Hội đồng Vàng thế giới nói về 'hạ nhiệt' giá vàng Việt Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Theo ông Shaokai Fan, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc) kiêm Giám đốc Ngân hàng T.Ư Toàn cầu tại Hội đồng Vàng thế giới, với Việt Nam, cách duy nhất tăng nguồn cung vàng hiệu quả là phải nhập khẩu.

Vàng vẫn vào Việt Nam nhưng không chính ngạch

Trao đổi với báo chí mới đây, đề cập tới vấn đề có hay không tình trạng thao túng, đẩy giá vàng lên cao tại Việt Nam, ông Shaokai Fan, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc) kiêm Giám đốc Ngân hàng T.Ư Toàn cầu tại Hội đồng Vàng thế giới, cho biết "chưa trực tiếp nghe bất kỳ thông tin nào về thao túng giá vàng".

Theo ông Shaokai Fan, với Việt Nam, trong xu hướng đang mua vào mạnh như hiện nay, phải nhập khẩu vàng để đáp ứng nhu cầu trong nước. ẢNH ĐT

Theo ông Shaokai Fan, với Việt Nam, trong xu hướng đang mua vào mạnh như hiện nay, phải nhập khẩu vàng để đáp ứng nhu cầu trong nước. ẢNH ĐT

"Qua chuyến công tác của tôi tới Việt Nam làm việc với doanh nghiệp vàng cũng như với Chính phủ, tôi biết các bên liên quan đều đang cố gắng để cải thiện thị trường vàng", ông Shaokai Fan nói.

Theo vị này, Việt Nam không phải là nước duy nhất đang đứng trước tình trạng khó khăn như hiện nay. Làm thế nào để có thể cân bằng giữa một bên là nhu cầu vàng trong nước rất cao, một bên là có hay không nhập khẩu để đáp ứng được nhu cầu đó mà không gây ra những tác động tiêu cực.

Các quy định hiện hành về nhập khẩu vàng tại Việt Nam rất chặt chẽ. Tuy nhiên, bằng một cách nào đó, vàng vẫn vào Việt Nam qua các kênh khác nhau và ai đó vẫn phải trả tiền cho việc nhập khẩu này.

"Điều đó có nghĩa là, vàng vẫn vào Việt Nam nhưng không phải thông qua con đường chính ngạch, thông qua các hạn ngạch nhập khẩu mà qua các con đường khác. Nếu Chính phủ nới rộng chỉ tiêu nhập khẩu, rõ ràng vàng có thể được nhập qua kênh chính thức nhiều hơn", ông Shaokai Fan nhìn nhận.

Ấn Độ phát hành trái phiếu gắn với giá vàng

Nhắc tới câu chuyện chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế, theo ông Shaokai Fan, điều này có xảy ra ở các nước khác, Trung Quốc là một ví dụ. Tuy nhiên, mức độ chênh lệch không cao như ở Việt Nam nên chính phủ các nước không can thiệp nhiều như ở Việt Nam để có thể thu hẹp khoảng cách chênh lệch giá.

"Giai đoạn lịch sử gần đây, ngân hàng T.Ư có can thiệp tôi thấy chỉ có Thổ Nhĩ Kỳ. Tháng 3, tháng 4 năm ngoái, trong bối cảnh giá vàng tăng đột biến, ngân hàng T.Ư của Thổ Nhĩ Kỳ mới can thiệp; còn hầu như không quốc gia nào can thiệp do mức độ chênh lệch giá không cao như Việt Nam", ông Shaokai Fan nhấn mạnh.

"Thổ Nhĩ Kỳ có cuộc bầu cử tổng thống diễn ra vào tháng 3, tháng 4 năm trước. Thường khi vào chu kỳ bầu cử tổng thống, người dân Thổ Nhĩ Kỳ rất lo lắng đồng nội tệ mất giá. Họ gia tăng mua vàng và một số ngoại tệ khác để phòng ngừa rủi ro.

Trong bối cảnh như vậy, nhu cầu về vàng tăng đột biến ở Thổ Nhĩ Kỳ, thanh khoản bị bóp nghẹt trên thị trường. Đó là lý do vì sao ngân hàng T.Ư Thổ Nhĩ Kỳ dùng vàng dự trữ tung ra để "hạ nhiệt". Giá vàng ngân hàng T.Ư bán ra với giá giao ngay", vị này thông tin rõ hơn.

Nhắc lại việc Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia duy nhất trong lịch sử gần đây dùng cách cung vàng ra thị trường qua đấu thầu, ông Shaokai Fan chia sẻ thêm cách tăng cung, "hạ nhiệt" giá vàng của Ấn Độ. Ấn Độ phát hành trái phiếu gắn với giá vàng. Chính phủ phát hành trái phiếu nhưng trái phiếu lại biến động theo giá vàng.

Đấu thầu vàng là một giải pháp mà Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang triển khai để có thể thu hẹp khoảng cách giá vàng trong nước và thế giới.

Khẳng định "không thể đánh giá chi tiết mức độ hiệu quả của chính sách này", song ông Shaokai Fan cho rằng, việc đấu thầu sẽ có tác động trực tiếp đến thị trường vàng trong nước.

"Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiến hành đấu giá vàng để can thiệp trên thị trường diễn ra đúng vào thời điểm giá vàng trên thế giới tăng rất mạnh. Vì vậy, ngay cả khi nguồn cung trong nước có thể được tăng lên thì giá vàng trong nước vẫn tăng theo giá vàng thế giới", ông Shaokai Fan nói.

Ở khía cạnh tăng cung hướng tới "hạ nhiệt" giá vàng trong nước, kéo giảm chênh lệch giữa giá vàng Việt Nam và giá vàng thế giới, ông Shaokai Fan phân tích, Việt Nam có khai thác vàng nhưng sản lượng không đủ để đáp ứng nhu cầu trong nước.

Cho nên, để tăng nguồn cung hoặc phải dựa vào nhập khẩu vàng, hoặc người dân phải bán số vàng họ đang găm giữ. "Trong xu hướng đang mua vào mạnh như hiện nay, cách duy nhất là phải nhập khẩu vàng để đáp ứng nhu cầu trong nước", ông Shaokai Fan nhấn mạnh.

Theo Hội đồng Vàng thế giới, nhu cầu đầu tư vàng miếng và vàng xu của Việt Nam ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ nhất trong quý 1 kể từ năm 2015. Các nhà đầu tư trong nước bị thu hút bởi diễn biến tăng vọt của giá vàng trong quý 1, đặc biệt khi đối mặt với tình trạng giá năng lượng tăng cao - được dự báo sẽ thúc đẩy lạm phát - và đồng nội tệ mất giá so với đồng USD. Mức chênh lệch giá đối với vàng miếng đã đạt mức 650 USD/ounce.

Trong quý 1/2024, nhu cầu vàng trang sức tại Việt Nam ghi nhận mức sụt giảm lần thứ 5 liên tiếp, giảm hơn 10% xuống còn 4 tấn, được ghi nhận là quý 1 có nhu cầu thấp nhất kể từ năm 2015. Bất chấp nhu cầu bùng nổ trong tháng 2 (dịp tết Nguyên đán và ngày thần tài), nhu cầu vàng trang sức vẫn bị chi phối mạnh do giá vàng tăng cao.

Có thể bạn quan tâm

Năm 2025 Gia Lai phấn đấu thu ngân sách 6.435 tỷ đồng

Năm 2025 Gia Lai phấn đấu thu ngân sách 6.435 tỷ đồng

(GLO)- Tại kỳ họp thứ 24, HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII đã thông qua Nghị quyết số 440/NQ-HĐND về việc quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, dự toán thu-chi ngân sách địa phương và phương án phân bổ ngân sách cấp tỉnh năm 2025.

Dự án trụ sở HĐND-UBND TP. Pleiku đang được đơn vị thi công gấp rút hoàn thành các hạng mục còn lại. Ảnh: Q.T

Pleiku tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công

(GLO)- Ủy ban nhân dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) đang tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và các xã, phường quyết liệt triển khai các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân vốn các công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn. Thành phố quyết tâm đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên 95% theo kế hoạch.

Ngành Thuế Chư Pưh tiếp tục đôn đốc, khai thác tốt các nguồn thu

Ngành Thuế Chư Pưh tiếp tục đôn đốc, khai thác tốt các nguồn thu

(GLO)- Đến thời điểm này, huyện Chư Pưh đã thu được gần 29 tỷ đồng nộp ngân sách, đạt khoảng 120% dự toán tỉnh và HĐND huyện giao (trừ tiền sử dụng đất). Từ nay đến hết năm 2024, ngành Thuế huyện tiếp tục triển khai các giải pháp để quản lý thuế, chống thất thu cũng như khai thác tốt các nguồn thu.

Tập huấn kiểm kê tài sản công

Tập huấn nghiệp vụ tổng kiểm kê tài sản công

(GLO)- Ngày 28 và 29-11, Sở Tài chính tỉnh Gia Lai phối hợp với Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) tập huấn nghiệp vụ tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Gia Lai.