Giá sầu riêng tăng cao: Nông dân cẩn trọng chờ chốt hợp đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Còn khoảng nửa tháng nữa, Gia Lai mới bước vào vụ thu hoạch rộ sầu riêng song bà con nông dân rất phấn khởi khi giá loại trái cây này đang tăng cao.

Dù vậy, rút kinh nghiệm từ những vụ trước, nhiều nông dân vẫn cẩn trọng chờ chốt hợp đồng bán cho thương lái để bảo đảm lợi ích của mình.

Giá sầu riêng tăng cao

Thông tin sầu riêng của Thái Lan mất mùa do thời tiết bất lợi đang khiến nhiều nông dân ở Gia Lai lạc quan về triển vọng giá loại trái cây này trong nước sẽ còn tăng cao hơn nữa. Bên cạnh đó, cũng do ảnh hưởng thời tiết nên vừa qua, sầu riêng ở tỉnh Đắk Lắk bị rụng quả nhiều sẽ ảnh hưởng đến sản lượng. Trong khi đó, một số địa phương ở miền Tây hay tỉnh Bình Phước đã thu hoạch xong sầu riêng. Đây là những yếu tố đẩy giá sầu riêng trong nước tăng cao.

Thời gian gần đây, rất nhiều thương lái từ các tỉnh đổ về Gia Lai tìm mua sầu riêng. Họ sẵn sàng trả giá cao, đặt cọc để mua sầu riêng khi chỉ còn chừng nửa tháng nữa là bước vào vụ thu hoạch rộ. Ở những vườn lớn, các doanh nghiệp vào tận nơi ký hợp đồng thu mua với những điều khoản chặt chẽ, có lợi cho cả 2 bên. Nhiều vườn có sản lượng ít, các thương lái cũng vào chốt giá nhưng việc bố trí nhân công cắt không thuận lợi nên người dân còn chưa ký hợp đồng.

Những ngày này, vườn nhà ông Châu Văn Hận (thôn Cát Tân, xã Ia Bang) đón khá nhiều thương lái từ miền Tây đến chào giá và đặt vấn đề ký hợp đồng thu mua sầu riêng Thái. Ảnh: T.N

Những ngày này, vườn nhà ông Châu Văn Hận (thôn Cát Tân, xã Ia Bang) đón khá nhiều thương lái từ miền Tây đến chào giá và đặt vấn đề ký hợp đồng thu mua sầu riêng Thái. Ảnh: T.N

Tại xã Ia Bang (huyện Chư Prông), nông dân đã thu hái sầu riêng rải rác từ nửa tháng nay và đang chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch rộ. Những ngày này, gia đình ông Châu Văn Hận (thôn Cát Tân, xã Ia Bang) đón khá nhiều thương lái từ miền Tây đến đặt vấn đề ký hợp đồng thu mua sầu riêng Thái.

Ông Hận phấn khởi cho hay: “Vườn nhà tôi năm nay cho năng suất khá, chất lượng quả đẹp nên các thương lái đến thăm và đưa ra giá ký kết thu mua với giá 80 ngàn đồng/kg. Với giá này và sản lượng đạt khoảng 35 tấn thì sau khi trừ hết chi phí, gia đình tôi còn lãi khoảng 2,4 tỷ đồng”.

Có kinh nghiệm trồng sầu riêng, nhiều nhà vườn đã “ép” cây ra hoa nhiều đợt để thu hoạch rải trong thời gian kéo dài khoảng 50-60 ngày. Việc kéo dài thời gian thu hoạch giúp nhà vườn không bị dồn sản lượng tiêu thụ tại một thời điểm nên giá sẽ tốt hơn, không còn lệ thuộc quá nhiều vào thương lái, dễ dẫn đến việc bị ép giá.

Ông Đào Duy Quỳnh-Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hợp tác xã Nông nghiệp Cao Nguyên (xã Ia Bă, huyện Ia Grai) cho biết: Hợp tác xã hiện có 100 ha sầu riêng của các thành viên. Diện tích này đã được cấp 2 mã số vùng trồng từ năm 2023. Ước tính sản lượng sầu riêng trong vụ thu hoạch năm nay đạt khoảng 1.000 tấn và tầm 10 ngày nữa sẽ bắt đầu thu hoạch rộ. Hiện nay, rất nhiều thương lái đã vào vườn để tranh mua. Ở một số vườn có hiện tượng quả rụng sớm, thành viên đã cắt giá và thu hoạch nhưng có những vườn vẫn chưa chốt giá.

“Với kinh nghiệm của mình, tôi cho rằng, việc cắt giá bán xô có lợi hơn nhiều so với việc chốt giá bán hàng kẹp. Thời điểm này, nhu cầu thu mua sầu riêng để xuất khẩu rất cao nên giá có khả năng tiếp tục tăng. Hy vọng năm nay, giá sầu riêng giữ ở mức cao cho đến cuối vụ để bà con nông dân, thành viên Hợp tác xã có một vụ mùa bội thu”-ông Quỳnh chia sẻ.

Tuy giá sầu riêng tăng cao nhưng nhiều nông dân vẫn cẩn trọng chờ chốt hợp đồng bán cho thương lái để bảo đảm lợi ích của mình. Ảnh: T.N

Tuy giá sầu riêng tăng cao nhưng nhiều nông dân vẫn cẩn trọng chờ chốt hợp đồng bán cho thương lái để bảo đảm lợi ích của mình. Ảnh: T.N

Cũng theo ông Quỳnh, rút kinh nghiệm từ vụ trước, do thay đổi thời tiết nên sầu riêng có thể rụng sớm hơn so với thời gian dự kiến nên nếu thương lái không kịp cắt sớm sẽ ảnh hưởng đến việc thu hoạch vì những nhà vườn có sản lượng lớn phải gom quả rụng để bán lẻ. Trong khi đó, nếu không thu hoạch đúng dự kiến mà kéo dài thời gian neo quả trên cây sẽ làm cây suy yếu, ảnh hưởng đến vụ sau. Hiện nay, giá sầu riêng đang ở mức cao, sầu riêng Ri6 có giá 55-60 ngàn đồng/kg, sầu riêng Thái giá 70-80 ngàn đồng/kg.

Cẩn trọng trong việc chốt giá

Vụ thu hoạch sầu riêng ở Gia Lai đến sớm hơn tỉnh Đắk Lắk. Vì vậy, hiện nay, một số thương lái từ các tỉnh Đắk Lắk, Bình Phước và miền Tây bắt đầu đổ về các vùng trồng sầu riêng ở huyện Chư Prông, Ia Grai, Chư Păh để chào giá. Dù mức giá các thương lái đưa ra khá cao song nhiều nhà vườn có kinh nghiệm vẫn đang tiếp tục nghe ngóng và chờ gần đến khi thu hoạch mới chốt.

Ông Nguyễn Thế Minh-Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Nghĩa Hòa (huyện Chư Păh) cho biết: Cách đây mấy ngày, 1 công ty xuất hàng đi Trung Quốc đã đến các vườn của thành viên Hợp tác xã để khảo sát, dự kiến khoảng 1 tuần nữa cắt sầu riêng Ri6, còn sầu riêng Thái khoảng 12 ngày nữa mới cắt đợt 1. Giá cả hiện nay tùy theo vườn đẹp hay xấu nhưng dao động ở mức 55-60 ngàn đồng/kg đối với sầu riêng Ri6, 75-80 ngàn đồng/kg đối với sầu riêng Thái. “Việc chốt giá phụ thuộc nhiều vào chất lượng toàn bộ quả trong vườn đẹp hay xấu. Nhưng người dân cần cẩn trọng khi ký hợp đồng bán theo hình thức “2 kẹp 1” hoặc “2 kẹp 2” (có nghĩa là quả đẹp được kẹp quả xấu). Có trường hợp vụ trước, người dân ký hợp đồng với giá 80 ngàn đồng/kg nhưng theo kiểu cắt hàng kẹp thì tính ra chỉ còn hơn 50 ngàn đồng/kg, hay ký hợp đồng 70 ngàn đồng/kg chỉ còn hơn 40 ngàn đồng/kg”-ông Minh chia sẻ.

Thương lái thu mua sầu riêng. Ảnh: T.N

Thương lái thu mua sầu riêng. Ảnh: T.N

Đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 5.689 ha sầu riêng, tập trung tại các huyện: Chư Prông, Chư Sê, Ia Grai, Chư Păh, Chư Pưh, Đức Cơ, Đak Đoa, Mang Yang... Sản lượng sầu riêng năm 2023 đạt khoảng 44.150 tấn. Hiện toàn tỉnh đã được cấp 54 mã số vùng trồng sầu riêng với diện tích 1.289,67 ha.

Theo ông Minh, trong vấn đề thu mua sầu riêng có những tình huống biến động bất ngờ. Ví dụ có năm, thương lái chốt giá tại vườn là 50 ngàn đồng/kg nhưng tới thời điểm cắt sầu riêng thì giá lên đến 70 ngàn đồng/kg nên họ cắt hết. Ngược lại, có trường hợp thương lái ký hợp đồng 70 ngàn đồng/kg nhưng tới lúc cắt sầu riêng thì giá thị trường xuống chỉ còn 50 ngàn đồng/kg nên họ bỏ cọc. Cũng có trường hợp người dân gian lận, ký hợp đồng bán cho thương lái với giá 50 ngàn đồng/kg nhưng đến ngày cắt, giá thị trường lên trên 70 ngàn đồng/kg thì họ bón phân, tưới nước nhiều để múi sầu riêng bị sượng cơm không cắt được. Từ đó, họ có cớ để hủy hợp đồng và bán cho người khác với giá cao hơn.

Bà Lê Thị Ngọc Sơn-Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chư Păh-cho hay: Sầu riêng là loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Toàn huyện có khoảng 700 ha sầu riêng. Hiện nay, bà con bắt đầu vào vụ thu hoạch. Có người ký hợp đồng với thương lái ngay từ đầu và theo dõi vườn cây để cắt quả già; có người canh sầu riêng rụng để bán cho thương lái nhỏ tại địa phương. Hiện giá sầu riêng trên thị trường rất cao nên với kinh nghiệm của mình, người dân thường không cắt giá ngay từ ban đầu mà dựa vào giá thực tế, đến đâu chốt giá đến đó. “Chúng tôi đã khuyến cáo người dân cần theo dõi sự biến động giá và nghiên cứu kỹ hợp đồng ký kết thu mua với các thương lái, tránh những vấn đề bất lợi”-bà Sơn nói.

Có thể bạn quan tâm

“Làng yến” trên cao nguyên

“Làng yến” trên cao nguyên

(GLO)- Năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Phố Yến (thôn Thắng Lợi 3, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) bắt đầu triển khai xây dựng mô hình “làng yến” với nhiều nhà nuôi yến được quy hoạch bài bản, khoa học. Mô hình mới này bước đầu đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhờ ứng dụng công nghệ trong chế biến, sản phẩm yến sào của Công ty TNHH một thành viên Sản xuất-thương mại-xuất nhập khẩu yến sào Win Nest Alpha được người tiêu dùng đánh giá cao. Ảnh: V.C

Yến sào Đông Nam tỉnh Gia Lai khẳng định vị thế

(GLO)- Khu vực Đông Nam tỉnh Gia Lai có số lượng nhà nuôi yến lớn với chất lượng tổ yến rất tốt. Khai thác lợi thế này, cùng với quy hoạch vùng nuôi, nhiều cơ sở sản xuất yến sào đã chủ động đăng ký thương hiệu, đa dạng hóa sản phẩm nhằm khẳng định vị thế trên thị trường.

Ông Nguyễn Văn Thuận (thôn 2, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh) chặt bỏ gần 40 cây cà phê để hiến đất mở rộng mặt đường. Ảnh: N.D

Đòn bẩy phát triển vùng nguyên liệu cà phê bền vững

(GLO)- Sau 2 năm triển khai hợp phần 5 của Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông-lâm-thủy sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025, nhiều tuyến đường nội đồng ra vùng nguyên liệu sản xuất cà phê được đầu tư xây dựng.