(GLO)- Đa phần người khiếm thị trên địa bàn tỉnh Gia Lai không biết chữ, không nghề nghiệp, cuộc sống phụ thuộc nhiều vào gia đình. Do vậy, những năm qua, Hội Người mù tỉnh luôn nỗ lực tập hợp, động viên, hỗ trợ người khiếm thị vượt lên hoàn cảnh, hòa nhập cộng đồng.
Ông Nguyễn Văn Hùng-Chủ tịch Hội Người mù tỉnh-cho biết: Cách đây 50 năm, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang diễn ra gay go, ác liệt thì Hội Người mù Việt Nam ra đời (17-4-1969) nhằm tập hợp, đoàn kết, giúp người mù cả nước vươn lên, tự tin hòa nhập cộng đồng. Hội Người mù tỉnh dù mới thành lập năm 2012 nhưng từ đó đến nay luôn là tổ chức xã hội gắn kết, giúp đỡ người khiếm thị vượt lên hoàn cảnh, phấn đấu có cuộc sống vui khỏe. Toàn tỉnh hiện có 405 hội viên/900 người mù trên địa bàn toàn tỉnh.
Trao nhà tình nghĩa cho bà Rơ Lan Bing. Ảnh. Đ.Y |
Đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Tăng cường đoàn kết, chủ động vươn lên, bình đẳng, hòa nhập với cộng đồng”, thời gian qua, Hội Người mù tỉnh đã quán triệt, tuyên truyền tới toàn bộ hội viên, qua đó củng cố tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Đồng thời, Hội cũng đổi mới phương thức, nội dung hoạt động, hướng hoạt động Hội về cơ sở; thường xuyên kiểm tra, rà soát các hoạt động, giúp cơ sở xây dựng nhiệm vụ phù hợp với tình hình thực tế. Theo thống kê của Chủ tịch Hội Người mù tỉnh, tính từ năm 2012 đến nay, Hội đã vận động, quyên góp được gần 1,2 tỷ đồng (tiền mặt và vật chất) để giúp hàng trăm hội viên học nghề, tạo việc làm tại 2 cơ sở massage của Hội; hỗ trợ 7 em khiếm thị đi học chữ nổi, 45 người vay vốn sản xuất, chăn nuôi, học nghề; xây mới 7 căn nhà cho người mù khó khăn về nhà ở với tổng số tiền trên 300 triệu đồng; trợ cấp gạo thường xuyên cho 1 người mù có hoàn cảnh đặc biệt tại xã Ia Lang (huyện Đức Cơ). Vào các dịp lễ, Tết, lãnh đạo Hội đến thăm, tặng quà cho hội viên, người mù. Năm 2018, Hội đã tặng gần 2.000 suất quà với tổng trị giá trên 760 triệu đồng cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Cùng với đó, đại diện Hội còn thường xuyên đến từng gia đình người khiếm thị có hoàn cảnh khó khăn, vận động tham gia Hội để được hưởng các chế độ chăm sóc và có điều kiện học tập, vươn lên trong cuộc sống.
Là một trong số những hội viên được hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất từ năm 2015 đến nay, ông Chu Văn Giàu (xã Tơ Tung, huyện Kbang) cho biết, bản thân ông bị khiếm thị từ nhỏ. Ông đang ở với em trai nhưng gia đình em lại thuộc hộ cận nghèo, thu nhập chính chỉ trông chờ vào cây mía, cây mì. Trước hoàn cảnh đó, ông Giàu được Hội Người mù tỉnh cho mượn 10 triệu đồng để mua 4 con dê sinh sản về nuôi. Ông Chu Văn Chuyền-em trai ông Giàu-chia sẻ: “Hội thường xuyên động viên, hỗ trợ để gia đình tôi phát huy tốt nguồn vốn của Hội. Đến nay, đàn dê đã phát triển lên thành 10 con. Nhờ đó, gia đình có điều kiện vươn lên, anh tôi cũng đỡ vất vả”.
Trong căn nhà khang trang vừa được Hội Người mù tỉnh vận động xây tặng, bà Rơ Lan Bing (xã Ia Din, huyện Đức Cơ) bày tỏ: “Tôi rất mừng khi có được ngôi nhà này. Trước đây, chúng tôi lúc nào cũng nơm nớp lo sợ tốc mái, sập nhà”. Do cả 2 vợ chồng bà đều mù nên cuộc sống vô cùng khó khăn. Hội Người mù tỉnh đã vận động UBND xã Ia Din cấp cho ông bà 100 m2 đất ở, tiếp đó xây tặng căn nhà trị giá 80 triệu đồng, trong đó có 50 triệu đồng do Hội vận động được, phần còn lại do bà con nhân dân trên địa bàn xã đóng góp giúp đỡ. “Nhờ sự hỗ trợ của Hội và chính quyền địa phương mà gia đình tôi mới có cuộc sống ổn định như thế này”-bà Bing xúc động nói.
Hội Người mù tỉnh còn quan tâm, giúp đỡ và tạo việc làm ổn định cho 10 người khiếm thị tại cơ sở Xoa bóp-Bấm huyệt cổ truyền (21 Nguyễn Du, TP. Pleiku). Anh Lê Quang Đạt, một người khiếm thị được Hội hỗ trợ tạo việc làm, cho biết: “Tháng 5-2015, tôi bắt đầu học nghề xoa bóp-bấm huyệt cổ truyền tại Đà Nẵng và làm việc tại đây. Đến tháng 4-2016, tôi về lại Gia Lai và được Hội Người mù tỉnh hỗ trợ cho đi tập huấn công tác Hội, nâng cao kỹ thuật xoa bóp-bấm huyệt cổ truyền và được nhận vào làm việc tại cơ sở của Hội. Công việc tại đây giúp tôi có thu nhập 3 triệu đồng/tháng, ổn định đời sống”.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, công tác Hội còn gặp nhiều khó khăn. Chủ tịch Hội Người mù tỉnh cho hay: Đa phần người mù trong tỉnh đều sống ở vùng sâu, vùng xa, cuộc sống rất khó khăn, trình độ dân trí thấp. Thời gian qua, thông qua cuộc vận động “Tăng cường đoàn kết, chủ động vươn lên, bình đẳng, hòa nhập với cộng đồng”, nhận thức của cán bộ, hội viên Hội Người mù các cấp đã được nâng lên. Nhiều hội viên đã xóa đi mặc cảm, tự ti, sống lạc quan, yêu đời hơn. Nhiều người có việc làm, thu nhập ổn định, đời sống tinh thần được nâng cao. “Thời gian tới, Hội Người mù tỉnh tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, cộng đồng để ủng hộ, giúp đỡ hội viên và người mù, góp phần thực hiện hiệu quả hơn nữa cuộc vận động. Ngoài ra, Hội sẽ tăng cường quan tâm đời sống phụ nữ và trẻ em mù, tạo điều kiện để các đối tượng này được học chữ nổi, học nghề, vay vốn phát triển sản xuất, chăn nuôi; phối hợp với Ban Lao động việc làm Trung ương Hội, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh lập dự án cho hội viên vay vốn giải quyết việc làm, tăng thu nhập. Đặc biệt, Hội mong muốn Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh quan tâm tạo điều kiện để triển khai thành công dự án thành lập Trung tâm Phục hồi chức năng-Giáo dục hướng nghiệp, dạy nghề nhằm tạo việc làm cho người mù”-ông Nguyễn Văn Hùng cho biết thêm.
ĐINH YẾN