(GLO)- Vác một ôm ống tuýp cùng mã tấu vứt xuống đất, tên cầm đầu trong đám lâm tặc hung hãn liên tục chửi bới và đòi xử nhà báo. Hơn thế, chúng còn huy động chừng 20 người đến để uy hiếp, bố ráp đoàn, một tên xông vào cướp máy ảnh của P.V…
Những khối gỗ hộp nằm dưới lòng sông mà phóng viên phát hiện những ngày trước đó. |
Đối mặt lâm tặc
Nhận được thông tin có một nhóm lâm tặc ở 2 bờ hồ thủy điện Sê San 3A thuộc huyện Sa Thầy (Kon Tum) và bến làng Tung, xã Ia Khai, huyện Ia Grai thường xuyên di chuyển gỗ lớn từ Kon Tum về Gia Lai qua đường thủy. Sáng ngày 6-6, chúng tôi vượt qua chặng đường gần 60 km từ Pleiku để đến địa bàn xã Ia Khai (huyện Ia Grai), đổ hết con dốc đầy bùn đất sau một đêm mưa trở nên nhão nhoẹt như hồ, trước mặt là bến tập kết gỗ vắng lặng, chỉ có mấy người đồng bào dân tộc thiểu số theo nhận định của chúng tôi, có lẽ họ là những người làm nhiệm vụ cảnh giới cho lâm tặc vẫn đang ở đây.
Ngoài ra, ở đây còn có một gia đình của một cựu chiến binh cũng là người dân tộc thiểu số dựng chòi để coi rẫy. Tại đây và lúc này chúng tôi chứng kiến gỗ nằm la liệt cả trên bờ sông Pô Cô lẫn dưới nước, theo quan sát của chúng tôi có hàng chục phách gỗ được xẻ vuông vức dài từ 2,5 mét đến 4 mét, đường kính mặt nhỏ thì khoảng chừng gần hai gang tay người lớn, to thì đến cả ba, bốn gang tay.
Đường vào bãi tập kết gỗ của lâm tặc. |
Theo phản ánh của người dân địa phương, điểm tập kết gỗ này đã hoạt động chừng một năm nay, trước đây bãi này thuộc một người tên Đôn, sau đó ông Đôn bỏ thì có hai người nhảy vào xí phần, xây dựng lãnh địa và hoạt động vận chuyển gỗ trái phép liên tục cho đến nay. Theo nguồn tin của chúng tôi, bến làng Tung hoạt động mạnh trong vòng 4 tháng qua, ngày trời khô ráo thì khoảng 6 xe, mỗi xe chở từ 20 đến 30 hộp gỗ xẻ tùy loại lớn hay nhỏ, ngày trời mưa thì chở chừng 3-4 xe.
Tại điểm tập kết gỗ, để xe chở gỗ được dễ dàng, theo tin chúng tôi có được là nhóm lâm tặc này còn thuê dài hạn 2 chiếc xe gạt và xe lu để mở đường đến tận bến sông. Tại bến, chúng có một đội quân cửu vạn trên mình đầy hình xăm đã đóng trại để bốc vác gỗ khi xe vào ăn hàng. Không chỉ thế, để đưa được gỗ lên xe thì chúng còn dùng chiếc xe reo độ cẩu gỗ lên xe vận chuyển đi nơi khác tiêu thụ.
Con đường đất mới được san ủi cùng phương tiện lâm tặc dùng để vận chuyển gỗ. |
Trong khi chúng tôi tiếp cận hiện trường, một người dân địa phương đã cho biết các đầu nậu đã “bao” hết rồi nên mới chở gỗ đi được dễ dàng. Còn tôi đi lấy gỗ làm nhà, chở 30 cây nhỏ thôi thì đã bị tịch thu 20 cây.
Chỉ có vài vụ vi phạm lẻ tẻ?
Khi chúng tôi trở lại thị trấn Ia Kha (huyện Ia Grai) để làm việc với cơ quan chức năng, Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện Ia Grai Nguyễn Văn Cang vẫn quả quyết với chúng tôi tình hình quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn tương đối ổn, không có các vụ lớn xảy ra, từ đầu năm đến giờ chỉ bắt được vài vụ lẻ tẻ không đáng kể.
Bằng chứng là ông Cang đã đưa cho chúng tôi một bản báo cáo mà cơ quan này đã báo cáo tình hình quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn cho UBND huyện Ia Grai từ ngày 20-4 đến 20-5. Theo như báo cáo nêu, thì các ngành liên quan phát hiện 4 vụ, tạm giữ hơn hơn 6 m3 gỗ nhóm III-V. Xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính 4 vụ, tịch thu 10,5 m3 gỗ, 2 xe Toyota…
Trại tạm bợ của lâm tặc. |
Chúng tôi tiếp tục đến gặp ông Nguyễn Trường Hải-Trưởng ban Quản lý Rừng phòng hộ Bắc Ia Grai để làm việc, thì được biết ông này đang đi họp chi bộ chung với một đơn vị khác… Chúng tôi kiên trì đợi và cũng đã gặp được ông Hải, ông vẫn quả quyết rằng tình hình quản lý bảo vệ rừng tương đối tốt, chỉ có vài vụ phá rừng làm nương rẫy nhưng đã được phát hiện và xử lý. Khi chúng tôi chất vấn về tình trạng khai thác, vận chuyển gỗ trái phép trên địa bàn xã Ia Khai thuộc địa phận quản lý của đơn vị thì ông này khăng khăng bảo không hề có chuyện đó.
Đánh án...
Sau khi rời khỏi hiện trường, nguồn tin báo cho chúng tôi biết, một nhóm khoảng 5 người đi bằng thuyền máy vừa tập kết gỗ về bến làng Tung và đang chuẩn bị bốc gỗ. Chúng tôi đã đến gặp ông Huỳnh Quang Thái-Chủ tịch UBND huyện Ia Grai để cung cấp các bằng chứng mà chúng tôi đã thu thập được tại đây từ vài ngày trước và đề nghị ông tổ chức lực lượng vây bắt gỗ.
Ngay sau đó, đoàn đi chỉ có hai P.V, một tài xế, hai chuyên viên của UBND huyện, cùng ông Nguyễn Văn Cang. Khi chúng tôi đề nghị tăng cường lực lượng và công cụ hỗ trợ thì ông Cang có báo cho Đội Kiểm lâm cơ động và kiểm lâm địa bàn hỗ trợ.
Các đối tượng chuẩn bị về lại nơi khai thác gỗ thuộc huyện Sa Thầy, Kon Tum. |
Trong khi chờ lực lượng đông đủ để cùng ập vào bắt quả tang, thì có một chiếc xe reo độ mang BKS 92K... lù lù chạy vào hướng làng Tung. Chừng 30 phút sau, nguồn tin báo cho biết xe đã đến bãi tập kết, điều đáng nói là khi chúng tôi đến gần địa điểm tập kết thì chiếc xe này bỗng nhiên quay trở ra như được báo trước. Điều này khiến chúng tôi nghi ngờ đã có “tay trong” thông báo cho các đầu nậu để báo cho xe ra khỏi hiện trường.
Khi đoàn liên ngành đến bãi tập kết, gỗ đã bốc hơi đâu mất, chẳng còn bất kỳ một dấu vết như đã ghi được hình vào trước đó, ngoại trừ nước sông vẫn đục và ngoài xa có một lóng gỗ đang trôi lập lờ. Sự nghi ngờ của chúng tôi về việc có “tay trong” báo tin cho lâm tặc để tẩu tán gỗ là có cơ sở. Nghi ngờ gỗ vẫn đang được giấu ở gần đấy, trong khi lực lượng Kiểm lâm vẫn bình chân như vại. Để kiểm chứng khi mọi người nghi ngờ là tin vịt, một phóng viên trong chúng tôi đã trực tiếp cởi áo quần lặn xuống sông để kiểm tra. Tại đây, hàng chục lóng gỗ vuông đã được giấu sâu dưới mặt nước, lúc này lực lượng Kiểm lâm mới hết “ý kiến”.
Khi lực lượng chức năng đến nơi thì nhiều hộp gỗ lớn đã biến mất. |
Lâm tặc đòi “xử” nhà báo
Lúc này, trời đã về tối, lâm tặc kéo tới mỗi lúc một đông gần 20 tên, khoảng 17 giờ 30 phút ngày 6-6, một chiếc xe Ford Transit loại bán tải BKS 81C-035.50 trờ tới bến, trên xe có mấy tên nhảy xuống, một tên trong đó to tiếng đòi “xử” chúng tôi. “Nhà báo mà ngon à. Tao chặt đầu thằng chụp hình, giết thằng lặn tìm gỗ”, rồi ôm một đống ống tuýp cùng mã tấu trên xe quẳng xuống đất. Một tên khác nhào đến giành máy chụp hình của chúng tôi vì dám ghi hình chúng.
Khi chúng tôi leo tọt lên xe, một tên cố leo lên theo để giành máy ảnh trước sự chứng kiến của 4 kiểm lâm viên gần đó. Khi chúng tôi kêu cứu thì ông Cang và một kiểm lâm viên tại trạm kiểm soát được tăng cường chạy tới hỗ trợ thì tên này mới chịu xuống xe.
Thấy tình hình quá phức tạp, chúng tôi đề nghị huyện chi viện lực lượng. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Grai Phan Trung Tường đến hiện trường và đề nghị Chủ tịch UBND huyện cử ngay lực lượng Công an đến hỗ trợ, cũng như mang theo lương thực, nước uống tiếp tế. Chờ từ 19 giờ đến gần 22 giờ mà vẫn chưa có lực lượng Công an huyện đến, chỉ có vài Công an viên ở xã đến hiện trường.
Theo thông tin chúng tôi biết được, thì lãnh đạo Công an huyện đã báo cáo với Chủ tịch UBND huyện là lực lượng đã đến nơi, nhưng đến khi ông Thái kiểm tra cấp dưới của mình thì vẫn chưa thấy lực lượng công an đến. Chưa biết lý do vì sao Chủ tịch huyện chỉ đạo Công an huyện phối hợp mà đơn vị này vẫn không chấp hành. Được biết, theo thông tin chưa được kiểm chứng, thì trong lúc đoàn bị vây hãm bởi lâm tặc tại bến đò làng Tung dù được báo cáo, nhờ chi viện nhưng nhiều cán bộ của huyện này tụ tập ăn nhậu sau khi kết thúc cuộc họp sơ kết, tổng kết gì đó tại thị trấn Ia Ka.
Đến 22 giờ 10 phút, ông Tường quyết định chỉ đạo lực lượng tăng cường cùng lực lượng công an xã và kiểm lâm bảo vệ hiện trường, một số khác quay về chuẩn bị cho việc trục vớt gỗ, xử lý các phương tiện vi phạm.
Xung quanh vụ việc này, Báo Gia Lai điện tử sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Nhóm P.V