Hội thảo giới thiệu SGK mới lớp 4, 8 và 11: Cơ sở để lựa chọn sách phù hợp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) phê duyệt danh mục sách giáo khoa (SGK) các lớp 4, 8, 11 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Sở GD-ĐT Gia Lai phối hợp với các nhà xuất bản giới thiệu nội dung SGK đến các cơ sở giáo dục trong tỉnh. Đây là dịp để cán bộ quản lý, giáo viên tiếp cận và hiểu rõ hơn về SGK mới, từ đó đưa ra đề xuất lựa chọn phù hợp cho năm học 2023-2024.

Hội thảo diễn ra từ ngày 20 đến 24-2 dưới hình thức trực tuyến kết nối đến hơn 600 điểm cầu gồm: các nhà xuất bản, phòng GD-ĐT và cơ sở giáo dục tiểu học, THCS, THPT, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên trong tỉnh. Trên cơ sở danh mục SGK đã được Bộ GD-ĐT phê duyệt (lớp 4 bao gồm 44 đầu sách, lớp 8 gồm 42 đầu sách và lớp 11 có 50 đầu sách), các nhà xuất bản, tổng chủ biên, chủ biên, tác giả môn học và hoạt động giáo dục trình bày những điểm mới về nội dung, cấu trúc, những điểm nổi bật và định hướng tiếp cận Chương trình giáo dục phổ thông 2018 của 3 bộ sách: Chân trời sáng tạo, Kết nối tri thức với cuộc sống và Cánh diều các lớp 4, 8, 11.

Quang cảnh hội thảo giới thiệu bộ SGK mới lớp 4, 8 và 11 tại điểm cầu Sở Giáo dục và Đào tạo. Ảnh: Mộc Trà

Quang cảnh hội thảo giới thiệu bộ SGK mới lớp 4, 8 và 11 tại điểm cầu Sở Giáo dục và Đào tạo. Ảnh: Mộc Trà

Xác định tầm quan trọng của hội thảo, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (phường Hội Thương, TP. Pleiku) đã chủ động bố trí, sắp xếp tiết dạy để tất cả giáo viên chủ nhiệm khối lớp 4, giáo viên bộ môn và giáo viên Tổng phụ trách Đội tham gia. Hiệu trưởng Đồng Thị Thanh Hải thông tin: “Nhà trường đang sử dụng bộ sách Cánh diều để giảng dạy cho các lớp 1, 2 và 3 nên tiếp tục có định hướng nghiên cứu kỹ hơn về bộ sách này ở lớp 4. Tuy nhiên, giáo viên vẫn phải tìm hiểu, nắm bắt được tính ưu việt cũng như điểm hạn chế của 3 bộ sách để có sự so sánh, phân tích và đưa ra lựa chọn phù hợp nhất với đối tượng học sinh, điều kiện của nhà trường”.

Tương tự, Trường THCS và THPT Kpă Klơng (huyện Mang Yang) cũng bố trí 2 điểm cầu để toàn bộ cán bộ quản lý và giáo viên tham gia hội thảo trực tuyến. Thầy Nguyễn Ngọc Sơn-Hiệu trưởng nhà trường-cho hay: Trước khi hội thảo diễn ra, Ban Giám hiệu đã yêu cầu giáo viên tự nghiên cứu trước bản mềm SGK theo đường link mà các nhà xuất bản cung cấp và bản mẫu sách in vừa được chuyển về trường để nắm bắt tinh thần, nội dung sách. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn là đội ngũ giáo viên ít, nhiều môn học chỉ có 1 giáo viên đảm trách nên việc thảo luận, trao đổi chuyên môn trong quá trình nghiên cứu SGK mới còn hạn chế. Chưa kể, một số môn ở bậc THCS như: Vật lý, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Tiếng Anh, Công nghệ… không có giáo viên nên buộc các thầy cô dạy những môn này bậc THPT phải sắp xếp thời gian để tham gia hội thảo ở cả lớp 8 và lớp 11.

“Tuy có phần vất vả hơn khi phải nghiên cứu SGK mới của 2 lớp nhưng đây cũng là cơ hội tốt để tôi nắm bắt được nhiều kiến thức, kỹ năng hơn. Riêng môn Địa lý, qua tiếp cận ban đầu và giới thiệu từ các nhà xuất bản, tôi thấy nội dung bài học về cơ bản vẫn kế thừa từ chương trình cũ, có bổ sung thêm một số kiến thức mới liên quan đến vận dụng thực tiễn. Đặc biệt, giáo viên có thể tích lũy thêm phương pháp hay nhằm giúp học sinh tiếp cận được kiến thức theo đúng định hướng phát triển phẩm chất và năng lực”-thầy Nguyễn Hữu Tân-giáo viên Địa lý, Trường THCS và THPT Kpă Klơng-chia sẻ.

Hội thảo là dịp để giáo viên tiếp cận và hiểu rõ hơn về SGK mới, từ đó đưa ra đề xuất lựa chọn sách phù hợp cho năm học 2023-2024. Ảnh: Mộc Trà

Hội thảo là dịp để giáo viên tiếp cận và hiểu rõ hơn về SGK mới, từ đó đưa ra đề xuất lựa chọn sách phù hợp cho năm học 2023-2024. Ảnh: Mộc Trà

Còn cô Lê Thị Minh Nga-Tổ trưởng Tổ chuyên môn khối 4, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu-nhìn nhận: Qua hội thảo, tôi đã nắm bắt được cặn kẽ hơn về cấu trúc, nội hàm của các môn học; tháo gỡ được một số khó khăn, vướng mắc; từ đó có sự chủ động, linh hoạt trong quá trình cùng đồng nghiệp nghiên cứu, đề xuất lựa chọn sách cũng như giảng dạy sau này. Đồng quan điểm, cô Lê Thị Hồng Sáu-Tổ trưởng Tổ Ngữ văn, Trường THPT Phan Bội Châu (TP. Pleiku) cho hay: Hội thảo là một trong những căn cứ để chúng tôi chọn lựa SGK chuẩn mực, khoa học, phù hợp với đối tượng học sinh và điều kiện của nhà trường. Trong số những thay đổi của chương trình mới ở môn Ngữ văn, tôi rất ủng hộ việc kiểm tra đánh giá sử dụng dữ liệu ngoài SGK vì không chỉ tránh được tình trạng học sinh học vẹt, sử dụng văn mẫu mà còn giúp các em phát huy được kỹ năng, tư duy tự học và tự làm bài.

Trong mỗi buổi hội thảo, bên cạnh nội dung, các nhà xuất bản còn giới thiệu về các nguồn tài liệu hỗ trợ sử dụng dạy học theo SGK mới đạt hiệu quả. Tiến sĩ Phạm Quỳnh-Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam-bày tỏ: Hội thảo giới thiệu SGK và thiết bị giáo dục lần này có ý nghĩa quan trọng, là diễn đàn để các nhà khoa học, nhà giáo dục và đại biểu tham dự cùng trao đổi, thảo luận về những nội dung liên quan đến việc đổi mới chương trình SGK các lớp 4, 8 và 11 sẽ được triển khai trong năm học 2023-2024. Hy vọng phần trình bày của các tác giả đã mang lại nhiều thông tin bổ ích, cần thiết, giúp các thầy-cô giáo có cơ sở để lựa chọn SGK phù hợp sử dụng trong các cơ sở giáo dục của tỉnh.

Phát biểu tại hội thảo, Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Duy Định cho biết: Năm học 2023-2024 là năm thứ 4 thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nhằm thực hiện tốt việc đổi mới theo hướng “một chương trình, nhiều bộ SGK”; chú trọng về phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh. Vì vậy, sau hội thảo này, Sở GD-ĐT yêu cầu cán bộ quản lý, giáo viên tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu SGK mới trên các website nhà xuất bản hoặc trực tiếp trên bản mẫu sách đã được cung cấp, tiến tới xác định, lựa chọn SGK phù hợp với bộ môn mình phụ trách, với điều kiện của nhà trường và địa phương; góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trên địa bàn tỉnh.

Có thể bạn quan tâm

Thực tập phương án chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tại Trường Tiểu học và THCS Phan Bội Châu. Ảnh: Hà Bắc

Thực tập phương án chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tại Trường Tiểu học và THCS Phan Bội Châu

(GLO)- Ngày 16-1, Đội Chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (CNCH) khu vực An Khê (Công an tỉnh Gia Lai) phối hợp với Công an huyện Đak Pơ tổ chức hoạt động trải nghiệm kỹ năng chữa cháy, thoát nạn và thực tập phương án chữa cháy, CNCH tại Trường Tiểu học và THCS Phan Bội Châu (xã Phú An).