Gia Lai: Giá hồ tiêu bấp bênh, nông dân băn khoăn nên bán hay giữ lại

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Hiện nay, giá hồ tiêu tại khu vực Tây Nguyên tiếp tục “neo” ở mức cao khiến người trồng hồ tiêu không biết nên bán hay nên giữ lại chờ giá tăng thêm.
Tại thị trường trong nước, giá hồ tiêu ngày 22-3 giao dịch ở mức 72.000-76.000 đồng/kg. Còn ở Gia Lai, sau 2 ngày đạt đỉnh của tuần lễ tăng giá liên tục (đạt 81.000-81.500 đồng/kg), ngày 22-3, giá hồ tiêu đã về lại mức 73.000 đồng/kg. Tuy nhiên, đây cũng là mức giá cao so với nhiều tháng qua, giúp người trồng hồ tiêu có lãi. Việc giá hồ tiêu liên tục tăng rồi giảm nhẹ không theo quy luật trong những ngày qua khiến người trồng hồ tiêu rất băn khoăn. 
Ông Nguyễn Tuấn (xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê) thu hoạch hồ tiêu. Ảnh: Hà Phương
Ông Nguyễn Tuấn (xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê) thu hoạch hồ tiêu. Ảnh: Hà Phương

Mấy ngày qua, ông Nguyễn Tuấn (thôn 1, xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê) chạy ngược xuôi tìm nhân công thu hoạch hồ tiêu. Ông cho biết: “Giá hồ tiêu liên tục tăng mạnh trong những ngày qua khiến nhiều người rất phấn khởi. Năm nay, do thời tiết thất thường nên năng suất hồ tiêu giảm mạnh. Năm ngoái, với 2.000 trụ hồ tiêu, tôi thu được gần 5 tấn. Trong khi đó, năm nay ước tính chỉ còn hơn 2 tấn. Nhờ giá hồ tiêu tăng gần gấp đôi nên bà con có lãi. Hai hôm trước, nhiều thương lái đến hỏi mua với giá hơn 80.000 đồng/kg nhưng tôi chưa bán”.

Ông Tuấn cho hay, khoảng hơn 10 ngày nữa, vườn hồ tiêu của gia đình mới thu hoạch xong. “Trong vòng 1 tháng nữa dù giá hồ tiêu tăng hay giảm thì tôi cũng bán. Với giá hồ tiêu hiện tại, gia đình tôi dự kiến thu về khoảng hơn 300 triệu đồng”-ông Tuấn chia sẻ.
Giá hồ tiêu liên tục tăng mạnh trong những ngày qua khiến nhiều nông dân muốn giữ hàng lại để chờ tăng giá tiếp. Tuy nhiên, tiếp theo đà tăng liên tục, ngày 22-3, giá hồ tiêu lại giảm 6.000-7.000 đồng/kg (còn 73.000 đồng/kg). Trước tình hình đó, một số hộ lo bán sớm.
Những ngày này, chị Lê Thị Châu (xã Ia Hlốp) cùng 5 nhân công thu hoạch hơn 500 trụ hồ tiêu của mình. Khác với ông Tuấn trữ hàng chờ giá tăng, chị Châu thu hoạch đến đâu, phơi khô là xuất bán luôn.
“Vụ trước, giá không tăng mà còn giảm. Vì vậy, năm nay, thu hoạch đến đâu tôi xuất bán đến đó. Vừa rồi, tôi bán trước 2 tạ với giá 77.000 đồng/kg. Cũng muốn trữ hàng chờ giá hồ tiêu tăng thêm nhưng phải bán vì còn đủ thứ chi phí phải trả. Hơn nữa thấy giá cứ lên xuống phập phù nên tôi cũng lo”-chị Châu bộc bạch.
Nhân công thu hoạch tiêu tại vườn gia đình chị Lê Thị Châu (xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê). Ảnh: Hà Phương
Nhân công thu hoạch hồ tiêu tại vườn của gia đình chị Lê Thị Châu (xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê). Ảnh: Hà Phương
Bà Lê Thị Diệu (trú tại xã Ia Hlốp) cho biết: Trước đây, gia đình trồng mấy ngàn trụ hồ tiêu. Sau 2 năm dịch bệnh chết nhanh chết chậm, giờ chỉ còn 500 trụ. Vụ trước, dù giá hồ tiêu thấp nhưng sản lượng đạt 1,7 tấn. Năm nay chỉ thu được 4 tạ, bù lại giá hồ tiêu cao gấp đôi. “Hiện tại, gia đình tôi đã thu hoạch xong, phơi khô chờ giá tăng lên 90.000 đồng/kg sẽ xuất bán”-bà Diệu cho biết.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hợp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê-cho biết: Giá hồ tiêu tăng nhanh khiến bà con nông dân rất phấn khởi. Tuy nhiên, diện tích và sản lượng không còn nhiều, chỉ một vài hộ có điều kiện tích trữ chờ giá lên rồi mới bán. Theo thống kê mới nhất, trên địa bàn huyện hiện còn hơn 2.500 ha hồ tiêu đang vào vụ thu hoạch. Năm nay, sản lượng hồ tiêu của huyện giảm đến 20-30%.
“Với mức giá này, người dân trồng hồ tiêu đã có lãi. Bán hay tiếp tục giữ chờ giá lên thêm là quyền của bà con. Nhưng với gia đình ít vốn thì nên bán để đầu tư tái sản xuất, không nên giữ lại vì chưa thể dự đoán chính xác giá cả thị trường thời gian tới sẽ ra sao”-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê nhận định.
HÀ PHƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Kbang: Khắc phục diện tích hoa màu ngã đổ do ảnh hưởng mưa gió. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang: Khắc phục diện tích cây trồng ngã đổ do mưa gió

(GLO)- Vừa qua, trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) xảy ra mưa gió cục bộ đã làm nhiều diện tích lúa, mía bị đổ ngã. Chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.