Hàng hóa Việt Nam sang Trung Quốc tiếp tục tăng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng trưởng dương là điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu của VN năm 2023.

Thủy sản, hồ tiêu… gia tăng vào thị trường hơn 1,4 tỉ dân

Theo báo cáo từ Bộ Công thương, từ tháng 1 - 11.2023, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu (XK) lớn thứ hai của VN, kim ngạch ước đạt 55,98 tỉ USD, tăng 6,2%, chiếm 17,3% tổng kim ngạch XK cả nước. Ở chiều ngược lại, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của VN với kim ngạch ước đạt 99,6 tỉ USD, giảm 9% so với cùng kỳ năm trước.

Báo cáo nhận định: Trung Quốc hiện là thị trường duy nhất trong số các thị trường XK lớn của VN đạt mức tăng trưởng dương (XK của nước ta sang Trung Quốc đảo chiều từ mức giảm 2,2% hồi đầu năm sang mức tăng 6,2% sau 11 tháng) trong khi các thị trường lớn khác đều giảm.

Trung Quốc là thị trường tiềm năng cho xuất khẩu thủy sản của VN. Ảnh: CÔNG HÂN
Trung Quốc là thị trường tiềm năng cho xuất khẩu thủy sản của VN.

Ảnh: CÔNG HÂN

Ngoài nhóm hàng trái cây như sầu riêng, thanh long của VN đã quen thuộc với người tiêu dùng Trung Quốc, nhiều mặt hàng khác của VN cũng ngày càng được sử dụng nhiều như thủy sản, hồ tiêu. Chẳng hạn, theo thống kê của Hiệp hội Hồ tiêu VN, 10 tháng năm 2023, Trung Quốc vẫn là thị trường XK hồ tiêu lớn nhất của cả nước khi đạt 57.723 tấn, chiếm 25,8% thị phần và tăng 265,3% so cùng kỳ năm trước. Hay thị trường này cũng chiếm tới 91,47% tỷ trọng XK mặt hàng sắn, với cao su là 71%...

Theo Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản VN (VASEP) thống kê tính tới hết tháng 11, XK thủy sản của VN đạt 8,2 tỉ USD, giảm 20% so với cùng kỳ năm trước. Ước tính XK thủy sản cả năm 2023 đạt khoảng 9 tỉ USD, giảm 18%. Trong đó, riêng thị trường Trung Quốc đạt trên 1,4 tỉ USD, giảm 12% - thấp hơn mức giảm chung của cả ngành.

Trung Quốc những năm gần đây luôn nằm trong top 3 thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của VN. Trong đó, riêng đối với cá tra của VN thì Trung Quốc là thị trường chủ lực. Các doanh nghiệp (DN) trong ngành kỳ vọng kinh tế Trung Quốc ổn định hơn trong những tháng cuối năm, thu nhập và tiêu dùng của người dân nước này phục hồi sẽ kích thích nhu cầu tiêu thụ thủy sản. Trung Quốc nhiều khả năng sẽ duy trì xu hướng nhập khẩu mạnh từ nay đến tháng 2.2024 để phục vụ mùa cao điểm tiêu thụ cuối năm và Tết Nguyên đán.

Tổng thư ký VASEP Trương Đình Hòe đánh giá: "Năm 2023 là một năm ngành thủy sản đối mặt với nhiều thách thức. Trong khi nhiều thị trường quan trọng sụt giảm mạnh thì Trung Quốc sụt giảm ít nhất. Vì thế, nước này đang trở thành thị trường quan trọng hàng đầu. Xét về cơ hội và tiềm năng, thị trường Trung Quốc vẫn còn nhiều triển vọng tăng trưởng. Bởi đây là thị trường có dân số lớn và gia tăng".

Đáng chú ý, tỷ lệ dân số tầng lớp trung lưu tăng cũng như kinh tế có triển vọng tích cực hơn sau Covid-19. Hơn nữa, xu hướng phát triển giống các nước phát triển là đang tập trung vào các ngành công nghiệp, đầu tư vào ngành thủy sản sẽ không được ưu tiên. Do đó, để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước thì sẽ ngày càng tăng tỷ trọng mua hàng từ nước ngoài, trong đó VN vốn có nhiều lợi thế về thủy sản. "Nhiều DN thủy sản xác định Trung Quốc là thị trường chiến lược và tiềm năng, cần tập trung phát triển. Lượng khách hàng trung lưu ngày càng tăng nên nhu cầu về các sản phẩm chế biến sâu ngày càng cao và đây cũng là thế mạnh của DN chế biến thủy sản VN", ông Trương Đình Hòe cho hay.

Điện thoại, sản phẩm điện tử… chiếm chủ lực

Trong số các sản phẩm xuất sang thị trường Trung Quốc, nhóm mặt hàng chủ lực có trị giá XK trên 10 tỉ USD trong 11 tháng qua là điện thoại các loại và linh kiện, đạt 15,1 tỉ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện có kim ngạch đạt gần 12 tỉ USD…

Ông Đỗ Khoa Tân, Phó tổng thư ký Hiệp hội DN điện tử VN, cho rằng thời gian qua, nhiều tập đoàn đa quốc gia đã đặt nhà máy sản xuất tại VN. Từ đó, sản phẩm điện thoại, điện tử, máy tính và linh kiện "Made in Vietnam" đã được bán ra thị trường thế giới ngày càng nhiều. Trong đó, Trung Quốc đang là thị trường tiêu thụ hàng đầu thế giới đối với tất cả hàng hóa. Vì vậy, nhóm sản phẩm công nghệ, điện tử nói riêng của VN cũng xuất ngày càng nhiều sang thị trường này là dễ hiểu, tương tự nhiều sản phẩm máy in, xe máy hay ngay cả giày dép của các thương hiệu toàn cầu sản xuất ở VN.

Việc XK các sản phẩm công nghệ, điện tử gia tăng thúc đẩy sản xuất, nhiều công ty trong nước tham gia vào chuỗi cung cấp toàn cầu và điều đó cũng thúc đẩy các hoạt động phát triển sản xuất của kinh tế VN. Hơn nữa, mối liên kết trong chuỗi sản xuất toàn cầu như từ nguyên liệu đến bán thành phẩm và ra sản phẩm cuối cùng thường có sự giao thoa giữa VN và Trung Quốc đã diễn ra trong nhiều lĩnh vực. Chuỗi liên kết này cũng khá quan trọng khi hai nước ở cạnh nhau, cũng là một yếu tố để các tập đoàn thương hiệu toàn cầu xem xét khi lựa chọn đặt nhà máy sản xuất ở VN, tận dụng các lợi thế về vận chuyển hàng hóa từ VN xuất sang thị trường Trung Quốc hay ngược lại mua nguyên vật liệu, bán thành phẩm… sang VN hoàn thiện.

Ông Đỗ Khoa Tân nhấn mạnh: Tầng lớp người tiêu dùng trung lưu tại Trung Quốc đã tăng nhanh và nhu cầu tiêu dùng hàng hóa rất lớn. Chính vì vậy, hầu như không có một tập đoàn sản xuất nào trên thế giới có thể "bỏ lơ" thị trường Trung Quốc. Thị trường Trung Quốc càng trở nên quan trọng trong chuỗi sản xuất cả về tiêu thụ lẫn cung cấp nguyên vật liệu cho nhiều ngành sản xuất của VN. Quan trọng là DN Việt sẽ phải liên tục cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm, quy trình sản xuất để tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế nói chung, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng của thế giới và từ đó giúp gia tăng giá trị cho DN.

PGS-TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, nhận định chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình lần này sẽ thắt chặt quan hệ hai nước. Từ đó khả năng XK cho hàng hóa VN sang nước này sắp tới cũng rất lớn. Nếu như trước đây, Trung Quốc là thị trường dễ tính, nhiều sản phẩm của VN đều có thể bán được. Thế nhưng gần đây, nước sở tại đã đưa ra nhiều yêu cầu, tiêu chuẩn nhập khẩu cao hơn, chặt chẽ hơn. Điều này đòi hỏi các DN trong nước cũng phải nâng cao chất lượng, đáp ứng được tiêu chuẩn mới có thể bán được hàng. Song song đó, hoạt động XK chính ngạch gia tăng sẽ giảm được nhiều rủi ro như bán tiểu ngạch qua đường biên giới. Ở chiều ngược lại, vị chuyên gia này cho rằng để kéo giảm nhập siêu từ Trung Quốc thì hàng hóa ngay tại thị trường trong nước cũng phải nâng cấp về chất lượng, mẫu mã bao bì.

"Việc nhập khẩu hàng hóa là do nhu cầu của người tiêu dùng. Nếu hàng hóa trong nước không đạt chất lượng, giá cao hơn thì người mua sẽ lựa chọn hàng nhập khẩu. Chính vì vậy bản thân DN phải tự nâng cao sức cạnh tranh để bán được hàng, dù ở thị trường nội địa hay XK", PGS-TS Ngô Trí Long chia sẻ thêm.

Nhiều giải pháp

Trong năm 2023, Bộ Công thương đã có nhiều giải pháp, đồng hành với DN, hiệp hội ngành hàng và nông dân trong việc tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh XK sang thị trường Trung Quốc. Nhiều hội thảo xúc tiến thương mại cũng được tổ chức. Mới nhất là cuối tháng 11, Bộ Công thương và Đại sứ quán VN tại Trung Quốc phối hợp với Ủy ban Xúc tiến thương mại Trung Quốc (CCPIT) tổ chức "Hội nghị xúc tiến thương mại và giao thương VN - Trung Quốc". Ngay sau hội nghị, các DN Việt đã thực hiện các hoạt động kết nối trực tiếp với DN Trung Quốc, ước tính có hơn 150 lượt giao dịch đã diễn ra. Cùng với hoạt động này, Cục Xúc tiến thương mại đã và đang chủ động phối hợp cùng các cơ quan tổ chức nhiều đoàn DN trong nước giao dịch và làm việc tại các địa phương và hội chợ tại Trung Quốc để kết nối giao thương trực tiếp, cũng như đón nhiều đoàn địa phương và DN Trung Quốc sang làm việc tại VN.

Có thể bạn quan tâm

Kông Chro quảng bá nông sản thông qua hội chợ

Kông Chro quảng bá nông sản thông qua hội chợ

(GLO)- Từ đầu năm đến nay, huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) tổ chức thành công 4 hội chợ, phiên chợ và hội thi giới thiệu nông sản an toàn. Đây là dịp để các hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp và người dân kết nối cung cầu, quảng bá sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Kiểm soát hàng hóa qua sàn điện tử

Kiểm soát hàng hóa qua sàn điện tử

Một trong những nguyên nhân khiến lộ lọt thông tin từ camera an ninh của nhiều gia đình, mà Thanh Niên phản ánh trên số báo hôm nay, chính là mua phải hàng trôi nổi trên thị trường, trong đó số lượng không nhỏ đến từ các sàn thương mại điện tử đang bùng nổ mạnh mẽ tại VN.

Sản phẩm đặc trưng địa phương sẵn sàng cho Tuần lễ Hoa dã quỳ-Núi lửa Chư Đang Ya

Sản phẩm đặc trưng địa phương sẵn sàng cho Tuần lễ Hoa dã quỳ-Núi lửa Chư Đang Ya

(GLO)- Tuần lễ Hoa dã quỳ-Núi lửa Chư Đang Ya năm 2024 diễn ra từ ngày 6 đến 12-11 tại khu vực sân nhà rông làng Ia Gri (xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh). Ngoài hoạt động văn hóa-thể thao đặc sắc, sự kiện này còn là dịp để quảng bá các mặt hàng truyền thống của địa phương.

Gian nan cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái

Gian nan cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái

(GLO)- Đánh vào tâm lý một bộ phận người tiêu dùng thích hàng hiệu giá rẻ nên các đối tượng đưa hàng giả, hàng nhái vào thị trường, nhất là các kênh mua bán trực tuyến. Theo đó, lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn trong công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm.

Nhập nhằng nhãn hiệu gạo ST25

Nhập nhằng nhãn hiệu gạo ST25

(GLO)- Hiện nay, nhiều loại gạo được gắn nhãn gạo ST25 để bán tràn lan trên thị trường với mức giá khác nhau. Sự nhập nhằng này khiến người tiêu dùng gặp không ít khó khăn trong việc lựa chọn.

Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm việc găm hàng, tăng giá bất hợp lý sau bão

Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm việc găm hàng, tăng giá bất hợp lý sau bão

(GLO)- Tại Công điện số 95/CĐ-TTg ngày 13-9-2024 về tăng cường công tác cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ Nhân dân các địa phương bị ảnh hưởng của cơn bão số 3, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu xử lý nghiêm hành vi lợi dụng ảnh hưởng của cơn bão số 3 để đầu cơ, găm hàng, tăng giá.