Họ Phan hiếu học

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Không chỉ tiêu biểu cho tinh thần đoàn kết, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, họ Phan ở tổ 9 (thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) còn là dòng họ hiếu học khi có nhiều con em học hành thành đạt, trở về góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Rời cố đô Huế vào Gia Lai lập nghiệp từ những năm 70 của thế kỷ trước, dòng họ Phan ở tổ dân phố 9 luôn nêu cao truyền thống hiếu học của quê hương. Với quan niệm “Không phải vì nghèo mà không học, giàu có mà xao nhãng việc tu nhân”, các gia đình luôn động viên con cháu học hành vì tâm niệm chỉ có cái chữ mới thoát được đói nghèo, lạc hậu. Thực hiện cuộc vận động “Nhà nhà hiếu học, dòng họ hiếu học” của Hội Khuyến học, năm 2013, họ Phan quyết định thành lập quỹ khuyến học để thúc đẩy phong trào học tập của các gia đình trong dòng tộc.

 Ông Phan Thoan (tổ dân phố 9, thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa) kể cho các cháu nhỏ nghe về những tấm gương hiếu học trong dòng họ. Ảnh: Vũ Chi
Ông Phan Thoan (tổ 9, thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa) kể cho các cháu nhỏ nghe về những tấm gương hiếu học trong dòng họ. Ảnh: Vũ Chi


Ông Phan Thoan-Trưởng ban khuyến học của dòng họ Phan-cho biết: Quỹ khuyến học của dòng họ ban đầu chỉ gồm 20 thành viên, tập trung tại tổ dân phố 9. Đến nay, quỹ đã phát triển được 81 hội viên trong tổ dân phố 9 và 15 hội viên người đồng tộc tại các khu phố lân cận tham gia với mức đóng góp 50 ngàn đồng/hội viên/năm cùng với các nguồn ủng hộ khác. Cuối năm 2021, quỹ khuyến học của dòng họ Phan đã góp được 12 triệu đồng. Hiện tại, dòng họ này có 5% số con cháu tốt nghiệp sau đại học, 56% học đại học, 15% học cao đẳng, học nghề. Sau khi ra trường, hầu hết đều có việc làm ổn định. Đặc biệt, mấy năm nay, không có ai lưu ban hay bỏ học giữa chừng.
 


Bà Tạ Thị Hài-Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Krông Pa: Họ Phan là dòng họ tiêu biểu nhất về phong trào hiếu học. Với cách làm hay, dòng họ này đã xây dựng được nhiều thế hệ, gia đình, cá nhân nêu gương sáng trong phong trào khuyến học tại địa phương. Năm 2020, dòng họ Phan vinh dự nhận bằng khen của Hội Khuyến học tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong công tác khuyến học, khuyến tài.
 

Hàng năm, vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc, khi con cháu đi làm ăn xa về sum họp gia đình, Ban đại diện dòng họ Phan tổ chức lễ dâng hương tại nhà thờ tổ, trưởng tộc thông báo thành tích học tập của con cháu, quyết định khen thưởng và tặng quà cho các cháu có thành tích cao trong học tập, đồng thời biểu dương các gia đình hiếu học. Quà là sách vở, đồ dùng học tập trị giá 50-70 ngàn đồng đối với học sinh phổ thông; 100-150 ngàn đồng cho các cháu đậu vào cao đẳng, đại học, sau đại học. Món quà có ý nghĩa về mặt tinh thần, tạo không khí thi đua sôi nổi, khuyến khích mọi người nỗ lực học tập.

Tiêu biểu cho phong trào hiếu học trong dòng họ có thể kể đến gia đình ông Phan Đình Duy (tổ dân phố 9). Vào Gia Lai lập nghiệp từ năm 1978 với nhiều khó khăn vất vả nhưng gia đình ông luôn ưu tiên việc học hành của con cái. Nhờ vậy, 4 người con của ông đều tốt nghiệp đại học, có việc làm ổn định. Ông Duy tâm sự: “Mình không được học nhiều nên phải động viên con cái học hành đến nơi đến chốn để thoát cảnh đói nghèo. Nhiều người nói rằng học hành chi cho lắm, lấy tiền đó mà mua ruộng đất thì giờ đã giàu to, nhưng tôi nghĩ khác. Trang bị cho các cháu kiến thức để bước vào đời tự tin hơn, làm việc khoa học hơn thì cũng dễ thành công hơn. Tôi vẫn thường nói với con cháu rằng, nếu không đủ sức để học lên đại học thì có thể học nghề, chỉ sợ các cháu không học nổi, chứ đứa nào muốn học thì dù phải vất vả đến đâu, vợ chồng tôi cũng ráng nuôi các cháu học hành nên người”.

Chia sẻ về định hướng trong thời gian tới, ông Thoan cho biết: Hiện nay, kinh tế của các gia đình trong dòng họ đều khá giả hơn trước rất nhiều. Để thúc đẩy phong trào khuyến học của dòng họ, Ban đại diện sẽ mời thêm các cụ lớn tuổi, có uy tín vào làm cố vấn, mời anh em đồng tộc ở các khối phố lân cận vào làm hội viên. Ban đại diện cũng sẽ tích cực đến thăm hỏi, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các gia đình để có hình thức hoạt động phù hợp, hiệu quả, tìm hiểu lý do các cháu có biểu hiện xao nhãng việc học để có biện pháp động viên giúp đỡ kịp thời. Trên cơ sở ý kiến thống nhất của các thành viên, mức đóng quỹ khuyến học có thể tăng lên để động viên, giúp đỡ nhiều hơn đối với các cháu có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập.

 

 VŨ CHI
 

Có thể bạn quan tâm

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Trần Bá Công tặng hoa chúc mừng 3 nhóm tác giả có dự án xuất sắc đại diện cho tỉnh tham gia cuộc thi cấp quốc gia. Ảnh: T.D

Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp tỉnh học sinh trung học, môi trường cho học sinh sáng tạo nghiên cứu

(GLO)- Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp tỉnh học sinh trung học lần thứ 11 (năm học 2024-2025) do Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức diễn ra từ ngày 9 đến 11-1 đã trở thành sân chơi bổ ích, trí tuệ, góp phần thúc đẩy sự khám phá, đam mê nghiên cứu khoa học trong học sinh.

Áp tỷ lệ phân luồng sau THCS không còn phù hợp

Áp tỷ lệ phân luồng sau THCS không còn phù hợp

Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 không còn đặt ra tỷ lệ học nghề sau THCS khoảng 30% như giai đoạn trước. Thực tế cho thấy việc áp tỷ lệ phân luồng sau THCS không phù hợp và nảy sinh nhiều hệ lụy.

Công bố Quyết định thành lập Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai

Công bố Quyết định thành lập Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai

(GLO)- Chiều 3-1, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai và Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tổ chức lễ công bố Quyết định thành lập Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai trên cơ sở Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai.