(GLO)- Sau gần 2 năm triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), kinh tế khu vực nông thôn tỉnh Gia Lai có nhiều chuyển biến tích cực, tạo ra hướng đi mới trong sản xuất kinh doanh các sản phẩm chủ lực, truyền thống của địa phương. Từ đó, người dân có thêm việc làm, thu nhập ổn định. Tuy nhiên, quá trình thực hiện chương trình còn nhiều bất cập, nhất là việc triển khai các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đến các chủ thể tham gia.
Chủ thể trông chờ hỗ trợ của Nhà nước
Các chủ thể có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP chưa nhận được kinh phí hỗ trợ của Nhà nước theo quy định. Ảnh: Đức Thụy |
Được chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động, năm 2019, Công ty TNHH một thành viên An Thắng Gia Lai (xã Ia Blang, huyện Chư Sê) quyết định chọn sản phẩm tiêu đen tham gia Chương trình OCOP. Sau đó, sản phẩm này được xếp hạng 3 sao cấp tỉnh. Nhờ đó, sản phẩm được hoàn thiện mẫu mã, gắn tem truy xuất nguồn gốc và mở rộng thị trường tiêu thụ thông qua hoạt động xúc tiến, quảng bá.
Chính vì thế, Công ty tiếp tục đăng ký sản phẩm tiêu trắng để tham gia Chương trình OCOP và được UBND huyện công nhận đủ điều kiện tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2020. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Thắng-Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty, việc xây dựng sản phẩm OCOP của đơn vị gặp rất nhiều khó khăn, hầu như “tự bơi” bởi chính quyền địa phương chỉ dừng lại ở việc tập huấn, hỗ trợ làm hồ sơ, thủ tục.
“Khi tham gia chương trình, tôi có nghe doanh nghiệp sẽ được Nhà nước hỗ trợ về tư vấn, bao bì, nhãn mác, xúc tiến thương mại… Tuy nhiên, đến nay, Công ty chưa nhận được bất kỳ khoản tiền hỗ trợ nào của Nhà nước, ngoài việc được Phòng Nông nghiệp và PTNT tổ chức tập huấn, hướng dẫn làm hồ sơ. Tôi mong muốn các sở, ngành và chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ để đơn vị tiếp tục nâng tầm sản phẩm OCOP”-ông Thắng cho biết.
Tương tự, năm 2019, sản phẩm thịt bò khô Du ký Tùng Phương của hộ bà Nguyễn Thị Thúy Phượng (phường Yên Đổ, TP. Pleiku) được Hội đồng đánh giá, phân hạng của tỉnh cấp chứng nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao.
Bà Phượng cho biết: “Tôi và các chủ thể được thành phố tổ chức tập huấn, hướng dẫn quy trình làm hồ sơ, thủ tục. Ngoài ra, các khoản kinh phí như: đầu tư làm bao bì, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm… đều do gia đình tự bỏ ra. Tôi cũng nghe nói được Nhà nước hỗ trợ kinh phí thực hiện các khâu nhưng đến nay chưa nhận được. Mong các cấp, các ngành tạo điều kiện hỗ trợ để cơ sở chúng tôi có điều kiện nâng tầm sản phẩm, đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại cũng như tiếp tục đăng ký tham gia chương trình với các sản phẩm khác trong thời gian tới”.
Chính quyền địa phương lúng túng
Năm 2019, toàn tỉnh có 42 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP. Năm 2020, tỉnh đặt mục tiêu có thêm 50 sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Hiện Sở Nông nghiệp và PTNT đang tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đợt 1- 2020 với 68 sản phẩm của 51 chủ thể ở 9 huyện, thị xã. |
Năm 2020, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, UBND tỉnh đã phân bổ hơn 17,2 tỷ đồng để các địa phương triển khai hỗ trợ chủ thể tham gia Chương trình OCOP. Tuy nhiên, do chưa có hướng dẫn chi hỗ trợ cụ thể nên hầu hết các địa phương đều gặp khó trong việc giải ngân nguồn vốn này.
Theo ông Nguyễn Văn Hợp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê, năm 2020, huyện được tỉnh phân bổ 530 triệu đồng để triển khai Chương trình OCOP. Theo đó, có 5 sản phẩm của 5 chủ thể đăng ký tham gia chương trình và được đánh giá đủ điều kiện để tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2020. Tuy nhiên, đến thời điểm này, huyện mới chi 50 triệu đồng tổ chức tập huấn và đánh giá sản phẩm. Với các khoản còn lại, huyện đang lúng túng và chưa biết chi như thế nào.
Ông Hợp cho hay: “Các nội dung chi chưa rõ ràng, chỉ vận dụng theo Thông tư số 08/2019/TT-BTC ngày 30-1-2019 của Bộ Tài chính về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 43/2017/TT-BTC ngày 12-5-2017 quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016- 2020. Trong khi đó, UBND tỉnh chưa ban hành hướng dẫn cụ thể định mức hỗ trợ các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP nên việc áp dụng vào thực tế rất khó. Chẳng hạn như: định mức hỗ trợ bao bì, nhãn mác cho một sản phẩm OCOP; định mức chi hỗ trợ một lần thuê đơn vị tư vấn cho các chủ thể tham gia chương trình là bao nhiêu; rồi hỗ trợ xúc tiến thương mại cũng chưa cụ thể…”.
Cũng theo ông Hợp, đây là năm cuối cùng của giai đoạn 1, nếu không chi được thì phải trả lại kinh phí cho tỉnh. Vì vậy, huyện mong muốn UBND tỉnh sớm ban hành định mức để địa phương kịp thời xây dựng những nội dung hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân tham gia Chương trình OCOP.
Tương tự, theo ông Bùi Hồng Quang-Trưởng phòng Kinh tế TP. Pleiku, năm 2020, thành phố được tỉnh phân bổ 2,034 tỷ đồng để triển khai Chương trình OCOP. Tuy nhiên, thành phố cũng chỉ mới chi một số tiền rất nhỏ cho tập huấn, in ấn tài liệu và đánh giá sản phẩm. Phần còn lại do chưa có hướng dẫn cụ thể cho từng khoản nên chưa thể chi hỗ trợ các chủ thể.
Chính vì thế, thành phố đã làm tờ trình xin chuyển nguồn hơn 1,1 tỷ đồng để làm đường giao thông nội đồng nhưng không được. Vì vậy, thành phố đã trả lại ngân sách số tiền này. Hiện còn hơn 800 triệu đồng nhưng khả năng cũng không thể chi hết nếu trong thời gian còn lại của năm 2020 không có hướng dẫn chi cụ thể. Trong khi đó, năm nay, thành phố có tới 26 sản phẩm đủ điều kiện tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh.
“Các chủ thể có sản phẩm tham gia chương trình rất cần sự hỗ trợ nhưng mà hỗ trợ bằng cách nào? Không thể đưa tiền cho họ rồi ký xác nhận là được, còn phải quyết toán nữa nên phải có hướng dẫn chi cụ thể thì mới chi được”-ông Quang nói.
Cũng theo ông Quang, năm 2019, thành phố được phân bổ hơn 300 triệu đồng để triển khai Chương trình OCOP nhưng chỉ chi hỗ trợ được 80 triệu đồng cho các hoạt động tập huấn, in ấn, đánh giá sản phẩm, còn lại phải trả lại ngân sách.
Cần nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc
Các chủ thể có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP rất cần nhận được kinh phí hỗ trợ của Nhà nước để quảng bá, xúc tiến thương mại. Ảnh: Quang Tấn |
Trao đổi với P.V, ông Y Nguyên-Chi cục trưởng Chi cục PTNT (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết: Thời gian qua, nhiều địa phương đã phản ánh việc giải ngân nguồn vốn Chương trình OCOP gặp khó khăn do chưa có hướng dẫn chi cụ thể. Trong khi đó, Thông tư số 08 của Bộ Tài chính có quy định chi hỗ trợ nhưng không rõ ràng, còn chung chung nên một số địa phương không dám làm mà chủ yếu chi hỗ trợ cho hoạt động tập huấn.
“Ngay sau khi có Thông tư số 08, Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Sở Tài chính đề xuất văn bản dự thảo hướng dẫn chi hỗ trợ. Tuy nhiên, Sở Tư pháp cho rằng việc vận dụng mà có quy định thêm thì phải là văn bản quy phạm pháp luật. Do đó, Sở đã tiến hành dự thảo một văn bản quy phạm pháp luật về hướng dẫn chi hỗ trợ gửi các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố góp ý và gửi Sở Tư pháp thẩm định trước khi trình UBND tỉnh phê duyệt. Tuy vậy, do gặp nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện nên mất rất nhiều thời gian. Từ cuối năm 2019 đến nay, Sở đã phải 4 lần sửa văn bản, tiến hành lấy ý kiến góp ý của các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố và 3 lần trình văn bản quy phạm pháp luật để Sở Tư pháp thẩm định. Đến nay, Sở đã hoàn thành các bước và đang trình UBND tỉnh ký ban hành quy định chi tiết để các huyện triển khai chi hỗ trợ cho các chủ thể”-ông Y Nguyên cho hay.
Ông Y Nguyên cũng cho biết thêm, bên cạnh khó khăn trong giải ngân nguồn vốn thì việc triển khai Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh thời gian qua cũng còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể là việc xúc tiến thương mại các sản phẩm OCOP cấp tỉnh còn khó khăn do chưa có điểm trưng bày, quảng bá. Cùng với đó, đây là chương trình mới, cán bộ của một số địa phương chưa có kinh nghiệm, kiến thức còn hạn chế dẫn đến lúng túng trong việc hướng dẫn các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tham gia.
Không những vậy, đa số sản phẩm được công nhận năm 2019 và sản phẩm đăng ký năm 2020 có sẵn từ trước, chưa có ý tưởng của người dân. Lãnh đạo cấp xã chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, vai trò của Chương trình OCOP với phát triển kinh tế của địa phương, còn đứng ngoài cuộc trong triển khai thực hiện chương trình.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Lưu Trung Nghĩa thừa nhận: Chương trình OCOP đang gặp vướng mắc khi các địa phương không thực hiện chi hỗ trợ cho các chủ thể do chưa có hướng dẫn chi cụ thể. Với trách nhiệm là cơ quan thường trực thực hiện Chương trình OCOP, Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ chủ động làm việc với Sở Tài chính để nhanh chóng hướng dẫn cho các địa phương thực hiện có hiệu quả nguồn lực do Nhà nước bố trí.
QUANG TẤN-NGUYỄN DIỆP