Gia Lai: Gia tăng số ca cấp cứu ngày cận Tết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Theo số liệu từ Khoa Cấp cứu- Bệnh viện Đa khoa Gia Lai, tính từ 00 giờ ngày 2-2-2019 (nhằm ngày 28 tháng Chạp) đến 14 giờ 30 phút ngày 3-2-2019 (nhằm ngày 29 tháng Chạp), Khoa đã tiếp nhận 147 trường hợp nhập viện cấp cứu. Trong đó, số ca nhập viện do tai nạn giao thông là 27 ca.
Thạc sĩ, bác sĩ Thái Thị Thùy Linh- Khoa Cấp cứu Bệnh viện đa khoa tỉnh Gia Lai thông tin: Ngày thường trung bình Khoa tiếp nhận từ 70-90 ca cấp cứu nhưng những ngày cận Tết thì số ca cấp cứu nhập viện có chiều hướng gia tăng. Chỉ riêng ngày đầu nghỉ Tết (28 tháng Chạp), số ca cấp cứu tăng 30% so với ngày thường, trong đó cấp cứu do tai nạn giao thông tăng. Một phần nguyên nhân là do việc sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông. Ngoài 27 ca cấp cứu do tai nạn giao thông, còn có 14 ca do tai nạn sinh hoạt, 1 ca tai nạn lao động, 3 ca đánh nhau… còn lại do các nguyên nhân khác.
Bác sĩ thăm, khám cho bệnh nhân nhập viện cấp cứu. Ảnh: Như Nguyện
Bác sĩ thăm, khám cho bệnh nhân nhập viện cấp cứu. Ảnh: Như Nguyện
Nhập viện sáng 3-2-2019 (nhằm 29 tháng Chạp) trong tình trạng chấn thương đầu, mặt, ngực; đau đầu, tức ngực, đa vết thương vùng mặt; anh Rơ Châm Thoat (SN 1994), ở làng Grút, xã Ia Khươl, huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai rụt rè cho biết: Mình tự ngã khi đi xe máy. Ngày Tết vui vẻ nên có làm vài li rượu với bạn bè chẳng ngờ lại gặp chuyện không may, lúc lái xe do tránh mấy con bò thắng gấp nên tự ngã. Tết đến nơi rồi mà giờ nằm viện mình và gia đình ai cũng buồn lắm.
Cũng vì rượu mà người chú của chị Hlúi, làng Nú, xã Ia Sao, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai cũng phải nhập viện. Tết đã cận kề nhưng vì người thân nhập viện nên cả nhà phải bỏ việc vào chăm nom. Chị Hlúi buồn bã cho biết: Chú mình bị tai biến nhập viện ngày 2-2-2019, hiện nằm ở Khoa Hồi sức- Tích cực- Chống độc- Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Các bác sĩ nói nặng lắm không biết có qua khỏi hay không. Chú mình trước giờ cũng hay uống rượu, ngày xảy ra chuyện cũng có uống rượu. Gia đình giờ đang nóng ruột lắm.
Khoa Cấp cứu- Bệnh viện Đa khoa tỉnh bố trí thêm giường bệnh để đảm bảo công tác khám chữa bệnh, cấp cứu cho bệnh nhân. Ảnh: Như Nguyện
Khoa Cấp cứu- Bệnh viện Đa khoa tỉnh bố trí thêm giường bệnh để đảm bảo công tác khám chữa bệnh, cấp cứu cho bệnh nhân. Ảnh: Như Nguyện
Trong không khí đón Xuân về, con người cũng cởi mở, vui vẻ hơn; bạn bè, gia đình, người thân gặp nhau cuối năm làm vài ly chúc tụng nhưng việc uống rượu bia không kiểm soát và tham gia giao thông khi đã có rượu bia là một trong những nguyên nhân làm gia tăng số ca tai nạn giao thông trong dịp lễ, Tết. Đối với các y- bác sĩ tại các bệnh viện, những ngày trước, trong và sau Tết là những ngày vất vả, tất bật với guồng quay công việc, áp lực và nhiều căng thẳng. Nhiều người hy sinh chuyện gia đình tham gia trực Tết. 
Theo thạc sĩ Linh, đây là năm thứ 5 chị tham gia trực Tết. Đối với các bác sĩ, nhân viên y tế thì việc trực Tết đã là nhiệm vụ thường xuyên nên mọi người đều chuẩn bị tâm thế vì biết bệnh nhân cần mình. Nhưng dẫu vậy vẫn có chút chạnh lòng vì cũng vướng bận chuyện con cái, gia đình. “Ngày Tết, bệnh nhân đông nên các bác sĩ, nhân viên y tế rất áp lực, vất vả. Không chỉ vậy còn tiềm ẩn nguy hiểm. Nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng có sử dụng rượu bia dẫn đến không kiểm soát được hành vi, có thái độ quá khích như chửi bới, la mắng thậm chí hành hung bác sĩ. Tết năm ngoái đã từng có bác sĩ, nhân viên y tế trong Khoa bị đánh”- thạc sĩ Linh cho biết.
Những giờ nghỉ ngơi hiếm hoi của các bác sĩ Khoa Cấp cứu- Bệnh viện Đa khoa tỉnh ngày cận Tết. Ảnh: Như Nguyện
Những giờ nghỉ ngơi hiếm hoi của các bác sĩ Khoa Cấp cứu- Bệnh viện Đa khoa tỉnh ngày cận Tết. Ảnh: Như Nguyện
Đã 23 năm tham gia trực Tết tại bệnh viện, chị Nguyễn Thị Thu Sương- Điều dưỡng trưởng Khoa Cấp cứu- Bệnh viện Đa khoa tỉnh hầu như chưa có một cái Tết trọn vẹn cùng gia đình. Công việc ngày Tết vô cùng bận rộn, áp lực vì bệnh nhân đông nhất là từ mùng hai Tết trở đi, số ca nhập viện cấp cứu do tai nạn giao thông tăng. “Khổ nhất là đêm giao thừa, bệnh nhẹ thì xin làm thủ tục để về nhà đón Tết trong khi bệnh mới vào liên tục nên bệnh nhân xin làm thủ tục phải chờ vì phải ưu tiên cho những ca cấp cứu… Vì chờ đợi lâu nên cũng có người khó chịu, la mắng, to tiếng. Những lúc như vậy mình phải giải thích để bệnh nhân và người nhà thông cảm. Trực Tết là nhiệm vụ phải làm, mình chỉ mong rằng mọi người khi vào viện cần hợp tác, chia sẻ để các bác sĩ, nhân viên y tế hoàn thành nghiệm vụ”- điều dưỡng Sương chia sẻ.   
“Lễ, Tết là dịp để mọi gia đình sum vầy, dịp nghỉ ngơi và thư giản sau một năm dài làm việc vất vả. Tuy nhiên, chúng tôi mong muốn người dân chia sẻ cùng ngành y tế, mong mọi người vui chơi nhưng phải giữ gìn sức khỏe; sinh hoạt lành mạnh, hạn chế rượu bia và không nên tham gia giao thông khi đã có uống rượu bia phòng xảy ra tai nạn giao thông…”- ông Phạm Bá Mỹ, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai khuyến cáo.
Như Nguyện

Có thể bạn quan tâm

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Guo Jiakun ngày 10/1 cho biết, quy mô lây lan các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp ở Trung Quốc năm nay thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, và metapneumovirus ở người (HMPV) đã lưu hành hơn 60 năm, không phải chủng vi-rút mới.

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Virus gây viêm phổi trên người (Human Metapneumovirus - HMPV) gây ra biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm phế quản, cơn hen suyễn hoặc bùng phát bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), suy hô hấp, viêm tiểu phế quản nặng đặc biệt là trẻ em.