Gia Lai huy động tổng lực cấp cứu cho người dân ngộ độc tại huyện Chư Pưh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thống kê của Trung tâm Y tế huyện Chư Pưh, đến 8 giờ ngày 5-12, đã có 171 người (chủ yếu ở xã Ia Phang và một số xã Ia Le thuộc huyện Chư Pưh) nhập viện cấp cứu sau khi ăn xôi của Đoàn từ thiện Từ Tâm (TP. Cần Thơ) phát. Sau khi tích cực cấp cứu và điều trị, sức khỏe các bệnh nhân đã cơ bản ổn định.

Nỗ lực cứu chữa cho người dân

Chiều 4-12, sau khi nhận được tin báo về vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại xã Ia Phang huyện Chư Pưh, Sở Y tế tỉnh đã chỉ đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Chư Pưh và Trạm Y tế xã Ia Phang tổ chức điều tra, xác minh. Đồng thời chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện Chư Sê và huyện Phú Thiện cử y, bác sĩ đến hỗ trợ tiếp nhận, cấp cứu, điều trị bệnh nhân theo quy định.

Các y-bác sĩ tập trung toàn lực cứu chữa người bệnh. Ảnh: Như Nguyện
Các y-bác sĩ tập trung toàn lực cứu chữa người bệnh. Ảnh: Như Nguyện


Trước đó, vào lúc 8 giờ ngày 4-12, được sự cho phép của UBND huyện Chư Pưh, Đoàn Từ thiện Từ Tâm phối hợp với Hội Chữ Thập đỏ huyện tổ chức tặng quà cho nhân dân 2 làng có bệnh nhân phong, người nghèo là Plei Phung, xã Ia Phang và làng Phung, xã Ia Le. Đoàn từ thiện tặng 200 suất quà, mỗi suất trị giá 400.000 đồng gồm: mì tôm, gạo, sữa, gia vị, chăn và quần áo. Trong quá trình cấp phát quà, Đoàn có phát cho mỗi người dân 1 bì xôi nấu từ trưa ngày 3-12 tại Cần Thơ. Sau khi ăn, nhiều người xuất hiện các triệu chứng đau bụng, tiêu chảy, nôn ói, chóng mặt và được gia đình đưa đến Trạm Y tế xã Ia Phang sơ cấp cứu.

Ông Ksor Pheng-Trưởng thôn Plei Phung, xã Ia Phang cho biết: "Sau khi ăn xôi của đoàn phát cho thì sau đó nhiều người bị đau bụng, nôn, tiêu chảy; nhà tôi cũng có người thân đưa đi cấp cứu tại trung tâm y tế". Chị Siu Blit-làng Nhueng, xã Ia Phang nói:"Nhà tôi 5 người ăn xôi thì có con trai và tôi phải đi cấp cứu vì đau bụng, ói và tiêu chảy. Bây giờ chỉ mong mau khỏe về nhà".

Ông Nguyễn Đình Tuấn-Phó Giám đốc Sở Y tế Gia Lai thăm hỏi, động viên người bệnh. Ảnh: Như Nguyện
Ông Nguyễn Đình Tuấn-Phó Giám đốc Sở Y tế Gia Lai thăm hỏi, động viên người bệnh. Ảnh: Như Nguyện


Qua cấp cứu và điều trị, đến 21 giờ cùng ngày hầu hết các bệnh nhân sức khỏe đã ổn định. Ông Nguyễn Văn Hữu-Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Chư Pưh thông tin: Tất cả các bệnh nhân được điều trị bù dịch bằng đường uống, dịch truyền, sức khỏe của các bệnh nhân dần ổn định, chưa có trường hợp nào phải chuyển lên tuyến trên. Chỉ có 4 trường hợp (2 người lớn và 2 trẻ em) có dấu hiệu bệnh nặng như: hạ huyết áp, sốt cao, người mệt mỏi. Sau khi được điều trị, 3 bệnh nhân tình trạng sức khỏe ổn định. Hiện còn lại 1 bệnh nhân người lớn chưa có dấu hiệu cải thiện vẫn tiếp tục bù dịch, theo dõi sát, nếu không tiến triển sẽ cho dùng thuốc vận mạch.

Số người ngộ độc nhiều nhất là trẻ em và người lớn tuổi. Ảnh: Như Nguyện
Số người ngộ độc nhiều nhất là trẻ em và người lớn tuổi. Ảnh: Như Nguyện



Điều tra nguyên nhân vụ ngộ độc

Ngoài công tác ưu tiên cấp cứu cho người dân, Sở Y tế tỉnh chỉ đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm điều tra xác minh, tìm nguyên nhân gây vụ ngộ độc. Theo đó, Chi cục đã lấy mẫu thức ăn gồm xôi, bánh ngọt, muối tiêu niêm phong, bảo quản theo quy định, để gửi xét nghiệm. Bên cạnh đó, Sở Y tế tỉnh chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh lấy mẫu bệnh phẩm gồm dịch nôn, phân để xét nghiệm tìm nguyên nhân.

Bên cạnh đó, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Trung tâm Y tế huyện, Trạm Y tế triển khai truyền thông tại chỗ cho người dân không tiếp tục dùng xôi còn lại do Đoàn từ thiện cấp, không nên ăn những thực phẩm đã nấu chín nhưng để lâu ở nhiệt độ thường; thực hiện ăn chín, uống chín, ăn ngay sau khi vừa được nấu chín.

Sở Y tế tỉnh chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện Chư Pưh đảm bảo thuốc men, vật tư y tế điều trị cho người bệnh. Ảnh: Như Nguyện
Sở Y tế tỉnh chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện Chư Pưh đảm bảo thuốc men, vật tư y tế điều trị cho người bệnh. Ảnh: Như Nguyện


Trực tiếp chỉ đạo công tác cấp cứu, ông Nguyễn Đình Tuấn-Phó Giám đốc Sở Y tế cũng đã đi thăm hỏi, động viên bà con an tâm điều trị và chỉ đạo lực lượng y, bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Chư Pưh phối hợp với các lực lượng hỗ trợ ở các trung tâm y tế tập trung cứu chữa cho người dân; đảm bảo vật tư, cơ số thuốc cấp cứu và điều trị. Phó Giám đốc Sở Y tế Gia Lai cho hay: Qua hồi cứu hồ sơ bệnh án, khai thác người bệnh và người nhà bệnh nhân tại Trung tâm Y tế huyện Chư Pưh, Sở Y tế nhận định ban đầu vụ ngộ độc thực phẩm nghi ngờ xôi là thức ăn nguyên nhân. Để xác định nguyên nhân chính gây ra ngộ độc thì chờ kết quả xét nghiệm mẫu thức ăn và mẫu bệnh phẩm.

Về phía đơn vị từ thiện, sau khi cấp phát quà xong, đoàn đã quay về TP. Pleiku nghỉ ngơi. Tuy nhiên sau khi nhận tin báo từ chính quyền địa phương, đại diện đoàn đã quay lại xã Ia Phang, huyện Chư Pưh để làm việc với ngành chức năng. Bà Nguyễn Thị Hồng Mai-đại diện Đoàn từ thiện Từ Tâm chia sẻ: "Hàng năm, đoàn đều tổ chức đợt từ thiện tại Gia Lai và chưa từng xảy ra sự vụ đáng tiếc nào. Đây là lần đầu tiên chúng tôi gặp phải sự cố như này và cam kết phối hợp với chính quyền địa phương giải quyết thật tốt"-bà Mai nói.

NHƯ NGUYỆN

Có thể bạn quan tâm

An Khê: Nỗ lực tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế

An Khê: Nỗ lực tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế

(GLO)- Xác định công tác bảo hiểm y tế (BHYT) là nhiệm vụ trọng tâm nhằm đảm bảo an sinh xã hội, các cấp, các ngành thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) đã tăng cường phối hợp triển khai nhiều biện pháp, nâng cao tỷ lệ bao phủ BHYT. Nhờ đó đến nay, toàn thị xã có 91,24% người dân tham gia BHYT, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Nguy cơ đến năm 2030, 12 triệu người cao tuổi ở Việt Nam không có lương hưu

Nguy cơ đến năm 2030, 12 triệu người cao tuổi ở Việt Nam không có lương hưu

(GLO)- Theo tính toán của Tổ chức Lao động quốc (ILO), với tốc độ già hóa như hiện nay, nếu không tăng tốc bao phủ bảo hiểm xã hội (BHXH) thì đến năm 2030, 12 triệu người cao tuổi của Việt Nam đứng trước nguy cơ không có lương hưu. Đây sẽ là gánh nặng lớn đối với hệ thống an sinh xã hội trong tương lai.