Giảm ăn muối, bớt gánh nặng bệnh tật

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Muối là gia vị quen thuộc trong bữa ăn của mỗi gia đình và có vai trò quan trọng đối với sức khỏe. Tuy nhiên, ăn nhiều muối sẽ gây tác hại tới sức khỏe. Theo các chuyên gia y tế, giảm muối ăn sẽ giúp phòng ngừa tăng huyết áp, đột quỵ và các bệnh không lây nhiễm khác.
Gia tăng các bệnh không lây nhiễm
Một số bệnh không lây nhiễm phổ biến như: tăng huyết áp, tim mạch, đái tháo đường, ung thư, rối loạn tâm thần… Đây là bệnh không lây truyền từ người này sang người khác, mạn tính, phát triển và tiến triển chậm, hầu như không chữa khỏi. 
Những năm gần đây, các bệnh không lây nhiễm trên địa bàn tỉnh Gia Lai có chiều hướng gia tăng. Từ năm 2012 đến tháng 12-2020, ngành Y tế tỉnh đã khám điều tra tăng huyết áp cho 50.779 người và phát hiện 9.052 người tăng huyết áp (chiếm 17,82%).
Đối với bệnh đái tháo đường, từ năm 2010 đến tháng 12-2020, tổng số người được khám sàng lọc là 32.979 người; qua khám đã phát hiện 3.929 bị tiền đái tháo đường và đái tháo đường (chiếm 11,91%). Cùng với công tác phòng-chống bệnh không lây nhiễm, ngành Y tế cũng đã phối hợp triển khai truyền thông về bệnh không lây nhiễm, giảm ăn muối và Covid-19.
Xây dựng thói quen ăn nhạt để phòng-chống bệnh tật cho trẻ. Ảnh: Như Nguyện
Xây dựng thói quen ăn nhạt để phòng-chống bệnh tật cho trẻ. Ảnh: Như Nguyện
Chiều 19-3, tại TP. Pleiku, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Sở Y tế tỉnh tổ chức hội thảo truyền thông về bệnh không lây nhiễm, giảm ăn muối và Covid-19.
Tiến sĩ Ngô Thị Hải Vân-Phó Trưởng khoa Sức khỏe nghề nghiệp, bệnh không lây nhiễm (Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên) thông tin: Theo WHO, mỗi năm có khoảng 4,1 triệu người tử vong do các bệnh liên quan ăn thừa muối. Kết quả điều tra năm 2015 cho thấy, mức tiêu thụ muối của người Việt Nam trung bình/người/ngày là 9,4 gram (nam 10,5 gram và nữ là 8,3 gram), trong khi đó, WHO khuyến cáo nên giảm tiêu thụ muối xuống dưới 5 gram sẽ cứu sống 2,5 triệu người mỗi năm trên toàn cầu.
Ăn nhiều muối đang là nguyên nhân làm tăng tỷ lệ mắc bệnh tăng huyết áp và tử vong do các bệnh tim mạch. Bệnh không lây nhiễm đang ngày càng gia tăng và là gánh nặng cho gia đình, xã hội, gây tổn thất lớn tới sức khỏe và kinh tế.
Giảm ăn muối để phòng-chống bệnh tật
Theo TS. Ngô Thị Hải Vân, ăn thừa muối là nguyên nhân gây tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, bệnh tim mạch và các bệnh không lây nhiễm khác. Chính vì vậy, giảm ăn muối là việc cần làm ngay để phòng-chống bệnh tật.
“Ngay từ bây giờ, chúng ta hãy thực hành thông điệp “Cho bớt muối, chấm nhẹ tay, giảm ngay đồ mặn”. Theo đó, giảm lượng muối và gia vị mặn cho vào khi chế biến thức ăn, hạn chế sử dụng và hạn chế lượng muối, gia vị, nước chấm đặt trên bàn trong khi ăn; hạn chế lựa chọn hay sử dụng thực phẩm có nhiều muối”-TS. Vân khuyến cáo.
Tiến sĩ Ngô Thị Hải Vân (Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên) khuyến cáo giảm ăn muối phòng-chống bệnh tật tại Hội thảo tru yền thông về bệnh không lây nhiễm, giảm ăn muối và Covid-19 tổ chức tại TP.Pleiku ngày 19-3 vừa qua. Ảnh: Như Nguyện
Tiến sĩ Ngô Thị Hải Vân (Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên) phát biểu tại Hội thảo truyền thông về bệnh không lây nhiễm, giảm ăn muối và Covid-19 tổ chức tại TP. Pleiku ngày 19-3-2021. Ảnh: Như Nguyện
Theo các nhà khoa học, trẻ em nên ăn lượng muối ít hơn so với người trưởng thành. Các gia đình, trường học có tổ chức bán trú cần xây dựng chế độ ăn giảm muối, phù hợp dinh dưỡng cho trẻ. Cô Nguyễn Thị Tỉnh-Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chu Văn An (TP. Pleiku) chia sẻ: Nhà trường có nhân viên y tế chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc nấu ăn hàng ngày và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh.
“Nhà trường chú trọng chế biến thức ăn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, khuyến cáo chế độ nấu nhạt hơn bình thường, hạn chế muối ăn. Chúng tôi tiếp thu được nhiều kiến thức từ hội thảo và sẽ áp dụng ngay để góp phần phòng ngừa các bệnh không lây nhiễm cho học sinh”-cô Tỉnh nói.
Áp dụng chế độ ăn nhạt, giảm muối cũng được Trường Tiểu học Ngô Mây (TP. Pleiku) triển khai trong thời gian qua. Cô Ngô Thị Thu Hà-Phó Hiệu trưởng nhà trường-cho hay: Toàn trường có 600 học sinh học bán trú. Công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là khâu quan trọng được nhà trường giám sát, triển khai chặt chẽ theo quy định đảm bảo thức ăn cho trẻ đầy đủ dinh dưỡng và an toàn thực phẩm.
“Chúng tôi chủ động xây dựng thói quen ăn nhạt cho trẻ bằng việc giảm lượng muối ăn trong chế biến. Tham gia hội thảo này, chúng tôi có thêm nhiều kiến thức bổ ích để áp dụng trong chế biến bữa ăn cho trẻ tại trường và tuyên truyền đến học sinh, phụ huynh”-cô Hà cho biết.
NHƯ NGUYỆN

Có thể bạn quan tâm

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Guo Jiakun ngày 10/1 cho biết, quy mô lây lan các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp ở Trung Quốc năm nay thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, và metapneumovirus ở người (HMPV) đã lưu hành hơn 60 năm, không phải chủng vi-rút mới.

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Virus gây viêm phổi trên người (Human Metapneumovirus - HMPV) gây ra biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm phế quản, cơn hen suyễn hoặc bùng phát bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), suy hô hấp, viêm tiểu phế quản nặng đặc biệt là trẻ em.