở lại An Khê vào một chiều mưa. Cơn mưa không ồn ào mà rơi êm vào ký ức, đánh thức một miền nhớ xa xôi, thuở nơi đây còn là một thị trấn nhỏ bình lặng nằm ven quốc lộ 19.

Minh họa: HUYỀN TRANG

Mùa về trên lưng áo mẹ

(GLO)- Từ khi còn nhỏ, tôi đã có thói quen dậy sớm. Mỗi khi tiếng mấy con gà ở chái bếp cất lên, tiếng đòn gánh dựng ở góc nhà sơ ý va vào liếp cửa, tôi lại nghe tiếng ho cố nén của mẹ. Lại thấy thương mẹ nhiều hơn.

Ảnh minh họa: Phạm Quý

Mùa lá rụng

(GLO)- Phố nhỏ của tôi đã vào mùa cây trút lá. Lang thang dọc con đường quen, tôi nhận ra bên hè phố, từng đám lá khô buông dày. Muôn vàn chiếc lá nương theo gió sà xuống những ô gạch cũ, la đà trên mái ngói hiên bàng bạc gam màu trầm. Tôi ngồi trong một góc phố, miên man nghĩ về triền xanh hoa cỏ.

Minh họa: H.T

Ký ức chợ quê

(GLO)- Khi tiếng gà gáy vang lên trên mái nhà, mẹ tôi vội trở dậy chuẩn bị ra chợ. Không chỉ riêng mẹ tôi, việc đi chợ lúc sáng sớm đã trở thành nếp quen của nhiều người dân quê.

Bước ra ngày mới

Bước ra ngày mới

(GLO)- Lúc còn đi học, mỗi buổi sớm mai, tôi thường nghe thấy tiếng bánh xe lăn trên đường rồi sau đó mới là tiếng những cánh cổng sắt được mở ra, tiếng người đi thể dục lao xao.

Ảnh minh họa: Minh Lê

Mây giăng mắt núi

(GLO)- Qua ngày lập đông, còn bao nhiêu heo may gió cũng mang về theo mùa hun hút. Trên đầu dốc, cây bằng lăng núi lá đã chuyển thành màu đỏ sậm như những nốt son ấm áp giữa bao la xanh. Và mây ở đây, bốn mùa cứ lờn vờn khắp các triền đồi.

Minh họa: HUYỀN TRANG

Vườn bắp của ba

(GLO)- Nhiều năm ở phố nhưng tôi đã quen với đất đồng, quen với sự bình yên làng mạc. Bởi vậy, hễ có dịp là tôi tranh thủ về quê, chẳng nhất thiết là phải cuối tuần.