Hội thi giáo viên dạy giỏi THPT cấp tỉnh: Đổi mới, sáng tạo

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Với sự đổi mới về nội dung và cách thức tổ chức, Hội thi giáo viên dạy giỏi THPT cấp tỉnh năm học 2021-2022 không chỉ tạo môi trường sáng tạo mà còn giúp ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Gia Lai đánh giá đúng năng lực, từ đó đề ra các giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên.
Thay đổi nội dung và hình thức thi
Theo Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Duy Định, Hội thi giáo viên dạy giỏi THPT cấp tỉnh là hoạt động chuyên môn được tổ chức 4 năm 1 lần. Năm nay, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Bộ GD-ĐT đã ban hành công văn hướng dẫn việc tổ chức hội thi giáo viên dạy giỏi theo hình thức trực tuyến kết hợp với thiết kế bài giảng, giáo án điện tử... Trên cơ sở này, Sở GD-ĐT đã quyết định tổ chức phần thi trình bày biện pháp nâng cao chất lượng dạy học dưới hình thức trực tuyến, đồng thời, chuyển đổi phần thi thực hành 1 tiết dạy sang thi thiết kế bài giảng, giáo án điện tử (e-Learning) với 2 điểm thi tập trung tại Trường THPT chuyên Hùng Vương và Trường THPT Pleiku.  
Ở phần thi thiết kế bài giảng và giáo án điện tử, Ban tổ chức đã chuẩn bị tên tiết dạy của các bài dạy đăng tải lên kho dữ liệu của hệ thống tổ chức hội thi và tổ chức cho giáo viên bốc thăm ngẫu nhiên tên bài dạy trước 2 ngày diễn ra phần thi. Cùng với đó, quy định cụ thể về ngữ liệu giáo viên được phép chuẩn bị trước và mang vào phòng thi, các yêu cầu đối với sản phẩm dự thi và thông báo cho thí sinh. Thời gian để giáo viên thiết kế 1 bài giảng, giáo án điện tử trên máy vi tính là 210 phút.
Các giáo viên tham gia phần thi thiết kế bài giảng, giáo án điện tử (e-Learning) trên máy vi tính. Ảnh: Mộc Trà
Các giáo viên tham gia phần thi thiết kế bài giảng, giáo án điện tử (e-Learning) trên máy vi tính. Ảnh: Mộc Trà
Cô Trần Ngô Thị Bé Linh-giáo viên Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (TP. Pleiku) cho hay: Hội thi lần này được tổ chức với hình thức mới mẻ nhưng rất khoa học, chặt chẽ và hiệu quả, phù hợp với bối cảnh dịch bệnh. Đặc biệt, việc hệ thống bốc thăm ngẫu nhiên giám khảo để chấm thi trực tuyến ở các phần thi khá hay, thể hiện được sự khách quan và công bằng. Qua đó, Hội thi tạo động lực cho giáo viên phấn đấu, rèn luyện và hoàn thiện bản thân; đáp ứng nhu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển nghề nghiệp; đồng thời đẩy mạnh phong trào thi đua dạy và học thích nghi với tình hình mới hiện nay. 
Môi trường sáng tạo
Hội thi năm nay thu hút 185 giáo viên của 44 trường phổ thông trực thuộc Sở GD-ĐT dự thi ở 13 môn học: Công nghệ, Địa lý, Giáo dục công dân, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hóa học, Lịch sử, Ngữ văn, Sinh học, Thể dục, Tiếng Anh, Tin học, Toán, Vật lý. Trong số đó, có 183 giáo viên đủ điều kiện dự thi và 174 giáo viên tham gia đủ cả 2 phần thi. 
Theo đánh giá của Ban tổ chức, đa số giáo viên dự thi đều chuẩn bị chu đáo và có sự đầu tư; thực hiện đúng nội quy của hội thi. Các biện pháp, giải pháp được đánh giá cao về tính hiệu quả khi áp dụng; giáo viên dự thi giải quyết tốt các tình huống, vấn đề do Ban giám khảo đặt ra. Sản phẩm phần thi thiết kế bài giảng, giáo án điện tử dự thi cơ bản đảm bảo các yêu cầu. Bên cạnh đó, công tác phòng-chống dịch Covid-19 tại các điểm thi được đảm bảo. Kết quả, 100% giáo viên dự thi đã vượt qua phần thi trình bày biện pháp; 155 giáo viên hoàn thành đạt yêu cầu ở phần thi thiết kế bài giảng, giáo án điện tử. Trên cơ sở này, Ban tổ chức đã xét công nhận 155 giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi THPT cấp tỉnh năm học 2021-2022; đồng thời, trao thưởng cho 10 tập thể và 74 cá nhân có thành tích tốt tại hội thi.
Hiệu trưởng Trường THPT Pleiku Nguyễn Đình Trung (bìa phải) phấn khởi nhận giải nhất toàn đoàn tại hội thi. Ảnh: Mộc Trà
Hiệu trưởng Trường THPT Pleiku Nguyễn Đình Trung (bìa phải) phấn khởi nhận giải nhất toàn đoàn tại hội thi. Ảnh: Mộc Trà
Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Duy Định: Hội thi đã mang đến cho giáo viên THPT toàn tỉnh cơ hội học tập, trao đổi, nâng cao năng lực thiết kế bài giảng điện tử cũng như khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, soạn giảng. Thông qua hội thi, Sở GD-ĐT có cơ sở để đánh giá đúng năng lực cũng như thực trạng của đội ngũ giáo viên THPT; từ đó yêu cầu các đơn vị trường học có định hướng, xây dựng kế hoạch và chỉ đạo giáo viên nâng cao tinh thần tự học, tự bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. 
Xuất sắc đạt giải nhất ở môn Tin học, cô Phạm Thị Minh Quyên-giáo viên Trường THPT Quang Trung (thị xã An Khê) chia sẻ: Vì nội dung và hình thức thi có sự đổi mới so với mọi năm nên tôi không có điều kiện để tham khảo và học hỏi kinh nghiệm thi từ các đồng nghiệp đi trước. Tuy nhiên, điều này cũng mở ra cơ hội để tôi chủ động, linh hoạt tìm hiểu và trau dồi thêm kỹ năng, nhất là có sự sáng tạo trong việc thiết kế bài giảng, giáo án điện tử sao cho vừa thể hiện được nét riêng của bản thân, vừa phù hợp với đặc thù của học sinh địa phương để dạy học trực tuyến. Tôi rất vui khi đạt được thành tích cao tại hội thi. Đây sẽ là động lực để tôi cố gắng hơn nữa trong công tác sau này.
Với 100% giáo viên dự thi được công nhận giáo viên dạy giỏi THPT cấp tỉnh, trong đó 8/9 giáo viên được Ban tổ chức hội thi khen thưởng, Trường THPT Pleiku đã xuất sắc đạt giải nhất toàn đoàn. “Các giáo viên đã tập trung chuẩn bị khá chu đáo và kỹ lưỡng cho hội thi. Nhờ vậy, kết quả đạt được tương đối khả quan với 3 giải nhất, 1 giải nhì, 3 giải ba và 1 giải khuyến khích. Đây cũng là thành tích tốt nhất từ trước đến nay của nhà trường”-Hiệu trưởng Nguyễn Đình Trung phấn khởi nói.
MỘC TRÀ

Có thể bạn quan tâm

Chưa thể yên tâm về dạy học tích hợp

Chưa thể yên tâm về dạy học tích hợp

Dù Bộ GD-ĐT đưa ra nhiều lý giải, hướng dẫn về việc dạy học tích hợp nhưng thực tế ở các nhà trường cho thấy tất cả chỉ là giải pháp "chữa cháy", chưa thể yên tâm khi nói về chất lượng dạy học môn học này khi chưa có giáo viên.

Sắp có khung năng lực số cho người học

Sắp có khung năng lực số cho người học

Theo Dự thảo Thông tư ban hành Khung năng lực số cho người học trong hệ thống giáo dục quốc dân đang được Bộ GD&ĐT đưa ra lấy ý kiến khung năng lực số cho người học trong hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm 6 miền năng lực, giúp người học có được năng lực số phù hợp với từng cấp học bậc học.