Hỗ trợ tiền cho lao động bị ảnh hưởng Covid-19 tại Bình Định: Không để sót ai!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Thị xã Hoài Nhơn là địa phương đầu tiên tại tỉnh Bình Định tổ chức cấp phát tiền hỗ trợ cho người lao động tự do gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lâm Hải Giang (bìa phải) trao tiền hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng Covid-19- ẢNH: HOÀNG TRỌNG
Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lâm Hải Giang (bìa phải) trao tiền hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng Covid-19- ẢNH: HOÀNG TRỌNG

 
Ngày 17.7, UBND TX.Hoài Nhơn tổ chức cấp phát tiền hỗ trợ cho người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1.7.2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7.7.2021 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, mức hỗ trợ là 1.500.000 đồng/hộ.

Trước mắt, TX.Hoài Nhơn ưu tiên trao tiền hỗ trợ tại 6 phường đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và xã Hoài Mỹ, các xã, phường còn lại sẽ được cấp phát trong những ngày sắp đến. Đây là địa phương đầu tiên trong tỉnh Bình Định tổ chức cấp phát tiền hỗ trợ cho người lao động gặp khó khăn.

Rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ

Theo bà Phạm Thị Tỏ (44 tuổi, ở thôn Mỹ Thọ, xã Hoài Mỹ), hầu hết các trường hợp được xét duyệt hỗ trợ trong đợt đầu tiên tại địa phương đều là lao động tự do, có hoàn cảnh khó khăn như bán vé số, ve chai, làm thuê… bị mất việc do dịch Covid-19 bùng phát. Bà Tỏ làm nghề thu mua vè chai. Chồng bà Tỏ trước kia đi biển nhưng từ đầu năm đến nay bị ốm, phải ở nhà. Con gái bà Tỏ nhận hàng về may gia công tại nhà, con trai làm công nhân cho một công ty chuyên gia công hàng mây tre tại TX.Hoài Nhơn. Tuy nhiên, do dịch bệnh Covid-19, bà Tỏ và 2 con phải nghỉ làm gần 20 ngày nay.

“Chúng tôi không đói, gạo luôn có sẵn nhưng vì không đi làm nên không có tiền, việc mua đồ ăn và các chi khác khác rất khó khăn. Ngay lúc này đây, chúng tôi được nhận tiền hỗ trợ. "Một miếng khi đói bằng một gói khi no", số tiền này đến với chúng tôi rất quý giá và kịp thời”, bà Tỏ nói.

 

Cán bộ P.Tam Quan Nam (TX.Hoài Nhơn) hướng dẫn lao động tự do làm hồ sơ hỗ trợ-ẢNH: HOÀNG TRỌNG
Cán bộ P.Tam Quan Nam (TX.Hoài Nhơn) hướng dẫn lao động tự do làm hồ sơ hỗ trợ-ẢNH: HOÀNG TRỌNG



Theo ông Trần Hữu Thảo, Phó chủ tịch UBND TX.Hoài Nhơn, hiện thị xã đã rà soát được khoảng 2.000 trường hợp khó khăn thuộc nhóm lao động tự do theo Nghị quyết số 68 của Chính phủ nên đã lập hồ sơ và triển khai hỗ trợ ngay cho người dân, bắt đầu từ ngày 17.7 đến ngày 19.7. UBND TX.Hoài Nhơn đã chỉ đạo các xã, phường đẩy nhanh tiến độ xét duyệt hồ sơ hỗ trợ cho người lao động đang gặp khó khăn, thời gian xét duyệt hồ sơ không quá 2 ngày.


“Theo quy định, việc xét duyệt hồ sơ hỗ trợ không quá 7 ngày là phải chi tiền cho người dân. Tuy nhiên, UBND TX.Hoài Nhơn chỉ đạo yêu cầu chính quyền cấp xã, phường xét duyệt nhanh đối với các hồ sơ đúng và đảm bảo thủ tục, thông qua hội đồng xét duyệt cấp xã rồi trình lên ban chỉ đạo của thị xã để duyệt ngay trong ngày. Giai đoạn này là giai đoạn bà con rất khó khăn, cần sự hỗ trợ kịp thời nên mình làm sao rút ngắn thủ tục, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ càng sớm càng tốt”, ông Thảo nói.

 

Ông Phạm Trương, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND TX.Hoài Nhơn (bìa phải), trao tiền hỗ trợ cho người dân- ẢNH: HOÀNG TRỌNG
Ông Phạm Trương, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND TX.Hoài Nhơn (bìa phải), trao tiền hỗ trợ cho người dân- ẢNH: HOÀNG TRỌNG


Hơn 28.650 người lao động tự do được hỗ trợ

Theo ông Lâm Hải Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, công tác chuẩn bị để triển khai chính sách hỗ trợ cho người lao động, người gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết số 68 của Chính phủ và Quyết định số 23 cơ bản đã hoàn thành.

Theo thống kê ban đầu, tỉnh Bình Định có khoảng 28.650 người lao động không có giao kết hợp đồng phải tạm ngừng hoạt động để phòng chống dịch bệnh Covid-19 thuộc diện được ưu tiên hỗ trợ theo Nghị quyết 68 và Quyết định 23, kinh phí dự toán gần 43 tỉ đồng.

UBND tỉnh Bình Định cũng rà soát, thống kê các trường hợp còn lại được hỗ trợ theo Quyết định 23 của Thủ tướng Chính phủ, với tổng mức dự toán 150 tỉ đồng. Đồng thời, UBND tỉnh Bình Định dành 50 tỉ đồng ủy thác qua Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh thực hiện cho vay khôi phục sản xuất, cho vay tạo việc làm cho người dân gặp khó khăn.


 

Điểm làm thủ tục cấp phát tiền hỗ trợ cho lao động tự do tại TX.Hoài Nhơn- ẢNH: HOÀNG TRỌNG
Điểm làm thủ tục cấp phát tiền hỗ trợ cho lao động tự do tại TX.Hoài Nhơn- ẢNH: HOÀNG TRỌNG



Theo ông Lâm Hải Giang, TX.Hoài Nhơn là địa phương đầu tiên trong tỉnh có ca nhiễm Covid-19, có 6 phường thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, toàn thị xã thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ nên đời sống, việc làm của người dân khó khăn. Tuy nhiên, TX.Hoài Nhơn đã làm tốt công tác ngăn chặn dịch Covid-19 và hỗ trợ cho người dân. Hiện TX.Hoài Nhơn đã chuẩn bị kinh phí 10 tỉ đồng, đủ để hỗ trợ cho lao động tự do, lao động không có giao kết hợp đồng lao động…

“UBND tỉnh Bình Định yêu cầu các địa phương trong tỉnh chuẩn bị kinh phí để hỗ trợ cho người dân. Nếu địa phương nào thiếu nguồn lực thì phải báo cáo Sở Tài chính, trình UBND tỉnh cân đối, để đảm bảo mục tiêu tất cả các trường hợp thuộc diện hỗ trợ đều được hưởng kịp thời, đầy đủ, không để trường hợp nào khó khăn không đủ ăn. Không được để sót bất cứ một ai trong diện được nhận hỗ trợ mà vì điều này hay điều kia không được nhận”, ông Lâm Hải Giang nói.

 

Ngày 17.7, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long có ý kiến bằng văn bản về việc hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định giao giám đốc các sở, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện ngay chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh đối với các nhóm đối tượng quy định tại các điểm 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11 Mục II Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định giao Sở LĐ-TB-XH chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước tỉnh và các cơ quan liên quan hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố tạm ứng ngân sách địa phương để thực hiện cấp phát tiền hỗ trợ đối với lao động không có giao kết hợp đồng, bảo đảm kịp thời, đúng đối tượng nhằm chia sẻ khó khăn, bảo đảm cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, góp phần ổn định xã hội.


Theo Hoàng Trọng (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Mẹ mất, em Thái Thị Mỹ Diệu (ở giữa) trở thành trụ cột gia đình và chăm sóc 2 em. Ảnh: N.N

Xót lòng 3 trẻ mồ côi

(GLO)- Mẹ qua đời, cha bỏ nhà đi , em Thái Thị Mỹ Diệu (SN 2006, hẻm 174 Nguyễn Văn Cừ, tổ 7, phường Diên Hồng, TP. Pleiku) phải bỏ dở việc học để chăm sóc 2 em nhỏ.

Đoàn giám sát HĐND tỉnh làm việc tại huyện Đak Đoa về việc cấp giấy CNQSDĐ cho các đối tượng được hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Ảnh: Lê Nam

Đak Đoa: 42/148 hộ hỗ trợ nhà ở, đất ở được cấp giấy CNQSDĐ

(GLO)- Sáng 16-12, Đoàn giám sát HĐND tỉnh do bà Đinh Ly An-Trưởng Ban Dân tộc làm trưởng đoàn đã giám sát tại huyện Đak Đoa về “việc cấp giấy CNQSDĐ cho các đối tượng được hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi”.

Nhờ nguồn vốn vay sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, bà Nguyễn Thị Nga (bìa trái, làng Sur B, xã Ia Hla, huyện Chư Pưh) đã đầu tư phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống. Ảnh: S.C

“Bà đỡ” của người dân vùng khó

(GLO)- Thông qua chương trình tín dụng ưu đãi, người dân các xã vùng khó khăn của Chư Pưh (tỉnh Gia Lai) được vay 100 triệu đồng để đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao đời sống. Chương trình này được ví như “bà đỡ” của người dân vùng khó.

Đoàn giám sát HĐND tỉnh giám sát tại thị xã Ayun Pa về “việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đối tượng được hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Ảnh: Lê Nam

Nhiều địa phương gặp khó trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ nghèo

(GLO)- Thực hiện Dự án 1-Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi các địa phương đã triển khai hỗ trợ nhà ở, đất ở cho hộ nghèo. Tuy nhiên, một số địa phương gặp khó trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đối tượng này.

Anh Đinh Bưng (làng Nhoi, xã Tú An) phấn khởi khi được dùng nước sạch. Ảnh: A.P

Phát huy hiệu quả vốn vay chương trình nước sạch, vệ sinh

(GLO)- Từ nguồn vốn vay ưu đãi của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai), hàng ngàn hộ dân trên địa bàn thị xã có thêm điều kiện đầu tư nâng cấp, xây dựng công trình nước sạch, công trình vệ sinh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.