(GLO)- Ngày 13-1, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Kpă Thuyên đã ký ban hành Kế hoạch số 75/KH-UBND về việc phòng-chống bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2030.
Theo đó, Kế hoạch đề ra mục tiêu kiểm soát, khống chế thành công dịch bệnh viêm da nổi cục (VDNC) ở trâu, bò trên địa bàn tỉnh. Chủ động giám sát, phát hiện sớm và kiểm soát tốt dịch bệnh nhằm giảm số ổ dịch VDNC dưới 80 xã trong năm 2022; hàng năm giảm ít nhất 20% số xã có dịch và số gia súc mắc bệnh VDNC so với năm liền kề trước đó. Tiêm phòng vắc xin VDNC cho trên 80% tổng đàn trâu, bò tại thời điểm tiêm phòng. Phòng bệnh chủ động, có hiệu quả bằng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học.
Phát triển các mô hình chăn nuôi nhốt là một trong những giải pháp góp phần hạn chế lây lan dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò. Ảnh: Thanh Nhật |
Nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm là phòng bệnh bằng vắc xin VDNC, chủ động phòng bệnh có hiệu quả bằng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh tiêu độc khử trùng, tiêu diệt véc tơ truyền bệnh. Giám sát kiểm dịch động vật, kiểm soát vận chuyển, kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y. Ứng phó, xử lý ổ dịch, chống dịch, quản lý, chăm sóc gia súc bệnh. Xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh. Trên cơ sở kế hoạch phát triển chăn nuôi của tỉnh, các dự án thu hút đầu tư chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, các trang trại chăn nuôi, chăn nuôi nông hộ, ngành Nông nghiệp và PTNT các cấp trong tỉnh hướng dẫn xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh theo quy định.
Triển khai các chính sách hỗ trợ cho chủ cơ sở chăn nuôi có gia súc phải tiêu hủy do mắc bệnh VDNC, gia súc chết do tiêm vắc xin VDNC; chính sách hỗ trợ cho lực lượng tham gia phòng-chống dịch theo quy định của pháp luật hiện hành. Các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh các giải pháp thông tin, tuyên truyền, vận động… nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của các doanh nghiệp, trang trại, người chăn nuôi. Tăng cường xã hội hóa trong phòng-chống dịch bệnh động vật, thủy sản nhất là việc tiêm phòng vắc xin cho gia súc, gia cầm.
Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng-chống bệnh VDNC. Chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố, các sở, ngành liên quan tích hợp các nội dung của kế hoạch này vào kế hoạch phòng-chống dịch bệnh động vật trên cạn và thủy sản hàng năm. Tổ chức giám sát lưu hành vi rút VDNC để cảnh báo dịch bệnh, hướng dẫn điều tra ổ dịch, xác định nguyên nhân dịch bệnh xảy ra. Hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra công tác tiêm phòng vắc xin, công tác giám sát theo quy định, đảm bảo thời gian tiêm phòng đồng bộ trên địa bàn toàn tỉnh; hướng dẫn sử dụng vắc xin VDNC theo khuyến cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y thực hiện nghiêm các quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật; tổ chức kiểm tra, cấp giấy chứng nhận các cơ sở đủ điều kiện vệ sinh thú y theo thẩm quyền. Tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch rà soát, sắp xếp lại mạng lưới cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, cơ sở sơ chế, chế biến sản phẩm động vật theo hướng tập trung, công nghiệp gắn với vùng chăn nuôi hàng hóa, đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường. Căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương, tham mưu UBND tỉnh đề xuất Bộ Nông nghiệp và PTNT điều chỉnh, bổ sung các biện pháp kỹ thuật phòng-chống dịch phù hợp, bảo đảm không để lây lan dịch bệnh (nếu có).
Sở Tài chính rà soát, tổng hợp đề xuất UBND tỉnh xem xét, trình HĐND tỉnh bố trí kinh phí để thực hiện. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố xây dựng và ban hành kế hoạch phòng-chống bệnh VDNC của địa phương, chủ động ưu tiên bố trí kinh phí để thực hiện; bố trí nguồn lực, vật tư, phương tiện, quỹ đất để chống dịch, tiêu hủy động vật mắc bệnh khi có dịch; chủ động bố trí nguồn kinh phí nêu trong phần cơ chế, chính sách thuộc trách nhiệm của cấp huyện và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác, đảm bảo cho công tác phòng-chống dịch bệnh VDNC, chịu trách nhiệm toàn diện nếu để xảy ra dịch bệnh trên đàn vật nuôi thuộc địa bàn quản lý...
THANH NHẬT