Huy động các nguồn lực đầu tư hoàn chỉnh hệ thống giao thông

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Những năm gần đây, được sự hỗ trợ của Trung ương, tỉnh Gia Lai đã huy động mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng mạng lưới giao thông hoàn chỉnh, góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn.

Đầu tư mạnh cho hệ thống giao thông

Đến thời điểm này, Gia Lai có 5 tuyến quốc lộ với tổng chiều dài trên 720 km, trong đó, đường Hồ Chí Minh chạy theo hướng Bắc-Nam (dài 105 km) nối với tỉnh Kon Tum và Đak Lak, Đak Nông; quốc lộ 19 chạy theo hướng Đông-Tây (dài 168 km) nối với tỉnh Bình Định và nước bạn Campuchia. Hai tuyến quốc lộ này chạy xuyên tâm và giao nhau tại TP. Pleiku. Còn quốc lộ 25 (dài 112 km) nối với tỉnh Phú Yên; quốc lộ 14C (dài 90 km) chạy dọc biên giới phía Tây của tỉnh và đường Trường Sơn Đông đoạn qua tỉnh Gia Lai (dài 247 km) nối với tỉnh Kon Tum, Đak Lak. Toàn tỉnh có 12 tuyến tỉnh lộ với chiều dài trên 430 km. Ngoài ra trên địa bàn còn có gần 1.300 km đường đô thị, 1.650 km đường huyện, 1.035 km đường chuyên dùng và 5.956 km đường liên thôn, liên xã.

 

Hệ thống giao thông ở Gia Lai ngày càng được hoàn thiện. Ảnh: Đức Thụy
Hệ thống giao thông ở Gia Lai ngày càng được hoàn thiện. Ảnh: Đức Thụy

Tất cả hệ thống hạ tầng giao thông này đều có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và đang được Trung ương và địa phương tiếp tục đầu tư xây dựng. Có được những kết quả trên là nhờ sự quan tâm đầu tư từ Trung ương cũng như sự nỗ lực của tỉnh khi đã xác định được vai trò và tầm quan trọng trong phát triển hạ tầng giao thông. Trong những năm qua, hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh được đầu tư 2.250,53 tỷ đồng để nâng cấp và mở mới (trong đó, từ nguồn ngân sách tỉnh 513,5 tỷ đồng, ngân sách huyện khoảng 455 tỷ đồng, nguồn do nhân dân đóng góp khoảng 153 tỷ đồng, Trung ương hỗ trợ 515,25 tỷ đồng, trái phiếu Chính phủ 24 tỷ đồng, nguồn khác 589 tỷ đồng...). Bên cạnh đó, mạng lưới giao thông vùng biên giới Việt Nam-Campuchia cũng được đặc biệt quan tâm. Năm 2014 và 2015, Bộ Quốc phòng đã đầu tư đường tuần tra biên giới qua địa bàn tỉnh, hiện đã hoàn thành được 75 km/95 km với tổng mức đầu tư 410 tỷ đồng.

Mạng lưới đường bộ được xây dựng khá hoàn chỉnh đã kết nối các trung tâm hành chính, khu dân cư trong tỉnh với nhau; hệ thống quốc lộ kết nối Gia Lai với các tỉnh Duyên hải miền Trung, Nam Trung bộ và Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, góp phần thúc đẩy lưu thông hàng hóa, nhu cầu đi lại của người dân, đáp ứng nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Nhiều tuyến đường cần được nâng cấp

 

Đầu tư nâng cấp quốc lộ 19 với hình thức BOT. Ảnh: H.D
Đầu tư nâng cấp quốc lộ 19 với hình thức BOT. Ảnh: H.D

Tới thời điểm này, mạng lưới giao thông của tỉnh vẫn còn hơn 53% tổng chiều dài đường bộ có kết cấu mặt đường là đường đất. Theo quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông vận tải đến năm 2020 được phê duyệt tại Quyết định số 39/2011/QĐ-UBND ngày 28-12-2011 của UBND tỉnh, giai đoạn từ 2010 đến 2020, quốc lộ 19 sẽ đạt tiêu chuẩn thiết kế đường cấp III miền núi và đồng bằng; quốc lộ 14C đạt cấp IV miền núi; quốc lộ 25 đạt cấp III miền núi và đồng bằng. Song cho tới nay, hệ thống tỉnh lộ, ngoại trừ một số tuyến đã được đầu tư hoàn chỉnh đúng theo quy hoạch như tỉnh lộ 661, 664 thì vẫn còn nhiều tuyến như đường 662B, 663, 665, 666… cần được đầu tư hoàn chỉnh.

Quốc lộ 25 là tuyến đường vô cùng quan trọng đối với các tỉnh Gia Lai, Phú Yên, Kon Tum, Bình Định và là tuyến đường đi sang Lào, Campuchia. Tuy vậy, tuyến đường còn khoảng 70 km cần được đầu tư xây dựng, nâng cấp. Đoạn “đường tắt” từ thị trấn Kon Dơng (huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) đi Kon Tum qua tỉnh lộ 670 giúp khoảng cách từ Kon Tum xuống Bình Định giảm được 80 km nên cần được đầu tư, nâng cấp thành quốc lộ. Đoạn nối 2 tỉnh Gia Lai và Phú Yên (qua huyện Kông Chro) còn khoảng 40 km cũng cần được đầu tư. Bên cạnh đó, để đảm bảo tính kết nối của hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh, cần đầu tư nâng cấp, mở rộng Cảng Hàng không Pleiku. Bởi lẽ, Cảng Hàng không có quy mô nhỏ, không thể cùng lúc đón 2 chuyến bay lên hoặc xuống.

Trong tương lai, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh cần tiếp tục được hoàn thiện nhằm rút ngắn khoảng cách từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ sản phẩm. Trước mắt, trong thời gian đến, Sở Giao thông-Vận tải tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Bộ Giao thông-Vận tải quy hoạch và nâng cấp tỉnh lộ 670, tỉnh lộ 668, đường nối xã Đak Pling (huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) với huyện Đồng Xuân (tỉnh Phú Yên) thành quốc lộ.

Tiếp tục huy động các nguồn lực

Ông Nguyễn Hữu Quế-Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải nhận định: “Việc thu hút đa dạng các nguồn vốn đầu tư để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là rất cần thiết. Do vậy, trong thời gian qua, tỉnh đã phối hợp với các bộ, ngành kêu gọi các nhà đầu tư tham gia xây dựng các đoạn tuyến quốc lộ 14 đoạn từ TP. Pleiku-Cầu 110 (ranh giới tỉnh Đak Lak) và 22 km trên quốc lộ 19 theo hình thức BOT. Các bến xe khách trên địa bàn huyện Kông Pa và thị xã Ayun Pa cũng đã được đầu tư theo hình thức xã hội hóa, các nhà đầu tư đã bỏ ra gần 50 tỷ đồng đầu tư xây dựng và trực tiếp quản lý, khai thác bến xe theo các quy định của Nhà nước”. Bên cạnh đó, cũng có một số công trình hạ tầng giao thông được đầu tư bằng nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng thế giới (WB), Ngân hàng Châu Á (ADB), Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC)…

Quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông vận tải đến năm 2020 cũng đã đưa ra một số chỉ tiêu như xây dựng tuyến đường cao tốc Quy Nhơn-Pleiku-Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh với tổng chiều dài 160 km, quy mô 4 làn xe; xây dựng tuyến cao tốc đường Hồ Chí Minh Kon Tum-đoạn qua tỉnh Gia Lai với chiều dài 97 km, quy mô 4 làn xe; các tuyến quốc lộ 14, 19, 25 được nâng cấp đạt tiêu chuẩn cấp III đồng bằng và miền núi; tỉnh lộ, đường liên huyện đến năm 2020 nâng cấp đạt tiêu chuẩn đường cấp IV miền núi… Với hệ thống bến xe, đến năm 2020, cả tỉnh đạt tối thiểu 26 bến xe tại trung tâm các huyện, thị xã, riêng TP. Pleiku có 3 bến xe khách và 1 bến xe buýt...

Như vậy, thời gian tới, ngành Giao thông-Vận tải Gia Lai vẫn cần nguồn vốn không nhỏ để đầu tư nâng cấp các tuyến đường theo quy hoạch. “Tỉnh sẽ kêu gọi đầu tư các gói thầu dưới nhiều hình thức khác nhau như: BOT, BT, BTO hay xã hội hóa để tiếp tục đầu tư nhằm hoàn thiện hệ thống giao thông”-Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải cho biết thêm.

Hà Duy

Có thể bạn quan tâm

Chư Pưh tập trung giải ngân vốn đầu tư xây dựng

Chư Pưh tập trung giải ngân vốn đầu tư xây dựng

(GLO)- Bên cạnh gặp khó trong bồi thường, giải phóng mặt bằng thì hầu hết các dự án đầu tư từ nguồn tiền sử dụng đất của tỉnh và huyện chưa được bố trí khiến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư xây dựng trên địa bàn Chư Pưh đạt thấp.

Chăn nuôi bò kết hợp trùn quế: Lợi ích kép

Chăn nuôi bò kết hợp trùn quế: Lợi ích kép

(GLO)- Tuy mới thành lập nhưng Tổ hội nghề nghiệp nuôi trùn quế xã Tú An (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) đã mang lại lợi ích kép cho các thành viên khi không chỉ tạo cơ hội chia sẻ kinh nghiệm làm ăn mà còn thúc đẩy việc nhân rộng mô hình chăn nuôi bò kết hợp nuôi trùn quế.

Gia Lai: Ban hành Nghị quyết điều chỉnh dự toán vốn sự nghiệp

Gia Lai: Ban hành Nghị quyết điều chỉnh dự toán vốn sự nghiệp

(GLO)-HĐND tỉnh Gia Lai ban hành Nghị quyết điều chỉnh dự toán vốn sự nghiệp chưa giải ngân hết trong năm 2023 (gồm dự toán 2022 và 2023) đã được chuyển nguồn sang năm 2024, điều chỉnh dự toán vốn sự nghiệp năm 2024 thực hiện chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi (đợt 2).