Ia Pa chủ động cung cấp nước cho vụ mùa

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Vụ mùa 2018,  huyện Ia Pa chủ động thay đổi lịch gieo trồng sớm hơn và chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng thích hợp để tránh thiệt hại do mưa lũ vào cuối vụ.

Đẩy nhanh tiến độ gieo trồng

Đặc điểm của đồng đất huyện Ia Pa chia thành 2 vùng rõ rệt: vùng có tưới nước từ công trình thủy lợi Ayun Hạ (xã Ia Trok và Ia Ma Rơn) và vùng không có tưới gồm các xã còn lại. Trong đó, với hơn 1.400 ha lúa nước sử dụng nước trạm bơm điện ở các xã Pờ Tó, Chư Răng, Kim Tân và 4 xã phía Đông sông Ba là: Ia Broăi, Ia Tul, Chư Mố, Ia Kdăm, người dân đã chủ động gieo sạ ở những vùng trũng từ giữa tháng 5. Gần 100 ha chân ruộng trũng sát bờ sông Ayun, sông Tul, sông Ba (thuộc các xã Ia Trok, Ia Tul, Ia Broăi) thường bị ảnh hưởng bởi lũ lụt trong các năm trước, bà con đã xuống giống sớm hơn (từ đầu tháng 5), đến nay lúa đang phát triển xanh tốt. Còn lại đa phần diện tích lúa vụ mùa sử dụng nước trạm bơm điện ở các xã này, UBND huyện đã hỗ trợ kinh phí và chỉ đạo các xã, hợp tác xã chủ động đắp bờ dẫn nước từ sông Ba, sông Tul vào để phục vụ tưới giúp người dân xuống giống kịp thời. Hiện nay, bà con đang tích cực chuẩn bị đất để xuống giống đại trà.

 

Nông dân xã Ia Tul chuẩn bị đất gieo sạ lúa vụ mùa. Ảnh: Đ.P
Nông dân xã Ia Tul chuẩn bị đất gieo sạ lúa vụ mùa. Ảnh: Đ.P

Một thay đổi là vụ mùa năm nay, hơn 1.600 ha lúa nước thủy lợi tại xã Ia Trok và Ia Ma Rơn phải xuống giống chậm vì đến ngày 1-6, công trình thủy lợi Ayun Hạ mới mở nước (chậm hơn các năm trước đến nửa tháng). Do đó, để hạn chế thiệt hại có thể gặp phải do mưa lũ vào cuối vụ, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã chỉ đạo 2 xã và các hợp tác xã khuyến cáo bà con thay đổi cơ cấu giống lúa sang trồng lúa trung và ngắn ngày. “Chúng tôi khuyến cáo người dân 2 xã Ia Trok và Ia Ma Rơn trồng các giống lúa ngắn ngày như: DV108, TH205, TH6, ML48, ML49, MT10, HT1, TBR1, LH12… Đây là những giống lúa chất lượng khá, cứng cây, chống ngã đổ, chịu hạn tốt”-ông Trần Văn Hùng-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Pa, cho hay.  

Nhằm tạo thuận lợi cho nông dân xuống giống, ngay khi kết thúc vụ Đông Xuân 2017-2018, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn và các hợp tác xã, tổ dịch vụ thủy nông tổ chức kiểm tra toàn bộ hệ thống kênh mương, trạm bơm điện để tu sửa, nạo vét, khơi thông cống rãnh nội đồng, đảm bảo cung cấp nước kịp thời. Bằng nhiều nguồn vốn, huyện đã kiên cố hóa hàng ngàn mét kênh mương phục vụ tưới nước cho vụ mùa. Đồng thời, huyện triển khai các lớp tập huấn cho người dân ở các hợp tác xã và các xã về biện pháp gieo trồng, chăm sóc cây lúa và phương pháp phòng-chống rầy nâu, rầy lưng trắng truyền bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, bệnh đạo ôn hại lúa.

Huyện Ia Pa còn thành lập đoàn liên ngành kiểm tra các cơ sở cung ứng lúa giống trên địa bàn, yêu cầu chủ các cơ sở kinh doanh ký cam kết về chất lượng nguồn giống cung ứng cho dân. Huyện cũng đã tiếp nhận và phân bổ nguồn giống của tỉnh hỗ trợ cho nông dân khắc phục hậu quả hạn hán, lũ lụt thời gian qua để bà con xuống giống kịp thời vụ. Riêng đối với diện tích cây trồng cạn, do năm nay mùa mưa đến sớm, độ ẩm trong đất cao nên từ cuối tháng 4, được cơ quan chuyên môn khuyến cáo và chỉ đạo, các xã đã vận động nông dân xuống giống kịp thời các loại cây trồng như: mía, mì, bắp, đậu…

Chuyển dịch cơ cấu cây trồng

Trong vụ mùa 2018, huyện Ia Pa đã vận động nông dân chuyển đổi 300 ha khô hạn lâu nay trồng lúa cạn năng suất thấp ở các xã phía Đông sông Ba sang trồng mía; trong đó có cánh đồng mía lớn 80 ha ở xã Chư Mố và một số mô hình cánh đồng mía do nông dân liên kết với Nhà máy Đường Ayun Pa để sản xuất tại xã Ia Kdăm. Cùng với đó, huyện đang vận động nông dân liên kết với Nhà máy Tinh bột mì tại xã Pờ Tó để xây dựng cánh đồng mì lớn. Trước đó, Trạm Khuyến nông huyện phối hợp với Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ triển khai mô hình trồng đậu phộng trên 13 ha đất cát bị sạt lở, bồi lấp ở xã Ia Broăi…

Đặc biệt, huyện Ia Pa kết nối với Công ty cổ phần Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao khởi động chương trình phối hợp trồng cây ăn trái thích hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở vùng đất thường xuyên chịu nắng hạn. Trước mắt, huyện vận động người dân chuyển đổi diện tích mía bị bệnh trắng lá sang trồng các loại cây ăn trái như: xoài, mít Thái, thanh long… Bước đầu, nông dân đã triển khai mô hình trồng dứa Cayen, đậu tương có ký hợp đồng cung ứng giống và bao tiêu sản phẩm với Công ty Đồng Giao tại xã Pờ Tó. Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đồng thời chỉ đạo các xã, hợp tác xã vận động người dân chuyển đổi hàng trăm  héc-ta mía bị bệnh trắng lá sang trồng cây ăn trái, cây dược liệu, cây họ đậu. Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Pa cho biết: Chương trình phối hợp với Công ty Đồng Giao được khởi động mở ra nhiều triển vọng cho nông dân hợp tác trồng cây ăn trái trên diện tích bị hạn, thiếu nước, nhất là phát triển các loại cây ăn trái thích hợp với điều kiện nắng nóng.

Đức Phương

Có thể bạn quan tâm

Rơ Châm Pyik: Điển hình sản xuất kinh doanh giỏi

Rơ Châm Pyik: Điển hình sản xuất kinh doanh giỏi

(GLO)- Nhờ biết tính toán và tích cực lao động sản xuất nên gia đình ông Rơ Châm Pyik (làng Châm Aneh, phường Chi Lăng, TP. Pleiku) có nguồn thu ổn định hơn 900 triệu đồng/năm. Không những thế, ông còn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động ở cơ sở.

Ia Grai: Giống lúa HG12 năng suất đạt từ 70-77 tạ/ha

Ia Grai: Giống lúa HG12 năng suất đạt từ 70-77 tạ/ha

(GLO)- Chiều 29-10, tại xã Ia Tô, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Công ty cổ phần Giống cây trồng, vật nuôi Thừa Thiên Huế tổ chức hội thảo đánh giá kết quả sản xuất giống lúa HG12 trên địa bàn huyện trong vụ mùa năm 2024. 

Tuổi cao vẫn bền chí làm giàu

Tuổi cao vẫn bền chí làm giàu

(GLO)- Sở hữu 5 ha cà phê với thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm nhưng ông Amyơm (SN 1964; làng Dơk Rơng, xã Glar, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) vẫn muốn mở rộng thêm diện tích nhằm nâng cao thu nhập cùng quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp

Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp

(GLO)- Từ nguồn hỗ trợ của Trung ương và ngân sách địa phương, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Gia Lai phối hợp với các địa phương xây dựng nhiều mô hình trình diễn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi cho người dân. Nhờ đó, năng suất, chất lượng nông sản địa phương được nâng cao.

Chăn nuôi bò kết hợp trùn quế: Lợi ích kép

Chăn nuôi bò kết hợp trùn quế: Lợi ích kép

(GLO)- Tuy mới thành lập nhưng Tổ hội nghề nghiệp nuôi trùn quế xã Tú An (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) đã mang lại lợi ích kép cho các thành viên khi không chỉ tạo cơ hội chia sẻ kinh nghiệm làm ăn mà còn thúc đẩy việc nhân rộng mô hình chăn nuôi bò kết hợp nuôi trùn quế.