Gia Lai: Tái diễn nạn đào đãi vàng trái phép

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Việc khai thác vàng trái phép ở một số địa bàn của tỉnh sau một thời gian âm ỉ, nay bùng phát trở lại, với quy mô lớn hơn. Điều lạ lùng là dù người khai thác với quy mô lớn, nhiều máy móc cơ giới cồng kềnh, nhưng họ dễ dàng thoát khỏi nhiều đợt truy quét của lực lượng chức năng cơ sở. Số ít đợt truy quét có hiệu quả, đều là những đợt truy quét của đoàn liên ngành tỉnh và được giữ bí mật với cả chính quyền cơ sở.

Bãi vàng suối Đek, làng Bi Yông, xã Pờ Tó, huyện Ia Pa được biết đến từ vài chục năm trước và những đội quân “vàng tặc” đã thay nhau quần nát khu vực này. Những tưởng suối Đek đã hết vàng, và làng Bi Yông đã được trả lại sự bình yên vốn có…

Lực lượng Công an đang xử lý hiện trường bãi vàng suối Đek sau cuộc đột kích ngày 5-12. Ảnh: Thái Bình
Lực lượng Công an đang xử lý hiện trường bãi vàng suối Đek sau cuộc đột kích ngày 5-12. Ảnh: Thái Bình

Thế nhưng từ năm 2008 sự việc đã nóng trở lại, khi đội quân tìm vàng được trang bị cơ giới hiện đại. Những máy múc, máy đào tối ngày hối hả đào đãi. Hàng ki lô mét suối Đek bị đào tung. Những hầm vàng khoét sâu hàng chục mét. Cây rừng bị phá nát, chất xyanua độc hại theo dòng nước chảy tràn lan, gây nguy hại cho cả một vùng dân cư bản địa phía dưới. Chính quyền, ngành chức năng huyện Ia Pa đã nhiều lần tổ chức truy quét nhưng đều không đem lại hiệu quả. Thượng tá Nguyễn Hồng Tuấn- Phó Trưởng Công an huyện Ia Pa giải thích: “Các đối tượng ở nơi khác đến không có đăng ký. Họ đã chọn điểm rồi chủ thuê xe chở thẳng vào. Mình không kiểm soát được. Thực tế, bãi vàng suối Đek này ở trong rừng nên rất khó xử lý. Nói chung, mỗi lần kéo quân vào thì bị động, họ trốn hết...”.

Huyện ở gần, kéo quân truy quét suốt 3 năm không có kết quả. Nhưng chỉ một đợt truy quét của lực lượng liên ngành gồm: Công an, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công thương tỉnh Gia Lai, đã đạt được kết quả như mong đợi. 10 đối tượng đã bị bắt, trong đó có Phạm Văn Ngọc (sinh năm 1970, trú tại xã Hồng Tiến, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình) và Thái Ngọc Hướng (sinh năm 1978, trú tại xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) là 2 trong 3 kẻ cầm đầu. Cùng với đó còn có 3 máy múc Kobe, 12 máy nổ, 3 máng vàng, 19 phuy đựng dầu loại 260 lít, 1 bình ga, 1 bình oxi... Đợt truy quét này được giữ bí mật ngay cả với các cơ quan chức năng huyện Ia Pa.

Ảnh: Thái Bình
Ảnh: Thái Bình

Điều này làm nảy sinh nghi vấn: Liệu có sự tiếp tay, bảo kê của người trong bộ máy chính quyền huyện Ia Pa hay không? Ông Nguyễn Văn Chánh- Chủ tịch UBND huyện Ia Pa cho rằng “nghi vấn như vậy là chưa có cơ sở”, song huyện sẽ điều tra, xác minh. Nếu có sẽ xử lý nghiêm.

Một chi tiết khác, chiều 6-12, tại bãi vàng suối Đek, một số “vàng tặc” sau khi chạy thoát ở đợt truy quét của đoàn liên ngành tỉnh đã trở lại lán trại, thoải mái cười đùa, ngủ nghỉ mà không bị sự kiểm soát nào.


Khi các phóng viên tác nghiệp thì luôn có một người đàn ông xưng là Phạm Văn Phương theo sát, kể cả khi phóng viên làm việc với lực lượng Công an. Người này khẳng định mình không có liên quan gì tới bãi vàng, mà chỉ hiếu kỳ vào xem. Thế nhưng, cuối giờ chiều, đối tượng này lại mang thức ăn “tiếp tế” 10 đối tượng đang bị tạm giữ tại trụ sở Công an huyện Ia Pa.

Thái Bình
 

Có thể bạn quan tâm

Công an TP HCM bắt ông Đinh Chí Minh

Công an TP HCM bắt ông Đinh Chí Minh

Công an TP HCM đã bắt ông Đinh Chí Minh, Chủ tịch hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phát triển và kinh doanh nhà HDTC và 3 người khác do có hành vi tham ô tài sản.
Một giám đốc bị bắt tạm giam

Một giám đốc bị bắt tạm giam

Mở rộng điều tra vụ án liên quan đến doanh nhân La “điên”, cơ quan công an đã bắt tạm giam Tô Duy Diệp, Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình.