Gia Lai: Ngành cao su chủ động phòng dịch bệnh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đến thời điểm này, chưa có trường hợp cán bộ, công nhân, người lao động nào đang công tác tại các doanh nghiệp trồng, sản xuất cao su trên địa bàn tỉnh Gia Lai nghi nhiễm vi rút corona. Tuy nhiên, để chủ động phòng-chống dịch bệnh, các doanh nghiệp đã chỉ đạo cơ quan y tế trực thuộc phun thuốc khử trùng, vệ sinh sạch sẽ nơi làm việc, phát khẩu trang miễn phí cho người đến khám và điều trị bệnh.

 Trung tâm Y tế thuộc Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông phun thuốc tiêu độc, khử trùng tại khu vực điều trị bệnh. Ảnh: Đ.Y
Trung tâm Y tế thuộc Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông phun thuốc tiêu độc, khử trùng tại khu vực điều trị bệnh. Ảnh: Đ.Y



Ông Võ Thành Long-Giám đốc Trung tâm Y tế thuộc Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông-cho biết: Ngay khi có chỉ đạo của lãnh đạo Công ty, Trung tâm đã có kế hoạch ứng phó với dịch nCoV. Trong đó, Trung tâm đã chủ động thông tin, tuyên truyền đến các đơn vị phòng ban, nông trường qua buổi giao ban; tổ chức tập huấn cho các y-bác sĩ về phòng-chống dịch; phun thuốc khử trùng tại nơi ở, làm việc; phân luồng, sàng lọc bệnh nhân và phát khẩu trang miễn phí cho người bệnh đến khám, điều trị.

Để người dân nâng cao ý thức phòng-chống dịch nCoV, Trung tâm Y tế của các Công ty Cao su: Chư Pah, Mang Yang, Chư Sê và Bệnh xá quân-dân y của Công ty TNHH một thành viên Bình Dương, Công ty TNHH một thành viên 715 (Binh đoàn 15) đều treo băng rôn, áp phích, bảng hướng dẫn, khuyến cáo cách phòng-chống dịch tại nơi khám và điều trị bệnh. Bác sĩ Phạm Văn Bình-Bệnh xá trưởng Bệnh xá quân-dân y (Công ty TNHH một thành viên Bình Dương) cho hay: Thực hiện chỉ đạo của Binh đoàn 15, Bệnh xá đã tập trung quán triệt, cử lực lượng phun thuốc khử trùng tại các nông trường; thành lập đội phản ứng nhanh để phục vụ công tác phòng-chống dịch khi có yêu cầu; tổ chức phòng cách ly khi phát hiện trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh. Khu vực nơi Bệnh xá đứng chân có nhiều cán bộ, công nhân, người dân về quê ở miền Bắc ăn Tết, sau đó vào lại làm việc. Vì vậy, Bệnh xá đã tổ chức phương án theo dõi, hướng dẫn họ cách phòng-chống dịch. Đồng thời, Bệnh xã phối hợp với các đơn vị bên ngoài tổ chức khử trùng, tuyên truyền qua hệ thống loa phát thanh ở các thôn làng, khu vực đông dân cư để người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, ăn chín, uống sôi... Bệnh xá cũng khuyến cáo người dân nếu có biểu hiện ho, sốt, chảy nước mũi phải đến ngay các cơ sở y tế để khám, điều trị.

Còn ông Huỳnh Cao Sinh-Giám đốc Trung tâm Y tế thuộc Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Sê thì thông tin: Đến thời điểm này, Trung tâm chưa phát hiện trường hợp nào đến khám, điều trị có nghi nhiễm vi rút corona. Nhưng căn cứ tình hình và đặc điểm dịch tễ của bệnh, khả năng dịch có thể xảy ra nếu không chủ động triển khai phòng-chống. “Vì thế, Trung tâm đã thành lập đội phản ứng nhanh gồm 7 thành viên thường trực để phòng-chống dịch tại các nông trường. Đối với những người bệnh đến khám tại Trung tâm, chúng tôi đều tiến hành lấy thông tin và đo thân nhiệt, nếu có biểu hiện ho, sốt, dù không có yếu tố dịch tễ vẫn được tách ra khu vực riêng để khám và phát khẩu trang miễn phí phòng bệnh”-ông Sinh cho hay.

 

 ĐINH YẾN


                                                                                                                             


 

Có thể bạn quan tâm

An Khê: Nỗ lực tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế

An Khê: Nỗ lực tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế

(GLO)- Xác định công tác bảo hiểm y tế (BHYT) là nhiệm vụ trọng tâm nhằm đảm bảo an sinh xã hội, các cấp, các ngành thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) đã tăng cường phối hợp triển khai nhiều biện pháp, nâng cao tỷ lệ bao phủ BHYT. Nhờ đó đến nay, toàn thị xã có 91,24% người dân tham gia BHYT, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Nguy cơ đến năm 2030, 12 triệu người cao tuổi ở Việt Nam không có lương hưu

Nguy cơ đến năm 2030, 12 triệu người cao tuổi ở Việt Nam không có lương hưu

(GLO)- Theo tính toán của Tổ chức Lao động quốc (ILO), với tốc độ già hóa như hiện nay, nếu không tăng tốc bao phủ bảo hiểm xã hội (BHXH) thì đến năm 2030, 12 triệu người cao tuổi của Việt Nam đứng trước nguy cơ không có lương hưu. Đây sẽ là gánh nặng lớn đối với hệ thống an sinh xã hội trong tương lai.