Hà Nội xưa qua tác phẩm của Lê Văn Xương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Lần đầu tiên, một triển lãm quy mô lớn các tác phẩm hội họa nhiều chất liệu, nhiều chủ đề của họa sĩ tài danh Lê Văn Xương (1917-1988) được giới thiệu với giới nghệ thuật và công chúng yêu mỹ thuật tại TPHCM.

Với chủ đề “Điều kỳ diệu”, 101 tác phẩm tiêu biểu của cố họa sĩ sẽ được giới thiệu đến đông đảo công chúng, giới sưu tập trong và ngoài nước trong 3 ngày, từ ngày 21 đến 23-9 tới đây, tại TPHCM.

 



Người nghệ sĩ thầm lặng

Họa sĩ Lê Văn Xương là ai? Đến nay, câu hỏi có lẽ vẫn còn làm nhiều người trong giới mỹ thuật bối rối. Bối rối bởi vì có quá ít thông tin về người họa sĩ tài danh này.

Lê Văn Xương sinh ngày 3 tháng 1 năm 1917. Ông học hội họa từ rất sớm, khoảng 1929-1930 đã bắt đầu học, do gia đình rước thầy về nhà dạy riêng. Năm 1937, ông Nhan Chí (1920 - 1967, người Minh Hương) từ làng Trung Hưng (quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định) ra Hà Nội học trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khóa XII (1937-1942), Lê Văn Xương đã nhanh chóng kết giao, thấy hợp tính nên đã mời bạn làm thầy dạy vẽ nâng cao cho mình. Nhan Chí nổi tiếng với các tranh chân dung bằng phấn tiên (pastel), Lê Văn Xương đã học được kỹ thuật vẽ này, ông cũng khá giỏi với thể loại tranh chân dung, phong cảnh bằng phấn tiên và bột màu.


 

Chợ Đồng Xuân, bột màu trên giấy, 41cm x 60,5cm
Chợ Đồng Xuân, bột màu trên giấy, 41cm x 60,5cm



Lê Văn Xương ít được biết đến mặc dù trên thực tế trước năm 1954, ông đã rất nổi tiếng. Thời điểm ấy, hiếm có họa sĩ Việt Nam nào tổ chức được 3-4 triển lãm cá nhân, nhưng Lê Văn Xương thì làm được.

Theo tư liệu của nhà sưu tập Lê Y Lan cho biết, năm 1941, Lê Văn Xương mở triển lãm tranh cá nhân đầu tiên tại Sài Gòn. Ngay triển lãm đầu tay này, ông đã bán một số tác phẩm. Năm 1949, ông triển lãm cá nhân tại phòng tranh riêng ở Hà Nội. Năm 1951, ông tiếp tục mở triển lãm cá nhân tại Đà Lạt.

Đáng chú ý nhất là, lúc 16g ngày 28-4-1953, Lê Văn Xương mở triển lãm cá nhân mang tên Hà Nội 36 phố phường tại Nhà hát lớn Hà Nội. Triển lãm thu hút được rất nhiều người quan tâm, từ giới chính khách, quan chức, thương nhân đến những người yêu thích nghệ thuật. Đã có nhiều tin bài trên báo chí ca ngợi tài năng và những tác phẩm tuyệt đẹp của ông. Triển lãm giới thiệu 29 tác phẩm, trong số đó có 9/29 tác phẩm được bán. Trong số này, ông Thủ hiến Nguyễn Hữu Trí mua 4 bức, ông Thị trưởng Hà Nội Đỗ Quang Giai mua 1 bức, ông Giám đốc Sở xã hội Đào Sĩ Chu mua 2 bức. Triển lãm kéo dài đến hết ngày 10-5-1953. 

 

Chùa Quán Sứ, bột màu trên giấy, sáng tác 1953
Chùa Quán Sứ, bột màu trên giấy, sáng tác 1953



Ngay ngày khai mạc triển lãm 28-4-1953, khi đến dự, họa sĩ Bùi Xuân Phái viết: “Điểm ham làm việc làm tôi thấy ở Văn Xương một tương lai rực rỡ. Anh vẽ loại phấn màu đặc sắc hơn những loại khác”.
Cũng tại triển lãm này, họa sĩ Trần Văn Thọ (sinh năm 1917) thì viết: “Thời gian qua mà Xương còn nhiều năng lực làm việc như vậy thì rất mừng cho tương lai nghệ thuật Việt Nam”.

Họa sĩ Hoàng Lập Ngôn bày tỏ: “Người sao tranh vậy!”.

Còn họa sĩ Nguyễn Văn Bình thì nhận định: “Tôi thấy ở anh một năng lực vô biên, và một tiến triển không ngờ”.

Họa sĩ Trần Quang Trân thẳng thắn cho rằng: “Trong bao nhiêu lần đến xem triển lãm họa phẩm tại Nhà hát lớn Hà Nội, đây mới là lần đầu tiên tôi được thỏa mãn trong đời khó tính - xin thú thật - của tôi về phương diện mỹ thuật”.

 

Ga Long Biên, bột màu trên giấy, 1973
Ga Long Biên, bột màu trên giấy, 1973



Trong bài báo Một chặng đường của dân tộc và đời người công bố năm 2013, nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng viết: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ và miền Bắc thời chiến tranh cũng đã trở thành hình ảnh sinh động cho những họa sĩ vẽ trước năm 1975, và tất nhiên sau đó là thời hậu chiến nhọc nhằn. Những ký họa của Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Lê Văn Xương, Nguyễn Văn Thiện, Phan Thông, Nguyễn Cao Thương, Nguyễn Thụ, Mai Long, Mai Văn Hiến, Phạm Viết Song, Phạm Lực… vẽ trong những giai đoạn đó. Họ đi cùng đất nước, gian khổ, đau khổ, đói nghèo, yêu thương như một người bình thường, chỉ khác mỗi việc cầm bút vẽ ra và may mắn lưu lại được phần nào công việc”.

Ngày 17-12-2016 là một cột mốc mới với Lê Văn Xương. Bức tranh lụa Thiếu nữ của ông đã được nhà đấu giá Lý Thị (Lythi Auction) bán thành công với giá 22.500 USD tại một phiên đấu thương mại ở Sài Gòn. Tại sự kiện này, Lythi Auction còn giới thiệu nhiều tác phẩm khác của Lê Văn Xương, qua đó giới mỹ thuật có dịp chiêm ngưỡng, biết nhiều hơn về một họa sĩ tài hoa nhưng thầm lặng.

 

Ô Quan chưởng, bột màu trên giấy, vẽ năm 1952
Ô Quan chưởng, bột màu trên giấy, vẽ năm 1952



Cơ hội chiêm ngưỡng vẻ đẹp Hà Nội xưa

101 tác phẩm bột màu, sơn dầu, phấn tiên… của Lê Văn Xương được giới thiệu lần này, do con gái ông - nhà sưu tập Lê Y Lan muốn giới thiệu đến công chúng một phần tác phẩm mà cô sưu tập được, cũng là nhân dịp kỷ niệm 101 năm ngày sinh và 30 năm ngày mất của Lê Văn Xương.


 

Phố Gầm Cầu, bột màu trên giấy
Phố Gầm Cầu, bột màu trên giấy


Trong số ấy, có một vài chân dung tự họa, chân dung người thân, còn phần lớn tranh triển lãm là một cơ hội tuyệt vời để khách thưởng ngoạn tìm về Hà Nội xưa, những năm cuối 1940 và thập niên 1950.

Giới thưởng ngoạn có thể hòa mình cùng những phong cảnh đường phố Hà Nội xưa, với các di tích gắn liền thành phố và chìm đắm trong cảnh quan ngoại thành. Những bức tranh này tạo ra một bầu không khí yên bình, cách xa sự hối hả và nhộn nhịp của Hà Nội ngày nay. Đó là Hà Nội của Thạch Lam, của Nguyễn Tuân...

“Điều kỳ diệu”- tựa đề của cuộc triển lãm mượn từ tựa một tác phẩm thơ của vợ ông, văn sĩ Trần Diệu Tiên- như lời mời khách du bước vào để bắt gặp những nỗi niềm thân quen, như trong mạch máu đã chứa đựng sẵn hương sắc Hà Nội, chỉ cần thoảng qua một niềm cảm xúc là mọi giây tơ đồng tâm cảm bỗng cùng nhau rung lên giai điệu xướng ca. Nhưng trên tất cả, đó là thể hiện những diệu kỳ của một nghệ sĩ đã gắn liền tâm hồn vào những nơi chốn lưu luyến nhất.


 

Rạch Cầu Bông, bột màu trên giấy
Rạch Cầu Bông, bột màu trên giấy
Họa sĩ Lê Văn Xương
Họa sĩ Lê Văn Xương


Đương thời, Lê Văn Xương có đầy đủ điều kiện để trở thành một tên tuổi thời danh, nhưng có vẻ như ông không quá mặn mà chuyện này. Ông có đời sống trung lưu nên khá thong dong với việc vẽ, chẳng mấy nặng nề chuyện mua bán tác phẩm.

Theo gia đình ước tính, không kể tranh lưu niệm, Lê Văn Xương đã vẽ khoảng 1.000 bức tranh và làm khoảng 100 bức tượng.

Không chỉ vẽ, ông còn chơi được nhiều nhạc cụ như violin, piano, accordion, mandolin và guitar Hawaii.

Lê Văn Xương còn là một kiện tướng về thể thao, có nhiều giải thưởng và thành tích tốt trong các môn bơi lội, việt dã, quần vợt, bóng bàn, đấm bốc, đua xe đạp...

Kể từ khi ông qua đời năm 1988 đến nay, gia đình có một lần trưng bày tác phẩm để tưởng niệm nhưng chỉ trong khuôn khổ tư gia, vào năm 1997.


Giám đốc mỹ thuật của Điều kỳ diệu do nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi đảm trách. Anh định cư tại Pháp từ 1985, chuyên môn về tạo mẫu thời trang, đã làm việc cho các nhà Hermès, Christian Dior, Givenchy, Scherrer, Balenciaga... Anh tự học vẽ, học đàn và học hát. Ngoài ra, anh còn là chuyên gia hội họa Việt Nam, đã cộng tác với Tòa Thị chính Paris (1998), Bảo tàng Cernuschi, Paris (2012-2013), Viện Hàn lâm hải ngoại Pháp (2015), với các nhà đấu giá tại Paris như Aguttes, Art Valorem...



Minh An (sggp)

Có thể bạn quan tâm

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Đi cà kheo

(GLO)- Đi cà kheo không chỉ phổ biến ở vùng đồng bằng mà còn là một hoạt động văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Bằng những câu thơ chân thực và gần gũi, tác giả Nguyễn Ngọc Hưng đã tái hiện trò chơi này đầy sinh động gắn với cảm xúc hứng khởi từ người chơi.

Tranh minh họa (nguồn internet).

Thơ Đại Dương: Kính rượu thầy giáo cũ

(GLO)- Bài thơ "Kính rượu thầy giáo cũ" của tác giả Đại Dương chứa đựng nhiều tình cảm và lòng tri ân sâu sắc. Mỗi câu thơ là hình ảnh rất chân thật về một thời gian khó cắp sách đến trường, về những hy sinh thầm lặng của thầy giáo và cả sự khắc khoải, trăn trở của người học trò đã trưởng thành...

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

(GLO)- Hình ảnh "những ngôi sao xanh" trong thơ Hà Hoài Phương tượng trưng cho ánh sáng hy vọng không bao giờ tắt, dẫu rằng có bao nhiêu khó khăn, thử thách hay bóng tối bao phủ. Những ngôi sao ấy là niềm tin, sức mạnh tinh thần giúp con người vượt qua mọi gian truân cuộc sống...

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

(GLO)- Bài thơ "Gửi lại" của Nguyễn Đình Phê là một tác phẩm đầy hoài niệm, suy tư về thời gian, tình yêu và sự chia ly. Xoay quanh cảm giác tiếc nuối, luyến lưu một mối tình đã qua, những kỷ niệm khó quên, tác giả muốn gửi lại cho người yêu hay cho chính mình?

Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn bên một bức tranh của họa sĩ Xu Man tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: P.D

Tranh Xu Man: Di sản tìm về

(GLO)- Từ chỗ chỉ sở hữu số lượng tác phẩm rất ít ỏi của họa sĩ Xu Man, hiện nay, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đang có một bộ sưu tập dày dặn với tổng cộng 52 bức của người họa sĩ tài danh, nhiều nhất trong hệ thống bảo tàng cả nước.

Hình dung

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Hình dung

(GLO)- Bài thơ "Hình dung" của Nguyễn Ngọc Hưng là một tác phẩm đẹp, đậm chất mộng mơ và lãng mạn. Nó thể hiện một tình yêu vĩnh cửu, dường như không thể chạm vào, nhưng vẫn mãnh liệt và đầy khắc khoải...

Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

Thơ Từ Dạ Linh: Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

(GLO)- "Tặng em nỗi nhớ ngược chiều" của Từ Dạ Linh mang vẻ đẹp mộc mạc, đầy hoài niệm về tuổi thơ, về những khoảnh khắc hồn nhiên mà người ta thường dễ dàng quên đi. Ẩn chứa trong đó cũng là nỗi nhớ, sự lưu luyến về tình yêu đầu đời với những xúc cảm tinh khôi, thuần khiết...

Ảnh minh họa. Nguồn : Internet

Niềm vui đọc sách

(GLO)- Từ lâu, đọc sách đã là một hoạt động được ưa thích của nhiều người, được khích lệ ở nhiều nơi vì những lợi ích mà nó mang lại. Tôi vẫn giữ thói quen đọc đều đặn mỗi ngày. Điều đó vừa cần thiết cho công việc, vừa là cách để tôi giải trí và tìm hiểu về thế giới xung quanh.