(GLO) 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 1,03 triệu tấn và 2,32 tỷ USD, tăng 21,7% về khối lượng và tăng 50% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021, đánh dấu mức tăng trưởng mạnh nhất trong 5 năm qua.
Trong đó, tăng đột biến là giá cà phê xuất sang Mỹ. Theo Tổng cục Hải quan, giá trung bình 5 tháng đầu năm tăng 42,3% lên mức 3.451 USD/tấn. Nhờ đó, giá trị xuất khẩu cà phê Việt Nam sang thị trường này bật tăng bất chấp sản lượng giảm.
Nông dân xã Ia Dom (huyện Đức Cơ) chăm sóc vườn cà phê tái canh. Ảnh: Đức Thụy |
Ngoài ra, xuất khẩu cà phê sang Đức, Bỉ, Italy, Hà Lan cũng tăng. Đây là 3 thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam. Xuất khẩu cà phê tăng mạnh do thị trường thế giới tăng nhu cầu trong khi nguồn cung giảm.
Theo báo cáo của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), tính chung 7 tháng đầu của niên vụ 2021-2022 (từ tháng 10-2021), xuất khẩu toàn cầu tăng nhẹ 0,6% so với cùng thời điểm của niên vụ trước. ICO dự báo, thị trường cà phê toàn cầu sẽ thâm hụt khoảng 3,1 triệu bao cho toàn niên vụ 2021-2022. Thị trường vẫn chịu ảnh hưởng bởi nút thắt trong chuỗi cung ứng cà phê chưa được giải quyết trong khi kinh tế toàn cầu đối diện nhiều thách thức.
Quốc gia có sản lượng cà phê lớn nhất thế giới là Brazil tiếp tục phải đối mặt tình trạng thiếu container mặc dù tình hình đã cải thiện trong những tuần gần đây. Mặt khác, nước này có một vụ mùa sản lượng thấp hơn theo chu kỳ hai năm một lần của cây cà phê Arabica.
Tại thị trường trong nước, giá cà phê vối nhân xô (chưa qua chế biến hoặc xử lý) của các tỉnh Tây Nguyên ở mức 42.800-43.300 đồng/kg, tăng 1.200-1.300 đồng so với tháng trước. 6 tháng đầu năm, giá cà phê trong nước tăng 1.700-2.000 đồng/so với cùng kỳ.
Gia Lai hiện có 97.357 ha cà phê, trong đó 87.904 ha đang kinh doanh. Trong 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh chạm mốc 368 triệu USD, đạt 55,76% kế hoạch, tăng 38,87% so với cùng kỳ năm 2021. Giá trị xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản chủ lực như: cà phê, hồ tiêu, trái cây có mức tăng khá mạnh so với cùng kỳ năm trước. Riêng cà phê chiếm tỷ trọng 78,8% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh với sản lượng 145.000 tấn, đạt 290 triệu USD, tăng 20,8% về lượng, tăng 46,4% về giá trị.
Việc giá cà phê xuất khẩu tăng đột biến là tín hiệu vui cho người trồng cà phê ở Gia Lai. Bởi chương trình sản xuất cà phê bền vững của Gia Lai trong những năm qua đã chuyển biến tích cực. Chất lượng cây giống được địa phương quan tâm kiểm soát chặt chẽ. Bà con nông dân đã chủ động ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất và chất lượng cà phê. Giai đoạn 2016-2020, doanh nghiệp và người dân Gia Lai đã tái canh hơn 12,5 ngàn ha cà phê, đạt 91,9% kế hoạch. Trong đó, hộ gia đình tái canh hơn 11,5 ngàn ha, các doanh nghiệp gần 1 ngàn ha.
PHẠM NGỌC (tổng hợp)