Gia Lai đôn đốc chủ đầu tư giải ngân

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Khối lượng giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản trong quý I-2020 chỉ đạt 14,3%. Vì vậy, tại hội nghị giao ban xây dựng cơ bản mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Võ Ngọc Thành yêu cầu các chủ đầu tư tăng cường hơn nữa trách nhiệm nhằm đảm bảo kế hoạch đầu tư công năm 2020.

 

Nhiều chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân thấp

Năm 2020, tỉnh Gia Lai bố trí gần 2.841,5 tỷ đồng cho công tác đầu tư công, trong đó, vốn cân đối ngân sách địa phương là 1.489 tỷ đồng, vốn ngân sách trung ương trên 962 tỷ đồng và vốn đầu tư nước ngoài 390,4 tỷ đồng. Số vốn này được bố trí cho 30 dự án khởi công mới và 62 dự án chuyển tiếp. Tính đến ngày 23-3, khối lượng thực hiện toàn tỉnh được 434,1 tỷ đồng, đạt 15,3% kế hoạch; khối lượng giải ngân gần 407 tỷ đồng, đạt 14,3% kế hoạch. Trong đó, nguồn ngân sách địa phương có khối lượng giải ngân đạt 289,9/1.489 tỷ đồng, đạt 19,5% kế hoạch; nguồn vốn ngân sách trung ương giải ngân hơn 100 tỷ đồng/962,1 tỷ đồng, đạt 10,4% kế hoạch; vốn đầu tư nước ngoài giải ngân 16,4 tỷ đồng/390,4 tỷ đồng, đạt 4,2% kế hoạch. Đáng chú ý, toàn tỉnh có tới 20 dự án (12 dự án khởi công mới và 8 dự án chuyển tiếp) chưa triển khai thi công.

 Trong quý I-2020, khối lượng giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản toàn tỉnh chỉ đạt 14,3%. Ảnh: H.D
Trong quý I-2020, khối lượng giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản toàn tỉnh chỉ đạt 14,3%. Ảnh: H.D



Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 23-3, 9 chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân trên 15%. Trong số này, một số chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân cao như: huyện Chư Sê 45,1%, Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh 34,4%, huyện Kông Chro 24,8%, TP. Pleiku 22,9%... Ở chiều ngược lại, có tới 15 chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân rất thấp như: huyện Krông Pa đạt 1,4%, thị xã Ayun Pa 4,1%, huyện Kbang 6,6%, Sở Nông nghiệp và PTNT 9,5%... Đặc biệt, có 6 chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân 0% gồm: Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, các Ban Quản lý rừng phòng hộ, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông.

Xử lý, kiểm điểm các chủ đầu tư chậm giải ngân

Tính đến cuối tháng 3, toàn tỉnh còn 12/30 dự án khởi công mới được bố trí vốn trong năm 2020 chưa triển khai thi công; 8/62 dự án chuyển tiếp cũng chưa triển khai thi công các hạng mục thuộc kế hoạch năm 2020. Theo các chủ đầu tư, vướng mắc trong điều chỉnh dự toán theo Nghị định số 68/2019/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 1-10-2019 là nguyên nhân chính khiến nhiều dự án chậm triển khai.

Hội nghị trực tuyến Giao ban XDCB quý I-2020. Ảnh: Hà Duy
Hội nghị trực tuyến giao ban xây dựng cơ bản quý I-2020. Ảnh: Hà Duy



Thị xã Ayun Pa là một trong những địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp và có 4 dự án chưa khởi công. Ông Nguyễn Văn Lộc-Chủ tịch UBND thị xã Ayun Pa-lý giải: “Dự án đường nội thị Ayun Pa có tổng mức đầu tư 110 tỷ đồng, trong đó, vốn kế hoạch năm 2020 là 15 tỷ đồng. Dự án này do vướng việc điều chỉnh dự toán theo Nghị định số 68/2019/NĐ-CP nên đến ngày 21-3 mới phát hành hồ sơ mời thầu, thị xã cam kết đến ngày 25-4 sẽ triển khai thi công. Còn một số dự án nhỏ khác, các đơn vị thi công cho biết sau khi hoàn thành và bàn giao mới tiến hành giải ngân”. Tương tự, một số chủ đầu tư cũng lý giải việc chậm giải ngân vốn đầu tư công thời gian qua là do phải điều chỉnh dự toán theo Nghị định số 68/2019/NĐ-CP.

Không đồng tình với lý giải của các chủ đầu tư, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành cho rằng: “Phần lớn nguyên nhân chậm là do các chủ đầu tư thiếu trách nhiệm. Thêm nữa là các sở, ngành cũng còn nhiều lúng túng trong triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công. Tôi yêu cầu các chủ đầu tư phải nâng cao trách nhiệm một cách tối đa, không đùn đẩy trách nhiệm, phải chủ động đưa ra giải pháp để tháo gỡ khó khăn. Hàng tuần, các sở, ngành, các chủ đầu tư phải đi kiểm tra tiến độ các dự án đầu tư, nhất là các dự án trọng điểm. Đơn vị thi công nào yếu kém thì thay ngay đi. Còn với các dự án chuẩn bị đấu thầu thì phải công khai, phải từ chối tất cả các đơn vị tư vấn không đủ năng lực”.

Dự án nâng cấp, mở rộng mặt đường Cách Mạng Tháng Tám (TP. Pleiku) đang đẩy nhanh tiến độ thi công. Ảnh: Hà Duy
Dự án nâng cấp, mở rộng mặt đường Cách Mạng Tháng Tám (TP. Pleiku) đang đẩy nhanh tiến độ thi công. Ảnh: Hà Duy



Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hồ Phước Thành đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn hoàn chỉnh thủ tục, tăng cường quản lý, thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2020, hoàn chỉnh các thủ tục đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và tái định cư để có mặt bằng sạch, chậm nhất trước tháng 5-2020 phải giao mặt bằng cho đơn vị thi công; đồng thời chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về chậm trễ của mình và phải làm rõ, quy trách nhiệm của từng tập thể, cá nhân trong tham mưu làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án. Các ban quản lý dự án phối hợp với đơn vị thi công, tư vấn có kế hoạch xây dựng tiến độ triển khai dự án, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nếu vượt khả năng của mình kịp thời báo cáo xin ý kiến của người quyết định đầu tư; sau khi ký hợp đồng thì tiến hành các thủ tục tạm ứng đúng quy định, ấn định tỷ lệ thu ứng trên khối lượng hoàn thành trong hợp đồng ký kết.
 

 HÀ DUY

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai quy định mức tỷ lệ % để tính đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, đất có mặt nước

Gia Lai quy định mức tỷ lệ % để tính đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, đất có mặt nước

(GLO)- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Hữu Quế vừa ký ban hành Quyết định số 61/2004/QĐ-UBND quy định mức tỷ lệ phần trăm (%) để tính đơn giá thuê đất, mức đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, mức đơn giá thuê đất đối với đất có mặt nước trên địa bàn tỉnh.

Gia Lai: Lấy ý kiến góp ý dự thảo Quyết định quy định mức nộp tiền khi được Nhà nước giao đất, cho thuê đất

Gia Lai: Lấy ý kiến góp ý dự thảo Quyết định quy định mức nộp tiền khi được Nhà nước giao đất, cho thuê đất

(GLO)- Sở Tài chính tỉnh Gia Lai vừa có văn bản về việc lấy ý kiến góp ý dự thảo Quyết định quy định mức nộp tiền khi được nhà nước giao đất, cho thuê đất để sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp từ đất chuyên trồng lúa áp dụng trên địa bàn tỉnh.

Gia Lai: Quy định thẩm quyền quyết định việc đầu tư, mua sắm các hoạt động ứng dụng CNTT

Gia Lai: Quy định thẩm quyền quyết định việc đầu tư, mua sắm các hoạt động ứng dụng CNTT

(GLO)- Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai vừa ban hành Nghị quyết số 95/2024/NQ-HĐND quy định thẩm quyền quyết định việc đầu tư, mua sắm các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) sử dụng kinh phí chi thường xuyên nguồn vốn ngân sách nhà nước thuộc phạm vi quản lý của tỉnh.