Hạ chuẩn giáo viên: Tuyển thêm được 10.000 người, cần 400 tỉ đồng để nâng chuẩn?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đề xuất hạ chuẩn đào tạo giáo viên từ ĐH xuống CĐ để khắc phục tình trạng thiếu trầm trọng giáo viên một số môn học mới của Bộ GD-ĐT đang thu hút sự quan tâm của dư luận.

Bộ GD-ĐT đã có lý giải và đánh giá tác động khá cụ thể khi đưa ra đề xuất này.

HẠ CHUẨN VÌ THIẾU GIÁO VIÊN

Bộ GD-ĐT dự kiến đề xuất tuyển dụng người có bằng tốt nghiệp CĐ sư phạm hoặc có bằng tốt nghiệp CĐ chuyên ngành và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm để dạy một số môn học, bao gồm: lịch sử và địa lý, khoa học tự nhiên, công nghệ, ngoại ngữ, tin học, nghệ thuật (âm nhạc, mỹ thuật) theo Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 cấp tiểu học và THCS.

Luật Giáo dục năm 2019 quy định trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo: "Có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên (GV) trở lên đối với GV tiểu học, THCS, THPT. Trường hợp môn học còn thiếu thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm".

Bộ GD-ĐT cho rằng việc nâng chuẩn trình độ đào tạo theo quy định tại luật Giáo dục 2019 là định hướng phấn đấu và phù hợp với xu thế phát triển, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, là bước đột phá, đổi mới mạnh mẽ nhằm tạo hành lang pháp lý cho việc đào tạo, bồi dưỡng GV đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.

Giờ học môn khoa học tự nhiên ở lớp 6. Đây là một trong những môn học còn thiếu giáo viên theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Giờ học môn khoa học tự nhiên ở lớp 6. Đây là một trong những môn học còn thiếu giáo viên theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Tuy nhiên, trong giai đoạn chuyển tiếp, với yêu cầu triển khai Chương trình GDPT 2018, cần phải bổ sung đủ số lượng GV đứng lớp bảo đảm theo thực tế dự báo tăng dân số cơ học và thực hiện giảng dạy các môn học.

Lý giải về việc thiếu GV, Bộ GD-ĐT cho biết trong thời gian qua, Bộ đã phối hợp Bộ Nội vụ đề xuất Chính phủ bổ sung GV mầm non, phổ thông theo lộ trình đến năm 2026. Theo đó, Bộ Chính trị đã giao bổ sung 65.980 biên chế GV trong giai đoạn từ năm 2022 - 2026, tuy nhiên các địa phương vẫn không tuyển đủ số GV theo biên chế được giao.

Một trong những nguyên nhân khiến các địa phương chưa tuyển dụng hết số biên chế được giao bổ sung, theo Bộ GD-ĐT, là thiếu nguồn tuyển dụng, nguồn tuyển dụng không đáp ứng yêu cầu về trình độ chuẩn được đào tạo theo quy định tại luật Giáo dục 2019.

NHIỀU SINH VIÊN TỐT NGHIỆP CHỌN VIỆC CÓ THU NHẬP CAO HƠN

Bộ GD-ĐT cũng nêu thực tế, những sinh viên tốt nghiệp ĐH sư phạm hoặc cử nhân đào tạo chuyên ngành các môn tin học, ngoại ngữ, nghệ thuật, công nghệ có nhiều lựa chọn nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp, thường có xu hướng làm các công việc khác có thu nhập cao hơn. Do đó, việc tuyển dụng, hợp đồng những GV các môn đặc thù có trình độ cử nhân theo quy định về chuẩn trình độ đào tạo rất khó khăn, số lượng sinh viên đào tạo để dạy các môn học mới ở Chương trình GDPT 2018 (lịch sử và địa lý, khoa học tự nhiên) còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu.

Do vậy, theo Bộ GD-ĐT, nếu không kịp thời tuyển dụng số GV này thì tiếp tục xảy ra tình trạng thừa/thiếu cục bộ GV mầm non, phổ thông, gây nhiều khó khăn cho các cơ sở trong triển khai các nhiệm vụ giáo dục, ảnh hưởng đến cơ hội tiếp cận bình đẳng giáo dục của một bộ phận trẻ em, ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng giáo dục và gây ra sự quá tải đối với GV.

HẠ CHUẨN CÓ ẢNH HƯỞNG ĐẾN CHẤT LƯỢNG ?

Nâng chuẩn đào tạo GV nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Vậy hạ chuẩn sẽ ảnh hưởng thế nào đến chất lượng dạy học?

Bộ GD-ĐT cho rằng về cơ bản, sinh viên được đào tạo có trình độ cao đẳng các chuyên ngành này đã được trang bị kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm trong các cơ sở đào tạo. Bên cạnh đó, nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp đã tham gia hợp đồng giảng dạy các cơ sở giáo dục hoặc tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng trình độ chuẩn đào tạo theo quy định. "Nếu được tuyển dụng, những sinh viên đạt này vẫn đảm bảo yêu cầu về chuyên môn, đủ kiến thức, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ để có thể tham gia giảng dạy, giáo dục, không làm ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục", Bộ GD-ĐT khẳng định.

Bộ GD-ĐT cũng đề nghị khi tổ chức tuyển dụng, các địa phương cần thực hiện phần thi môn nghiệp vụ chuyên ngành dưới hình thức "thực hành" để kiểm tra kiến thức, kỹ năng hoạt động nghề nghiệp người dự tuyển đảm bảo theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển; đẩy mạnh công tác bồi dưỡng, tự bồi dưỡng trau dồi chuyên môn để các GV này sau khi được tuyển dụng tiếp tục phát triển chuyên môn trong giáo dục, dạy học, đặc biệt là trong việc triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018.

Trong quá trình xây dựng luật Giáo dục 2019, Bộ GD-ĐT cho biết cũng đã đánh giá tác động của việc nâng trình độ chuẩn được đào tạo của GV cấp mầm non và phổ thông. Tuy nhiên, với yêu cầu thực tế khi triển khai Chương trình GDPT 2018, trong giai đoạn chuyển tiếp có phát sinh, cần phải bổ sung đủ số lượng GV đứng lớp bảo đảm theo thực tế dự báo tăng dân số cơ học và thực hiện giảng dạy các môn học, đặc biệt là các môn lịch sử và địa lý, khoa học tự nhiên, công nghệ, ngoại ngữ, tin học, nghệ thuật (âm nhạc, mỹ thuật) theo Chương trình GDPT 2018 cấp tiểu học và THCS.

Cô trò trong tiết học môn lịch sử và địa lý.

Cô trò trong tiết học môn lịch sử và địa lý.

NÂNG CHUẨN TRONG 7 NĂM CẦN KHOẢNG 400 TỈ ĐỒNG

Bộ GD-ĐT cho rằng việc hạ chuẩn đào tạo GV nêu trên nếu được Quốc hội thông qua sẽ không làm phát sinh thêm biên chế, đảm bảo phù hợp với quy định về tinh giản biên chế do việc tuyển dụng sinh viên/GV có trình độ CĐ được các địa phương triển khai thực hiện tuyển dụng trong tổng số biên chế được giao theo quy định của Ban Tổ chức T.Ư. "Dự kiến khi thực hiện chính sách trên, các địa phương sẽ tuyển dụng được khoảng 10.000 GV các môn học này để thực hiện Chương trình GDPT 2018", Bộ GD-ĐT nêu.

Về kinh phí để đào tạo nâng chuẩn GV có trình độ CĐ lên ĐH, Bộ GD-ĐT dẫn quy định của Nghị định số 97/2023/NĐ-CP ngày 31.12.2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27.8.2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực GD-ĐT. Theo đó, mức học phí đào tạo trình độ ĐH trong giai đoạn từ năm 2024 - 2030 bình quân là 1,79 triệu đồng đối với trình độ đào tạo chính quy và 2,7 triệu đồng đối với trình độ vừa làm vừa học.

Bộ GD-ĐT cũng dự kiến có 50% số GV đào tạo trình độ chính quy và 50% số GV đào tạo trình độ vừa học vừa làm và thời gian đào tạo bình quân thực tế là 15 tháng, tổng kinh phí cần là 400 tỉ đồng trong 7 năm (từ 2024 - 2030) do ngân sách địa phương đảm bảo theo đúng quy định tại Nghị định số 71/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của GV mầm non, tiểu học, THCS.

Thiếu hàng chục nghìn giáo viên một số môn trong năm học tới

Bộ GD-ĐT nêu dự báo đến năm học 2024 - 2025, cấp tiểu học còn thiếu 6.621 GV tin học và 5.780 GV ngoại ngữ; cấp THCS: môn công nghệ thiếu 11.598 GV, môn khoa học tự nhiên thiếu 2.366 GV, môn nghệ thuật thiếu 4.321 GV.

Thực hiện luật Giáo dục 2019, thời gian qua chất lượng đội ngũ GV phổ thông ngày càng được nâng lên, từng bước đạt chuẩn và trên chuẩn trình độ đào tạo theo quy định của luật Giáo dục 2019.

Năm học 2022 - 2023, tỷ lệ đạt chuẩn được đào tạo của cấp tiểu học đạt 83,3%; THCS đạt 90,3%;THPT đạt 99,9%; vượt chỉ tiêu so với lộ trình quy định tại Nghị định số 71/2020/NĐ-CP.

Có thể bạn quan tâm

Cô Nguyễn Thị Thúy Nga-Giáo viên Trường Tiểu học Phan Chu Trinh hướng dẫn các em học bài. Ảnh: V.C

Điểm sáng về giáo dục học sinh toàn diện ở Phú Thiện

(GLO)- Lấy chất lượng học sinh làm thước đo hiệu quả giáo dục, Trường Tiểu học Phan Chu Trinh (xã Ia Ake, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học, trở thành điểm sáng trong đào tạo học sinh toàn diện và mũi nhọn tại địa phương.

Gia Lai chủ động phòng- chống bệnh sởi trong trường học

Gia Lai chủ động phòng- chống bệnh sởi trong trường học

(GLO)- Từ tháng 10-2024 đến nay, ca mắc sởi có dấu hiệu gia tăng trong cộng đồng trên địa bàn Gia Lai. Tính đến sáng 14-12, Gia Lai ghi nhận 148 ca mắc sởi và 237 ca nghi ngờ; hầu hết ca mắc sởi là trẻ dưới 5 tuổi. Trước tình hình đó, các trường mầm non tại Gia Lai chủ động phòng- chống dịch.

Sân chơi hấp dẫn của học sinh, sinh viên tỉnh Gia Lai

Sân chơi hấp dẫn của học sinh, sinh viên tỉnh Gia Lai

(GLO)- Vòng chung khảo hội thi “Olympic tiếng Anh” trong học sinh, sinh viên tỉnh Gia Lai năm học 2024-2025 vừa được Tỉnh Đoàn Gia Lai tổ chức thành công vào chiều 13-12. Học sinh, sinh viên đã có cơ hội thể hiện tài năng tiếng Anh và sự am hiểu kiến thức xã hội.