Gia Lai: Ưu tiên hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Năm 2019, ngành Ngân hàng tỉnh Gia Lai xác định sẽ tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc tiếp cận vốn vay theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Mục tiêu hướng đến là giúp các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thêm hiệu quả.
Đồng hành cùng doanh nghiệp
Vốn tín dụng phải đi vào thực chất, phải thực sự rót vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Đây không chỉ là định hướng tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng mà còn là nhu cầu cấp thiết của các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động gắn với chiến lược mở rộng quy mô phát triển. Đơn cử như Công ty TNHH Thương mại Chế biến Nông-Lâm sản Đường Vạn Phát-chủ đầu tư thực hiện các dự án quy mô lớn trên địa bàn xã Chư Ngọc, huyện Krông Pa. Công ty này đã hoàn tất dự án Nhà máy chế biến tinh bột mì với công suất 250 tấn/ngày, chính thức đi vào vận hành từ tháng 10-2018. Dự án Nhà máy chế biến thức ăn gia súc và dự án Nhà máy sirô cô đặc công suất thiết kế 6.000 tấn mía/ngày của Công ty cũng đang triển khai lắp đặt thiết bị, nhà xưởng và dự kiến đi vào hoạt động cuối năm 2019, đầu năm 2020. Riêng dự án Nhà máy chế biến phân vi sinh tổng hợp dự kiến đến năm 2021 sẽ đi vào hoạt động. “Để các dự án triển khai hiệu quả, bản thân doanh nghiệp phải hội đủ tiềm lực, khả năng tài chính bởi quy mô, tổng mức đầu tư cho từng dự án rất lớn. Bên cạnh đó, doanh nghiệp không thể thiếu được đối tác là ngân hàng bởi vốn tín dụng đóng vai trò rất quan trọng. Có nguồn vốn ngân hàng đồng hành hỗ trợ, doanh nghiệp sẽ có điều kiện phát triển, nắm bắt kịp thời cơ hội trong kinh doanh”-ông Nguyễn Thành Nghiêm-Kế toán trưởng Công ty TNHH Thương mại Chế biến Nông-Lâm sản Đường Vạn Phát-cho biết.
 Năm 2019, ngành Ngân hàng tỉnh tiếp tục ưu tiên hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp. Ảnh: internet
Năm 2019, ngành Ngân hàng tỉnh tiếp tục ưu tiên hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp. Ảnh: internet
Nếu như doanh nghiệp luôn cần nguồn vốn hỗ trợ thì các ngân hàng cũng đã và đang chủ động tiếp cận khách hàng, tìm kiếm các dự án có hiệu quả để đầu tư vốn. Ông Trần Duy-Giám đốc Công ty TNHH Vạn Lợi, một doanh nghiệp có bề dày hoạt động trong lĩnh vực khai thác khoáng sản tại nước ngoài-cho hay: “Chúng tôi đã có mối quan hệ giao dịch với ngân hàng hơn 15 năm. Nguồn vốn ngân hàng đã hỗ trợ rất nhiều để doanh nghiệp thành công. Mặt khác, việc hỗ trợ vốn cũng nói lên mức độ tín nhiệm của ngân hàng dành cho doanh nghiệp”. 
Tiếp tục ưu tiên vốn cho sản xuất kinh doanh
Trong năm 2018, dư nợ cho vay chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt 8.897 tỷ đồng với 258 doanh nghiệp vay. Trong đó, dư nợ cho vay mới là 8.477 tỷ đồng của 247 doanh nghiệp; dư nợ cơ cấu lại là 420 tỷ đồng của 11 doanh nghiệp. Dư nợ cho vay chương trình bình ổn thị trường đạt 1.195 tỷ đồng/37 khách hàng; dự nợ cho vay 5 nhóm ngành, lĩnh vực kinh tế ưu tiên đạt 4.416 tỷ đồng/4.350 khách hàng…

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng tỉnh năm 2019, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành đã nêu rõ, Gia Lai là một trong những địa phương có tình hình an ninh chính trị ổn định. Đây là điều kiện cần thiết cho sự phát triển kinh tế-xã hội, thu hút nhà đầu tư ngoại tỉnh. Trong hơn 2 năm qua, số doanh nghiệp trên địa bàn tăng trên 24%. Kết quả này cho thấy, nhu cầu lẫn điều kiện phát triển doanh nghiệp ở tỉnh ta đã ngày càng tốt hơn. Phát triển doanh nghiệp đặt ra vấn đề nguồn vốn để doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động sản xuất kinh doanh. “Dòng vốn tín dụng phải đảm bảo lưu thông cho hoạt động kinh tế. Ngành Ngân hàng cần nghiên cứu đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục vay vốn, có phương thức cho vay linh hoạt nhằm tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp, người dân tiếp cận nguồn vốn”-Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành nhấn mạnh.  
Trên tinh thần triển khai thực hiện Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 8-1-2019 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2019, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đang tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, nhóm ngành, lĩnh vực kinh tế ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Đồng thời, tích cực phối hợp với Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh triển khai hiệu quả, thiết thực chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp. “Trong năm nay, chúng tôi tiếp tục phát triển mạnh khách hàng doanh nghiệp, nâng dần tỷ trọng cho vay doanh nghiệp trên tổng dư nợ, tăng tỷ trọng cho vay trung-dài hạn. Đồng thời, tập trung tạo điều kiện cho hộ kinh doanh phát triển thành doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp mới thành lập; chú trọng cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa gắn với kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Đương nhiên, doanh nghiệp phải có năng lực hoạt động, năng lực tài chính. Về lâu dài, đây là nền khách hàng chủ lực trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng”-ông Phan Tiến Thu-Giám đốc Agribank Đông Gia Lai-cho biết. 
 SƠN CA

Có thể bạn quan tâm

Ngành Thuế Chư Pưh tiếp tục đôn đốc, khai thác tốt các nguồn thu

Ngành Thuế Chư Pưh tiếp tục đôn đốc, khai thác tốt các nguồn thu

(GLO)- Đến thời điểm này, huyện Chư Pưh đã thu được gần 29 tỷ đồng nộp ngân sách, đạt khoảng 120% dự toán tỉnh và HĐND huyện giao (trừ tiền sử dụng đất). Từ nay đến hết năm 2024, ngành Thuế huyện tiếp tục triển khai các giải pháp để quản lý thuế, chống thất thu cũng như khai thác tốt các nguồn thu.

Tiếp tục giảm 2% thuế VAT tới 1.7.2025

Tiếp tục giảm 2% thuế VAT tới 1.7.2025

Quốc hội đồng ý tiếp tục giảm 2% thuế VAT trong nửa đầu năm 2025; đồng thời yêu cầu chấm dứt việc miễn thuế với hàng giá trị dưới 1 triệu nhập khẩu qua các sàn thương mại điện tử như Shopee, Temu.

Tập huấn kiểm kê tài sản công

Tập huấn nghiệp vụ tổng kiểm kê tài sản công

(GLO)- Ngày 28 và 29-11, Sở Tài chính tỉnh Gia Lai phối hợp với Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) tập huấn nghiệp vụ tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Gia Lai.