Giàu lên nhờ nuôi bò nhốt chuồng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Sở hữu đàn bò trên 40 con và 5 ha đất sản xuất với mức thu nhập hơn 700 triệu đồng/năm, ông Nguyễn Xuân Tùng (thôn An Quý, xã Phú An, huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai) là tấm gương sáng cho nhiều nông dân trong vùng học tập.
Gia trại nuôi bò của ông Nguyễn Xuân Tùng rộng chừng 200 m2, được xây dựng thành 2 dãy chuồng song song. Tại một góc trại, ông Tùng tỉ mẩn băm nhỏ đống cỏ voi bằng máy, chuẩn bị thức ăn cho hơn 40 con bò lai, trong đó có 13 con đang sinh sản. Tay không phút ngơi nghỉ, ông chia sẻ, lập gia đình khi mới 25 tuổi. Khi ra ở riêng, vợ chồng ông chỉ biết bám vào cây bắp, mía, mì để phát triển kinh tế, thu nhập khá bấp bênh. Tích góp được ít tiền, ông tậu 3 con bò về nuôi làm vốn, chủ yếu chăn thả rông, sau gầy dần lên được đàn bò 14 con.
Ông Nguyễn Xuân Tùng (xã Phú An, huyện Đak Pơ) chăm sóc đàn bò của gia đình. Ảnh: Hồng Thi
Ông Nguyễn Xuân Tùng (xã Phú An, huyện Đak Pơ) chăm sóc đàn bò của gia đình. Ảnh: Hồng Thi

Năm 2018, trong một lần tình cờ xem tin tức trên mạng internet, ông Tùng biết đến việc nuôi bò nhốt chuồng và bắt đầu tìm hiểu kỹ về nó. Nhận thấy hiệu quả, ông quyết định chuyển đổi hướng chăn nuôi, dẫu ở địa phương lúc bấy giờ chưa có ai thử nghiệm mô hình này. “Tôi dành 2 ha đất sản xuất để trồng cỏ voi và cỏ lá mía; đồng thời, tự nghiên cứu kỹ thuật xây dựng chuồng trại, chăm sóc bò qua mạng và các phương tiện thông tin đại chúng. Ngoài số con bò của gia đình lúc bấy giờ, tôi còn nuôi thêm bò lai Sind, 3B và Charolais Pháp. So với nuôi thả rông, bò nuôi nhốt chuồng nhanh lớn hơn vì ít chạy nhảy tiêu hao năng lượng. Người nuôi cũng dễ dàng quản lý, nắm bắt tình trạng sức khỏe của đàn bò để kịp thời chăm sóc và chữa trị. Tỷ lệ bò bị bệnh vì vậy cũng giảm hẳn”-ông Tùng cho hay. Cũng theo ông Tùng, để đàn bò phát triển khỏe mạnh, chóng lớn, điều quan trọng là làm chuồng trại đảm bảo thông thoáng về mùa hè, giữ ấm về mùa đông. Phải thường xuyên vệ sinh chuồng trại để ngăn ngừa dịch bệnh; đặc biệt là tiêm đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh cho bò theo khuyến cáo của cán bộ thú y.

Hiện đàn bò của gia đình ông có trên 40 con. Để đảm bảo đủ lượng thức ăn quanh năm cho đàn vật nuôi, ngoài cỏ tự trồng, ông Tùng phải mua rơm dự trữ sau mỗi vụ thu hoạch lúa. Ngoài ra, ông còn đầu tư lắp hệ thống uống nước tự động, mua 2 máy xay cỏ nhằm tiết giảm sức lao động. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, đàn bò sinh trưởng khá nhanh, được thương lái săn đón đặt hàng với mức giá cao. Cuối năm 2020, chỉ với 5 con bò bán đi, gia đình ông đã thu về gần 200 triệu đồng. Bên cạnh đó, ông Tùng còn gom phân chuồng bán cho các hộ trồng cây ăn quả để tăng thêm thu nhập.
Ông Nguyễn Xuân Tùng (bìa trái) sẵn sàng hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi cho các hội viên nông dân trên địa bàn xã. Ảnh: Hồng Thi
Ông Nguyễn Xuân Tùng (bìa trái) chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi cho hội viên, nông dân xã Phú An. Ảnh: Hồng Thi

Với những hiệu quả mang lại, mô hình nuôi bò nhốt chuồng của ông Tùng ngày càng được nhiều hội viên, nông dân trong xã biết đến và chủ động tới tham quan. Ông cũng sẵn sàng hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm cho những ai có ý định chuyển đổi hình thức chăn nuôi. Ngoài việc phát triển đàn bò, hiện nay, gia đình ông Tùng còn đầu tư trồng ớt, mía và dưa hấu hắc mỹ nhân. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí, ông thu về hơn 700 triệu đồng từ chăn nuôi và trồng trọt. Ông Nguyễn Ngọc An (thôn An Phú, xã Phú An) cho hay: “Học tập mô hình của ông Tùng, tôi cũng đang nuôi 10 con bò nhốt chuồng. Ông ấy tận tình chỉ tôi kỹ thuật làm chuồng trại, cách trộn thức ăn và chăm sóc đàn bò sao cho nhanh lớn, khỏe mạnh. Hy vọng từ mô hình này, kinh tế gia đình tôi sẽ cải thiện hơn trong những năm đến”.

Trao đổi với P.V, ông Phan Văn Ngữ-Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú An-cho biết: “Toàn xã có 926 hội viên nông dân. Năm 2020, có 390 hội viên nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp xã và ông Nguyễn Xuân Tùng là một điển hình trong số đó. Không chỉ cần cù, chịu khó, ông Tùng còn mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất. Gia đình ông là hộ đầu tiên và duy nhất của xã chăn nuôi bò nhốt chuồng với số lượng lớn, đem lại hiệu quả kinh tế cao, đáng để các hội viên học hỏi”.
HỒNG THI

Có thể bạn quan tâm

Rơ Châm Pyik: Điển hình sản xuất kinh doanh giỏi

Rơ Châm Pyik: Điển hình sản xuất kinh doanh giỏi

(GLO)- Nhờ biết tính toán và tích cực lao động sản xuất nên gia đình ông Rơ Châm Pyik (làng Châm Aneh, phường Chi Lăng, TP. Pleiku) có nguồn thu ổn định hơn 900 triệu đồng/năm. Không những thế, ông còn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động ở cơ sở.

Ia Grai: Giống lúa HG12 năng suất đạt từ 70-77 tạ/ha

Ia Grai: Giống lúa HG12 năng suất đạt từ 70-77 tạ/ha

(GLO)- Chiều 29-10, tại xã Ia Tô, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Công ty cổ phần Giống cây trồng, vật nuôi Thừa Thiên Huế tổ chức hội thảo đánh giá kết quả sản xuất giống lúa HG12 trên địa bàn huyện trong vụ mùa năm 2024. 

Tuổi cao vẫn bền chí làm giàu

Tuổi cao vẫn bền chí làm giàu

(GLO)- Sở hữu 5 ha cà phê với thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm nhưng ông Amyơm (SN 1964; làng Dơk Rơng, xã Glar, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) vẫn muốn mở rộng thêm diện tích nhằm nâng cao thu nhập cùng quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp

Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp

(GLO)- Từ nguồn hỗ trợ của Trung ương và ngân sách địa phương, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Gia Lai phối hợp với các địa phương xây dựng nhiều mô hình trình diễn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi cho người dân. Nhờ đó, năng suất, chất lượng nông sản địa phương được nâng cao.

Chăn nuôi bò kết hợp trùn quế: Lợi ích kép

Chăn nuôi bò kết hợp trùn quế: Lợi ích kép

(GLO)- Tuy mới thành lập nhưng Tổ hội nghề nghiệp nuôi trùn quế xã Tú An (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) đã mang lại lợi ích kép cho các thành viên khi không chỉ tạo cơ hội chia sẻ kinh nghiệm làm ăn mà còn thúc đẩy việc nhân rộng mô hình chăn nuôi bò kết hợp nuôi trùn quế.