Gia Lai phấn đấu giảm tỷ lệ nợ xấu của các tổ chức tín dụng dưới 3% vào năm 2025

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai vừa ban hành Kế hoạch số 2695/KH-UBND triển khai thực hiện Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025”.
Theo đó, Kế hoạch đặt mục tiêu tạo bước chuyển rõ rệt, thực chất trong cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh gắn với xử lý nợ xấu; duy trì sự ổn định, phát triển an toàn, lành mạnh và bền vững đối với các tổ chức tín dụng trên địa bàn, không để phát sinh những tổ chức tín dụng yếu kém. Đồng thời, phát triển hệ thống tổ chức tín dụng theo hướng hoạt động lành mạnh, chất lượng, hiệu quả, công khai, minh bạch, đáp ứng các chuẩn mực về an toàn hoạt động ngân hàng theo quy định của pháp luật và tiệm cận thông lệ quốc tế. Các chi nhánh ngân hàng thương mại nhà nước đóng vai trò chủ lực, chủ đạo dẫn dắt thị trường, có đủ năng lực cạnh tranh.
Các ngân hàng đang siết chặt room tín dụng trong ngắn hạn khiến thị trường khan hiếm tiền mặt. Ảnh tư liệu
Các ngân hàng đang siết chặt room tín dụng trong ngắn hạn khiến thị trường khan hiếm tiền mặt. Ảnh tư liệu
Cùng với đó, đẩy mạnh xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh. Nâng cao năng lực tài chính, năng lực quản trị, điều hành và ngăn ngừa tình trạng đầu tư chéo, sở hữu chéo và sở hữu có tính chất thao túng, chi phối trong hoạt động của các quỹ tín dụng nhân dân.
Cụ thể, phát triển các mô hình ngân hàng số, gia tăng tiện ích, trải nghiệm khách hàng và thực hiện mục tiêu tài chính toàn diện, phát triển bền vững trên cơ sở thúc đẩy ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến trong quản trị điều hành và cung ứng sản phẩm, dịch vụ theo hướng tự động hóa quy trình, tối ưu hóa hoạt động nghiệp vụ.
Phấn đấu tăng tỷ trọng thu nhập từ hoạt động dịch vụ phi tín dụng trong tổng thu nhập của các ngân hàng thương mại lên khoảng 16-17% vào cuối năm 2025. Tăng tỷ trọng vốn tín dụng ngân hàng đầu tư vào các ngành sản xuất và tiêu dùng ít các-bon.
Phát triển hệ thống quỹ tín dụng nhân dân theo đúng mục tiêu, tôn chỉ của loại hình tổ chức tín dụng là hợp tác xã theo quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế; hoạt động an toàn, hiệu quả, ổn định và bền vững, đáp ứng nhu cầu về vốn, nâng cao khả năng tiếp cận tài chính của các thành viên quỹ tín dụng nhân dân, hướng tới mục tiêu chủ yếu là tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên phục vụ sản xuất, kinh doanh, cải thiện đời sống, đặc biệt ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa và địa bàn có nhiều khó khăn.
Chi nhánh Ngân hàng Hợp tác xã thực hiện tốt vai trò là ngân hàng của tất cả các quỹ tín dụng nhân dân (thực hiện tính liên kết hệ thống, hỗ trợ tài chính, điều hòa vốn, đảm bảo an toàn hệ thống các quỹ tín dụng nhân dân); hỗ trợ thúc đẩy phát triển các loại hình kinh tế tập thể là hợp tác xã khác trên địa bàn tỉnh.
Phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các tổ chức tín dụng, nợ xấu đã bán cho Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) chưa được xử lý, thu hồi và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu ở mức dưới 3% (không bao gồm các tổ chức tín dụng yếu kém).
Trụ sở Quỹ tín dụng nhân dân thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai. Ảnh: Hoàng Cư
Trụ sở Quỹ tín dụng nhân dân thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai. Ảnh: Hoàng Cư
Kế hoạch cũng đưa ra 6 nhóm giải pháp cơ cấu lại tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu nhằm thực hiện Đề án. Ủy ban nhân dân tỉnh giao Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và cơ quan liên quan triển khai thực hiện Đề án và Kế hoạch thực hiện của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, của UBND tỉnh đảm bảo nội dung, tiến độ đề ra; định kỳ tổng hợp báo cáo UBND tỉnh trước ngày 20-11 hàng năm về tiến độ, khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp xử lý, đồng thời tham mưu UBND tỉnh tổng hợp báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo quy định.
Các tổ chức tín dụng, các chi nhánh ngân hàng thương mại tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của hệ thống đã được phê duyệt để đạt được mục tiêu đã đề ra. 
Bên cạnh đó, UBND tỉnh giao các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố liên quan tổ chức quán triệt và thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của kế hoạch; định kỳ báo cáo đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao, gửi Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh trước ngày 5-11 hàng năm để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh. Phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh trong việc quản lý, giám sát hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn.
TRẦN ĐỨC

Có thể bạn quan tâm

Ngành Thuế Chư Pưh tiếp tục đôn đốc, khai thác tốt các nguồn thu

Ngành Thuế Chư Pưh tiếp tục đôn đốc, khai thác tốt các nguồn thu

(GLO)- Đến thời điểm này, huyện Chư Pưh đã thu được gần 29 tỷ đồng nộp ngân sách, đạt khoảng 120% dự toán tỉnh và HĐND huyện giao (trừ tiền sử dụng đất). Từ nay đến hết năm 2024, ngành Thuế huyện tiếp tục triển khai các giải pháp để quản lý thuế, chống thất thu cũng như khai thác tốt các nguồn thu.

Tiếp tục giảm 2% thuế VAT tới 1.7.2025

Tiếp tục giảm 2% thuế VAT tới 1.7.2025

Quốc hội đồng ý tiếp tục giảm 2% thuế VAT trong nửa đầu năm 2025; đồng thời yêu cầu chấm dứt việc miễn thuế với hàng giá trị dưới 1 triệu nhập khẩu qua các sàn thương mại điện tử như Shopee, Temu.

Tập huấn kiểm kê tài sản công

Tập huấn nghiệp vụ tổng kiểm kê tài sản công

(GLO)- Ngày 28 và 29-11, Sở Tài chính tỉnh Gia Lai phối hợp với Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) tập huấn nghiệp vụ tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Gia Lai.