Gia Lai đẩy mạnh tái canh để nâng cao năng suất, chất lượng cà phê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(GLO)- Những năm gần đây, các địa phương trong tỉnh Gia Lai đã hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tái canh đối với diện tích cà phê già cỗi, năng suất thấp. Chương trình này đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cà phê và tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích.

Huyện Đak Đoa có diện tích cà phê lớn nhất tỉnh với khoảng 28.000 ha, chiếm 57,8% diện tích cây trồng. Tuy nhiên, nhiều diện tích cà phê đã già cỗi, năng suất thấp. Để nâng cao năng suất, chất lượng cà phê, UBND huyện đã triển khai chương trình tái canh và hỗ trợ cây giống cho người dân. Theo đó, các hộ dân đăng ký tái canh được hỗ trợ 1-2 ngàn đồng/cây cà phê các giống TR4, TR7, TR9, TRS1; riêng hộ nghèo được hỗ trợ 100% cây giống. Giai đoạn 2016-2022, toàn huyện tái canh hơn 2.615 ha cà phê và dự kiến năm 2023 tái canh khoảng 400 ha.

Anh Sing (làng Dôr 1, xã Glar) cho hay: “Gia đình tôi có 3 ha cà phê trồng từ năm 1995 nên già cỗi, năng suất chỉ đạt 1-1,5 tấn nhân/ha. Năm 2017, tôi được huyện hỗ trợ cây cà phê giống TRS1 để tái canh. Hiện vườn cà phê tái canh đã cho thu hoạch ổn định trên 4 tấn nhân/ha. May mắn khi diện tích tái canh bắt đầu cho thu hoạch thì giá cà phê cũng tăng lên. Sau khi trừ chi phí đầu tư, gia đình lãi khoảng 80-100 triệu đồng/ha”.

Cán bộ nông nghiệp xã Glar (huyện Đak Đoa) hướng dẫn cách chăm sóc cây cà phê mới tái canh cho người dân. Ảnh: Lê Nam

Cán bộ nông nghiệp xã Glar (huyện Đak Đoa) hướng dẫn cách chăm sóc cây cà phê mới tái canh cho người dân. Ảnh: Lê Nam

Theo ông Lê Tấn Hùng-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa: Qua kiểm tra cho thấy, những diện tích cà phê tái canh năng suất tăng bình quân từ 1,5 tấn nhân/ha lên 3,5 tấn nhân/ha. Cá biệt, nhiều vườn cà phê đạt năng suất 6-7 tấn cà phê nhân/ha.

Huyện Ia Grai cũng có diện tích cà phê lớn với 18.081 ha, trong đó, hơn 16.470 ha đang kinh doanh. Từ năm 2016 đến nay, người dân và doanh nghiệp trên địa bàn huyện đã tái canh được hơn 3.400 ha cà phê. Ông Phan Đình Thắm-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-cho rằng: Việc tái canh cà phê đã góp phần nâng cao năng suất 2-3 lần so với trước, giúp nâng cao thu nhập cho người dân. Đồng thời, góp phần đảm bảo duy trì ổn định sản lượng cà phê, thúc đẩy việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững. Hàng năm, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đều hướng dẫn trực tiếp cho người dân về quy trình kỹ thuật tái canh, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên cây cà phê kết hợp cấp phát cây giống và kiểm tra vườn cây sau khi trồng. Ngoài ra, huyện cũng có văn bản giới thiệu, cung cấp thông tin về 4 cơ sở sản xuất cây giống trên địa bàn đã được Sở Nông nghiệp và PTNT cấp chứng nhận “Vườn ươm cà phê đạt tiêu chuẩn tham gia dự án VnSAT” để người dân tự mua cây giống.

Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã tái canh hơn 15.760 ha cà phê; xây dựng được 19 vườn mẫu sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn 4C, VietGAP tại các huyện: Ia Grai, Đak Đoa, Chư Prông, Chư Păh và TP. Pleiku; xây dựng 38 mô hình điểm về sản xuất và tái canh cà phê bền vững tại các huyện trồng cà phê trọng điểm của tỉnh; tổ chức 418 lớp tập huấn và cấp chứng nhận kỹ thuật sản xuất và tái canh cà phê bền vững cho 14.854 học viên (trên 4.000 học viên là người dân tộc thiểu số); thành lập 9 hợp tác xã và 10 tổ hợp tác sản xuất cà phê bền vững...

Cơ sở sản xuất cây giống cà phê tại xã Ia Sao, huyện Ia Grai chuẩn bị giống cà phê cho người dân trồng tái canh. Ảnh: Lê Nam

Cơ sở sản xuất cây giống cà phê tại xã Ia Sao, huyện Ia Grai chuẩn bị giống cà phê cho người dân trồng tái canh. Ảnh: Lê Nam

Ông Trần Xuân Khải-Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh-cho biết: Tái canh cà phê nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và duy trì sản lượng cà phê của tỉnh ổn định, hình thành các vùng sản xuất cà phê bền vững, góp phần thúc đẩy việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đến năm 2025, tỉnh phấn đấu đạt năng suất cà phê bình quân 3,2-3,5 tấn nhân/ha và trên 80% sản lượng cà phê quả tươi đạt tiêu chuẩn TCVN 9728-2012. Qua đánh giá, những diện tích cà phê tái canh khi bước vào thời kỳ kinh doanh cho năng suất khoảng 3,7 tấn nhân/ha. Ngoài ra, trong quá trình tái canh, hàng ngàn héc ta cà phê được người dân xen canh cây ăn quả vừa làm cây che bóng, vừa đa dạng sản phẩm, hạn chế rủi ro, nâng cao thu nhập trên cùng đơn vị diện tích.

“Theo kế hoạch, giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh sẽ tái canh 10.000 ha cà phê, ghép cải tạo 1.000 ha. Do đó, các địa phương cần tiếp tục hướng dẫn người dân thực hiện tái canh cà phê theo quy trình được ban hành tại Quyết định số 2085/QĐ-BNN-TT của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Đồng thời, khuyến cáo, hướng dẫn người dân canh tác cà phê theo tiêu chuẩn chất lượng như UTZ Certified, 4C, VietGAP... nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả vườn cây”-ông Khải thông tin thêm.

Có thể bạn quan tâm

Câu chuyện cấp thiết

Câu chuyện cấp thiết

Bình Thuận đang tích cực chuẩn bị cho việc đoàn thanh tra của EC đến thanh tra lần thứ 5 về các hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU); nhằm nỗ lực tháo gỡ thẻ vàng cho ngành thủy sản.
Gia Lai: Trao chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao

Gia Lai: Trao chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao

(GLO)- Chiều 8-5, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Gia Lai tổ chức hội nghị công bố Quyết định số 803/QĐ-UBND ngày 28-12-2023 của UBND tỉnh về việc công nhận kết quả đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm năm 2023.

Người cao tuổi ở Ia Grai làm kinh tế giỏi

Người cao tuổi ở Ia Grai làm kinh tế giỏi

(GLO)- Huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) có gần 7.000 hội viên người cao tuổi (NCT), trong đó, 659 hội viên được công nhận là NCT làm kinh tế giỏi. Họ là lực lượng đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương.