Mặc dù nguồn vốn rất dồi dào nhưng các ngân hàng thương mại chưa có danh mục dự án, đối tượng để cho vay. P.V Báo Gia Lai đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Hữu Nghị-Giám đốc Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh liên quan đến vấn đề này.
*P.V: Ông có thể cho biết chương trình cho vay nhà ở xã hội quy mô 120.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ được triển khai trên địa bàn tỉnh như thế nào?
Ông Nguyễn Hữu Nghị. Ảnh: Sơn Ca |
- Ông NGUYỄN HỮU NGHỊ: Thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11-3-2023 của Chính phủ và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh đã yêu cầu các chi nhánh Agribank, Vietcombank, BIDV, VietinBank trên địa bàn nhanh chóng vào cuộc, thu xếp nguồn lực để triển khai thực hiện chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước và hội sở chính đảm bảo công khai minh bạch, đúng đối tượng, đúng mục đích. Thời gian triển khai chương trình bắt đầu từ ngày 1-4-2023 đến hết ngày 31-12-2030.
Theo ghi nhận của Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh, cho đến thời điểm này, chương trình chưa phát sinh doanh số cho vay vì chưa có danh mục dự án, đối tượng để các ngân hàng thương mại làm cơ sở cho vay ưu đãi theo quy định.
*P.V: Để chương trình phát huy hiệu quả, ngành Ngân hàng tỉnh có giải pháp gì, thưa ông?
- Ông NGUYỄN HỮU NGHỊ: Cho vay nhà ở xã hội theo Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ là chương trình quy mô lớn, thời gian thực hiện từ năm 2023 đến năm 2030. Một trong những mục tiêu đề ra là thúc đẩy thị trường bất động sản thông qua chính sách hỗ trợ nguồn vốn để triển khai các dự án khả thi, hiệu quả và thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trên địa bàn.
Thực hiện các chỉ đạo của Trung ương gắn với Kế hoạch số 1177/KH-UBND ngày 22-5-2023 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP, Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư được nhanh chóng tiếp cận nguồn vốn tín dụng; có biện pháp xử lý phù hợp cho các doanh nghiệp bất động sản khó khăn; tập trung các dự án, phương án vay vốn khả thi, khách hàng có năng lực tài chính, khả năng trả nợ đầy đủ và đúng hạn. Ưu tiên các dự án bất động sản nhà ở, đáp ứng nhu cầu thực của người dân, có hiệu quả, thanh khoản tốt như nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ, văn phòng cho thuê, bất động sản phục vụ sản xuất, công nghiệp, du lịch...
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin từ các chi nhánh ngân hàng thương mại để kịp thời nắm bắt các vấn đề vướng mắc phát sinh, báo cáo về Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và UBND tỉnh để có hướng chỉ đạo, xử lý tháo gỡ trong quá trình triển khai chương trình.
Agribank là ngân hàng thương mại Nhà nước đầu tiên triển khai chương trình cho vay nhà ở xã hội quy mô 30 ngàn tỷ đồng. Ảnh: Sơn Ca |
*P.V: Trong bối cảnh chưa có danh mục dự án đầu tư được công bố, người có thu nhập thấp có thể tiếp cận nguồn lực tín dụng nào để xây dựng, sửa chữa nhà ở, thưa ông?
- Ông NGUYỄN HỮU NGHỊ: Ngoài chương trình cho vay nhà ở xã hội với quy mô 120.000 tỷ đồng đang triển khai theo Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ, Ngân hàng Chính sách Xã hội đang triển khai cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/NĐ-CP bằng nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ, lãi suất ưu đãi dành cho các đối tượng thụ hưởng, trong đó có đối tượng người thu nhập thấp. Trong 6 tháng đầu năm 2023, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh đã giải ngân cho vay nhà ở xã hội gần 60 tỷ đồng với 166 lượt hộ vay. Tổng dư nợ cho vay nhà ở xã hội đến nay đạt 171,3 tỷ đồng. Các đối tượng thụ hưởng như người có thu nhập thấp hoặc công nhân nếu đáp ứng đủ các tiêu chí, điều kiện vay vốn theo quy định thì có thể tiếp cận chương trình này để giải quyết nhu cầu thiết thực về nhà ở.
*P.V: Xin cảm ơn ông!