Giấc mơ Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thỉnh thoảng, tôi mơ thấy mình sinh ra từ một khe suối. Dòng nước mát lành khẽ trôi qua tôi, dẫn về giọt nước đầu làng. Giấc mơ mang đầy âm thanh, màu sắc, hương thơm và ánh sáng của núi rừng Tây Nguyên.

Năm 18 tuổi, biết tôi là dân miền núi xuống đồng bằng học, cô bạn cùng phòng đã rất tò mò. Những câu chuyện rì rầm giữa khuya của chúng tôi thường xoay quanh chủ đề về nơi tôi sống. Mảnh đất huyền sử và đầy bí ẩn đa phần người ta chỉ được biết qua sách vở. Tây Nguyên của tôi khi ấy, hoang sơ và bí ẩn thật sự. Thế nên, tôi vừa kể những điều có thật, vừa bịa ra cơ man chuyện với những người bạn mới. Chuyện ngày ngày chúng tôi cưỡi voi lội suối đi học, chuyện sáng dậy thấy vết chân cọp ngoài cửa nhà, chuyện hái quả cà phê non dầm nước mắm ăn cơm… Giờ nhắc lại chuyện ấy mỗi lần gặp nhau, những tràng cười vẫn vang lên không dứt.

Tôi đã có những đêm ngồi bên bếp lửa nhà rông nghe người già kể chuyện. Đến giờ, lòng vẫn ăm ắp những mường tượng về một Tây Nguyên đã từng rất Tây Nguyên. Tức là, một Tây Nguyên đúng như trong hình dung của mọi người. Nơi rừng thiêng nước độc xa ngái mịt mùng bụi đỏ, nơi gió thốc ràn rạt, nơi nắng hanh hao vắt đến khô kiệt đất đai và mưa thì như nghiêng chóe từ trời trút xuống. Một Tây Nguyên hào sảng và rộng lòng. Núi rừng cho sản vật, sông suối cho cá tôm, ruộng đồng cho lúa bắp. Người ta có thể sống giữa thiên nhiên từ đời này qua đời khác mà không phải lo đến cái ăn, cứ ném hạt giống vào đất là có được mùa màng. Người Tây Nguyên, có lẽ vì đặc trưng từ tấm lòng hào sảng của đất đai thổ nhưỡng mà sinh ra những tập tục riêng, không lẫn vào đâu được.

Minh họa: HUYỀN TRANG

Minh họa: HUYỀN TRANG

Chúng tôi đã lớn lên bên những đỉnh núi quanh năm vấn vít mây mù. Trên những đỉnh núi ấy xưa kia là rừng, là đại ngàn thực sự linh thiêng và huyền bí. Người già kể rằng, cây xanh như chảy từ đỉnh núi xuống khe sâu. Cây cối theo thứ tự lớn nhỏ chạy về tận phố xá. Phố bé tẹo như lòng bàn tay đúng nghĩa, vì phần nhiều diện tích được bao phủ bởi cây xanh. Những thân xà nu sừng sững rợp bóng giữa mây trời quanh năm biêng biếc, thú rừng ngơ ngác lạc cả vào trong đường phố. Không gian thơm lựng mùi hương của gỗ: hương xá xị, hương xà nu, hương long não...

Giấc mơ của chúng tôi theo lời kể người già, vừa thích thú vừa sợ sệt, vừa mong ước lại vừa hoang mang. Còn ánh mắt người già buồn như chú gấu con lạc mẹ trong đêm rừng già thâm u bóng đổ. Rừng giờ lùi xa, xa khỏi tầm mắt người già. Bởi vậy, những câu chuyện kể với lũ trẻ chúng tôi cũng buồn theo ánh mắt xa xăm của người già. Rừng vắng đi, theo đó là nếp sinh hoạt văn hóa gắn với rừng cũng dần vắng xa. Người Tây Nguyên đã từng sống dựa vào rừng, họ vì thế mà mang ơn rừng. Trước kia, hàng năm, ở mỗi ngôi làng, bà con vẫn thường cúng rừng, thành kính và trang trọng, để bày tỏ ơn sâu với rừng, với tấm lòng mà rừng đã ưu ái, đã cưu mang, đã chở che cho đời sống con người. Người Tây Nguyên mang một cây gỗ khỏi rừng là sẽ nghĩ ngay đến việc trồng thế vào một cây con khác. Cứ như vậy, đời này sang đời khác, rừng đã hiện diện trong nếp sống, nếp nghĩ, đã ăn sâu vào cội rễ mọi hành động, tập quán, tư duy. Và vì vậy, nghĩ đến Tây Nguyên, người ta nghĩ đến bạt ngàn núi rừng thăm thẳm, đến những gì huyền bí và hoang sơ.

Tây Nguyên bây giờ đã gần lại với mọi miền. Tốc độ phát triển của khoa học công nghệ đã rút ngắn mọi khoảng cách. Từ mọi miền đất nước, chỉ mất tầm hơn 1 giờ bay là đã có mặt ở bất cứ tỉnh Tây Nguyên nào. Thế nhưng, mặt trái của quá trình đô thị hóa, là Tây Nguyên đang mất dần đi những nét văn hóa đặc trưng. Những gì đã từng làm nên một Tây Nguyên đang dần mai một khỏi đời sống hiện đại. Nhiều người đã từng gắn bó với Tây Nguyên trong quá khứ, sau rất nhiều năm trở lại, đã thốt lên với vẻ tiếc nuối: “Pleiku bây giờ cũng chẳng khác gì Sài Gòn”. Là phố xá cũng san sát cao ốc cửa gương, “cô em phố núi” cũng váy ngắn môi son phóng xe vun vút trên phố. Quán xá xập xình đèn màu xanh đỏ quyện vào nhạc trẻ.

Không gì có thể cưỡng lại quy luật phát triển của xã hội, vẫn biết là vậy. Nhưng giấc mơ Tây Nguyên của tôi vẫn ắp đầy âm thanh, màu sắc, hương thơm và ánh sáng của núi rừng. Bởi ký ức tôi vẫn ngọt lịm ngụm nước đựng trong quả bầu khô được lấy về từ giọt nước đầu làng. Giọt nước mà người đời trước đã đem những ống lồ ô dẫn về từ một khe núi mát lành. Dòng nước nằm sâu dưới lòng núi, có lẽ là được chắt ra từ lớp lớp những rễ cây rừng. Không còn nhớ được ai là người đầu tiên dẫn dòng nước ấy về làng, chỉ biết rằng, con cháu đời sau luôn giữ gìn nguồn nước ấy, từ đời này sang đời khác.

Đôi khi, tôi vẫn nghe tiếng lá cây xạc xào trong đêm và từ ngôi làng nào đó vẳng lại nhịp chiêng dồn dập trong mùa lễ hội. Tôi mơ thấy những cây rừng chảy từ trên núi cao về tận từng con phố. Những thân đại thụ ngả bóng mát rượi và còn tỏa ra thứ hương gỗ thơm lựng đầy mê hoặc trong những không gian biếc xanh vấn vít mây và sương mù.

Có thể bạn quan tâm

Hoa mùa xuân

Hoa mùa xuân

(GLO)- Mùa này, trên khắp nẻo núi đồi, thung xa hay trong mỗi vườn nhà, những chồi non lộc biếc bắt đầu mởn xanh trong gió, rực rỡ đón chào năm mới.

Dốc xưa

Dốc xưa

(GLO)- Nhìn từ trên cao xuống, bạn sẽ thấy đèo dốc như những dải lụa mềm mại. Ấy vậy mà khi đặt chân đến đó, bạn sẽ thấy nó như một thách thức lớn khiến ta phải ngẫm nghĩ thật nhiều. Nhưng, không phải lúc nào chênh vênh cũng làm ta ngã mà lại bồi đắp nên nghị lực và ý chí vượt khó.

Ra Bắc, vào Nam

Ra Bắc, vào Nam

(GLO)- Hơn nửa đời người, tôi loay hoay đi về giữa 2 miền Nam-Bắc. Miền Bắc là quê hương, là nơi tôi cất tiếng khóc chào đời. Còn miền Nam là nơi tôi học tập và trưởng thành.

Ảnh minh họa: Phùng Tuấn Ngọc

Mùi Tết

(GLO)- Có một ngày, tôi bỗng ngồi nhớ nhung mùi Tết, để rồi tự hỏi mùi của Tết là gì? Phải chăng đó là mùi của nồi bánh chưng đang sôi lục bục ở góc sân đêm 29 Tết hay là mùi thơm nồng của dưa hành dưa kiệu mới ngấu?

“Mùa đi cùng tháng năm”

“Mùa đi cùng tháng năm”

(GLO)- Rồi thời gian cũng sớm vẫy mùa xuân trở lại. Tôi đoán thế khi đang đứng ở hành lang một dãy phòng học nhìn ra buổi sáng mà mọi vật như còn bỡ ngỡ với “cơn nắng se ngang trời đông”. Như thể ngày hôm qua và cả hôm kia nữa, chưa hề gió lạnh.

Cầu Bến Mộng. Ảnh: Phạm Quý

Bên kia bờ sông Ba

(GLO)- Nhà tôi ở bên hữu ngạn sông Ba, nơi phố thị tấp nập, náo nhiệt. Ở nơi đông vui, thuận tiện cho sinh hoạt, nhưng đôi khi tôi lại cảm thấy ngột ngạt, tù túng bởi sự chật chội, ồn ào.

Đèo An Khê. Ảnh: Phan Nguyên

Bâng khuâng chiều An Khê

(GLO)- Tôi trở lại An Khê vào một chiều mưa. Cơn mưa không ồn ào mà rơi êm vào ký ức, đánh thức một miền nhớ xa xôi, thuở nơi đây còn là một thị trấn nhỏ bình lặng nằm ven quốc lộ 19.

Minh họa: HUYỀN TRANG

Mùa về trên lưng áo mẹ

(GLO)- Từ khi còn nhỏ, tôi đã có thói quen dậy sớm. Mỗi khi tiếng mấy con gà ở chái bếp cất lên, tiếng đòn gánh dựng ở góc nhà sơ ý va vào liếp cửa, tôi lại nghe tiếng ho cố nén của mẹ. Lại thấy thương mẹ nhiều hơn.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

“Biến đám cháy thành pháo hoa”

(GLO)- Đó là cách nói rất hình ảnh về khả năng chấp nhận thực tại không như ý và biến nó thành một phiên bản khác của sự tỏa sáng. Không chỉ là nghị lực vượt khó, đây còn là câu chuyện đẫm chất nhân sinh.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Linh hoạt với cuộc sống

(GLO)- Cuộc đời của mỗi người đều sẽ không ít lần gặp khó khăn, thất bại, vấp ngã, thậm chí muốn từ bỏ, buông xuôi. Nhưng rồi, nếu bạn đủ can đảm thì mọi chuyện sẽ trở nên dễ dàng chấp nhận và có thể vượt qua. Để làm được điều đó, chúng ta cần hiểu bản thân mình và có sự linh hoạt với cuộc sống.

Ảnh: Phạm Quý

Bây giờ đang thắm mùa hoa

(GLO)- Từ dưới chân núi, tôi ngước nhìn vòm trời xanh văn vắt treo đầy những cụm mây trắng xốp. Nổi bật trong không gian cao rộng là màu đỏ của đất bazan và ngờm ngợp sắc hoa, nhất là màu vàng của dã quỳ.

Bước ra ngày mới

Bước ra ngày mới

(GLO)- Lúc còn đi học, mỗi buổi sớm mai, tôi thường nghe thấy tiếng bánh xe lăn trên đường rồi sau đó mới là tiếng những cánh cổng sắt được mở ra, tiếng người đi thể dục lao xao.