Giám sát kết quả thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp tại TP. Pleiku

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Ngày 5-5, đoàn giám sát của HĐND tỉnh Gia Lai đã tiến hành giám sát kết quả thực hiện Kế hoạch hành động “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020” tại TP. Pleiku. 
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trương Văn Đạt làm trưởng đoàn; cùng đi có lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh. 
Giai đoạn 2016-2020, cùng với sự phối hợp tích cực của các phòng, ban, chính quyền địa phương và sự nỗ lực phấn đấu của các doanh nghiệp, người dân, việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn thành phố đã đạt được những kết quả nhất định. 
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trương Văn Đạt phát biểu kết luận buổi giám sát
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trương Văn Đạt phát biểu tại buổi giám sát. Ảnh: Quang Tấn
Công tác chuyển dịch cơ cấu cây trồng, áp dụng cơ giới hóa được quan tâm thực hiện. Thành phố đã cơ giới hóa trên 60% diện tích đất sản xuất nông nghiệp; chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang cây rau màu, từng bước hình thành các vùng sản xuất rau màu tập trung; chương trình khuyến nông, ứng dụng khoa học công nghệ vào trồng trọt, chăn nuôi được chú trọng và đem lại hiệu quả cao về kinh tế... Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội khu vực nông thôn được quan tâm đầu tư. Đến năm 2020, tỷ lệ đường trục xã, liên xã được bê tông hóa, nhựa hóa đạt 100%; tỷ lệ đường trục thôn, làng được bê tông hóa đạt 93,6%; tỷ lệ đường ngõ xóm được cứng hóa đạt 75,4%; tỷ lệ đường trục chính nội đồng được bê tông hóa, xe cơ giới đi lại thuận tiện đạt 57,4%; hệ thống điện đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp đạt 70%.
Cùng với đó, công tác kêu gọi đầu tư vào phát triển nông nghiệp kết quả tích cực. Hiện trên địa bàn thành phố có 1 doanh nghiệp được Bộ Nông nghiệp và PTNT cấp giấy chứng nhận Doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao; 1 doanh nghiệp đã được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư và cho thuê đất để thực hiện 3 dự án về nông nghiệp tại xã An Phú. Ngoài ra, thành phố đang kêu gọi đầu tư vào 19 Dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các xã, phường có thế mạnh về đất đai, nguồn nước, lao động như xã Gào, An Phú, phường Chi Lăng. 
Quang cảnh buổi giám sát tại UBND TP. Pleiku. Ảnh: Quang Tấn
Quang cảnh buổi giám sát tại UBND TP. Pleiku. Ảnh: Quang Tấn
Năm 2018, TP. Pleiku được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cũng được thành phố quan tâm thực hiện với 22 sản phẩm của 8 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh đạt 3 sao OCOP cấp tỉnh trở lên (trong đó, 9 sản phẩm đạt 4 sao; 13 sản phẩm đạt 3 sao).
Qua 5 năm triển khai, lĩnh vực sản xuất nông-lâm-thủy sản phát triển ổn định và tương đối toàn diện. Tất cả 5 tiêu chí đề ra đều đạt so với kế hoạch. Cụ thể, tỷ trọng ngành nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế của thành phố chuyển dịch phù hợp; thu nhập bình quân đầu người đạt 83,2 triệu đồng/người/năm (mục tiêu là 82,9 triệu đồng); số xã hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới (có 9/9 xã hoàn thành); tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 65% (mục tiêu 65%); tỷ lệ hộ nghèo còn 0,53% (mục tiêu nhỏ hơn 1%)… 
Bên cạnh những mặt đạt được, quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp của thành phố cũng còn nhiều tồn tại, hạn chế. Cụ thể: cơ cấu cây trồng chưa hợp lý, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả kinh tế còn thấp; mô hình kinh tế hộ nhỏ lẻ là chủ yếu nên liên kết giữa sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế; chưa hình thành được vùng chuyên canh có quy mô lớn; cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu; chưa hình thành được các khu vực chăn nuôi, giết mổ tập trung…
Đoàn giám sát đã đến khảo sát thực tế, năm tình hình sản xuất, kinh doanh của Công ty TNHH một thành viên Hương Đất An Phú. Ảnh: Quang Tấn
Đoàn giám sát đã đến khảo sát thực tế tại của Công ty TNHH một thành viên Hương Đất An Phú. Ảnh: Quang Tấn
Phát biểu kết luận buổi giám sát, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trương Văn Đạt ghi nhận, đánh giá cao những kết quả mà TP. Pleiku đạt được qua 5 năm thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đồng thời đề nghị thành phố cần tập trung tuyên truyền, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân trên địa bàn tiếp cận các chính sách về phát triển nông nghiệp của Nhà nước; hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng, quảng bá thương hiệu sản phẩm nông nghiệp cũng như quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất để nâng cao hiệu quả kinh tế. 
Bên cạnh đó, TP. Pleiku cần quan tâm xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm; quan tâm đến việc chuyển đổi những diện tích cây trồng kém hiệu quả; tập trung ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao. 
Trên cơ sở các ý kiến tham gia của các thành viên đoàn giám sát, thành phố cần bổ sung số liệu, hoàn chỉnh báo cáo, nhất là các đề xuất, kiến nghị để đoàn tổng hợp, gửi các cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết.
Sáng cùng ngày, đoàn đã đi khảo sát thực tế tại Công ty TNHH một thành viên Hương Đất An Phú, Viện Nghiên cứu và Sản xuất giống cây trồng công nghệ cao (Công ty cổ phần Nafoods Tây Nguyên) và dây chuyền chế biến cà phê của Công ty cổ phần Tín Thành Đạt.
Tại các nơi khảo sát, đoàn giám sát đã nắm tình hình sản xuất, kinh doanh, ghi nhận các đề xuất, kiến nghị của các doanh nghiệp để có hướng giải quyết trong thời gian tới nhằm thực hiện tốt hơn việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn tiếp theo.
QUANG TẤN

Có thể bạn quan tâm

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.

Rơ Châm Pyik: Điển hình sản xuất kinh doanh giỏi

Rơ Châm Pyik: Điển hình sản xuất kinh doanh giỏi

(GLO)- Nhờ biết tính toán và tích cực lao động sản xuất nên gia đình ông Rơ Châm Pyik (làng Châm Aneh, phường Chi Lăng, TP. Pleiku) có nguồn thu ổn định hơn 900 triệu đồng/năm. Không những thế, ông còn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động ở cơ sở.

Ia Grai: Giống lúa HG12 năng suất đạt từ 70-77 tạ/ha

Ia Grai: Giống lúa HG12 năng suất đạt từ 70-77 tạ/ha

(GLO)- Chiều 29-10, tại xã Ia Tô, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Công ty cổ phần Giống cây trồng, vật nuôi Thừa Thiên Huế tổ chức hội thảo đánh giá kết quả sản xuất giống lúa HG12 trên địa bàn huyện trong vụ mùa năm 2024.