Hàng loạt sai phạm nghiêm trọng tại IPC: Khởi tố thêm 3 cán bộ có sai phạm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Liên quan hàng loạt sai phạm nghiêm trọng tại Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) mà Thanh Niên phản ánh, trong giai đoạn mở rộng điều tra, cơ quan công an khởi tố thêm 3 cán bộ có sai phạm.
 
Tòa nhà trụ sở IPC ở Q.7 (TP.HCM). ẢNH: LAM NGỌC
Hôm qua (17.6), Phòng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (PC03), Công an TP.HCM thi hành lệnh khởi tố bị can, lệnh khám xét, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Đỗ Công Hiệp, 47 tuổi, kế toán trưởng Công ty CP phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco); Trần Công Thiện, nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV đầu tư và xây dựng Tân Thuận (TACONVES).
Trước đó, bị can Thiện đã bị Cơ quan An ninh điều tra Công an TP.HCM bắt giữ vì có sai phạm trong việc chuyển nhượng 32 ha đất công đã đền bù ở xã Phước Kiển, H.Nhà Bè cho Công ty Quốc Cường Gia Lai.
Riêng bị can Huỳnh Phước Long (53 tuổi, ngụ P.4, Q.Tân Bình), nguyên chuyên viên Văn phòng Thành ủy TP.HCM, nguyên thành viên HĐQT Sadeco được cho tại ngoại. 3 bị can đều bị khởi tố về tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” quy định tại khoản 3, điều 219 bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.
Sadeco là công ty liên kết, mỗi năm mang lại lợi nhuận lớn cho IPC, cụ thể năm 2016 lợi nhuận sau thuế lên tới hơn 153 tỉ đồng, trong khi doanh thu thuần chỉ hơn 290 tỉ đồng. Tuy nhiên, vào thời điểm “đỉnh cao” lợi nhuận, cũng chính là lúc tài sản nhà nước tại Sadeco bị lũng đoạn, tư nhân “thâu tóm” với sự “can dự” trực tiếp của Tề Trí Dũng, nguyên Tổng giám đốc IPC và Hồ Thị Thanh Phúc, nguyên Tổng giám đốc Sadeco (trước đó đều bị bắt giam để điều tra về tội “tham ô tài sản” và “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí”).
Trước đó, kết luận của Thanh tra TP.HCM xác định, theo đề án tái cơ cấu được UBND TP.HCM phê duyệt, IPC với tỷ lệ vốn sở hữu tại Sadeco là 44%, không cần giảm thêm tỷ lệ sở hữu, đặc biệt là trong bối cảnh Sadeco đang hoạt động lợi nhuận rất cao.
Tuy nhiên, vào tháng 6.2017, IPC lại chỉ đạo biểu quyết tăng vốn điều lệ Sadeco theo hình thức phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược là Công ty Nguyễn Kim, gây thiệt hại thấp nhất cho nhà nước là 153 tỉ đồng (chỉ tính chênh lệch giá cổ phiếu). Một điểm rất đáng chú ý, nhóm cổ đông nhà nước từng chiếm 62,8% (trước khi “bán đứt” quyền biểu quyết tại Sadeco cho Công ty Nguyễn Kim), có Văn phòng Thành ủy TP.HCM (chiếm khoảng 2%), TACONVES (thuộc Văn phòng Thành ủy TP.HCM, chiếm khoảng 15%).
Ngày 18.5.2017, Văn phòng Thành ủy có Văn bản số 495 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó bí thư thường trực Thành ủy Tất Thành Cang “chấp thuận chủ trương phương án phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược để tăng vốn điều lệ tại Sadeco”.
Khi điều tra mở rộng vụ án tại IPC, CQĐT xác định bị can Huỳnh Phước Long đã sử dụng kết quả định giá không đúng quy định pháp luật để báo cáo cấp có thẩm quyền xin chủ trương, và biểu quyết trong HĐQT Sadeco thông qua phát hành cổ phần Sadeco cho Công ty Nguyễn Kim, gây thất thoát lớn tài sản nhà nước. Vào tháng 4.2017, nhóm đại diện vốn Văn phòng Thành ủy TP.HCM tại Sadeco gồm Trần Công Thiện và Huỳnh Phước Long cùng ký tờ trình gửi Văn phòng Thành ủy về việc thông qua phương án phát cổ phần, trong đó đề xuất chọn phương án phát hành 9.000.000 cổ phần cho cổ đông chiến lược, với giá 40.000 đồng/cổ phần. Đáng nói tờ trình không báo cáo cụ thể đối tác chiến lược là Công ty Nguyễn Kim.
Hiện cơ quan CSĐT tiếp tục điều tra vụ án sai phạm tại IPC (vốn điều lệ khoảng 2.900 tỉ đồng) và các công ty con, liên doanh, liên kết IPC.
Vung tay “quá trớn”
CQĐT xác định, tính đến ngày 25.10.2017, tổng chi phí tham quan, nghỉ mát của Công ty Sadeco đã chi ra cho cán bộ, nhân viên hết 949 triệu đồng, nguồn kinh phí nghỉ mát chỉ còn lại 861 triệu đồng, các khoản chi nghỉ mát tiếp theo không được cao hơn khoản tiền này.
Tuy nhiên, Hồ Thị Thanh Phúc, Tổng giám đốc Sadeco đã chỉ đạo lập và duyệt hồ sơ, thủ tục cho 2 đoàn công tác nước ngoài với lý do “Tham quan, khảo sát mô hình phát triển các khu công nghiệp, cảng và bất động sản dân dụng tại một số quốc gia phát triển ở châu Âu”, trong khi Sadeco không có dự án khu công nghiệp hay dự án cảng nào.
Đến ngày 1.11.2017, Hồ Thị Thanh Phúc ký 2 hợp đồng với Công ty CP dịch vụ du lịch Bến Thành tổ chức 2 đoàn đi châu Âu, tổng chi phí là 4,6 tỉ đồng, vượt quá 3,7 tỉ đồng so với số tiền được phép chi nêu trên; trong đó có nhiều cá nhân tham gia đoàn du lịch không phải là cán bộ, nhân viên Sadeco, việc đi nước ngoài cũng không vì phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh nào của Sadeco theo quy định.

Ngọc Lê (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.